Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcThiên thứ 11: QUY TÍN
Gồm có 3 phần: Thuật ý, Thành tâm nhỏ, Thành tâm lớn.
Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý
Than ôi! Đức tin là ngọn nguồn của công đức vào đạo; trí tuệ là căn bản của giải thoát xuất trần. Không có đức tin, không thể bước lên bè pháp; không có trí tuệ, không thể dứt bỏ mê mờ. Chân lý hiển nhiên này luôn luôn diễn ra trước mắt. Thường thấy kẻ ngu si không tin nghiệp nhân có thể sinh ra quả báo, cho giàu nghèo là chuyện tự-nhiên, sướng khổ là bởi thiên tính, xấu đẹp không do nhẫn nhục, giận hờn; sang hèn không liên quan đến cung kính, lười biếng. Mọi người ngẫu nhiên chịu lấy, cũng giống như cây cỏ tốt xấu, vốn bởi tự-nhiên, chẳng hề dính dáng đến lý nhân quả. Nay theo kinh Phật, khác hẳn với bọn ngoại đạo nói trên, chủ trương giàu nghèo gốc ở nghiệp duyên, sang hèn không do vận mệnh, ngu trí không thể biến đổi, xấu đẹp không thể thay hình. Thế nên, kinh nói: “Quả báo tốt xấu, định rõ ở nghiệp”. Thư nói: “Tướng số tốt xấu, đã nêu tại Trời”. Do đó, có thể nói rằng, người chịu nghiệp nghèo, giúp mấy cũng không khá; kẻ hưởng phước giàu, bỏ bê cũng vẫn đủ đầy. Xưa, vua Hán văn đến vì giấc mơ nên sủng ái Đặng Thông. Thầy tướng đoán Đặng Thông số nghèo, phải chết đói. Nhà vua phán: “Giàu có do ta quyết định, làm sao có thể nghèo được?” bèn ban cho núi đồng mặc sức đúc của. Về sau mắc nạn, phải bỏ trốn. Quả nhiên chết đói ở nhà dân. Lại nữa, Ninh Bẩm Ly vương có nô tỳ mang chửa, thầy tướng đoán, sinh ra con quý, mai sau làm vua. Nhà vua phán, không phải dòng giống nhà ta, muốn đem giết chết. Nô tỳ thưa, do khí thiêng từ Trời giáng xuống, nên mới mang thai. Đến ngày sinh, nhà vua cho là chuyện chẳng lành, sai ném vào chuồng heo thì heo khịt mũi bỏ đi. Liệng vào tàu ngựa thì ngựa mẹ nằm xuống cho bú. Về sau, quả nhiên làm vua đất Phù Dư. Mới biết, nghiệp duyên mệnh vận đã ngấm ngầm định sẵn, không thể cải biến đổi thay. Làm thiện sẽ được phước đức, làm ác phải chịu tai ương. Nghiệp báo đã rành rành trước mắt, cớ sao vẫn ngu muội không biết, không hay? Lại nữa, xưa kia, dưới đời vua Vũ Đinh, đất bạc có cây lúa và cây dâu cùng mọc chung ở sân chầu, quan thái sử đoán rằng, cây hoang mọc ở sân chầu, vương triều sẽ bị tiêu diệt. Nhà vua sợ quá, nghiêng mình sửa đức, cây lúa và cây dâu dần dần chết khô. Nhà Thương nhờ thế mới được trung hưng. Há chẳng phải làm lành sẽ được hưởng phước hay sao? Lại nữa, vào đời Đế Tân, có chim sẻ sinh ra quạ con ở góc thành, quan thái sử đoán rằng, nhỏ sinh ra lớn, nước nhà chắc chắn sẽ thịnh vượng. Vua Đế Tân ngã mạn tàn bạo, không lo tu sửa đường lối chính trị thật tốt lành, nhà Thương liền mất nước. Há chẳng phải làm ác sẽ bị tai họa hay sao? Dẫn chứng như thế cũng đã tỏ tường. Sao còn ngoan cố làm trái lịch sử? Mọi người đều thấy, mùa xuân có trồng trọt, mùa đông mới có cất dành. Giống như có bố thí, ắt phải hưởng phước báo. Có ra tay cứu giúp kẻ khốn cùng, hẳn phải có ngày được đền ơn xứng đáng. Nay nếu đem cúng dường chư Tăng một bữa cơm chay há chẳng có ngày được hưởng phước báo?