Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 9: Quyển 4 - Thiên Thứ Ba - Nhật Nguyệt - Thứ năm - Phần Hàn Thứ

Thứ năm: PHẦN HÀN THỬ

Theo kinh Khởi Thế nói: “Lại do nhân duyên nào, mùa hạ sinh nóng nực? Phật bảo: “Cung điện mặt trời, vào khoảng tháng sáu, di chuyển về hướng Bắc. Lúc ấy, một ngày thường đi được sáu câu lô xá, không hề rời khỏi nhật quỹ. Tuy nhiên, trong đó có mười nhân duyên (sao không thấy có ghi mười nhân duyên nào): Tất cả ánh sáng của mặt trời chiếu rọi vào mười ngọn núi ở đấy, khiến cho mùa hè sinh ra nóng nực”. Lại do nhân duyên nào có các cơn lạnh rét? Cung điện mặt trời, sau tháng sáu, dần dần đi về hướng Nam.

Lại có mười hai nhân duyên thường sinh ra lạnh rét: Ở giữa hai ngọn núi Tu-di và núi Khư Đề La Ca, có biển Tu-di rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, chu vi lớn vô lượng. Trong đó, mọc đầy các loại hoa có mùi hương rất thơm. Ánh sáng mặt trời chiếu rọi xuống biển ấy. Đó là nhân duyên thứ nhất sinh ra lạnh rét. Thứ hai là có núi Y Sa Đà La. Thứ ba là do núi Du Càn Đà. Thứ tư là do núi Thiện Hiện. Thứ năm là do núi Mã Phiến Đầu. Thứ sáu là do núi Ni Dân Đà La. Thứ bảy là do núi Tỳ Na Da Ca. Thứ tám là do núi lớn Luân Vi. Thứ chín là do trong châu Diêm-phù có các dòng sông chảy qua các chỗ bị mặt trời chiếu dọi xuống, nên sinh ra lạnh rét. Thứ mười là do các sông của châu Cù-da-ni nhiều quá. Thứ mười một là do các sông của châu Uất-đơn-việt nhiều quá. Dòng chảy của các sông ở nhân duyên thứ mười hai này được ánh sáng mặt trời chiếu dọi xuống, nên sinh ra lạnh rét”. (Trong mười nhân duyên sinh ra nóng nực trên đây, ngoại trừ tám nhân duyên do núi sinh ra, nhân duyên thứ chín là do cung điện Dạ-xoa ở trong không trung, cách mặt đất một vạn do tuần. Nhân duyên thứ mười là do núi của bốn châu lớn. Gộp lại đủ mười nhân duyên vậy).

Lại nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm có câu hỏi rằng: “Vì sao mùa Đông lại lạnh? Vì sao mùa Xuân nóng? Vì sao mùa Hạ có lúc lạnh lúc nóng? Về mùa Đông, nước dâng lớn nhất, chưa rút bớt xuống. Thảo mộc do thấm nước, chưa khô héo đi. Đại đất lầy lội, đại hỏa lắng xuống. Đại thủy dâng lên. Tại sao biết được như thế? Vì nước sâu thì rất ấm, nước cạn thì lạnh. Tiết lạnh đã đến. Mặt trời đi trên nhật quỹ, chiếu rọi nung đốt không lâu. Dương khí ẩn vào trong. Ăn hết thì về nhanh. Do nhân duyên này, mùa Đông lạnh. Vì sao mùa Xuân nóng? Vì lúc bấy giờ, nước lớn đã giảm xuống hết, thảo mộc khô héo, đất khô khan, nứt nẻ. Thủy khí lắng xuống, hỏa khí bốc lên. Tại sao biết được như thế? Vì nước sâu thì lạnh, nước cạn thì nóng. Mùa Đông đã qua, mặt trời đi trong quỹ đạo, chiếu rọi nung đốt được lâu. Trong thân hỏa yếu, nên mùa Xuân nóng. Vì sao mùa Hạ có lúc lạnh lúc nóng? Vì trong tháng tám, mặt đất luôn luôn chịu chiếu rọi nung đốt, chỗ nào mây lớn đổ mưa tưới xuống thì hơi đất xông lên. Nếu khi có gió nổi dậy, thổi tiêu tan hơi đất xông lên, lúc ấy sẽ lạnh. Nếu không có gió nổi lên. Lúc ấy sẽ nóng. Vì thế, trong mùa Hạ, có lúc lạnh lúc nóng”. (Phương Tây cho bốn tháng là một mùa, song chỉ có Lập xuân, Lập hạ, Lập đông, không có Lập thu. Nên Lập là ổn định ba mùa vậy).

Lại nữa, kinh Lập Thế nói: “Do nhân duyên nào có nước các sông chảy trên thế gian? Phật bảo Tỳ-kheo: “Vì có mặt trời nên có sức nóng. Có sức nóng nên có nung đốt. Có nung đốt nên có hơi bốc lên. Có hơi bốc lên nên có mồ hôi ướt át. Vì có mồ hôi ướt át nên trong hết thảy núi non, mồ hôi đổ thành dòng sông tạo ra các sông ngòi”.

Thứ sáu: PHẦN CHIẾU DỤNG

Theo kinh Trường A-hàm nói: “Khi kiếp mới thành, trời đất đại tối tăm. Có trận gió đen to lớn thổi tách đôi nước biển, nâng lấy mặt trời, đặt lên nữa chừng núi Tu-di, an trí vào trong nhật quỹ, để chạy vòng soi sáng bốn quốc độ và các chúng sinh”. Lại nữa, kinh Khởi Thế nói: “Bấy giờ, thế gian trở nên tối tăm, bỗng nhiên xuất hiện mặt trời mặt trăng và các tinh tú. Nhờ đó, mới có ngày đêm, năm tháng, thời tiết. Bấy giờ, mặt trời ngụ trên cung điện lớn, từ phương Đông mọc lên, đi vòng quanh núi Tu-di và nghiêng về phương Tây. Lặn xong, lại từ phương Đông mọc lên. Bấy giờ chúng sinh lại thấy mặt trời từ phương Đông mọc lên, cùng bảo nhau: “Hỡi các bậc hiền, cung điện mặt trời xán lạn lại từ phương Đông mọc lên, đi vòng quanh núi Tu-di và nghiêng về phương Tây và sẽ lặn xuống phương Tây!”. Các chúng sinh khác xem xong, cũng bảo nhau: “Thế là có mặt trời xán lạn lưu chuyển ở thế gian này!”. Bởi vậy, mới có danh từ “mặt trời xuất hiện”. Lại nữa, luận Trí Độ nói: “Mặt trời mặt trăng vốn to lớn vuông vức năm trăm do tuần, thế mà nay chỉ thấy lớn bằng cái quạt!”. Kinh Xứ Xứ nói rằng Phật bảo A Nan: “Biết được cái mà nhục nhãn thấy ở gần, thì sẽ biết được cái mà nhục nhãn thấy ở xa bốn mươi hai vạn do tuần”. Lại nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói:

“Thế nào là đêm? Thế nào là ngày? Do có mặt trời nên có đêm, do có mặt trời nên có ngày. Chúng sinh ở dục giới, tự tính tối tăm, nhân ánh sáng mặt trời ẩn khuất, nên gọi là đêm. Nhân ánh sáng mặt trời hiện ra, nên gọi là ngày”.

Lại nữa, kinh Khởi Thế nói rằng Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nếu mặt trời ở châu Diêm-phù đang vào lúc giữa trưa, thì mặt trời ở châu Phất-bà-đề đang bắt đầu lặn. Mặt trời ở châu Cù-da-ni đang bắt đầu mọc, còn ở châu Uất-đơn-việt lại đang vào lúc nữa đêm. Nếu mặt trời ở châu Cù-da-ni đang vào lúc giữa trưa, thì mặt trời ở châu Diêm-phù-này đang bắt đầu lặn. Mặt trời ở châu Uất-đơn-việt đang bắt đầu mọc, còn ở châu Phất-bà-đề lại đang vào lúc nữa đêm. Nếu mặt trời ở châu Uấtđơn-việt đang vào lúc giữa trưa, thì mặt trời ở châu Cù-da-ni đang bắt đầu lặn. Mặt trời ở châu Phất-bà-đề đang bắt đầu mọc, còn trong châu Diêm-phù lại đang vào lúc nữa đêm. Nếu mặt trời ở châu Phất-bà-đề đang vào lúc giữa trưa, thì mặt trời ở châu Uất-đơn-việt đang bắt đầu lặn. Mặt trời ở châu Diêm-phù đang bắt đầu mọc, còn ở châu Cù-da-ni lại đang vào lúc nữa đêm”.

Phật bảo Tỳ-kheo: “Nếu chỗ người Diêm-phù-đề gọi là phương Tây, thì người Cù-da-ni lại gọi là phương Đông. Chỗ người Cù-da-ni gọi là phương Tây, thì người Uất-đơn-việt lại gọi là phương Đông. Chỗ người Uất-đơn-việt gọi là phương Tây, thì người Phất-bà-đề lại gọi là phương Đông. Chỗ người Phất-bà-đề gọi là phương Tây, thì người châu Diêm-phù-đề lại gọi là phương Đông. Hai phương Nam Bắc đều gọi theo như thế cả”.

Thứ bảy: PHẦN KHUY DOANH

Theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Sao là nữa tối? Sao là nữa sáng? Do mặt trời mà có nữa tối, do có mặt trời mà có nữa sáng. Mặt trời luôn luôn đi theo mặt trăng. Ngày ngày cùng gần nhau bốn vạn tám ngàn tám mươi do tuần. Ngày ngày cùng xa nhau như thế. Nếu khi cùng gần nhau, ngày ngày, trăng tròn bị che khuất ba do tuần và một phần ba. Vì nhân duyên này, vào ngày rằm, mặt trăng bị che khuất hết. Như thế gọi là nữa tối hoàn toàn. Ngày ngày xa mặt trăng cũng bốn vạn tám ngàn tám mươi do tuần. Mặt trăng ngày ngày ló ra ba do tuần và một phần ba. Vì nhân duyên này, vào ngày rằm, mặt trăng ló ra hoàn toàn. Thế gian gọi là nữa sáng hoàn toàn. Nếu mặt trời mặt trăng đi hết sức xa nhau, bấy giờ trăng tròn. Thế gian gọi là nữa sáng hoàn toàn. Nếu mặt trời mặt trăng ở cùng một chỗ, như thế gọi là cùng đi. Thế gian gọi là tối hoàn toàn. Nếu mặt trời đi theo sau mặt trăng, ánh sáng mặt trời chiếu lên ánh sáng mặt trăng. Vì ánh sáng mặt trăng thô thiển, nên khi bị chiếu, sẽ sinh ra ảnh. Ảnh này là tự che khuất mặt trăng, nên nhìn vào phần sau của mặt trăng không tròn. Do nhân duyên này, mặt trời dần dần che khuất. Vào ngày rằm, che khuất hết mặt trăng. Khi đi theo sau như thế, gọi là nữa tối. Nếu mặt trời đi trước mặt trăng, mặt trăng ngày ló ra, thì cũng như thế. Vào ngày rằm, mặt trăng ló ra hoàn toàn đầy đủ. Khi đi trước như thế, gọi là nữa sáng.

Hơn nữa, kinh Khởi Thế có câu hỏi rằng: “Lại do nhân duyên nào, vào mùa Đông, đêm dài ngày ngắn? Phật bảo các Tỳ-kheo: “Cung điện mặt trời, qua khỏi tháng sáu, dần dần đi về phương Nam. Mỗi ngày đi được 6 câu lô xá, không hề sai chạy. Vào lúc này, cung điện mặt trời ở phía cực Nam của châu Diêm-phù, có địa hình nhỏ hẹp, mặt trời vượt qua nhanh chóng. Do nhân duyên này, vào mùa Đông, ngày ngắn đêm dài”. Lại do nhân duyên nào, vào mùa Xuân, Hạ, ngày dài, đêm ngắn? Phật đáp: “Cung điện mặt trời, qua khỏi tháng sáu, dần dần đi về phương Bắc. Mỗi ngày đi được 6 câu lô xá, không hề sai chạy, khác với nhật quỹ hàng ngày. Vào lúc này, đang đi qua giữa châu Diêm-phù, địa hình rộng rãi, vượt qua chậm lâu, làm cho ngày dài. Do nhân duyên này, vào mùa Xuân, Hạ, ngày dài, đêm ngắn”.

Luận Trí Độ bảo rằng điều nói trong phẩm A Tỳ Bạt Trí về ngày, tháng, năm là: “Ngày gọi là tùng đán, chí đán, sơ phần, trung phần, hậu phần. Đêm cũng có ba phần. Một ngày một đêm có ba mươi thì. Vào lúc Xuân phân, Thu phân, có mười lăm thì thuộc ngày, mười lăm thời thuộc đêm. Các lúc khác, có sự tăng giảm. Như vào tháng năm, ngày Hạ chí có mười tám thì, đêm còn mười hai thì. Vào tháng mười một, đêm Đông chí có mười tám thì, ngày còn mười hai thì. Một tháng hoặc có ba mươi ngày rưỡi, hoặc ba mươi ngày, hoặc hai mươi chín ngày rưỡi, hoặc hai mươi bảy ngày rưỡi. Có bốn loại tháng: một là tháng mặt trời, hai là tháng thế gian, ba là tháng mặt trăng, bốn là tháng tinh tú. Tháng mặt trời thì ba mươi ngày rưỡi, tháng thế gian thì ba mươi ngày, tháng mặt trăng thì hai mươi chín ngày thêm ba mươi phần sáu mươi hai, tháng tinh tú thì hai mươi bảy ngày thêm hai mươi mốt phần sáu mươi. Tháng nhuận thì từ tháng mặt trời, tháng thế gian mà ra, gọi là tháng mười ba. Hoặc mười ba tháng gọi là một năm. Năm ấy có ba trăm sáu mươi sáu ngày giáp vòng rồi lại bắt đầu. Các Bồ tát biết rõ vào lúc giữa trưa, thì buổi sáng đã trôi qua, buổi chiều chưa đến. Giữa trưa không dừng lại chỗ nào. Không thể nắm bắt thật tướng của ngày. Ngày hư huyễn không có gì cả. Đến ngày ba mươi thì hai mươi chín ngày kia đã mất. Làm thế nào hòa hợp để thành ngày tháng? Không có cách nào cả. Làm sao hòa hợp để thành năm? Phật bảo là làm thế này: “Các pháp thế gian đều như huyễn mộng. Chỉ là các pháp lừa dối chân tâm. Các Bồ tát có khả năng biết được ngày tháng năm của thế gian hòa hợp, biết được ngày tháng năm ly tán, hủy diệt chẳng có gì thật cả. Đấy gọi là giỏi phân biệt”. (Theo kinh, người ta có nhiều ngày tháng bạc phước, có tai họa. Hoặc có ngày đỏ, đủ các điềm xấu, như kinh có nói đầy đủ).

Thứ tám: PHẦN THĂNG VÂN

Theo kinh Khởi Thế nói: “Trong thế gian có bốn loại mây: một là trắng, hai là đen, ba là đỏ, bốn là vàng. Trong bốn loại mây này, như mây màu trắng thì có nhiều đất, như mây màu đen thì có nhiều nước, như mây màu đỏ thì có nhiều lửa, như mây màu vàng thì có nhiều gió. Có loại mây từ dưới đất bay lên trong hư không từ một câu lô xá đến hai hoặc ba, thậm chí đến bảy câu lô xá mới ngừng lại. Hoặc có loại mây từ dưới đất bay lên trong hư không, từ một do tuần cho đến bảy do tuần mới ngừng lại. Hoặc lại có loại mây từ dưới đất bay lên trong hư không, từ một trăm do tuần cho đến bảy trăm do tuần mới ngừng lại. Hoặc lại có loại mây từ dưới đất bay lên trong hư không, từ một ngàn do tuần cho đến bảy ngàn do tuần mới ngừng lại ở đấy đến khi hết kiếp”. Kinh Trường A-hàm nói: “Khi kiếp mới bắt đầu, có loại mây bay lên đến Trời Quang Âm”. (Theo kinh, mây cũng có nhiều loại: hoặc có mây khánh vân ngũ sắc hiện ra, hoặc có đủ loại mây đỏ, mây đen hiện ra, không thể kể hết, như kinh Nhân Vương có nói đầy đủ).

Thứ chín: PHẦN CHẤN LÔI

Theo kinh Khởi Thế nói rằng, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Hoặc có kẻ ngoài đạo đến hỏi các ông rằng: “Do nhân duyên nào, trong hư không có tiếng rền như thế?” Các ông nên trả lời rằng: “Do ba nhân duyên cùng va chạm nhau, nên trong đám mây giữa không trung mới có tiếng rền vang lên”. Là ba nhân duyên nào? Một là do gió và đất chứa trong mây cùng va chạm vào nhau, nên liền có tiếng rền vang lên. Hai là do gió và nước trong mây cùng va chạm vào nhau, nên liền có tiếng rền vang lên. Ba là do gió và lửa trong mây cùng chạm vào nhau, nên liền có tiếng rền vang lên. Tại sao như thế? Thí dụ như các cành cây cùng cọ xát vào nhau, lập tức có lửa xẹt lên. Hiện tượng sấm rền này cũng giống như thế”. (Theo kinh, sấm cũng có nhiều loại, như có loại sấm lôi xa cổ, do quỷ thần tay gõ dùi, tay đánh ra sấm. Vì thế, người ta gọi là trống Trời. Trong đó, cũng có người nhiều tội lỗi bị sét đánh chết. Xem ở quyển Thọ báo).

Thứ mười: PHẦN KÍCH ĐIỆN

Theo kinh Khởi Thế nói rằng, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Hoặc có kẻ ngoại đạo đến hỏi các ông rằng: “Do nhân duyên nào, trong hư không sinh ra tia chớp?”. Các ông nên đáp rằng: “Do hai nhân duyên nên trong mây sinh ra tia chớp. Là hai nhân duyên nào? Một là phương Đông có điện tên là Không dày. Phương Nam có điện tên là Thuận dòng. Phương Tây có điện tên là Ánh sáng rơi. Phương Bắc có điện tên là Cây trăm đời. Hai là, hoặc có một lúc, điện Không dày do phương Đông sinh ra và điện Ánh sáng rơi của phương Tây ấy cùng chạm nhau, cùng đối nhau, cùng cọ nhau, cùng đánh nhau. Do nguyên nhân này, từ giữa đám mây trong hư không ấy sinh ra ánh sáng lớn gọi là Tia chớp. Hoặc có lúc, điện Thuận dòng của phương Nam và điện Cây trăm đời của phương Bắc ấy cùng chạm nhau, cùng đối nhau, cùng cọ nhau, cùng đánh nhau. Do nguyên nhân này, từ giữa đám mây trong hư không ấy sinh ra ánh sáng lớn gọi là Tia chớp. Thí dụ như gió thổi hai cây cùng chạm vào nhau, bỗng nhiên tia lửa xẹt lên, rồi lại rút vào cây”. (Theo kinh, hoặc trước tiên có sấm, không có chớp. Hoặc có chớp rồi sau mới có sấm, cùng chạm nhau sét đánh người và vật).

Thứ mười một: PHẦN GIÁNG VŨ

Theo luận Phân Biệt Công Đức nói: “Mưa có ba loại: một là trời mưa, hai là rồng mưa, ba là A-tu-la mưa. Trời mưa có sương mù mỏng. Rồng mưa có hạt rất lớn. Khi rồng vui thì mưa ôn hòa, nhuần nhã. Khi rồng giận thì mưa lớn, sấm sét đùng đùng. A-tu-la cùng Đế-thích tranh tài, cũng thường làm mưa, có hạt lớn nhỏ không nhất định”. (Theo kinh, cũng có nhiều loại mưa, hoặc không có mây mà vẫn đổ mưa, hoặc có mây trước rồi mới đổ mưa, hoặc nhờ có rồng mà mưa, hoặc không nhờ rồng mà vẫn mưa. Thật ra, do nghiệp lực của chúng sinh mà ra cả, như kinh đã nói đầy đủ).

Thứ mười hai: PHẦN THẤT HẬU

Như kinh Khởi Thế nói rằng Phật bảo các Tỳ-kheo: “Có năm nhân duyên có thể ngăn cản mưa, khiến nhà chiêm tinh không lường được, tăng thêm lầm lẫn, ghi nhận chắc chắn trời mưa. Là năm nhân duyên nào? Một là ở trong hư không, mây nổi sấm rền, phát ra các tiếng già trà già trà, cù trù cù trù, hoặc lóe lên tia chớp, hoặc có gió thổi khí lạnh đến. Các hiện tướng này đều là điềm mưa. Các nhà chiêm tinh và các nhà hiên văn đều đoán chắc lúc ấy tất nhiên sẽ đổ mưa. Bấy giờ, La hầu và chúa A-tu-la, từ trong cung điện của mình bước ra, rồi đưa hai tay nắm lấy đám mây sinh mưa, ném vào trong biển. Đó là nhân duyên thứ nhất ngăn cản mưa rơi mà nhà chiêm tinh không hề biết rằng cuối cùng sẽ không đổ mưa. Hai là có lúc hư không nổi mây, trong mây cũng có các tiếng già trà, cũng có tia chớp lóe lên, lại có gió thổi khí lạnh đến. Bấy giờ, nhà chiêm tinh xem thấy, đoán chắc tất nhiên sẽ đổ mưa. Bấy giờ, lửa tăng thêm sức mạnh, lập tức thiêu đốt đám mây sinh mưa. Đó gọi là nhân duyên thứ hai ngăn cản mưa rơi mà nhà chiêm tinh không hề biết rằng cuối cùng sẽ không đổ mưa. Ba là có lúc, trong hư không nổi mây, trong mây cũng có các tiếng già tra, cũng có tia chớp lóe lên, cũng có gió thổi khí lạnh đến. Lúc ấy, nhà chiêm tinh xem thấy, ghi nhận tất nhiên sẽ đổ mưa. Vì lửa tăng thêm sức mạnh, thổi đám mây sinh mưa, liệng vào đống cát Ca lăng già, hoặc vào trong đồng nội, hoặc vào trong sa mạc Ma liên na. Đó gọi là nhân duyên thứ ba ngăn cản mưa rơi mà nhà chiêm tinh không hề biết rằng cuối cùng sẽ không đổ mưa. Bốn là có các chúng sinh, vì tính phóng đãng, làm ô uế hạnh thanh tịnh, nên trời không đổ mưa xuống đúng mùa. Năm là do người Diêm-phù có kẻ không theo đúng như chánh pháp, dè sẻn, tham lam, ganh ghét, tà kiến, điên đảo, nên trời không làm mưa. (Diễn biến ở hai nhân duyên bốn và năm này cũng giống như trước. Kinh Trường A-hàm cũng nói tương tự). Do năm nhân duyên này, các nhà chiêm tinh lầm lẫn, đoán mưa không đúng”.

Kinh Tăng-nhất-A-hàm nói: “Mặt trời mặt trăng có bốn lớp che đậy, khiến cho không phát ra ánh sáng. Là bốn lớp gì? Một là mây, hai là gió bụi, ba là khói, bốn là A-tu-la, thường che đậy mặt trời mặt trăng, khiến cho không phát ra ánh sáng. Tỳ-kheo cũng có bốn thứ trói buộc che đậy nhân tâm, không cởi mở ra được. Một là dâm dục, hai là sân hận, ba là ngu si, bốn là lợi lộc, che đậy nhân tâm, không cởi mở ra được”. Luật Tứ Phần cũng có bốn loại thí dụ như trên: một là dâm dục, hai là uống rượu, ba là đòi tiền của, bốn là tà mệnh. Có bốn loại này cũng khiến cho Phật pháp không được hiển minh. Bởi thế, có lời tụng rằng: “Hỏi lửa bốc khói mờ, Hơi mây che lấp mây.

Rồng thiên phun mù ướt,
Tung bụi khắp thế gian.
Rượu là cửa phóng đãng,
Dâm là nguồn tử sinh.
Bạc vàng là họa lớn,
Tà mệnh hại giới căn”.

Thứ mười ba: PHẦN ĐỊA ĐỘNG

Theo kinh Phật Bát Nê Hoàn nói: “A Nan chắp tay hỏi Phật rằng: Con muốn biết có mấy chuyện sinh động đất? Phật bảo: có ba nhân duyên. Một là do đất tựa trên nước, nước tựa trên gió, gió tựa trên hư không. Khi gió lớn nổi lên thì nước chao đảo. Nước chao đảo sinh ra động đất. Hai là do các Sa-môn đắc đạo và chư Thiên thần diệu muốn thị hiện cảm ứng nên sinh ra động đất. Ba là do Phật lực, từ trước đến sau khi ta thành đạo, đã chấn động ba ngàn mặt trời mặt trăng, một vạn hai ngàn thế giới, không rơi nào không cảm ứng. Nhiều chư Thiên và quỷ thần đều nghe biết”.

Lại nữa, bộ kinh lớn của Đại thừa là Niệm Phật Tam Muội nói: “Tất cả thế gian có sáu loại chấn động: một là loại biến động của Động biến động, hai là loại biến chấn của Chấn biến chấn. Ba là loại biến dũng của Dũng biến dũng. Bốn là loại biến hống của Hống biến hống. Năm là loại biến khởi của Khởi biến khởi. Sáu là loại biến giác của Giác biến giác. Trong sáu loại này, mỗi loại lại có ba loại, họp thành mười tám hình thức chấn động. Như thế, hễ phương Đông vọt lên thì phương Tây lặn xuống. Phương Tây vọt lên thì phương Đông lặn xuống. Phương Nam vọt lên thì phương Bắc lặn xuống. Phương Bắc vọt lên thì phương Nam lặn xuống. Ở giữa vọt lên thì hai bên lặn xuống. Hai bên vọt lên thì ở giữa lặn xuống”.

Lại nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Phật bảo Phú Lâu Na rằng: Lại có chư Thiên chứng được đại đồng thần thông uy đức, nếu muốn gây chấn động thế gian, lập tức làm cho thế gian chấn động. Nếu có các Tỳ-kheo có đại thần thông, đại uy đức, quán đất, khiến lớn thành nhỏ, nhỏ thành lớn. Nếu muốn gây ra động đất thì cũng có chấn động. Gây ra động đất, còn có loại gió tên là Tỳ Lam Bà. Gió này thổi hoài, khiến đất chấn động không ngừng, sức gió bốc lên cao. Có loại gió thổi phía dưới thấp, cũng gây nên chấn động hai bên. Loại gió này bình thường, thổi xoay tròn để giữ đất lại”. Lại nữa, luận Trí Độ nói: “Động đất có bốn nhân duyên: một là do lửa, hai là do rồng, ba là do chim Kim sí, bốn là hai mươi tám vì tinh tú”. Lại nữa, các La Hán và chư Thiên cũng có thể gây ra động đất. Lại nữa, kinh Tăng-nhất- A-hàm nói: “Tại thành Xá Vệ, Phật bảo các Tỳ-kheo rằng có tám nhân duyên sinh ra động đất lớn: mặt đất này sâu sáu mươi tám ngàn do tuần, được nước giữ lại, nước tựa vào hư không. Nếu lúc này hư không có gió động thì nước cũng động. Nước động thì đất liền động lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ nhất. Nếu có Tỳ-kheo chứng được thần thông biến hiện tự tại, quán đất như lòng bàn tay, cũng có thể khiến động đất lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ hai. Lại nữa, nếu có chư Thiên chứng được thần thông biến hiện tự tại và đại uy đức, cũng có thể khiến đất rộng lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ ba. Nếu có Bồ tát ở Trời Đâu suất muốn giáng trần hạ sinh, lúc bấy giờ sẽ có động đất. Đó là nhân duyên động đất thứ tư. Lại nữa, nêu Bồ tát ấy biết mình đang ở trong bào thai của mẹ, đất sẽ động lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ năm. Nếu Bồ tát ấy biết đã đủ mười tháng, phải ra khỏi bào thai của mẹ, đất sẽ động lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ sáu. Nếu Bồ tát ấy xuất gia, ngự giữa Đạo tràng, hàng phục ma chướng, cuối cùng thành đạo, đất sẽ động lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ bảy. Nếu trong tương lai, từ địa vị Vô dư Niết bàn mà nhập Niết bàn, đất sẽ động lớn. Đó là nhân duyên động đất thứ tám”. (Theo kinh, động đất cũng có nhiều loại: động đất do có Thánh nhân ra đời, động đất do hàng Tứ Thánh xuất thế, hoặc do chư Phật, Bồ tát xuất thế, hoặc động một thế giới, hoặc nhiều thế giới. Cũng có chúng sinh bạc phước, bị động đất gây ra hao tài tổn mạng, tùy theo y báo, chánh báo của mình, như kinh có nói đầy đủ).

Thuật rằng: “Từ đây trở xuống, tóm lược đại khái các sách thế gian nói về tình hình biến hóa của âm dương và trời đất thưở mới phân chia, cho rằng có năm tầng: một là Nguyên khí, hai là Thái dịch, ba là Thái sơ, bốn là Thái thủy, năm là Thái tố. Thứ nhất là Nguyên khí. Theo Hà Đồ nói: “Nguyên khí vô hình, rền rĩ tối tăm. Phần ngửa lên là đất, phần úp xuống làm trời”. Lễ Thống nói: “Trời đất do nguyên khí sinh ra, là tổ tông của vạn vật”. An Đế Vương Thế Kỷ của Hoàng Phủ Sĩ nói: “Khi nguyên khí mới manh nha gọi là Thái sơ”. Tam Ngũ Lịch Kỷ nói: “Khi chưa có trời đất, hãy còn hỗn độn như quả trứng gà. Rồi khí mờ mịt sinh ra, khí bao la phân bố đầy dẫy. Năm dựng lên thời tiết và nguyên khí hình thành”. Đế Hệ Phổ nói: “Khi trời đất mới tạo thành, hãy còn mờ mịt bao la. Trong đó sinh ra Thiên hoàng cai trị một vạn tám ngàn năm lấy đức của hành Mộc làm vua”. Sách Liệt Nữ nói: “Xét rằng hữu hình sinh ra từ vô hình. Vậy trời đất sinh ra từ đâu? (Trương Kiền chú thích rằng trời đất không sinh ra từ đâu cả, mà tự sinh ra). Thế nên có Thái dịch, có Thái cơ, có Thái thủy, có Thái tố biến hóa thành Một. Một biến hóa thành Bảy. Bảy biến hóa thành Chín. Chín là cứu cánh của biến hóa. Rồi lại biến hóa thành Một. Một là khởi thủy của hình biến. Phần trong trẻo nhẹ nhàng nổi lên làm trời. Phần cặn đục nặng nề chìm xuống làm đất. Khí chan hòa làm người. Thế nên, trời đất chứa tinh, vạn vật hóa sinh”. Vì vậy, Hệ từ thượng trong kinh Dịch nói: “Dịch có Thái cực. Thái cực sinh ra Lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng. Tứ tượng sinh ra Bát quái. Bát quái minh định cát hung vậy”. Cảm Tinh Phù trong Xuân Thu nói: “Nhân chủ với mặt trời mặt trăng cùng sáng, với bốn mùa cùng đúng. Nên lấy trời làm cha, đất làm mẹ, mặt trời làm anh, mặt trăng làm chị”. (Tôn trời làm cha ở lễ tế đài tròn. Tôn đất làm mẹ ở tế đầm vuông. Tôn mặt trời làm anh ở tế Đông giao. Tôn mặt trăng làm chị ở tế Tây giao). Thuyết Đề Từ trong Xuân Thu nói: “Nói trời là đầy vậy. Trời ở trên cao để coi sóc dưới thấp, vì người mà liệu lý các Dương tinh. Chất chứa lại thì làm Một tuyệt đối, phân tán ra thì có các tên khác nhau. Thế nên đặt chữ Nhất và chữ Đại thành chữ Thiên vậy”.

Xuân Thu Phồn Lộ nói: “Trời có mười mối: Trời là một mối, đất là một mối, dương là một mối, âm là một mối, thổ là một mối, kim là một mối, mộc là một mối, thủy là một mối, hỏa là một mối, cả thảy là mười mối. Trời cũng có khí mừng giận, có lòng vui buồn, với người là hai, cùng hợp với người. Trời và người là một. Mùa Xuân thì hớn hở nên khí sinh sôi. Mùa Thu thì giận dữ nên khí tàn sát. Mùa Hạ thì vui tươi nên khí nuôi dưỡng. Mùa Đông thì buồn bã nên khí ẩn tàng. Bốn khí ấy, trời và người đều có”. Nhĩ Nhã nói: Vòm xanh xanh là trời đấy! (Lý Tuần nói: “Ngày xưa, mỗi khi người ta thề thốt, ngửa lên nhìn trời, vòm cong mà cao, màu xanh xanh, nên bảo là vòm xanh). Mùa Xuân là Thương thiên (Trương Tuần nói: Vào mùa Xuân, vạn vật bắt đầu sinh sôi, có màu xanh xanh, nên gọi là trời xanh). Mùa Hạ là Hạo thiên (Lý Tuần nói: Vào mùa Hạ, vạn vật lớn nhanh, khí sắc tràn trề, nên gọi là trời cả). Mùa Thu là Mân thiên (Lý Tuần nói: Vào mùa Thu, vạn vật già chín, có màu sắc đẹp đẽ, nên gọi là Mân thiên. Mân là văn vẻ của trời. Quách Cảnh Thuần nói: Mân cũng như mẫn, nghĩa là thương xót vạn vật tàn tạ vậy). Mùa Đông là Thượng thiên (Lý Tuần nói: Vào mùa Đông, âm khí ở trên, vạn vật ẩn tàng, nên gọi là trời cao). Quảng Nhã nói: “Trời tròn rộng, chiều Nam Bắc là hai ức ba vạn ba ngàn năm trăm dặm bảy mươi lăm bộ. Chiều Đông Tây ngắn hơn bốn bộ. Chu vi sáu ức mười vạn bảy trăm dặm hai mươi lăm bộ. Từ mặt đất lên đến trời 1 ức một vạn sáu ngàn bảy trăm tám mươi mốt dặm rưỡi. Bề dày dưới mặt đất cũng bằng khoảng trời cao”. Trong Hiếu Kinh, phần Châu Thiên Thất Hành Lục Gian nói: “Giáp vòng trời có bảy hành và sáu khoảng trung gian. Mỗi khoảng cùng cách nhau một vạn chín ngàn tám trăm ba mươi ba dặm một phần ba, gộp lại thành 1một vạn chín ngàn dặm. Từ hành trong đến hành giữa, từ hành giữa đến hành ngoài, mỗi hành cách nhau năm vạn chín ngàn năm trăm dặm”.

Châu Diệu Độ trong Lạc Thư nói: “Giáp vòng trời có ba mươi sáu năm độ một phần tư. Một độ có một ngàn chín trăm ba mươi hai dặm. Vậy trời đất cách nhau một bảy vạn tám ngàn năm trăm dặm”. Luận Hành nói: “Mặt trời đi một ngày được một độ. Một độ có hai ngàn dặm. Vậy ban ngày, mặt trời đi được một ngàn dặm. Nhanh chậm cũng bằng bước chân kỳ lân”. Bạch Hổ Thông nói: “Mặt trời đi chậm, mặt trăng đi nhanh. Mặt trời đi một độ thì mặt trăng đi mười ba độ bảy phần mười chín. Mặt trời mặt trăng lớn ngàn dặm. Hơn nữa, tính nhật quỹ của mặt trời còn có trong ngoài. Từ cực Bắc đến cực Nam cách nhau chín trăm chín mươi do tuần. Trải qua một tám mươi ngày, mặt trời đi từ trong đến ngoài. Lại trải qua một tám mươi ngày, mặt trời đi từ ngoài vào trong. Thế nên mới gọi là đi. Nói mặt trời đi được sáu mươi dặm vì vầng mặt trời lớn. Mặt trời chờ bầu trời mà đi. Vì mặt trời đi chậm, chỉ sáu mươi dặm, nên một năm có mười hai tháng. Sáu tháng đi về phương Bắc. Sáu tháng đi về phương Nam. Tổng cộng nhật quỹ của mặt trời có ba sáu mươi độ”. Bạch Hổ Thông còn nói: “Mặt trăng sở dĩ có khi tròn khi khuyết, do về quy công cho mặt trời. Ngày mồng ba thành tối, ngày mồng tám thành sáng. Hai lần tám, ngày mười sáu, chuyển về quy công. Đêm ba mươi đến sáng mồng một, nhận tín hiệu để đi lại. Mặt trăng có lúc lớn nhỏ, xoay về phía Đông của bầu trời. Mặt trời xoay về phía Tây của bầu trời. Mặt trời đi chậm, mặt trăng đi nhanh, khi kịp mặt trời là một tháng. Đến ngày hai mươi chín, chưa đủ bảy độ, phải qua ngày ba mươi mới mới hơn bảy độ. Mặt trời không thể phân chia ra, nên có lúc ánh sáng bỗng nhỏ lại. Có âm dương nên có nhuận. Mặt trăng đi giáp vòng bầu trời ba trăm sáu mươi lăm độ một phần bốn trong hai tháng. Mặt trời đi không giáp mười hai độ. Thế nên ba năm có một lần nhuận. Năm năm lại nhuận một lần nữa. Rõ ràng là âm thiếu, dương thừa. Nhuận là dương thừa vậy”.

Từ Chỉnh Trường Lịch cho rằng mặt trời mặt trăng đường kính ngàn dặm, chu vi ba ngàn dặm, ở dưới bầu trời bảy ngàn dặm. Thượng thư cho rằng ánh sáng mặt trời chiếu diệu suốt ba vạn sáu ngàn dặm. Địa thuyết thư cho rằng mặt trời mặt trăng chiếu sáng đến bốn mươi lăm vạn dặm.

Sách Liệt Tử nói: “Khổng tử đi chơi ở phương Đông, gặp hai đứa bé cãi lý, bèn hỏi nguyên nhân. Một đứa nói: “Tôi cho rằng khi mới mọc, mặt trời gần người, lúc giữa trưa thì lại xa người. Một đứa cho rằng lúc mới mọc mặt trời xa người, vào giữa trưa thì lại gần người. Một đứa nói là khi mặt trời mới mọc thì lớn như cái lọng che xe, đến giữa trưa, chỉ còn bằng cái lồng bàn. Đấy phải vì xa thì nhỏ mà gần thì lớn sao?”. Một đứa nói: “Mặt trời mới mọc, lành lạnh, mát mát, đến giữa trưa, như chạm phải nước sôi, đấy chẳng phải vì gần thì nóng mà xa thì mát sao?”. Khổng Tử không thể giải quyết được. Hai đứa trẻ cười mà bảo rằng: “Ai nói Ngài là bậc đa trí!”.

Hoàn Đàm Tân luận nói: “Thưở nhỏ, tôi nghe làng xóm nói rằng Khổng Tử đi chơi phương Đông, gặp hai đứa trẻ cãi lý, bèn hỏi nguyên nhân. Một đứa nói: “Tôi cho rằng mặt trời mới mọc thì gần, giữa trưa thì xa. Một đứa kia cho rằng khi mặt trời mới mọc thì xa, giữa trưa thì gần. Quan Tử Dương, Hiệu ý đất Trường Thủy, cho rằng trời ở trên đầu thì xa, trời ở bốn bên thì gần. Vì tinh tú vào lúc hoàng hôn, mọc ở phương Đông, cách nhau rất xa, hơn cả một trượng. Nữa đêm nằm ở trên đầu, nhìn thấy san sát, chỉ cách nhau một hai thước mà thôi. Mặt trời là dương của trời, lửa là dương của đất. Dương của đất thì bay lên, dương của trời thì hạ xuống. Nếu sai đặt lửa dưới đất, từ bên cạnh và ở trên mà xét sức nóng, do xa gần không giống nhau, nên sức nóng sai biệt hẳn một nữa. Giữa trưa, mặt trời ở trên đầu, đang lúc dương của trời đang ở trên, nên nóng hơn khi mới mọc. Lúc khác, vì sức nóng từ trong thái dương tỏa ra, nên mát hơn. Mặt trời chiều ở phương Tây, trong đám cây dậu, tuy cùng độ lớn nhỏ như buổi sáng, nhưng khí chất không giống như buổi sáng vậy”.

Luận hành nói: “Xét rằng mặt trời mặt trăng không tròn, nhìn thấy như tròn, do ở xa người vậy. Xét rằng mặt trời là tinh của lửa. Ở dưới đất, nước lửa đều không tròn. Ở trên trời, lửa sao lại tròn được? Mặt trời mặt trăng ở trên trời cũng giống ngũ tinh. Ngũ tinh cũng giống các tinh tú khác, đều không tròn. Vì ánh sáng mà thấy như tròn thôi. Làm sao biết được điều này? Vào thời Xuân thu, có vân thạch rơi xuống kinh đô nước Tống, nhìn giống cục đá. Đá vốn không tròn. Do đó, biết rằng mặt trời mặt trăng cũng không tròn được”. Luận hành nói: “Nhà Nho bảo trong mặt trời có con quạ ba chân. Mặt trời là lửa. Qụa vào lửa thì cháy nát tan, làm sao đứng yên lành được? Như thế, quạ chỉ là khí của mặt trời”.

Thiên Suy Độ Tai trong kinh Thi nói: “Mồng ba trăng tối. Mồng tám trăng sáng. Cóc vàng thành dáng. Thỏ bạc mới nhô”. (Trương Tuần chú thích Quyết tị là trăng).

Diễn Khổng Đồ trong Xuân Thu nói: “Thiềm thừ là tinh của mặt trăng”. Nguyên Mệnh Bao trong Xuân Thu nói: “Mặt trăng là tinh của âm, mỗi ngày đi được mười ba độ, thường bỏ chức mà nhận thấy tinh của dương. Nhận tinh sáng ở trong, nên chứa kim và thủy trong đó”.

Thủy Khai của Hà Đồ nói: “Bụi của suối vàng bốc lên làm mây xanh. Bụi của suối đỏ bốc lên làm mây đo. Bụi của suối trắng bốc lên làm mây trắng. Bụi của suối đen bốc lên làm mây đen”. (Hoài Nam Tử cũng chép thế).

Quát Địa Tượng của Hà Đồ nói: “Núi Côn Luân phát ra hơi mây ngũ sắc”. Thuyết Quải của Dịch nói: “Tốn là gió. Lấy chuyển vạn vật thì chẳng có gì hơn gió mạch. Gió để chuyển động vạn vật”.

Đế Thông Kỷ của Hà Đồ nói: “Gió là sự sai sử của trời đất”.

Nhĩ nhã nói: “Khí hậu bốn mùa điều hòa là Thông chánh, gọi là Cảnh phong (Lý Tuần nói Cảnh phong là gió thái bình). Gió Nam gọi là Phiêu phong. Gió Đông gọi là Cốc phong. Gió Bắc gọi là Lương phong. Gió Tây gọi là Thái phong. Phần luân gọi là Đồi (Quách Phác chú thích là gió từ trên trời thổi xuống). Gió có lửa gọi là Đồn (Đồn là mạnh mẽ). Nhân nổi gió gọi là Phiêu. Mặt trời mọc có gió gọi là Bạo. Gió đổ mưa đất bụi xuống gọi là Mai. Trời tối tăm và gió nổi lên gọi là Ế”.

Kê Lãm Đồ của Dịch nói: “Dương hạ xuống làm gió. Gió do dương hạ xuống không lay cành cây kêu lên”.

Thuyết Quải của Dịch nói: “Chấn là sấm. Lay động vạn vật, chẳng có gì lớn hơn sấm”.

Đế Thông Kỷ của Hà Đồ nói: “Sấm là trống của trời đất”.

Tả Truyện nói: “Chứa băng đúng lúc thì sấm nổ thành sét. Bỏ băng không chứa thì có sấm mà không có sét”.

Nguyên Mệnh Bao trong Xuân Thu nói: “Âm dương hợp lại thành sấm”. Sư Khoáng đoán rằng: “Sấm xuân bắt đầu nổi, kêu lách bách cách cách. Tiếng sét của nó gọi là sấm trống, đó là khí hạn hán. Nếu kêu ì ầm không lớn, tiếng sét như thế gọi là sấm mái, đó là khí của nước”. Sư Khoáng lại đoán rằng: “Vào lúc Xuân phân, mưa có tiếng sấm, giống sấm mà không phải sấm. Tiếng ở trong đất, trong chỗ ấy ngầm nổi điềm bệnh. Nếu không mây mà có tiếng sấm, gọi là Thiên cẩu, điềm ấy xảy ra, không quá ba năm, nước nhà sẽ gặp họa”.

Thủy Khai Đồ của của Hà Đồ nói: “Dương kích động thành sấm”.

Kê Lãm Đồ của Dịch nói: “Âm dương hòa hợp lại, tia chớp rực rỡ, ánh sáng lóe dài”.

Nguyên Mệnh Bao trong Xuân Thu nói: “Âm dương xung kích thành tia chớp”.

Thiên Quan Thứ của Sử Ký nói: “Tia chớp là do chuyển động của âm dương”.

Cốc Lương truyện nói: “Ẩn công bảo là đình lôi”. (Nghĩa là sấm nổ nhanh, nay gọi là sét đánh).

Thuyết Văn nói: “Sét đánh là đánh vạn vật vậy”.

Tích Danh nói: “Sét đánh là bẻ gãy. Sét đánh là đánh phá. Chỗ bị đánh lập tức vỡ tan, cũng như đánh phá ra vậy”.

Dị Uyển nói: “Sa-môn Thích Tuệ Viễn tu luyện ở Lô Sơn. Từng có con rồng bay lượn trước mắt. Ngài nổi giận, lấy đá ném trúng. Rồng nhào lộn bay lên, bỗng nổi lên cơn lốc sáng lập lòe. Ngài biết do rồng ấy gây nên, liền lên núi thắp hương, tập hợp đệ tử cùng cất tiếng tụng kinh kệ. Lập tức, sét đánh trả lại viên đá ném trúng con rồng. Mây mưa mới lặng yên”.

Dị Uyển nói: “Giặc Khuất Phục Quốc Nhân đời Tây Tần hung tàn bạo ngược, từng bị sét đánh trúng. Về sau, mỗi lần cất mình đi ra ngoài, viết lên sau lưng bốn chữ để che đậy tội ác của mình. Quốc Nhân ít khi đi đâu mà quên làm điều này”. Tụng rằng:

“Vằng vặc nhật nguyệt,
Lấp lánh sao trời.
Ngày nhật, đêm nguyệt,
Bóng tối còn nơi?
Mọc lên rạng rỡ.
Lặn xuống mờ mờ.
Đầy vơi ẩn hiện,
Hối sóc chuyển dời.
Tinh tú phân bố,
Phước thọ linh oai.
Thánh nhân thiết lập,
Tùy nghiệp sáng soi.
Rồng mây gặp hội,
Lên xuống đổi ngôi,
Kích động sấm sét,
Mưa nắng kịp thời”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây