Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 14: Quyển 6 - Thiên Thứ Bốn - Lục Đạo - Bộ thứ 4: Quỷ Thần - Cảm Ứng Duyên

CẢM ỨNG DUYÊN:

Trích dẫn sơ lược sáu chuyện linh nghiệm.

1. Tư Mã Văn Tuyên đời Tống, người Hà Nội: cũng tin Phật pháp. Vào năm Nguyên Gia thứ chín, đang có tang mẹ thì em mất. Sáng ngày rằm, bỗng thấy em mình hiện nguyên hình trên linh vị, không khác ngày thường. Quanh co thở dài, xin cho ăn uống… Văn Tuyên hỏi thử: “Lúc còn sống, em tu hạnh thập thiện. Theo kinh nói, phải được sinh lên trời hay sinh làm người. Tại sao lại sinh vào đường ngạ quỷ thế này?”. Người em cúi xuống, nhìn lên, trầm ngâm im lặng, không chịu trả lời. Ngay đêm ấy, Văn Tuyên mơ thấy em mình về nói: “Công phu tu thiện của em đã được quả báo sinh lên trời rồi. Con quỷ sáng nay hiện ra trên bàn thờ chỉ là loại quỷ mị, không phải là em. Sợ anh ngờ vực, nên phải đến nói rõ cùng anh”. Sáng hôm sau, Văn Tuyên mời tăng sĩ đến tụng kinh Lăng Nghiêm và sai người đánh đuổi đi. Con quỷ ấy liền trốn dưới giường rồi chạy ra ngoài cửa, hình thù khá xấu xí. Cả nhà đều kinh hãi, mắng nhiếc đuổi đi. Quỷ trả lời: “Đói quá phải đến xin ăn thôi. Ít lâu sẽ đi!”. Một lát sau, trên đầu bàn thờ của mẹ ông lại có một con quỷ khác, da dẻ hình dung màu đỏ, thân thể rất cường tráng. Văn Tuyên thở dài, gợi chuyện qua lại, đều trả lời rành mạch. Lúc đầu còn sợ sệt, cuối cùng cũng hơi quen thuộc. Con quỷ cũng lân la lại gần, ăn ở vào ra gần như người nhà.

Bấy giờ, ở kinh đô cùng nhau truyền miệng đồn đãi. Người xem đi về, dấu chân chồng chéo đầy cửa. Lúc ấy, tại chùa Nam Lâm có một tăng sĩ cùng với tăng sĩ ở chùa Linh Vị là Sa-môn Hàm đã cùng với con quỷ đàm luận, cũng rất khúc chiết. Quỷ nói: “Kiếp trước, tôi cũng từng là người tôn quý. Vì phạm nhiều tội ác, phải chịu quả báo, chưa trả xong thì làm quỷ. Đến năm Dần, sẽ có đám quỷ bốn trăm đứa, bọn chúng làm ra bệnh dịch. Trong những người phải chịu nạn, không liên can đến các vị tu hành. Nhưng bọn quỷ ngang ngược đông quá, sẽ lạm dụng ra uy thiện phước, nên trên sai tôi đến giám sát bọn chúng”. Tăng sĩ đưa đồ ăn đến cho. Quỷ nói: “Tôi đã có đồ ăn, không cần phải đem cho những thứ này”. Sa-môn Hàm nói: “Quỷ biết nhiều chuyện, hãy nói thân ta từ đâu đến? Tại sao làm Sa-môn?”. Trả lời rằng: “Từ đường người đến. Nhân duyên xuất gia vốn do lời thệ nguyện”. Hỏi về chung cuộc của những lẽ tồn vong, sinh tử, quỷ trả lời đại khái, đều có hiệu nghiệm rõ ràng. Những chi tiết ấy rất nhiều, không thể ghi chép tỉ mỉ. Sa-môn Hàm hỏi: “Ông vốn không đến xin ăn, tại sao ở lâu đến thế?”. Quỷ trả lời: “Tại đây có một cô gái, đáng lẽ phải bị bắt. Nhưng vì giữ gìn giới hạnh tinh tiến, nên không thể bắt được. Lâu nay, tôi nấn ná ở đây là vì chuyện ấy. Làm quấy rối chủ nhà, thật đáng hổ thẹn!”. Từ đó về sau, rất ít thấy bóng dáng. Những kẻ đến xem sau, chỉ còn được nghe tiếng nói. Bấy giờ là năm Nguyên Gia thứ 10, đến ngày 28 tháng 3, quỷ nói với Văn Tuyên rằng: “Lâu nay đến ở nhờ, thấy ông xuất hết của cải làm phước. Đáng nễ như thế, làm sao ở lâu?”. Hiếu Tổ (tự của Văn Tuyên) trả lời: “Đã cho ông ở nhờ, tại sao lại ở trên bàn thờ tổ tiên của người ta?”. Trả lời: “Những người đã mất trong nhà ông đều có chỗ ở cả. Chỗ này chỉ bày suông ra thôi. Thế nên, tôi mới ở tạm”. Liền đó, từ biệt ra đi.

2. Vương Hồ đời Tống, người Trường An: Có người chú mất đã vài năm, đến năm Nguyên Gia thứ hai mươi ba, bỗng hiện hình về nhà, trách Hồ chỉ lo tu hành, bỏ phế việc nhà không lo liệu, đánh phạt năm mươi gậy. Những người hai bên và làng xóm đều nghe tiếng nói và tiếng gậy đánh phạt của người chú, lại thấy cả vết roi, nhưng không thấy hình dáng của người chú. Chỉ một mình Hồ là thấy được. Người chú bảo: “Số ta chưa đáng chết. Thần bảo cần ta để coi sóc bọn quỷ. Nay ta phải đi theo đoàn quan binh đông đảo, sợ kinh động hàng xóm nên không cho vào”. Hồ cũng thấy đoàn quỷ náo động ở ngoài làng. Giây lát, người chú từ biệt ra đi, và bảo rằng: “Ngày mồng bảy tháng bảy sang năm, ta sẽ trở về đưa cháu đi tham quan cõi âm, để biết sự báo ứng của tội phước. Không cần bày vẽ tốn kém, nếu cháu không bỏ ý định, chỉ mang theo trà thôi”. Đến kỳ hẹn, quả nhiên người chú trở về nói với người nhà của Hồ: “Nay ta đưa Hồ đi tham quan xong sẽ cho về. Chẳng có gì đáng lo ngại”. Hồ lập tức nằm lên giường, lặng bặt như chết. Liền đó, người chú đưa Hồ đi tham quan khắp các chỗ núi non, xem đủ các loài yêu quỷ. Cuối cùng, đến Tung Sơn, bọn quỷ gặp Hồ, đều làm tiệc thết đãi. Những món ngon đem mời không khác với thế gian, chỉ có món gừng thì rất giòn và ngon tuyệt. Hồ muốn giấu đem về. Bọn ngồi hai bên cười Hồ và nói: “Chỉ nên ăn tại đây, không được mang về”. Đến cuối, Hồ thấy một chỗ nhà cửa đẹp đẽ, rộng rãi. Màn chiếu sạch sẽ, chỉnh tề. Có hai tăng sĩ nhỏ tuổi ở đó. Hồ bước đến, hai tăng sĩ nhỏ tuổi dọn mời trái cây và trầu cau. Hồ đi tham quan cũng lâu, thấy đủ báo ứng của tội phước khổ vui, bèn xin từ biệt trở về. Chú của Hồ bảo: “Cháu đã biết thiện rất đáng tu, không nên tu tại gia. Ngài chân trắng như lụa, giới hạnh tinh tiến cao siêu. Thật xứng đáng làm thầy!”. Ở Trường An có vị Sa-môn chân trắng không dơ, nên người đương thời gọi là Bạch túc a luyện (chân trắng như lụa bạch), được giặc Ngụy rất tôn kính. Vua giặc Ngụy tôn làm thầy. Hồ đã đến xin quy y với ngài trong chùa, liền thấy hai tăng sĩ nhỏ tuổi từng gặp năm trước trên Tung Sơn đang theo học trong đại chúng. Hồ thất kinh, đem kể lể chuyện xa cách, hỏi thăm đến đây từ lúc nào. Hai tăng sĩ trả lời: “Bần đạo lâu nay vẫn ở chùa này, không nhớ trước đây có quen biết với huynh”. Hồ nhắc lại chuyện gặp gỡ trên Tung sơn. Hai tăng sĩ nói: “Huynh lầm với ai rồi! Đâu có chuyện ấy!”. Đến sáng hôm sau, hai tăng sĩ tự nhiên đi mất. Hồ đem kể rõ cho các Sa-môn chuyện gặp mặt trước đây trên Tung sơn. Đại chúng đều kinh ngạc, lập tức đi tìm hai tăng sĩ, không biết ở chỗ nào. Mới hiểu ra, họ chính là thần nhân.

Cuối niên hiệu Nguyên Gia, có tăng sĩ ở Trường An tên là Thích Đàm Sảng đến chơi Giang Nam, kể rõ đầu đuôi như thế.

3. Lý Đán đời Tống, tự là Thế Tắc, người Quảng Lăng: nhờ hiếu thảo, cẩn trọng, thành thật, nổi danh khắp làng xóm. Ngày mười bốn tháng giêng năm Nguyên Gia thứ 3, đột ngột chết mất, nhưng lồng ngực vẫn còn ấm. Bảy ngày sau sống lại, đút cháo cho ăn, một lúc sau bình thường như cũ, kể rằng: “Có người cầm phướn làm hiệu, đến đầu giường bảo vua Diêm La có lệnh cho gọi. Đán liền đi theo một mạch về hướng Bắc. Đường xá rất bằng phẳng, yên lặng. Khi đến nơi, thấy thành quách lầu gác cao lớn đẹp đẽ, giống như cung điện hiện nay. Sai viên truyền giáo hỏi thăm và bảo đi tới trước. Thấy trên tòa sảnh lớn có ba mươi vị ngồi làm việc. Mặc áo đơn, chít khăn xanh, phân ban ngồi rất đông đúc. Một vị ngồi phía Đông, mặc áo bào, tựa vào ghế. Thị vệ hầu hạ hơn trăm người. Người ấy nhìn Đán rồi phán với các vị đang ngồi rằng: “Nên chỉ cho thấy địa ngục để nhân gian biết rõ”. Đán vừa nghe phán xong, ngửng đầu lên nhìn quanh bốn phía, không nhận ra đâu nữa. Nhìn lại thì thấy đang ở trong địa ngục, thấy đám tội nhân đang chịu quả báo, rên rĩ kêu gào không thể nhìn nổi. Bỗng viên truyền giáo nói: “Vua Diêm La cho phép ông về. Sẽ đến đón ông lần nữa”. Nhờ thế, mà được trở về. Đến tháng giêng năm Nguyên Gia thứ 6 lại chết. Bảy ngày sau sống lại, thuật rõ mọi chuyên đã thấy, đại khái cũng như trước đây. Hoặc có tội nhân gởi lời nhắn lại với gia đình, lúc sống đã phạm tội, nhờ ra tay làm phước giùm cho. Nói qua tên họ, thân thích, làng xóm. Đán theo lời tìm đến, đều gặp được để chuyển lời. Đán còn nói vào năm giáp Thân, sẽ xảy ra trận dịch để tiêu diệt kẻ ác. Đệ tử thờ Phật, giữ giới Bát quan trai, tu tâm làm lành sẽ đượt thoát nạn. Đán giữ chức tế tửu của Đạo gia, bèn muốn bỏ đạo của mình. Đồ chúng khuyên răn, nên Đán theo cảhai bên, nhưng vẫn thường nhắn nhủ thực hành phép Bát quan trai.

4. Vào năm Nguyên Gia thứ bốn đời Tống: Thượng thư Bộc xạ Trịnh Tiên Chi, người đất Vinh Dương, tháp tùng nhà vua đi tuần sát kinh thành. Vừa tới nơi, đang đêm liền chết đột ngột. Ông hiển hiện lời thiêng bảo với mọi người: “Thọ mạng của ta đã hết lâu rồi, đáng ra phải chết sớm hơn. Nhờ suốt mấy năm nay, kính tin Phật pháp, bố thí phóng sinh. Vì công đức ấy nên mới kéo dài thêm được mấy năm. Than ôi! Lẽ báo ứng của hai cõi âm dương vốn có ảnh hưởng cùng nhau. Cần phải lìa bỏ thế tục, chuyên tâm phụng thờ Chánh pháp”. Bấy giờ, nhiều kẻ tôn quý cao sang đều nghe những điều ấy. (Bốn chuyện linh nghiệm trên đây rút từ Minh Báo Ký).

5. Huề Nhân Thiến là người Hàm Đan ở quận Triệu đời Đường: Thưở nhỏ theo học sách Nho, không tin quỷ thần. Thường muốn xem quỷ thần có thực hay không, đã đến một người dạy cho thấy quỷ học hơn mười năm, cũng chẳng thấy gì. Về sau dời nhà sang huyện Hướng. Trên đường đi, gặp một người giống quan lớn, áo mão rất lộng lẫy, cưỡi ngựa tốt, có hơn năm mươi tùy tùng, nhìn Nhân Thiến nhưng chẳng nói gì. Sau đó, vẫn thường gặp người ấy, nhưng thái độ vẫn như thế. Suốt hơn mười năm, cả thảy mấy chục lần. Sau nữa, bỗng dừng ngựa gọi Nhân Thiến, nói: “Thường gặp ông luôn, lòng ta rất hâm mộ. Xin được kết giao cùng ông”. Nhân Thiến liền vái chào, hỏi: “Ông là ai thế?”. Đáp: “Ta chính là quỷ đây. Họ là Thành, tên Cảnh, vốn người ở Hoằng Nông, làm Biệt giá thời Tây Tấn, hiện làm Trưởng sử ở nước Hồ”. Nhân Thiến hỏi: “Nước ấy ở đâu? Nhà vua tên họ gì? Đáp: “Phía Bắc Hoàng Hà đều là lãnh thổ của nước ấy. Kinh đô đóng tại phía Tây Bắc Lâu Phiền, là Sa Thích đấy mà! Nhà vua chính là Vũ Linh vương của nước Triệu ngày xưa, nay cai trị nước ấy, dưới sự thống lãnh của Thái Sơn. Hằng tháng, nhà vua đều sai Thượng tướng về chầu Thái Sơn. Thế nên, ta thường đi qua nơi đây và cùng ông gặp gỡ. Ta cũng có thể giúp cho ông biết trước tai họa để tránh né, thoát khỏi thiệt hại. Chỉ trừ định mệnh sống chết và báo ứng của họa phước lớn lao thì không thể thay đổi được mà thôi”. Nhân Thiến bằng lòng. Do đó, Thành Cảnh tặng cho một viên tùy tùng là thư ký họ Thường, sai đi theo Nhân Thiến và dặn dò: “Có chuyện sắp xảy ra, hãy báo trước cho Nhân Thiến biết. Chuyện gì nhà ngươi không biết nổi, phải đến báo cho ta hay”. Liền đó, từ biệt ra đi. Thường thư ký luôn luôn đi theo Nhân Thiến, giống như người hầu. Mỗi khi có chuyện cần tham vấn, chắc chắn đều biết trước. Bấy giờ, vào đầu niên hiệu Đại Nghiệp, Chi Tượng ở Lăng Sầm lành lệnh doãn tại Hàm Đan. Con là Văn Bản, tuổi còn niên thiếu. Chi Tượng mời Nhân Thiến đến nhà giảng sách cho Văn Bản. Nhân Thiến đem chuyện này kể cho Văn Bản nghe, rồi nói: “Thành Trưởng sử nói với ta, có một chuyện xấu hổ với ông lắm, không thể nói ra được. Nhưng đã chơi thân với ông, không thể không nói cho ông hay. Đường quỷ thần cũng có ăn uống thật, nhưng ăn không được no, luôn luôn khổ vì đói. Nếu ăn được một bữa của người, thì sẽ no suốt một năm. Vì thế, phần đông bọn quỷ đều đi ăn trộm của người. Ta đã có địa vị cao sang, không thể làm chuyện trộm cắp như thế. Xin ông cho một bữa ăn”. Khi Nhân Thiến đem chuyện ấy nói với Văn Bản, Văn Bản cho làm cỗ đủ các món ăn ngon quý. Nhân Thiến nói: “Quỷ không muốn vào nhà người, phía 18 ngoài bờ sông, nên giăng màn trải chiếu, bày tiệc dọn rượu lên trên”, Văn Bản làm theo lời ấy. Đến ngày, Nhân Thiến thấy Cảnh và khách khứa cùng đến, hơn trăm tùy tùng cũng đã ngồi yên. Văn Bản đứng lên vái chào, tạ lỗi vì cơm rượu chưa mấy tinh mỹ, đồng thời cũng truyền đạt lòng cảm tạ của Cảnh. Trước đó, khi Văn Bản sắp thết đãi, Nhân Thiến xin sắm vàng lụa để làm quà tặng. Văn Bản hỏi: “Đó là những thứ gì?”. Nhân Thiến nói: “Vật dụng của quỷ đều khác với người, chỉ có vàng và lụa thì thông dụng như nhau, nhưng tốt nhất là đồ giả. Lấy màu vàng bôi lên thiếc trắng làm vàng, lấy giấy làm bạc là giá trị nhất. Văn Bản theo lời mà sắm sửa. Khi Cảnh đã ăn uống xong, mới cho các tùy tùng ăn uống. Văn Bản đem tặng các thứ vàng lụa chế tạo, Cảnh rất hoan hỷ, cám ơn: “Nhân ông Huề nói ra, khiến cậu phải bận lòng sắm sửa mọi thứ! Cậu muốn biết tuổi thọ không?”. Văn Bản từ chối: “Không mong biết đến!”. Cảnh cười rồi ra đi. Mấy năm sau, Nhân Thiến mắc bệnh, tuy không nặng lắm, nhưng không gượng dậy nổi. Đã hơn một tháng trôi qua, Thiến hỏi Thường thư ký, nhưng Thường không biết, liền hỏi trưởng sử. Trưởng sử trả lời: “Hiện không biết được việc trong cả nước, chờ tháng sau, nhân đi chầu Thái Sơn, hỏi thăm tin tức rồi sẽ báo lại”. Đến tháng sau, trưởng sử báo rằng: “Do chính người làng là ông Triệu làm chủ sự ở Thái Sơn, vì còn thiếu một viên, đã tiến cử ông vào chức ấy, nên làm báo cáo trình bày, xin triệu ông. Khi báo cáo làm xong thì sẽ chết”. Nhân Thiến hỏi: “Xin đem báo cáo cho xem”. Cảnh nói: “Tuổi ông thọ hơn sáu mươi, nay mới bốn mươi, chỉ vì chủ bạ họ Triệu xin trưng dụng ông mà ra nông nỗi này thôi! Phải xin lại giúp ông mới được!”. Rồi nói thêm: “Chủ bạ họ Triệu có hỏi thăm, nói anh Huề là bạn học ngày xưa, tình sâu nghĩa nặng. Tôi may mắn được làm chủ bạ ở Thái Sơn. Vừa rồi có thiếu một viên ở đó. Vua Diêm La ra lệnh kiếm người. Tôi đã đem bẩm với ngài, và được chấp thuận. Anh ấy không thể sống mãi, chắc chắn phải chết. Chết đi, dù có cơ may, chưa chắc đã được làm quan. Tiếc chi một vài mươi năm kéo dài cuộc sống tạm bợ? Nay văn thư đã ban hành, không thể chậm lại. Mong anh ấy quyết định ý hướng đến đây, đừng nên chần chờ gì nữa!”. Nhân Thiến lo sợ, bệnh càng nặng thêm. Cảnh bảo Thiến rằng: “Chủ bạ họ Triệu chắc chắn muốn mời ông đến. Ông có thể thân hành lên Thái Sơn, đến trước vua Diêm La kêu cầu, may ra có thể thoát được”. Thiến hỏi: “Làm sao có thể ra mắt vua Diêm La?”. Cảnh bảo: “Chỉ loài quỷ mới có thể gặp được mà thôi. Đến miếu Thái Sơn, vượt qua một dãy núi nhỏ về phía Đông, đến chỗ đất bằng, đó là kinh đô của ngài. Ông tự mình đến ra mắt ngài đi”. Thiến đem báo cho Văn Bản, Văn Bản sửa soạn giúp hành trang. Được mấy hôm, Cảnh lại báo với Thiến: “Văn thư sắp xong rồi, sợ ông kêu cầu cũng không thoát khỏi. Hãy mau mau làm một tượng Phật, văn thư ấy tự nhiên sẽ tiêu tan”. Thiếu báo cho Văn Bản, rồi đem 3 nghìn tiền mướn vẽ một tượng Phật lên vách phía Tây nhà chùa, vừa xong, Cảnh lại đến báo: “Thoát rồi!”. Thật tình, Thiến không tin Phật. Trong lòng vẫn còn hồ nghi, nên hỏi Cảnh rằng: “Phật pháp nói có nhân quả ba đời, điều này hư thật ra sao?”. Cảnh trả lời: “Đều thật cả”. Thiến lại hỏi: “Đã như thế, thì người chết sao phải phân chia sáu đường, lẽ nào tất cả đều làm quỷ? Tại sao Vũ Linh vương và ông đến nay vẫn còn làm quỷ?”. Cảnh hỏi: “Trong huyện của ông có bao nhiêu nhà?”. Thiến đáp: “Hơn vạn nhà”. Lại hỏi: “Trong ngục có bao nhiêu tù?”. Thiến đáp: “Bình thường, dưới hai mươi đứa”. Lại hỏi tiếp: “Trong vạn nhà ấy, có bao nhiêu người làm quan ngũ phẩm?”. Thiếp đáp: “Không có ai cả”. Lại hỏi nữa: “Từ cửu phẩm trở lên. Có bao nhiêu người làm quan?”. Thiến đáp: “Vài chục người”. Cảnh nói: “Ý nghĩa của sự phân chia vào trong sáu đường cũng như thế mà thôi. Được sinh lên đường Trời, vạn người chưa có được một, giống như trong huyện của ông không có ai được làm quan ngũ phẩm. Được sinh vào đường người, vạn người có được vài ba, giống như trong huyện của ông có vài chục người làm quan cửu phẩm. Đọa vào địa ngục, vạn người cũng có mấy chục, giống như số tù nhân trong nhà ngục của huyện ông. Chỉ có ngạ quỷ và súc sinh là nhiều nhất, giống như số nhà phải chịu thuế má phu phen trong huyện của ông. Ngay trong đường này cũng có thứ bậc”. Nhân đó, Cảnh chỉ vào kẻ tùy tùng rồi nói: “Người ấy hoàn toàn không giống như ta. Những kẻ không bằng người ấy, lại càng nhiều hơn nữa”. Thiến hỏi: “Quỷ có chết không?”. Trả lời: “Có chứ”. Thiến hỏi: “Chết xong sẽ sinh vào đường nào?”. Trả lời: “Không biết. Giống như người chỉ biết chuyện sống mà không biết chuyện sau khi chết xong”. Thiến hỏi: “Đạo gia đặt ra sớ chương cúng vái, liệu có cầu khẩn thêm được gì không?”. Cảnh đáp: “Đạo gia chủ trương Thiên đế quản lảnh khắp cả sáu đường, gọi đó là Thiên tào. Vua Diêm La giống như Thiên tử của thế gian. Chúa của Thái Sơn giống như Tể tướng. Những vị thần coi năm đường giống như các Thượng thư. Còn nước của bọn ta giống như châu, quận lớn. Mỗi khi nhân gian có chuyện cầu xin, gọi là dâng chương sớ. Như chuyện cầu phước, cũng giống cầu thần ban cho ơn phước. Thiên tào nhận lấy, giao xuống cho Diêm La, bảo ngày tháng đó, có người đó kêu cầu chuyện đó. Cần xem xét tận tình, đừng để oan uổng, lạm phép. Vua Diêm La nhận lấy và tuân hành theo, giống như người ta tuân theo chiếu chỉ. Chuyện phi lý, không thể cầu khẩn van nài. Có oan uổng, chắc chắn được làm sáng tỏ. Làm gì có chuyện cầu khẩn thêm được!”. Thiến còn hỏi: “Nhà Phật tu phước thì thế nào?”. Cảnh đáp: “Phật là bậc đại Thánh. Không có văn thư sai khiến xuống dưới. Hễ ai tu phước thì sẽ được thiên thần kính nể. Phần đông đều được hưởng khoan hồng. Như người nào phúc hậu, dẫu có tên trong sổ bộ của bên đường ác, cũng không được phép bắt bớ. Đó là điều ta không biết và cũng không hiểu tại sao lại như thế”. Cảnh nói xong, liền ra đi. Một vài ngày sau, Thiến có thể ngồi dậy nổi và lành bệnh hẳn.

Sau khi Văn Bản mất cha, liền trở về quê. Thiến gửi thư nói: “Quỷ thần thật giỏi tham lam ton hót. Ngày trước, muốn cậu cho ăn uống, nên rất thân thiết ân cần. Khi biết không còn lợi dụng được nữa, liền tỏ ra rất lạnh nhạt xa lạ. Tuy thế, Thường thư ký vẫn còn họp mặt. Vừa qua huyện nhà bị giặc vây, số người chết chóc, thất tán gần hết. Ta nhờ Thường thư ký báo trước, nên cũng bình tâm. Giặc không bắt gặp, nên vẫn được an toàn”.

Ngày mồng 8 tháng chín năm Trinh Quan thứ mười sáu, các văn thần được nhà vua ban cho tập bắn ở cửa Huyền Vũ. Bấy giờ, Văn Bản làm Trung thư thị lang, cùng đi với anh ruột làm Thái thường khanh và Thị thư thị ngự sử Mã Châu, Cấp sự trung Vi Côn. Khi ngồi vào chỗ với nhau, Văn Bản tự mình đem kể với các đồng liêu nghe như thế. (Chuyện trên đây rút từ Minh Báo Ký).

6. Thuật rõ nhiều loại quỷ thần trong nhân gian: Các huyện vùng núi ở Lâm Xuyên có yêu quái đến ở, thường nhân mưa gió lớn, cất tiếng kêu lên như hú, biết bắn người. Vết thương như bị móng thú cào cấu, đầu sưng nặng nề. Độc nhất là thứ trống, mái. Trống thì nhanh, mái thì chậm. Nhanh thì không quá nữa ngày. Chậm thì không qua khỏi đêm. Lên rừng cần có người đi theo, thường để cứu chữa. Nếu chữa chạy ít bớt thì phải chết. Tục gọi là “quỷ lao đao”. Thế nên sách dân gian nói: “Quỷ thần là kẻ chứng nghiệm của sự phát huy họa phúc đối với nhân thế”.

Lão Tử nói: “Xưa được một, nghĩa là trời được một để trong. Đất được một để yên. Thần được một để linh. Hang được một để đầy. Vương hầu được một để làm lành cho thiên hạ”. Thế thì, trời đất quỷ thần đều là những chủ thể sống chung với ta vậy. Vì khí phân hóa, nên tính khác nhau. Đứng riêng biệt nên hình lạ hoắc. Chẳng có gì được lưỡng toàn cả. Sống thì nặng nề về dương. Chết thì nặng nề về âm. Là chỗ nương náu của tính. Mỗi cái đều được yên nơi. Trong cõi thái âm có quái vật sinh tồn”. (Hai chuyện nhỏ trên đây rút từ Sưu Thần Ký).

Sách Hàn Thi Ngoại Truyện nói: “Chết làm quỷ. Quỷ là quay về. Tinh khí quay về với trời. Thịt quay về với đất. Huyết quay về với nước. Mạch quay về với đầm. Tiếng quay về với sấm. Cử động quay về với gió. Mắt quay về với mặt trời mặt trăng. Xương quay về với cây. Gân quay về với núi. Răng quay về với đá. Mỡ quay về với móc sương. Móc sương quay về với cỏ. Hơi thở lại quay về với con người”.

Sách Lễ Ký Tế Nghĩa chép: “Tể Ngã nói, con nghe tên của quỷ thần, nhưng không biết được ý nghĩa. Khổng Tử bảo rằng: “Khí là sự hưng thịnh của quỷ thần. Phách là sự hưng thịnh của quỷ. Tổng hợp cả quỷ và thần là mục đích của giáo hóa vậy”.

Theo sách Thập Lục Quốc Xuân Thu Tiền Lương Lục của Thôi Hồng nói: “Trương Khuynh là con nhà họ Mã ở An Định. Trước đây, khi Trương Khuynh giết Cúc Kiệm. Cúc Kiệm buông lời oán hận. Thế rồi, dưới ánh trăng sáng thấy con chó bạch xuất hiện. Trương Khuynh rút kiếm chém lấy, bị té nhào xuống, không gượng dậy nổi. Kẻ hầu cận thấy Cúc Kiệm đứng ngay bên cạnh. Trương Khuynh chết ngay.

Theo kinh Thần Dị nói: “Phía Đông Bắc có thạch thất của chằn tinh, gồm có ba mươi hộ ở chung. Bia đá dựng kề bên đề rằng “cửa quỷ”. Suốt ngày không đóng cửa. Đến chiều tối có tiếng người nói, có ánh lửa xanh lóe lên”. (Bốn chuyện linh nghiệm trên đây rút ra từ sách Thái Bình Ngự Lãm).

Thưở còn nhỏ, Tống Định Bá ở Nam Dương đi đêm gặp quỷ, hỏi: “Ai đó?”. Đáp: “Quỷ đây”. Bỗng quỷ hỏi lại: “Ông là ai thế?”. Định Bá gạt nó, trả lời: “Ta cũng là quỷ”. Quỷ hỏi: “Đang đi đâu?”. Đáp rằng: “Đang đến chợ Uyển”. Rồi đi được mấy dặm, quỷ nói: “Đi bộ thế này chậm quá, nên cùng thay phiên cõng nhau”. Định Bá nói: “Hay tuyệt!”. Quỷ bèn cõng Định Bá trước, đi được mấy dặm, quỷ nói: “Ông nặng quá. Hay không phải là quỷ?”. Định Bá trả lời: “Vì ta mới chết nên thân còn nặng”. Nhân đó, Định Bá thay phiên cõng lại quỷ. Quỷ hầu như không nặng chút nào. Cứ thế, cùng thay phiên cõng nhau đến ba lượt. Định Bá lại nói: “Ta mới chết, nên không biết rõ quỷ sợ cái gì?”. Quỷ đáp: “Chỉ không thích người ta nhổ vào mình thôi”. Rồi cõng nhau đi tiếp. Giữa đường gặp sông, Định Bá bảo quỷ lội trước. Quỷ nghe lời, tuyệt đối không có tiếng động. Định Bá tự lội, tiếng động bì bõm. Quỷ lại hỏi: “Tại sao lội có tiếng động?”. Định Bá trả lời: “Mới chết, không quen lội nước, nên phải như thế. Đừng lấy làm lạ về ta nữa”. Đi sắp 162 đến chợ Uyển, Định Bá liền cõng quỷ, túm lấy trên đầu, giữ thật chặt. Quỷ kêu ré lên thành tiếng lớn đòi xuống. Định Bá không nghe lời, cứ đi thẳng một mạch đến chợ Uyển. Bỏ quỷ xuống đất, nó liền hóa thành một con dê. Định Bá đem ra bán. Sợ nó biến hình, liền nhổ vào nó. Định Bá bán được một ngàn năm trăm tiền rồi bỏ đi. Thời bấy giờ, Thạch Sùng nói: “Định Bá bán quỷ được một ngàn năm trăm tiền”. (Chuyện linh nghiệm trên đây rút ra từ Liệt Dị Truyện).

Sách Triệu Thái Truyện nói: “Thái từng lặng lẽ mà chết. Có hai người sứ giả dắt đi về phía Tây, vào trong tòa chính điện, gồm có ba lớp cửa màu đen, chu vi rộng mấy chục dặm, nóc cao lợp ngói. Hôm đó, cũng có người cùng chết, nam nữ đến , 6 nghìn người, tất cả đều chờ ngoài cửa. Có viên thư ký mặc áo đơn trắng, cầm bút điểm danh. Nam nữ chép riêng thành hai hàng trái phải. Bảo rằng: “Đừng nhúc nhích, ta phải dẫn các ngươi vào trình với chúa Thái Sơn. Sổ bộ nằm trong quyển thứ 20”. Giây lát đã đến nơi. Chúa ngồi quay mặt về phía Tây, hai bên có thị vệ cầm đao đứng hầu. Hai hàng nam nữ đến đó, nghe kêu tên, lần lượt từng người một bước vào chỗ chúa. Căn cứ vào tội trạng nặng nhẹ, chúa xét xử cho vào ngục”. Xét Bảo Phác Tử nói: “Theo các sách Cửu Đỉnh Ký và Thanh Linh kinh đều cho rằng người và vật chết đi, đều có quỷ cả”.

Đời Ngụy, khi Tôn Ân làm loạn, đất Ngô Hưng đều rối beng. Có một gã đàn ông trốn loạn, đột nhập vào miếu thờ Tưởng hầu. Mới bước vào cửa, tượng gỗ đã giương cung bắn gã chết tươi. Người qua đường và thủ từ, ai cũng trông thấy rõ ràng. (Chuyện linh nghiệm trên đây rút ra từ U Minh Lục).

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây