Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 33: Quyển 9 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Mười Năm: Kết Tập - Phần 2

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ NĂM

NGHÌN PHẬT
 

TẬP MƯỜI SÁU

BỘ THỨ MƯỜI NĂM

 KẾT TẬP
 

PHẦN HAI
 

Tất cả một ngàn vị La Hán ấy nghe xong lời kệ này, liền bay vút lên giữa Hư Không, cao ngang bảy ngọn cây Đa La, cùng cất tiếng nói rằng:

Hỡi ôi! Sức mạnh của vô thường lớn lao đến thế. Chúng ta vừa tận mắt chứng kiến Đức Phật Thuyết Pháp, vậy mà nay đã nói Ta nghe.

Rồi nói kệ rằng:

Ta thấy sắc tướng Phật,

Giống như núi vàng tía,

Sắc tướng trang nghiêm mất,

Duy chỉ danh hiệu còn,

Thế nên cần cố gắng,

Thoát ly khỏi Tam Giới.

Siêng năng gom công đức,

Niết Bàn rất an vui.

Bấy giờ, Trưởng Lão A Nê Lô Đậu nói bài kệ này:

Thế gian thật quá vô thường,

Như tàu chuối héo,

Như gương Trăng tà,

Tam Giới công đức chứa chan,

Vô thường nối gió,

 Tiêu tan chẳng còn.

Bấy giờ, Đại Ca Diếp lại nói kệ rằng:

Sức vô thường rất lớn,

Hiền ngu, giàu nghèo, sang,

Đạt đạo và chưa đạt,

Tất cả đều chẳng thoát,

Không mồm mép.

Châu báu,

Không lừa dối, cãi vả,

Lửa thiêu vật hữu,

Vô thường, chết, cũng thế.

Tiết thứ tư: Kết tập có bảy trăm người.

Luật Tứ Phần nói: Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt khoảng một trăm năm, Tỳ Kheo Bạt Xà Tử ở thành Tỳ Xá Ly tự ý làm mười điều, bảo rằng:

Các pháp thanh tịnh này đều được Đức Thế Tôn cho phép:

1. Được phép thọ trai khi Mặt Trời đã xế khoảng hai ngón tay.

2. Sau khi ăn ở làng xóm này xong, được phép sang làng xóm khác tiếp tục ăn uống.

3. Được phép Bố tát ở một Chùa khác không thuộc giáo phận của mình.

4. Khi họp bàn quyết định tăng sự, dù tăng số tham dự chưa đủ, vẫn được phép cử hành Yết Ma rồi sẽ xin thừa nhận sau.

5. Được phép tùy tiện theo các điều lệ.

6. Sau khi ăn no, được phép dùng sữa bò chưa gạt bỏ chất béo.

7. Được phép để dành muối trong đồ đựng bằng sừng cho hôm sau.

8. Được phép uống nước dừa lên men rượu.

9. Được phép may tọa cụ không có đường viền, lớn nhỏ tùy tiện.

10. Được phép thọ nhận vàng bạc. Vào dịp bố tát, thí chủ cúng dường vàng bạc xong, được phép chia đều cho nhau. Vì chuyện này, đã có một Kết tập chọn lọc, đối chiếu, khảo xét từng điều, thậm chí tất cả mười điều, đều sai trái, không đúng giới luật, không phải là lời của Đức Phật dạy.

Đã được bỏ thăm biểu quyết tại thành Tỳ Xá Ly. Vì kết tập này có bảy trăm vị A La Hán cùng giảng giới luật, nên gọi là kết tập giới luật có bảy trăm người.

Theo sách Cảm thông ký của Luật Sư đạo Tuyên nói rằng:

Luật Sư hỏi Thiên Nhân: Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, nghi thức kết tập Pháp Tạng được cử hành như thế nào?

Thiên Nhân đáp: Chỉ có bậc Đại Thánh năng biến, năng hiện, theo cơ duyên giáng sinh, nhập diệt. Khi kết tập Tam Tạng Thánh tích, do số lượng Tỳ Kheo tham dự nhiều ít, nên kết tập Luật Tạng, Luận tạng cũng chẳng giống nhau. Như trong hai Kết tập Luật Tạng năm trăm người và bảy trăm người, đều suy tôn Đại Ca Diếp làm bậc Thượng thủ.

Trong Đại kết tập Luận tạng, tuyển chọn một ngàn người cao cấp, đều là những bậc Vô học thượng thừa. Đến khi kết tập xong xuôi, liền triệu tập đại chúng để trình bày lại thành quả kết tập.

Vì có những kẻ bất đồng ý kiến, nên mới chia ra hai Bộ:  Những vị tuân theo đại Ca Diếp gọi là Thượng Tọa bộ. Số còn lại đông hơn gọi là đại chúng bộ. Theo Kinh Văn Thù vấn, bắt đầy chia ra hai Bộ, chính là từ sự kiện ấy. Kết tập Tam Tạng lớn nhỏ, đều do A Nan đề xuất ra.

Chỗ cùng nhau kết tập là thành Vương Xá. Nhưng căn cứ theo sự kiện Văn Thù tụ tập đại chúng kết tập sơ lược Đại Thừa, thì tại chính giữa phía ngoài hai ngọn núi Đại Thiết Vi. Nay nói rõ phần nghi thức kết tập.

Khi Đức Phật nhập diệt, quàn lại một tháng để thờ cúng Xá Lợi rồi mới làm lễ hỏa thiêu theo luật, chỉ quàn lại bảy ngày, nhưng vì còn chờ đại Ca Diếp về.

Hỏa thiêu xong trong ngày rồi tôn trí vào bảo Tháp. Tất cả đại chúng đều đến Tinh Xá Kỳ Hoàn ở thành Xá Vệ. Tôn Giả Ca Diếp sai Tiểu Mục Liên có sáu vị cùng tên và đều có thần thông quảng đại đánh chuông tập họp tại giới đàn.

Bấy giờ, Tăng Chúng Thánh phàm của hằng trăm ức vạn Quốc Độ đều tề tựu đông đủ. Tôn Giả Ca Diếp bèn cáo bạch bốn phép Yết Ma, phạt Tân Đầu Lô và A Nan xong.

A Nan bước lên tòa cao, mặc áo Ca Sa bằng sợi gai của Đức Phật. Trước tiên, tuyên đọc Kinh Di Giáo, pháp ngôn giáo hóa ân cần, như Đức Phật hãy còn tại thế. Các vị Đại Bồ Tát, A La Hán, tất cả Tỳ Kheo, Thiên Long Bát Bộ nghe xong, đều đau buồn khóc lóc, không dằn lòng được.

Bấy giờ, Đại Ca Diếp đứng lên khỏi chỗ, mặc áo Cà Sa bằng sợi gai, tay cầm tọa cụ, đến trước tòa cao trải xuống. Đảnh lễ A Nan xong, từ bên phải đi quanh ba vòng rồi đứng lại. Thiên Vương Đại Phạm tay cầm tràng phan thất bảo che cho A Nan.

Đế Thích mang bàn thất bảo đặt trước A Nan. A Tu La Chúa La Hầu La bưng lò hương thất bảo đứng trước A Nan. A Nan nhận lấy, đặt lên trên bàn. Thiên Vương Tha Hóa đưa ghế thất bảo đến đặt sau bàn thất bảo.

Ma Vương Ba Tuần cầm phất trần thất bảo trao cho A Nan, rồi cùng Đế Thích đứng hầu hai bên. Bốn Thiên Vương đều đứng đầu bốn góc tòa cao. Ba mươi hai vị sứ giả sắp hàng phía sau Đại Ca Diếp. Tất cả đều nghiêm cẩn quỳ xuống kính nghe.

Khi ấy, Đại Ca Diếp đảnh lễ A Nan xong, lại theo bên phải đi quanh ba vòng, đến trước mặt thỉnh an, giống như đối với Đức Phật không khác. Sau đó mới đặt câu hỏi như các như các Kinh có nói. Mỗi một nghi thức đều theo đúng trong Kinh. Bắt đầu như thế, cho đến phần cuối, đại chúng hoan hỷ tuân hành.

Bấy giờ, Đại Ca Diếp lại hỏi rằng: Trong giáo pháp của Chư Phật thời quá khứ đều được chia thành từng Bộ để diễn giảng.

Ông thường đến bên cạnh Đức Phật, hẳn phải nhận lời chỉ giáo?

A Nan đáp rằng:

Tôi vâng lời dạy của Đức Phật: Chúng sinh vào thời Mạt Pháp, kết tập phiền não nặng nề, không hiểu được giáo lý của ta, nên không thể chia thành từng bộ để diễn giảng. Ông phải chia thành chương để Thuyết Pháp. Hoặc mười chương, năm chương, tùy tiện xếp đặt, sao cho những kẻ độn căn hiểu được dễ dàng giáo lý của ta.

Đại Ca Diếp lại hỏi: Khi Đức Phật còn tại thế, có bảo Ưu Ba Ly và Ca Diếp ấy vào trong tòa bảo lâu phía Đông Tinh Xá Kỳ Hoàn, xem xét Luật Tạng của Chư Phật thời quá khứ và các bản khác nhau.

Nay ta muốn kết tập, nên theo lời Chư Phật thời xưa hay theo lời Chư Phật thời hiện tại?

A Nan đáp rằng:

Ta nghe Đức Phật nói: Hãy bảo lại với Ca Diếp rằng, nếu muốn kết tập Luật Tạng, phải chia thành năm bộ. Luật Tạng của Chư Phật ngày xưa nói ra, chỉ có một bộ, chứ không phải là hai.

Chúng sinh hiện tại phúc mỏng, nên phải nói thành năm bộ. Sau khi ta nhập diệt, vô luận kẻ trí người ngu, phải chia giới luật của ta thành năm bộ, mười bộ thậm chí năm trăm bộ. Dù ý vị đạm bạc, nhưng vẫn còn là Chánh Pháp của ta.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bốn Thiên Vương: Ông cúng dường mã não cho ta.

Lại bảo Đế Thích: Ông cúng dường vàng bạc cho ta.

Lại bảo Ma Vương Phạm Vương: Ông cúng dường thợ Trời cho ta.

Lại bảo các Long Vương Tu cát và A Tu La Chúa La Hầu: Các ông cúng dường những loại ngọc quý minh nguyệt và Ma ni cho ta để làm đèn thắp sáng bảo Tháp. Các Thiên Vương Long Vương vâng lời, đều dâng tặng đủ. Đức Phật thọ nhận xong, vận dụng thần lực của Ngài, chỉ trong khoảnh khắc một niệm, các bảo Tháp đều được hoàn thành.

Mặt đất chấn động sáu lần. Bảo Tháp phóng hào quang lớn, từ núi hương chiếu thẳng đến giới đàn, hóa thành đền đài vàng bạc. Trên đài là đỉnh, trong đó có hằng trăm ức Đức Phật Thuyết Pháp vi diệu cao xa, ca tụng công đức trì giới và chê bai những kẻ phá giới.

Đức Phật bảo A Nan: Bảo Tháp ở trên hiện đang ở tại núi Hương, nên khi ta nhập Niết Bàn, có dặn dò Đế Thích và Bốn Thiên Vương rằng, khi ta đã nhập Niết Bàn xong, hãy mang bảo Tháp đến ngoài rừng phía Nam giới đàn, tôn trí chín mươi ngày, đợi đến khi Ca Diếp kết tập xong xuôi.

Trước tiên, sai Ca Diếp chép thành bản gốc Tam Tạng giáo pháp. Sau đó, sai Vua A Xà Thế sao lại thành năm bản. Lấy ấn vàng ròng và ấn bạc trắng của ta đóng lên bản gốc của Ca Diếp. Kế đó, đóng lên bản của Ma Vương sao lại. Phạm Vương sao lại ba bản, nên lấy ấn bạc trắng đóng lên.

Đế Thích sao lại bảy bản, nên lấy ấn vàng ròng đóng lên. Long Vương Ta Kiệt chép tám vạn bản kinh, đều nên lấy ấn tam sắc đóng lên rồi sau đem lưu hành ở cọi Diêm Phù Đề và ba Châu kia.

Nhớ đóng ấn vào. Sau khi đã đóng ấn xong, đem ấn cất vào bình vàng, tôn trí tại phía Nam giới đàn, cốt giúp Ca Diếp tập văn nghĩa Tam Tạng giáo pháp sao cho thành tựu viên mãn và mong A Nan nói Kinh theo nhân duyên vấn nạn đừng bị quên sót.

Vì hai sự kiện này, nên ta mới sai đem trấn giữ tại phía Nam giới đàn. Sau khi Ca Diếp nhập định, Bốn Thiên Vương và Đế Thích mang bảo Tháp và bình vàng tôn trí trên đỉnh núi Hương.

Trải qua một trăm năm, Bốn Thiên Vương và Đế Thích hằng ngày nhớ đem Thiên nhạc đến cúng dường pháp bảo, để giúp những thần tiên có ngũ thông ở trong núi ấy, số lượng đông đến tám vạn, sẽ lần lượt làm tiểu vương tại cõi Diêm Phù Đề này, khiến cho những người không tín Chánh Pháp trở thành có lòng tin, nên mới sai đem trấn giữ tại núi Hương.

Hơn nữa, cũng để giúp Vua A Dục, buổi đầu không tin Chánh Pháp của ta, sẽ xoay chuyển lại tà kiến ấy, sinh ra chánh kiến, xây nên tám vạn bảo Tháp.

Đức Phật lại bảo Mục Liên: Ông lên đỉnh núi Tu Di đánh chuông triệu tập các hóa Phật khắp Mười Phương của ta và các Bồ Tát, Thanh Văn khắp Đại Thiên Thế Giới. Đức Phật phóng hào quang, mặt đất chấn động. Chư Phật tề tựu đông đủ.

Bấy giờ, Đức Phật đứng lên khỏi bảo tọa, cùng các vị hóa Phật chắp tay kính lễ cửa đền của bảo Tháp. Cửa đền của bảo Tháp liền mở ra. Trong bảo Tháp bàng vàng ròng có tám vạn lầu đều bằng trân châu và bạc trắng đựng Kinh và Luật Tạng của Chư Phật. Trên nóc đền gắn châu Ma Ni lớn làm đèn chiếu sáng.

Có sáu vị Tỳ Kheo nhập Định tận diệt. Trong đền bạc trắng có nhiều bảo tọa Sư Tử bằng hoa sen thất bảo, số lượng nhiều đến tám trăm vạn. Mỗi một bảo tọa đều có chữ Phật, các Thanh Văn và Bát Bộ Thiên Long Hộ Pháp. Lại có năm mươi vị Tỳ Kheo nhập Định tận diệt.

Đức Phật bảo Phổ Hiền: Ông cầm lấy tù và bằng vàng ròng đến bên các Tỳ Kheo thổi lên khúc ta xuất thế và báo tin ta nhập Niết Bàn.

Phổ Hiền vâng lời thổi xong, Tỳ Kheo ấy xuất Định tận diệt, hỏi Phổ Hiền: Hiện nay, có Đức Phật nào xuất thế?

Đáp rằng: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện nay sắp nhập Niết Bàn. Tỳ Kheo ấy liền cùng Phổ Hiền đến bên Đức Phật kính lễ, thỉnh an và đứng hầu một bên.

Trong Tháp có sáu Tỳ Kheo bước lên bạch Đức Phật rằng: Khi Đức Phật Câu Lưu Tôn nhập Niết Bàn, có dặn tôi ở trong Tháp này chờ đợi Đức Phật Thích Ca cho đến Đức Phật Lâu Chí ra đời. Đức Phật ấy dạy tôi rằng, khi Đức Phật sau này ra đời, nhập diệt và kết tập Tam Tạng, hãy mở đền, lấy ra một bản kinh và luật của ta.

Trong hằng trăm ức Quốc Độ tại Đại Thiên Thế Giới này của ta, Thư Pháp có sáu mươi bốn thể. Mỗi thể lấy một bản đem giáo cho Đức Phật ấy, dặn sau khi nhập diệt, kết tập Tam Tạng xong, phải theo y bản Kinh của ta, sao chép lại thật trang nghiêm.

Lại nữa, tùy theo thứ thể của các nước sử dụng khác nhau, nhưng văn tự được lưu truyền đều có thể dùng được. Chỉ trừ các thừ da, xương và đất, không được ghi chép. Ngoài ra, các loại lá, giấy lụa, quý kim, sắt đá đều có thể dùng đến.

Đức Phật ấy khiến tôi nhập định, giữ gìn kim tượng và sai tôi giao phó lại cho Đức Thế Tôn sau khi nhập Niết Bàn, Ca Diếp kết tập Tam Tạng xong xuôi, đem lưu hành khắp mọi Quốc Độ.

Đức Phật bảo Long Vương Ta Kiệt và Bốn Thiên Vương: Các ông cúng dường cho ta các loại trân châu, Ma Ni và vàng bạc. Ta sắp tạo nên đền đài dựng Kinh Tượng của Chư Phật đời trước. Bấy giờ, Thiên Long Bát Bộ lập tức dâng tặng.

Đức Phật thọ lãnh xong, liền vận dụng thần lực, chỉ trong khoảnh khắc một bửa ăn, đã hoàn thành tất cả điện đài trân châu và lầu đền vàng bạc trong bảo Tháp. Mỗi thứ có tám vạn tòa đựng kinh tượng đời trước.

Đức Phật lại bảo các vị hóa Phật: Mỗi vị các ông đều cúng dường cho ta một bảo Tháp và một đền vàng bạc để trấn giữ Di Giáo của ta trong Đại Thiên Thế Giới đừng bị phá hủy. Chư Phật nghe xong, đều hoan hỷ dâng tặng. Lại được hằng trăm ức vạn Đức Phật cùng phóng hào quang từ miệng, tất cả đều rất hoan hỷ.

Đức Phật lại bảo các Bồ Tát: Khéo léo duy trì bảo vệ đền đài bảo Tháp của ta. Phiên dịch Kinh Điển, phải y theo bản văn trong đền Tháp để lưu hành. Tất cả đền đài bảo Tháp ấy đều ở tại đỉnh núi Hương.

Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, có dạy ta và La Vân ở đó Trụ Trì, sau này, nhằm đời hung ác, đem ra giáo hóa chúng sinh, khiến đều được thoát khổ. Xong xuôi, đem lên tôn trí trong vườn Hoan hỷ ở Thiên Cung Đế Thích, đến khi Ma Vương đến bảo Tháp cúng dường suốt năm trăm năm. Sau đó, Chánh Pháp sẽ lưu hành khắp các nước cho đến khi bị hủy diệt.

Bảo Tháp cũng bay lên Thiên Cung Đâu Suất Di Lặc thấy bảo Tháp bay đến, biết rằng Chánh Pháp của ta đã bị hủy diệt, liền phóng hào quang to lớn chiếu diệu khắp Địa Ngục. Về sau, gặp Phật Lâu Chí ra đời, tất cả tội nhân ở đấy đều được giải thoát. Qua khỏi thời kỳ ấy, bảo Tháp sẽ Từ Thiên Cung Đâu Suất bay xuống Long Cung của Ta kiệt.

Còn các bảo Tháp và điện đền do Đức Phật tạo nên, được giáo phó cho Văn Thù, Phổ Hiền và Quán Âm mang đi khắp Đại Thiên Thế Giới. Mỗi nước tôn trí một bảo Tháp vàng ròng và một đền bạc trắng giống như ở bên Trung Quốc vậy.

Bấy giờ, Văn Thù mang bảo Tháp và đền sang tôn trí bên động Kim Cương tại núi Thanh Lương và được lưu hành đến hiện tại. Sai các Bồ Tát nói trên đưa kinh tượng cho các vị ấy giữ gìn dễ dàng lưu hành cho đến khi Chánh Pháp của ta bị hủy diệt, sẽ nhờ Long Vương Ta Kiệt thâu thập bảo Tháp, đền đài mang về Long Cung ở dưới biển lớn.

Lại hỏi: Tất cả Kinh Tạng đã kết tập, nên tôn trí ở nơi nào?

Nay ta muốn kết tập, nên kết tập sâu rộng hay kết tập sơ lược?

Xin ông lần lượt giải thích dùm cho.

Đáp: Ta nghe Đức Phật bảo rằng, dặn lại Ca Diếp kết tập sâu rộng. Ngài lại bảo, dặn Văn Thù đến chỗ các Bồ Tát cư trụ tại núi Thiết Vi, chín cõi ấy chỉ có tám vạn người, nên kết tập sơ lược.

Dặn lại A Xà Thế sao thành năm bản và Đế Thích cùng Thiên Vương Đại Phạm nên hổ trợ cho A Xà Thế chép lại Kinh Di Giáo của ta. Bản kết tập của Ca Diếp, nên đem tôn trí trong động Tu la.

Lại hỏi: Khi Đức Phật còn tại thế, ta có nghe từ Ngài rằng, nếu kết tập xong, đem Tam Tạng giáo pháp của ta giao phó cho Long Vương Ta Kiệt.

Nay nghe ông nói, tại sao khác với ta nghe trước đây?

Đáp: Ta nghe Đức Phật bảo, kết tập Tam Tạng trong động Tu La. Trải qua hai mươi năm, đợi Văn Thù kết tập xong xuôi, mới đem giao phó cho Long Vương Ta kiệt.

Lại hỏi: Tại Tinh Xá Kỳ Hoàn có hình tượng các vị Phật thời xưa, Tam Tạng giáo pháp viết hai mặt và các pháp khí thờ tự, phải đem giao phó cho ai?

Đáp: Nhân duyên của chuyện này, kinh Kỳ Hoàn tinhxá đồ đều có nói đủ. Mỗi thứ đều có chỗ để giao phó, không cần nói ra đây thêm phiền phức.

Lại hỏi Ta nghe từ Đức Phật: Sau khi nhập diệt, tất cả Luật Tạng đem ra truyền bá ở Diêm Phù Đề và ba Châu kia. chúng sinh vì tham dục, nên kiến giải không đều. Tại hơn trăm ức Quốc Độ khác, cũng cho truyền bá. Ta sắp kết tập. Nay ở trước Trời người, ông nên giải đáp dùm ta.

Đáp: Ta vâng lời Đức Phật dạy: Sau khi ta nhập diệt, ông bảo Ca Diếp và Văn Thù truyền bá Luật Tạng khắp ba mươi hai nước thuộc cõi Diêm Phù Đề này. chúng sinh ở đây đều có căn cơ to lớn, có thể thực hành được Di Giáo của Ca Diếp.

Hai trăm sáu mươi nước thuộc cõi Đông Phất Bà Đề và một trăm ba mươi nước thuộc cõi Tây Cù Da Ni đều thực hành được Di Giáo của Ca Diếp.

Quốc Độ còn lại, chúng sinh mỏng manh phước, không hiểu được Chánh Pháp, đừng truyền bá Luật Tạng này. Sau khi Như Lai nhập diệt, trong khoảng bốn mươi năm, hãy đem lưu hành Nhị bộ khắp Quốc Độ này.

Lại hỏi: Thế nào là giáo pháp nhị bộ?

Đáp: Ấy là Luật Tứ Phần và luật Thập tụng. bốn mươi năm sau, kéo dài ở nước này. Các nước như Trung Quốc, đáng gọi là nước Quân Tử, có căn cơ lanh lợi, có thể thực hành giáo pháp Tam bộ. Khắp bốn trăm lẻ ba Quốc Độ cùng chung một loại văn tự này, đều thực hành được giáo pháp Tam bộ.

Lại hỏi: Thế nào là giáo pháp tam bộ?

Đáp: Thực hành giáo pháp Nhị bộ nói trên và thêm vào bộ Đại Tăng chi. Các nước như Cầu Lưu Ly và hai Quốc Độ kia, chỉ thực hành pháp Nhất bộ, ấy là bộ Tát Bà Đa.

Dưới mái trong đại điện tại Tinh Xá Kỳ Hoàn có bốn đền bạc. Trong hai đền có Kinh Tạng bằng vàng ròng, giấy bằng bạch ngọc. Còn lại hai đền, trong đó có Luật Tạng, giấy bằng vàng ròng, chữ bằng bạch ngọc.

Luật Tạng do Long Vương chép, Kinh Tạng do Ma Vương chép. Hai tạng này đều là Kinh Luật của Chư Phật thời xưa, từ thời Tinh tú quá khứ. Hai tạng chép tay này đứng hàng đầu ở Châu Diêm Phù Đề.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, Long Vương Ta Kiệt mới mang về Long Cung thờ phụng. Lại nữa, vào thời Phật Ca Diếp, có một người ở Trung Quốc chép Đại luật tạng và Kinh Tạng. Kinh Tạng ấy bằng giấy bạc chữ vàng và Luật Tạng bằng giấy vàng chữ bạc.

Đương thời, hai tạng ấy được chép tại Chùa Phổ minh ở Kinh châu. Kinh Tạng tôn trí trên hoa sen trong phía Đông nam đền. Luật Tạng tôn trí trên lá sen trong phía Tây nam đền. Được thờ phụng trang nghiêm, không thể tả hết. Thư Pháp trong hằng trăm ức Quốc Độ, sánh cùng hai tạng này, dù đến bọn họ Chung, Trương, Vương, Vệ, cũng chẳng đủ khả năng bì kịp.

Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Thánh Nhân các nước đến thăm, Ngài thường lấy Kinh Luật này cho xem. Sau khi Ngài nhập diệt, Văn Thù Sư Lợi thu thập Kinh Luật này đem về tôn trí tại động Kim Cương trong núi Thanh Lương.

Lại nữa, trong đền còn có sách chép luật nghi do Chư Phật thời xưa nói ra, gồm có ba vạn tám nghìn môn. Nếu đem sánh với Thư Pháp chân phương trong hằng trăm ức Quốc Độ, đáng xếp hàng đầu.

Hoàng Tử thứ ba của Nam Thiên Vương là Trương Dư soạn sách Kỳ Hoàn đồ gồm một trăm quyển. Hoàng Tử thứ mười sáu của Bắc Thiên Vương viết sách Ngũ Tinh Xá ký gồm năm trăm quyển.

Hiện tại đều giữ trên Trời Tụng rằng:

Mừng bậc Đại Giác,

Lồng lộng thần công,

Tứ Thiền vô tướng,

Tam đạt đều không.

Nghìn Phật kỳ bí,

Cùng trí, chung lòng,

Hiển linh giáng thế,

Diễn thuyết khai thông.

Hiền kiếp có bốn,

Ba vị còn trông,

Nối dõi là bảy,

Thừa kế nghiêm cung.

Thuyết Pháp non Thứu,

An lạc phạm cung,

Tám tướng thành đạo,

Vạn đức viên dung.

Trời người hưởng phúc,

Ác dẹp, thiện dương,

Chúng sinh nhờ cậy,

Công đức vô cùng.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây