Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 5: Thiên Thứ Hai - Tam Giới - Tập Hai - Chư Thiên

II. CHƯ THIÊN
Có hai mươi hai phần: Biện vị, Hội danh, Nghiệp nhân, Thọ sinh, Giới lượng, Thân lượng, Y lượng, Thọ lượng, Trụ xứ, Quảng hiệp, Trang sức, Tấu thỉnh, Thông lực, Thân quang, Thị dịch, Hôn lễ, Ẩm thực, Bộc thừa, Quyến thuộc, Quý tiện, Bần phú, Tống chung.

Thứ nhất: PHẦN BIỆN VỊ
Như trong luận Bà-sa nói: “Trời có ba mươi hai loại: dục giới có mười loại, sắc giới có mười tám loại, vô sắc giới có bốn loại. Gộp lại thành ba mươi hai loại Trời vậy.

+ Thứ nhất là mười loại Trời của dục giới: một là Trời Thiên thủ, hai là Trời Trì hoa man, ba là Trời Thường phóng dật, bốn là Trời Nhật nguyệt tinh tú, năm là Trời Tứ thiên vương, sáu là Trời Tam thập tam (gọi chung là Trời Đao lợi), bảy là Trời Viêm ma, tám là Trời Đâu suất đà, chín là Trời Hóa lạc, mười là Trời Tha hóa tự tại. (Trời Nhật nguyệt tinh tú ở đầu và bốn Trời ở sau, tất cả năm Trời này đều cư trú giữa không trung. Các Trời Thiên thủ, Trì hoa man, Phóng dật, Tứ thiên vương, Đao lợi, tất cả năm Trời này đều cư trú trên núi. Tại phần thứ chín Trụ xứ, có nói đầy đủ).

+ Thứ hai là sắc giới có mười tám Trời. Trong cõi Sơ Thiền có ba Trời: một là Trời Phạm chúng, hai là Trời Phạm phụ, ba là Trời Đại phạm. (Trời Đại phạm này không có chỗ ở riêng, song Trời Phạm phụ có lâu đài, nguy nga hoành tráng, Thiên vương Đại phạm một mình ngự trên đó, để phân biệt với quần thần. Trong ba Trời nầy, Trời Phạm chúng là thứ dân, Trời Phạm phụ là quần thần, Trời Đại phạm là vua. Chỉ ở cõi Sơ thiền này mới có sự phân biệt quân thần. Từ đây trở lên hết thảy đều không có như thế). Trong cõi Nhị Thiền lại có ba Trời: Một là Trời Thiểu quang, hai là Trời Vô lượng quang, ba là Trời Quang Âm. Trong cõi Thứ ba Thiền, cũng có ba Trời: Một là Trời Thiểu tịnh, hai là Trời Vô lượng tịnh, ba là Trời Biến tịnh. Riêng trong cõi Đệ tứ Thiền cũng có 9 Trời: một là Trời Phước sinh, hai là Trời Phước ái, ba là Trời Quảng quả, bốn là Trời Vô tưởng (Trời Vô tưởng này không có chỗ ở riêng, chỉ ở cùng chỗ với Trời Quảng quả. Do đây là ngoại đạo cư trú, nên chia thành hai tên khác nhau), năm là Trời Vô phiền, sáu là Trời Vô nhiệt, bảy là Trời Thiện hiện, tám là Trời Thiện kiến, chín là Trời Sắc cứu cánh (cũng gọi là Trời A ca nị tra).

+ Thứ ba là vô sắc giới cũng có bốn Trời: một là Trời Không xứ, hai là Trời Thức xứ, ba là Trời Vo sở hữu xứ, bốn là Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ (như thế gọi là Tam giới, gồm có ba mươi hai loại Trời).

Hỏi: “Chưa rõ trong ba mươi hai cõi Trời nầy, có bao nhiêu cõi phàm, bao nhiêu cõi Thánh?”. Đáp: “Chỉ có hai cõi phàm, năm cõi Thánh. Trong hai mươi lăm cõi còn lại, phàm Thánh ở chung. Hai cõi được gọi chỉ có kẻ phàm ở là: một là Trời Đại phạm của Sơ Thiền, hai là Trời Vô tưởng trong Tứ Thiền, là chỗ cư trú chỉ dành cho kẻ ngoại đạo”.

Hỏi: “Vì sao hai cõi nầy chỉ có kẻ phàm ở?”.

Đáp: “Vì Thiên vương Đại phạm không thấu đạt nghiệp nhân, nên phát ngôn: “Ta có khả năng tạo dựng tất cả trời đất chúng sinh”. Ỷ thị vào sự ngã mạn này mà khinh miệt tất cả Thánh nhân, nên chẳng ở chung với họ. Hơn nữa, trong Trời Vô tưởng, chỉ có kẻ ngoại đạo tu tập định vô tưởng, nên sinh vào đấy, hưởng thọ phước báo năm trăm kiếp vô tâm. Kẻ ngoại đạo ấy không thấu đạt, cho đây là Niết bàn. Đến khi phước báo đã hết, tất nhiên nảy sinh tà kiến, lại sinh vào địa ngục. Vì lý do này, tất cả Thánh nhân đều không sinh vào đấy. Năm cõi được gọi chỉ có Thánh nhân cư trú là năm Trời Tĩnh cư, kể từ Trời Quảng quả trở lên các trời Vô phiền, Vô nhiệt, là chỗ cư trú của các bậc A-na-hàm, La hán. Nếu kẻ phàm muốn sinh vào đấy, phải nhắm đạt đến pháp thân Ana-hàm, chứng được Tứ Thiền, phát trí vô lậu, hun đúc Thiền nghiệp, tu luyện một phẩm cho đến năm phẩm, mới được sinh vào đấy. Kẻ phàm phu vì không huân tập Thiền nghiệp, nên không sinh vào đấy.

Nếu nói A-na-hàm sinh vào cõi ấy thì đúng lý, khỏi phải nghi ngờ”. Vậy hỏi: “A-la-hán đã là bậc vô sinh, vì sao lại nói sinh vào cõi ấy?”.

Đáp: “Điều này có nghĩa rằng từ dục giới, A-na-hàm nhờ sinh vào đấy mà chứng quả A-la-hán, chứ không có nghĩa rằng trước đã là A-la-hán mới sinh vào đấy. hai mươi lăm cõi Trời còn lại, Thánh phàm cùng ở chung, không nói cũng đã rõ”. Nếu căn cứ hoàn toàn theo giáo lý Đại Tiểu thừa, thì gồm có bốn Trời, nên kinh Niết bàn nói: “Có bốn loại Trời: một là Thế gian thiên, hai là Sinh thiên, ba là Tịnh thiên, bốn là Nghĩa thiên. Thế gian thiên là như các quốc vương. Sinh thiên là từ Trời Tứ thiên vương đền Trời Phi tưởng vô tưởng. Tĩnh thiên là từ Tu đà hoàn đến Bích-chi Phật . Nghĩa thiên là Thập trụ Bồ tát ma ha tát. Vì sao Thập trụ Bồ tát gọi là Nghĩa thiên? Vì thường hiểu rõ nghĩa lý các pháp, thấy rõ tất cả các pháp đều có nghĩa không”.

Thứ hai: PHẦN HỘI DANH
Thứ nhất là Tứ thiên vương. Theo kinh Trường A-hàm nói: “Thiên vương ở phương Đông tên là Đa la tra, nghĩa là Chúa trị nước (luận Trí Độ gọi là Đề Đầu Lại Tra), thống lãnh Càn thát bà và các thần tướng và Tỳ xá xà, hộ vệ nhân dân nước Phất-bà-đề khỏi bị xâm lăng. Thiên vương ở phương Nam tên là Tỳ lưu ly, nghĩa là Chúa sinh trưởng (luận Trí Độ gọi là Tỳ lâu lặc xoa), thống lãnh các thần Cưu bàn trà và Bệ lệ, hộ vệ nhân dân nước Diêm-phù-đề. Thiên vương ở phương Tây tên là Tỳ lưu bát xoa, nghĩa là chúa lời dữ (luận Trí Độ gọi là Tỳ lâu bát xoa), thống lãnh tất cả loài Rồng và Phú đơn na, hộ vệ nhân dân nước Cù-da-ni. Thiên vương ở phương Bắc tên là Tỳ-sa-môn, nghĩa là chúa kiến thức, thống lãnh các Dạ-xoa và La sát, hộ vệ nhân dân nước Uấtđơn-việt”. Luận Trí Độ nói: “Thiên Đế-thích, đầy đủ theo Phạm âm, phải nói là Đề bà na nhân. Thích Ca là Năng (đời Tần dịch), Đề bà là Thiên, Nhân là chúa. Gộp lại mà nói, là Năng Thiên Chúa nghĩa là Thiên chúa tài năng. Tu dạ ma thiên là Diệu thiện (đời Tần dịch). Đâu suất đà là Diệu túc (đời Tần dịch). Tu niết mật đà là Hóa lạc (đời Tần dịch). Bà xá bạt đề là Tha hóa tự tại thiên (đời Tần dịch). Phạm Thiên vương tên là Thi khí (đời Tần dịch là Đại đỉnh, các đời khác dịch là Đại khí). Thủ đà bà thiên là Tĩnh cư thiên”. (Đời Tần dịch. Vả lại theo luận Trí độ chỉ giải thích các Trời chính, số trời ngoài đây ra thì các tên đều được nói đầy đủ trong luận Bà-sa hiềm vì văn từ phức tạp, nên không thể chép lại tất cả). Kinh Trung A-hàm nói: “Bấy giờ, có Tỳ-kheo xa lạ, tìm đến chỗ Phật, dập đầu lạy dưới chân Ngài, rồi lui ra đứng xa, bạch Phật rằng: “Thưa Thế-tôn, vì nguyên nhân nào, gọi là Thích-đềhoàn Nhân?”. Phật bảo Tỳ-kheo ấy: “Thích-đề-hoàn Nhân, khi còn làm người, vốn thường hay bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn nghèo nàn khổ sở, các thứ đồ ăn uống, tiền của, đèn đuốc. Vì có khả năng nhẫn nhịn bố thí như thế, nên gọi tên là Thích-đề-hoàn Nhân”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Phú-lan-đà-la?”. Phật bảo: “Người ấy, khi còn làm người, thường thường bố thí các thứ áo quần, chăn màn, đồ ăn thức uống, cho đến cả đèn đuốc, nên gọi tên là Phú-lan-đà-la”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Ma ha bà?”. Phật bảo: “Người ấy, khi còn làm người, tên là Ma già bà, tức là lấy quê quán đặt tên”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Ta-bà-bà?”. Phật bảo: “Người ấy, khi còn làm người, lấy áo Bà-săn của chính mình bố thí cúng dường, nên gọi là Ta-bà-bà”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Kiêu thi ca?”. Phật bảo: “Vốn khi còn làm người, người ấy mang họ Kiêu thi ca, nên gọi tên như thế”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Xá-chi bát đê?”. Phật bảo: “Vị Xá-chi ấy là hoàng hậu thứ nhất của Thiên Đế-thích”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Thiên nhãn?”. Phật bảo: “Vốn khi còn làm người, người ấy thông minh, trí tuệ. Vừa đặt mình ngồi xuống, đã suy nghĩ ra ngàn ý nghĩa khác nhau, quan sát thấu đáo, ước lượng chính xác, nên gọi tên như thế”. “Lại vì nhân duyên nào, gọi là Nhân đề lợi?”. Phật bảo: “Vì Thiên Đế-thích là chúa tể của ba mươi hai chư Thiên”. Phật lại bảo Tỳ-kheo ấy: “Nhưng Thíchđề-hoàn nhân ấy, khi còn làm người, đã thọ trì bảy điều, nên được trở thành Thiên Đế-thích. Là những điều gì? Ấy là từ cúng dường cha mẹ cho đến bố thí rộng rãi khắp chúng sinh, như kinh kệ nói, nên được làm Thiên Đế-thích”.

Thứ ba: PHẦN NGHIỆP NHÂN
Hỏi: “Tạo nghiệp nào sinh ra báo ứng ở Lục đạo?”. Trả lời rằng là theo luận Trí Độ nói: “Nghiệp báo của Lục đạo không ngoài phạm vi thiện ác. Mỗi thứ đều có ba phẩm là thượng, trung, hạ. Thượng phẩm sinh vào trời, trung phẩm inh vào người, hạ phẩm sinh vào bốn ác đạo”.

Nếu y theo nghĩa này, chỉ cần thượng phẩm thiện cũng đủ sinh vào cõi Trời, không phân chia Tán, Định riêng biệt hay sao? Nếu y theo trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, thấy có nói cụ thể làm Thập thiện được sinh vào Thiên đạo, và có phân chia riêng biệt Định, Tán ở Tam giới. Kinh ấy nói: “Lại có Thập thiện, khiến chúng sinh thọ báo ứng ở Trời dục giới, tụ tập đầy đủ tăng thượng pháp Thập thiện thì thọ báo ứng được sinh vào Trời dục giới. Đó là tán Thiện nghiệp ở dục giới tán. Lại có bốn nghiệp, thường khiến chúng sinh thọ báo ứng ở Trời Vô sắc giới. Một là nghĩa vượt qua hết thảy sắc tưởng, diệt hết thảy hữu đối tưởng, nhập vào không xứ định. Hai nghĩa là vượt qua hết thảy không xứ định, nhập vào thức xứ định. Ba nghĩa là vượt qua hết thảy thức xứ định, nhập vào vô sở hữu xứ định. Bốn nghĩa là vượt qua hết thảy vô sở hữu xứ định, nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nhờ bốn nghiệp nầy, thọ được báo ứng của vô sắc giới. Nếu thế, ở cõi vô sắc này, tại sao không nói đến Thập thiện nghiệp? Phải nói rằng ở cõi này là vô sắc báo ứng tạp sắc để tu phép xa lìa hai nghiệp thân khẩu. Thế nên, căn cứ vào địa vị, chỉ nói bốn nghiệp mà không nói đến Thập thiện. Tuy nhiên, những điều nói trên, đều do Phật phân biệt nghiệp báo nhân quả tương đương, không sai biệt.

Nếu theo kinh Thiện Giới nói, thì tăng giữ hai trăm năm mươi giới, ni giữ ba trăm bảy mươi tám giới, cũng chính là Thiện nghiệp để sinh vào cõi Trời. Thế nên kệ trong luật Tứ Phần nói:

“Người sáng thường giữ giới,
Thường được ba điều vui,
Danh dự và lợi lạc,
Chết được sinh lên Trời”.

Đó là căn cứ vào Trời Dục giới mà nói. Hơn nữa, theo kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Hoặc nhờ giữ giới, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, do ba Thiện nghiệp này, cũng được sinh vào cõi Trời”. Đó cũng là sinh vào cõi Trời Dục giới, Trời Sắc giới. Nói nhân ở thời khác nữa, nên không phải khư khư ôm vào ba Thiện nghiệp này liền được sinh vào cõi Trời. Như kinh Ôn Thất nói: “Có vị Tăng nát rượu, khi sạch nghiệp, cũng được sinh vào cõi Trời và hưởng phước báo ở Thượng giới”. Đây cũng ý nói còn có nhân ở thời khác nữa, chứ không đưa ra các vị Tăng nát rượu nhờ tán thiện, đều được sinh vào Thượng giới. Nhưng chỉ là báo ứng của Trời Dục giới. Lại nữa, như kinh Niết Bàn nói: “Có bà mẹ hiền, vì muốn cứu đứa con chết đuối trên sông Hằng, nên cả hai mẹ con đều chết, đượcsinh vào cõi Phạm Thiên”. Đấy cũng chỉ là lòng nhân từ của tán tâm, chẳng có chút định nào hỗ trợ cả, làm sao được sinh vào cõi Trời? Đấy chỉ nên căn cứ ở nhân xa xưa, chẳng phải chỉ khư khư ở lòng nhân từ của tán tâm liền được sinh vào cõi Trời. Lại như một lần nghe qua kinh Niết Bàn mà không đọa vào bốn ác đạo, thì cũng có ý nghĩa như trên. Bởi vậy kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu thân không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, miệng không nói dối, thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói ác độc, giữ được bảy giới này, thì được sinh vào cõi Trời Tứ thiên vương. Nếu thường giữ được bảy giới thì được sinh vào Trời Hóa lạc. Sự báo ứng này có ba phẩm, đó là thượng, trung, hạ. Nếu giữ giới không sát sinh, thì được sinh vào Trời Tứ thiên vương. Nếu giữ giới không sát sinh, không trộm cắp, thì được sinh vào Trời Tam thập tam. Nếu giữ giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm thì được sinh vào Trời Dạ ma. Nếu giữ giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói ác độc, thì được sinh vào Trời Đâu suất đà. Thọ trì giới thế gian, tin tưởng phụng trì giới Phật. Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói ác độc, thì được sinh vào các Trời Hóa lạc, Trời Tha hóa tự tại”. Lại nữa, kinh Trường A-hàm nói: “Từ trước ở nơi cửa Phật, thanh tịnh tu trì Phạm hạnh, ở đời này sau khi mệnh chung thì được sinh vào Trời Đao lợi, khiến cho các Trời ấy tăng thêm năm điều phước đức: một là Thiên thọ, hai là Thiên sắc, ba là Thiên danh xưng, bốn là Thiên lạc, năm là Thiên uy đức”. Kinh Tạp A-hàm nói: “Bấy giờ, Phật bảo Tỳ-kheo: vào thời quá khứ, ở nước Câu Tát La có người chơi đàn tên là Lộc Ngưu du hành trong nước Câu Tát La ấy và nghỉ ngơi giữa chỗ hoang vắng. Có sáu thiên nữ ở Thiên cung vĩ đại hiện xuống chỗ người chơi đàn và bảo rằng: “Ông ơi! Ông ơi! Đàn lên cho chúng tôi nghe, chúng tôi sẽ ca múa cho mà xem!”. Lộc Ngưu nói rằng: “Phải đấy, các tỉ muội! Tôi sẽ đàn cho các tỉ muội nghe, nhưng các tỉ muội phải nói tôi là ai, vì sao sinh xuống thế gian này”. Các Thiên nữ đáp rằng: “Xin ông cứ đàn lên, chúng tôi sẽ ca múa. Trong lời ca, sẽ nói lên vì sao ông sinh xuống thế gian này”. Người ấy liền chơi đàn. Sáu thiên nữ ấy lập tức ca múa theo tiếng đàn.

Thiên nữ thứ nhất ca bài kệ:

“Kẻ nam người nữ nào,
Bố thí áo rất đẹp.
Vì nhân duyên cho áo,
Được sinh chỗ rất tốt.
Bố thí vật yêu thích,
Sinh vào Trời theo ý.
Xem ta ở cung điện,
Cưỡi hư không rong chơi.
Thân Trời như vàng đúc,
Đứng đầu trăm Thiên nữ.
Xem kỹ phước đức này,
Đứng đầu mọi hồi hướng”.

Thiên nữ thứ hai lại ca bài kệ tiếp theo:
 
“Kẻ nam người nữ nào,
Bố thí hương rất thơm.
Bố thí của yêu thích,
Sinh vào Trời theo ý.
Xem ta ở cung điện,
Cưỡi hư không rong chơi.
Thân Trời như vàng đúc,
Đứng đầu trăm Thiên nữ.
Xem kỹ phước đức này,
Đứng đầu mọi hồi hướng”.
 
Thiên nữ thứ ba lại ca bài kệ tiếp theo:

“Kẻ nam người nữ nào,
Đem thức ăn bố thí.
Bố thí thứ yêu thích,
Sinh vào Trời tùy ý.
Xem ta ở cung điện,
Cưỡi hư không rong chơi.
Thân Trời như vàng đúc,
Đứng đầu trăm Thiên nữ.
Xem kỹ phước đức này,
Đứng đầu mọi hồi hướng”.

Thiên nữ thứ tư lại ca bài kệ tiếp theo:

“Nhớ lại thuở tiền kiếp,
Từng làm tôi tớ người.
Không trộm cắp, tham lam,
Tu hành không lười biếng.
Nhịn ăn, tự dằn mình,
Chia cơm, cứu kẻ khó.
Nay được ở cung điện,
Cưỡi hư không rong chơi.
Thân Trời như vàng đúc,
Đứng đầu trăm Thiên nữ.
Xem kỹ phước đức này,
Đứng đầu mọi hồi hướng”.
 
Thiên nữ thứ năm lại ca bài kệ tiếp theo:

“Nhớ lại thưở tiền kiếp,
Sống làm vợ người ta.
Cha mẹ chồng tính ác,
Thường buông lời nặng nề.
Giữ trọn đạo làm vợ,
Khiêm cung ráng thuận hòa.
Nay được ở cung điện,
Cưỡi hư không rong chơi.
Thân Trời như vàng đúc,
Đứng đầu trăm Thiên nữ.
Xem kỹ phước đức này,
Đứng đầu mọi hồi hướng”.

Thiên nữ thứ sáu lại ca bài kệ tiếp theo:

“Nhớ xưa gặp bộ hành,
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.
Cận kề nghe thuyết pháp,
Trai giới một ngày đêm.
Nay được ở cung điện,
Cưỡi hư không rong chơi.
Thân Trời như vàng đúc,
Đứng đầu trăm Thiên nữ.
Xem kỹ phước đức này,
Đứng đầu mọi hồi hướng”.

Bấy giờ người chơi đàn Lộc Ngưu của nước Câu Tát La bèn hát bài kệ rằng:

“Tôi nay may đến đây,
Trong rừng Câu tát la.
Được gặp các Thiên nữ,
Hiện đủ thiên thân đẹp.
Đã gặp và đã nghe,
Phải tu thêm Thiện nghiệp.
Nhờ công tu từ nay,
Cũng được sinh cõi Trời”.

Tiếng kệ vừa xong, các thiên nữ biến mất, không thấy được nữa”.

Thứ tư: PHẦN THỌ SINH
Thứ nhất là Trời Tứ thiên vương thọ sinh: Theo các kinh Trường A-hàm và luận Trí Độ, Trời Tứ thiên vương đều có hôn nhân, hành dục như người thường, nhưng sinh ra theo lối hóa sinh. Từ trên đầu gối sinh ra, đã lớn như trẻ con hai tuổi. Theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Như trẻ con năm tuổi”. (Các kinh khác nói: “Nam sinh ngồi trên đầu gối phải của mẹ, nữ sinh trên đầu gối trái của mẹ”). Chẳng bao lâu, đã biết đói khát. Tự nhiên hiện ra các vật quý đựng đầy thức ăn, đủ mỹ vị. Nếu trời có nhiều phước đức, thức ăn toàn màu trắng tinh. Phước đức trung bình thì màu xanh. Phước đức kém thì màu đỏ. Nếu khát thì có vật quý đựng nước cam lồ. Cũng có ba màu khác nhau như của thức ăn. Uống vào miệng không lưu giữ như sữa mật ném vào lửa (tan ngay). Ăn uống xong , Trời trưởng thành như chư Thiên. Khi mới sinh ra, Trời nhớ lại được nghiệp tiền kiếp. Khi biết chơi đùa, khả năng này biến mất.

Thứ hai là Trời Đao lợi thọ sinh: Theo kinh Tỳ Da Bà Tiên Nhân Vấn Phật nói: “Các đại Tiên phải biết rằng Trời Tam thập tam đang đi rong chơi hưởng dục, bỗng gặp các thiên nam, thiên nữ trong rừng cây, cùng ngồi một chỗ, lòng thích lạc thú ái ân, liền sinh vào đấy. Như luồn dây xâu ngọc, rút dây thì ngọc chạy theo, Trời không sinh vào đường khác. Ngay khi thọ sinh, ở tay thiên nữ bỗng hiện ra đóa hoa. Thấy xong, thiên nữ biết mình đã có con, liền cầm đóa hoa đưa cho thiên nam và nói: “Nếu nay có con, thật đáng vui mừng!”. Thiên nam thấy xong, vui mừng tăng lên, biết rằng vợ mình có được đồng tử nhà Trời. Cả hai đều rất vui mừng. Đủ một tuần, đồng tử tóc dài phất phơ, trong trắng không bợn, có cả áo trời. Trong tuần đầu ấy, đồng tử nhớ lại được từ chỗ nào ta giáng sinh xuống cõi Trời này, ai là cha mẹ của ta, ta đã làm nghiệp thiện. Lòng rất vui mừng! Vui mừng xong, liền nao nức muốn đến ngay chỗ ấy, như voi hăng đi. Tay tựa vòi voi, tròn lớn thon dài. Bụng thật bằng phẳng, tay ánh sắc vàng. Thân trên thân dưới lớn, thân giữa thon thả. Bước đi cẩn trọng, nội tâm dũng mãnh. Eo như chuôi cung, lưng thật ngay thẳng. Hai đùi hồng hào tròn trịa như thân vây chuối. Theo đúng cốt cách nhà Trời, râu ria gọn mảnh, tỏa hương rất thơm. Móng vảy hồng, mỏng. Thân thể thơm tho tinh khiết. Trời không có ý điểm tô trang sức, chỉ cốt giữ gìn thân thể không sinh bệnh tật. Từ trong cung điện của Trời ấy, các Thiên nữ độc thân, các đồng tử tuần tự bước ra, tất

cả đều đứng vây quanh Trời nầy và nói: “Đức Thánh đến thật là đúng lúc! Đây chính là cung điện của Ngài. Chúng tôi không có chồng, lâu nay xa lạ đường chồng. Ở đây chỉ toàn đồng tử. Chúng tôi nay còn thơ ngây, sắc đẹp đầy đủ, nguyên vẹn cúng dường. Ngực như bình vàng, mặt thắm tươi như hoa sen mới nở, sáng láng như tia chớp trong mây, đoan trang khả ái. Chúng tôi là Thiên nữ, xin dâng hiến cúng dường, vâng lời sai bảo ở chỗ vui chơi này”. Thế là các thiên nữ đều đến cận kề bên Trời ấy dâng hiến cúng dường. Cõi Trời Tam thập tam ấy có Thiện pháp đường làm nơi Thiên chúng tụ họp, gồm tám vạn bốn ngàn cây cột làm bằng các loại bảo vật. Người vào đó không bị tai hại do các loại muỗi mòng đốt phá, không gặp các tật xấu ngủ nghê trễ nãi, cau có khó khăn. Trái lại, ở đó có vô số trăm ngàn thiên nữ háo hức lòng dục cười đùa, không hề có các thói xấu ghen tuông, cãi vã. Các thiên nữ có đôi má trong sáng không bợn, như vầng gương trăng. Theo phép thiên nữ, dùng phấn hương nhiều màu tô điểm lên má để trang điểm mặt mày. Các thiên nữ cất tiếng ca hát, cùng nhau vui chơi”.

Kinh Khởi Thế nói: “Vị ấy ở trong cõi Trời, hoặc từ thiên nam, hoặc từ thiên nữ, hoặc từ chỗ ngồi, hoặc từ trong hai đầu gối, hoặc từ giữa hai đùi, bỗng nhiên sinh ra. Khi vừa lọt lòng, đã giống trẻ con ở nhân gian chừng 12 tuổi. Nếu là thiên nam, thì từ chỗ ngồi hay bên đầu gối của thiên tử, chọn một chỗ để sinh ra. Khi đã ra đời, vị thiên tử ấy liền gọi rằng: “Đây là con của ta!”. Từ lúc sơ sinh, nhờ ở nghiệp lực, vị ấy có được ba loại hoài niệm: một là biết được chỗ nào chết đi, hai là biết được nay sinh vào cõi Trời này, ba là do tiền kiếp ấy mà có nghiệp quả này, phước báo này. Nhớ lại như thế xong, liền muốn ăn uống. Lập tức, trước mặt có các vật quý tự nhiên đựng đầy mỹ vị Tu đà của trời với nhiều màu sắc khác nhau. Nếu phước báo nhiều, các vật quý đựng mỹ vị Tu đà có màu trắng tinh. Phước báo vừa, có màu hơi đỏ. Phước báo ít, có màu hơi đen. Vị thiên tử mới này lấy tay cầm mỹ vị Tu đà tự nhiên cho vào miệng, liền tiêu tan dần, như sữa bỏ vào lửa đỏ, thì sẽ tiêu tan mất, chẳng còn lại chút bóng dáng gì. Nếu có lúc khát, lập tức trước mặt hiện ra đồ đựng quý chứa đầy rượu Trời. Tùy theo ba phẩm phước báo thượng, trung, hạ mà có màu trắng, đỏ, đen khác nhau, nói gọn theo trên. Uống vào là tiêu mất, cũng như đã nói ở trên. Ăn uống xong xuôi, thân thể liền trưởng thành. Lớn, nhỏ, cao, thấp bằng các thiên nam, thiên nữ kỳ cựu, chẳng có gì khác biệt. Các thiên nam, thiên nữ mới này, thân thể đã sung mãn, mỗi người tùy theo sở thích, hoặc đến hoa viên xem cây cối. Tự nhiên, có nhiều loại y phục, chuỗi ngọc, tràng hoa, thức ăn, nhạc khí hạ xuống, vừa tầm tay lựa chọn, nhiều không kể xiết. Các thiên nữ vào trong vườn này, chưa từng thấy được cảnh tượng như thế, nhờ nghiệp lực quen, rạch ròi phân minh, nhớ lại chuyện kiếp trước, rõ ràng như xem chỉ tay. Do thấy các thiên nữ mê đắm vật sắc, chánh niệm giác trí này liền biến mất. Đã mất khả năng nhớ lại tiền kiếp, lại còn tiêm nhiễm thị dục hiện tại, các thiên nữ chỉ còn buông lời: “Ở đây đều là thiên nữ ngọc ngà, thiên nữ ngọc ngà! Đấy gọi là bị ái dục trói buộc”.

Luận Thuận Chánh Lý nói: “Chư Thiên khi mới ra đời, thân lượng ra sao? Thế này, chư Thiên cõi Lục dục, khi sơ sinh, lớn bằng trẻ con từ hai, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười tuổi. Sinh xong, thân lượng nhanh chóng tròn trịa đầy đặn. Thiên chúng ở Trời sắc giới, khi sơ sinh, thân lượng tròn trịa, đủ cả áo trời đep đẽ. Tất cả chư Thiên đều nói tiếng Thánh, vì tiếng ấy giống tiếng ở Trung Ấn, nhưng chư Thiên không cần học vẫn thông hiểu ngôn từ”.

Thứ năm: PHẦN GIỚI LƯỢNG
Theo kinh Lập Thế nói: “Dưới chân núi Tu-di là chỗ ở của chư Thiên. Có ba cấp khác nhau: cấp thứ nhất, ngang dọc bằng nhau, rộng sáu mươi do tuần. Cấp thứ hai, ngang dọc bằng nhau, rộng bốn mươi do tuần. Cấp cao nhất, ngang dọc bằng nhau, rộng hai mươi do tuần. Mỗi cấp đều có bảy lớp tường rào chung quanh. Thậm chí có đủ các loại chim, mỗi loài đều cất tiếng hát tuyệt diệu, không thiếu âm hưởng nào. Trong ba cấp này đều có Dạ-xoa cư trú. Giữa chừng núi Tu-di, cao bốn vạn hai ngàn do tuần, có cung điện do Tứ thiên vương cư trú. Trên đỉnh núi Tu-di có cung điện của Trời Tam thập tam, do Đế-thích cư trú. Trên Trời Tam thập tam một đỗi (khoảng cách giữa chừng đến đỉnh núi Tudi), có Trời Dạ ma. Lại thêm một đỗi nữa, có Trời Đâu suất. Lại thêm một đỗi nữa, có Trời Hóa lạc. Lại thêm một đỗi nữa, có Trời Tha hóa tự tại. Trên Trời Tha hóa tự tại, lại thêm một đỗi nữa có Trời Phạm thân. Trong khoảng phía dưới của Trời nầy, có cung điện của Ba tuần La ma. Trên Trời Phạm thân một đỗi, có Trời Quang Âm. Trên Trời Quang Âm một đỗi nữa thì có Trời Biến tịnh. Trên Trời Biến tịnh một đỗi thì có Trời Quảng quả. Trên Trời Quảng quả một đỗi thì có Trời Bất thô. Dưới khoảng Trời Bất thô này, đặc biệt có cung điện do chư Thiên cư trú, tên là chúng sinh vô tưởng. Trên Trời Bất thô một đỗi thì có Trời Bất phiền. Trên Trời Bất phiền một đỗi thì có Trời Thiện kiến. Trên Trời Thiện kiến một đỗi thì có Trời Thiện hiện. Trên Trời Thiện hiện một đỗi thì có cung điện của Trời A ca nị tra. Trên Trời A ca nị tra, lại có các Trời khác tên là Vô biên không xứ, Vô biên thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trên đây là đều nói tên chỗ cư trú của chư Thiên. Chứ Thiên cư trú trong giới phận này. Như đi lại, sinh diệt khắp mọi biên giới ở đấy. Tất cả chư Thiên đều sinh, già, bệnh, chết, đọa lạc vào trong đó, không vượt ra ngoài. Như thế, gọi là thế giới Ta bà. Vô lượng thế giới khắp mười phương cũng đều như thế”.

Luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Từ Diêm-phù-đề xuống hai vạn do tuần là địa ngục Vô gián. Từ Diêm-phù-đề xuống một vạn do tuần là địa ngục của Trời Diệm ma. Giữa hai địa ngục này là các địa ngục khác (cũng có chỗ xa gần, nhưng luận này không nói đến). Từ Diêm-phù-đề trở lên bốn vạn do tuần là chỗ cư trú của Tứ thiên vương; trở lên tám vạn do tuần là chỗ cư trú của Trời Tam thập tam. Từ đây trở lên mười sáu vạn do tuần là chỗ cư trú của Trời Dạ ma. Từ đây trở lên ba ức hai vạn do tuần là chỗ cư trú của Trời Đâu suất đà. Từ đây trở lên sáu ức bốn vạn do tuần là chỗ cư trú của Trời Hóa lạc. Từ đây trở lên mười hai ức tám vạn do tuần là chỗ cư trú của Trời Tha hóa tự tại.

Có Tỳ-kheo hỏi Phật: “Bạch đức Thế-tôn, từ Diêm-phù-đề đến Phạm xứ, gần xa bao nhiêu?”. Phật bảo: “Này, Tỳ-kheo, từ Diêm-phùđề đến Phạm xứ rất xa, rất cao. Thí dụ như vào Rằm tháng chín, lúc trăng tròn, nếu có người tại Phạm xứ, phóng một khối đá vuông vức một trăm trượng xuống hạ giới, nữa chừng không bị cản trở, thì đến Rằm tháng chín trăng tròn năm sau, mới rơi xuống đụng Diêm-phù-đề. Từ Diêm-phù-đề đến Trời Vô lượng quang lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Vô lượng quang đến Trời Biến thắng quang lại xa một đỗi như thế. Từ

Trời Biến thắng quang đến Trời Thiểu tịnh lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Thiểu tịnh đến Trời Vô lượng tịnh lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Vô lượng tịnh đến Trời Biến tịnh lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Biến tịnh đến Trời Vô vân lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Vô vân đến Trời Phước sinh lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Phước đến Trời Quảng quả lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Quảng quả đến Trời Vô tưởng lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Vô tưởng đến Trời Thiện hiện lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Thiện hiện đến Trời Thiện kiến lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Thiện kiến đến Trời Bất phiền lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Bất phiền đến Trời Bất thiêu lại xa một đỗi như thế. Từ Trời Bất thiêu đến Trời A ca nị tra lại xa một đỗi như thế. Phật bèn nói kệ rằng:

“Từ A ca nị tra
Đến đất Diêm-phù-đề,
Buông tảng đá núi lớn.
Hết sáu vạn năm ngàn
Năm trăm ba mươi lăm năm,
Giữa đó không ngăn chận,
Mới đến Diêm-phù-đề”.

Luận Trí Độ nói: “Thí dụ như từ ranh giới đầu tiên của sắc giới, buông một tảng đá vuông vức một trượng thì trải qua một vạn tám ngàn ba trăm tám mươi ba năm mới rơi xuống tới mặt đất”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây