Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 52: Quyển 17 - Thiên thứ 7: Kính Pháp - Thứ sáu: Phần Tội Phỉ Báng

Thứ sáu: PHẦN TỘI PHỈ BÁNG

Nay đời gần hết, Pháp theo người lầm, Đạo tục lạm dụng. Đảo ngược chân lý, truyền bá nhảm xằng, giả chân lẫn lộn. Kinh điển không lo tu học; sách phàm mãi miết đọc say. Nếu có sao chép, chẳng chút ân cần. Đã không giữ cho trong sáng, lại làm thêm nhiều sai lạc. Kinh sắp chung giường, hoặc để trước cửa. Gió mưa mối mọt, chẳng hề sợ lo. Khiến cho kinh điển không còn tác dụng hiển linh, đọc tụng nào thấy lợi ích cứu khổ. Thật do chế tác không được tinh thành và bởi cái ta ngày càng kiêu ngạo. Vì thế, kinh Kính-phúc nói: “Thiện nam tử! Sao chép kinh điển, đừng đảo điên ý nghiã quan trọng của một chữ. Nếu không, sẽ bị đọa vào đường mê nẽo tối suốt năm trăm kiếp, tai không được nghe Chánh pháp vi diệu cao siêu.”

Lại nữa, kinh Đại-tập nói: “Nếu chúng sinh nào, vào thời quá khứ, tạo các nghiệp ác như phá hoại Chánh pháp, phỉ báng Thánh Tăng, cản trở thuyết pháp, hoặc sao chép kinh điển, tẩy xóa chữ nghiã, hoặc phá phách Pháp khác, hoặc lén giấu kinh khác, do nghiệp nhân này, sẽ bị quả báo mù mắt.”

Lại nữa, kinh Đại-bát-nhã nói: “Đức Phật bảo, các thiện nam tử, các Thiên nữ nhân, khi sao chép kinh Bát-nhã-Ba-la-mật-đa rất cao thâm, nếu nhăn mặt, vươn vai ngáp vặt, đùa giởn vô cớ, cùng chen lấn nhau, thân tâm loạn động, khiến câu văn sai lạc, nghiã lý mù mờ, không đạt diệu chỉ. Gặp chuyện xảy ra, bỏ ngang không chịu sao chép cho xong. Phải biết rằng hạng người này gọi là Bồ-tát ma quỷ.”

Lại nữa, kinh Đại-thừa-liên-hoa-tạng nói: “những kẻ giữ gìn giới luật nhà Phật, chẳng chăm lo bảo vệ thế hệ tương lai, lại nói, ta đối với giáp pháp Đại thừa, mịt mờ như đêm tăm tối, hay co rằng ta đã hiểu trọn Phật pháp. Nhưng kẻ ấy sẽ chịu hình phạt khổ sở không thể nói hết ở địa ngục Giáo thép. Sau khi thoát khỏi, sẽ bị đui điếc ngọng câm, không được trông thấy Chánh pháp.”

Lại nữa, luận A-nan-thỉnh-giới-luật nói: “Các Tăng ni và cư sĩ đọc kinh luật lận, nếu vừa đi vừa giở, không kính cẩn, sẽ mắc tội trọng, đọa vào Đường súc sinh, làm hươu nai, luôn luôn gầy gò ốm yếu khó chịu suốt hai ức năm, tính theo ngày tháng thật dài ở Trời Đao-lợi. Nếu vô cớ đùa giởn, chụp giựt kinh luật luận, cũng sẽ bị quả báo ấy. Nếu để kinh trước phòng ốc mái hiên, sẽ mắc tội trọng, đọa vào Đường súc sinh, làm heo chó suốt hai ức năm, tính theo ngày tháng thật dài ở Trời Đao-lợi. Khi được sinh làm người, suốt một ức năm, luôn luôn chịu cảnh ở đậu ăn nhờ, không được thoải mái.”

Lại nữa, kinh Đại-phẩm nói: “Vì bọn người ấy phỉ báng chư Phật Nhất thiết trí ba đời và phá hoại sự nghiệp Chánh pháp, nên bị đọa vào Đại địa ngục suốt vô lượng trăm nghìn vạn ức năm. Khi Hoả kiếp nổi lên, sẽ từ Đại địa ngục này di chuyển đến sinh vào Đại địa ngục khác. Lần lượt như thế, trải khắp các Đại địa ngục mười phương chịu vô lượng khổ sở, nhưng tội lổi do nhân duyên phỉ báng và phá hoại ấy vẫn còn. Khi Hoả kiếp nổi lên, lại đến sinh vào các quốc độ trong mười phương khác, đọa vào Đường súc sinh, chịu tội lổi do nhân duyên ấy. Khi tội chuyển nhẹ, đôi khi được sinh làm người mù, người thuộc giai cấp hạ tiện, dọn hố xí, vác xác chết. Chỉ có một mắt hoặc mù lòa, hoặc không lưỡi, không tai, không tay. Trong nước ấy không có đức Phật, không có Chánh pháp, không có Thánh Tăng ra đời giáo hóa. Tại sao thế? Vì mầm mống phỉ báng và phá hoại Chánh pháp còn tích tập sâu dày.”**

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Nếu người nào không tin tưởng kinh này, hiện tại phải chịu vô số bệnh tật hành hạ và nhiều người khác nhục mạ. Kiếp sau, bị người khinh rẻ, diện mạo xấu xa, mưu sinh khó khăn, không được sung túc. Thỉnh thoảng kiếm được chút ít phẩm vật tồi xấu, lại thường phải sống trong cảnh bần tiện nghèo nàn. Kẻ tà kiến phỉ báng Chánh pháp, sau khi mạng chung, sẽ sinh vào đời loạn lạc đói kém, giặc giả nổi đầy, vua chúa bạo tàn, oan gia thù hận. Tuy có bạn hiền nhưng không gặp gỡ, mưu sinh chật vật khó khăn, thường bị đói khát. Chỉ quen biết với kẻ nghèo hèn, vua quan không ngó ngàng đến. Giả thiết có mưu lược trình bày, vẫn không được đem ra xử dụng. Kẻ ấy giống chim gãy cánh, không thể bay xa. Đến khi mạng chung, không được sinh vào cõi Trời người tốt đẹp.”***

Lại nữa, kinh Pháp-hoa nói: “Dẫu khi đức Phật còn tại thế, hay

sau khi đã nhập diệt, nếu kẻ nào phỉ báng kinh này, hoặc thấy người trì tụng, đem lòng khinh thường ganh ghét, nuôi chí giận hờn, nay ông hãy lắng nghe tội lổi của kẻ ấy. Sau khi mạng chung, kẻ ấy sẽ bị đọa vào địa ngục Vô gián suốt một kiếp. Hết kiếp lại sinh vào đấy. Cứ thế cho đến vô lượng kiếp. Khi ra khỏi lại bị đọa vào Đường súc sinh suốt vô lượng kiếp, chịu mang tật ngọng điếc, cơ thể bất toàn. Này Xá-lợi-phất! Kể đến tội lổi của kẻ phỉ báng kinh này thật đủ, dẫu hết kiếp cũng chẳng xong!”

Tụng rằng:

Truyền bá Tam tạng,
Dạy dỗ Bát nhân.
Chúng sinh đều thấm,
Thể ngộ bến Huyền.
Rực như nắng Hạ;
Ấm tựa sáng Xuân.
Lâu nay khô héo,
Bỗng mát tinh thần.
Gom lại, phúc ngập;
Mở ra, tuệ bừng.
Nghĩ càng bất tận,
Lợi lạc tối tân.
Xứng danh từ phụ;
Đáng gọi Năng Nhân.
Khắp cả Khổng Lão,
Sánh được bao phần?

Chú thích:

*Trong 20 truyện linh nghiệm này, cũng như trong những truyện linh nghiệm khác, tác giả đã sưu tập từ nhiều sách khác nhau. Có những truyện cùng một nội dung, nhưng hình thức kết cấu đôi khi hơi khác biệt. Có thể tác giả muốn trưng dẫn đầy đủ để người đọc tiện đối chiếu, nhận định lại. Nếu thế, người dịch phải dịch đủ, nhưng tác phẩm quá nhiều, thời gian và điều kiện làm việc không cho phép, nên người dịch lựa lại truyện nào gọn gàng, đặc sắc nhất để dịch ra thôi. Thí dụ truyện thứ tư và truyện thứ mười lăm viết về Sa-môn Pháp Thuần được rút từ các sách Minh-tường-ký và Lương-Cao-Tăng truyện, chỉ dịch chuyện thứ tư. Chuyện thứ mười một và mười tám viết về Sa-môn Đạo Thái được rút từ các sách Minh-tường-ký đã dịch ở các quyển trước, nên lược lại. Cũng thế, chuyện thứ mười chín nói về Tôn Kính Đức cũng đã dịch ở các quyển trước, nên lại lược. Do đó, chỉ còn lại mười sáu truyện.

**Nguyên văn đọan này quá dài dòng, nặng nề, nên đã lược bớt cho gọn gàng, nhẹ nhàng, nhưng vẫn đầy đủ ý chính.

***Lượt bớt đoạn sau nói về phước báo của người nghe kinh, vì tiêu đề ghi là Tội phỉ báng, nên người dịch phải làm như thế, cho thuần lợi thời gian.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây