Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 64: Quyển 21 - Thiên thứ 10: Phúc Điền - Thứ Nhất: Phần Thuận Ý - Thứ Hai: Phần Hơn Kém

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 21

Thiên thứ 10: PHÚC ĐIỀN
Gồm có 3 phần: Thuật ý, Hơn kém, Bình đẳng.
Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý
Từ khi đức Từ phụ nhập Niết-bàn, các đệ tử được hưởng phúc lành, thay thế hoằng dương trong thời mạt pháp, tùy cơ hóa độ các nước khắp chốn Ta-bà. Nếu nhận thức khác nhau, tuy ở chung nhà, vẫn thấy một Trời xa lạ. Cảm thông cùng giống hệt, dù cách đôi ngã vẫn thấy gần gũi tấc gang. Thế nên, vừa biết kính tặng, đã khai thông thanh tịnh, mới bố thí mảy mọn, lục độ đã trở nên vô biên.
Thứ hai: PHẦN HƠN KÉM
Như Kinh Ưu-bà-tắc-giới nói: “Đức Phật bảo, phúc điền ở thế gian có ba loại:
1- Là báo ân điền 2- Là công đức điền 3- Là bần cùng điền.
Báo ân điền là cha mẹ, sư trưởng và Hòa thượng. Công đức điền là từ khi được nghe pháp cho đến khi chứng quả A-nậu-bồ-đề. Bần cùng điền là tất cả mọi người bần cùng khốn khổ. Đức Phật là hai loại phúc điền báo ân và công đức. Pháp cũng thế. Chư Tăng là ba loại phúc điền báo ân, công đức và bần cùng. Vì thế, người mới thọ giới cần phải dốc lòng cúng dường Tam bảo. Nếu có người cùng bố thí của cải, phúc điền và tâm bố thí bằng nhau, thì phúc đức ấy cũng sẽ như nhau. Nếu của cải và tâm bố thí bằng nhau, nhưng phúc điền lớn hơn, thì được phúc báo lớn hơn. Nếu phúc điền và của cải đều ít, nhưng tâm bố thí lớn hơn, thì phúc báo cũng lớn hơn. Nếu phúc điền và của cải lớn, nhưng tâm bố thí nhỏ thì phúc báo cũng không lớn. Này thiện nam tử! Kẻ sáng suốt, khi bố thí, không nhắm đến phúc báo. Tại sao? Vì đã biết rằng, hễ gieo nhân lành, chắc chắn sẽ hưởng quả phúc tốt đẹp”.
Lại nữa, kinh Tăng-già-tra nói: “đức Phật bảo các Bồ-tát dũng mãnh rằng, nếu tất cả tam thiên đại thiên thế giới chứa đầy hạt mè, số lượng Chuyển-luân-vương cũng nhiều như thế. Nếu có người cúng dường hết thảy các Chuyển-luân-vương này, công đức không bằng cúng dường một Tu-đà-hoàn. Nếu cúng dường tất cả Tu-đà-hoàn trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một Tưđà-hàm. Nếu cúng dường tất cả Tư-đà-hàm. Trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một A-na-hàm. Nếu cúng dường tất cả A-na-hàm trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một A-la-hán. Nếu cúng dường tất cả A-la-hán trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một Bích-chi Phật. Nếu cúng dường tất cả Bích-chi Phật trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một Bồ-tát. Nếu cúng dường tất cả Bồ-tát trong tam thiên đại thiên thế gian ấy, công đức không bằng phát tâm thanh tịnh cúng dường một đức Phật. Nếu phát tâm thanh tịnh cúng dường tất cả chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới ấy, công đức không bằng cúng dường một kẻ phàm phu phát tâm nghe pháp môn này, huống gì sao chép, đọc tụng thọ trì? Bấy giớ, tất cả đại chúng bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế-tôn, phúc đức của một đức Phật lớn đến thế nào?” Đức Phật đáp rằng: “Thí dụ số lượng tất cả chúng-sinh nhiều như các hạt bụi nhỏ nhoi khắp hà sa thế giới đều biến thành các Bồ-tát thập địa, tất cả công đức của hết thảy các Bồ-tát thập địa này cũng không sánh bằng công đức của một đức Phật”.
Lại nữa, kinh A-tỳ-đàm-cam-lộ-vị nói rằng: “phúc đức có ba loại:
Là đại đức điền.
Là bần khổ điền
Là đại đức bần khổ điền.
Đại đức điền là gì? Ấy là Bích-chi Phật và các Sa-môn chứng quả. Sao gọi là bần khổ điền? Ấy là các chúng-sinh và những người già yếu bệnh hoạn. Sao gọi là đại đức bần khổ điền? Ấy là các Thánh Tăng và những người già yếu bệnh hoạn. Nếu bố thí cho đại đức điền với lòng cung kính, sẽ được phúc báo lớn. Nếu bố thí cho bần khổ điền với lòng thương xót, sẽ được phúc báo lớn. Nếu bố thí cho đại đức bần khổ điền với lòng cung kính và thương xót, sẽ được phúc báo lớn. Như thế gọi là phúc điền tốt. Thế nào gọi là vật tốt? Không giết hại, không trộm cắp, không lừa dối mà có, tùy khả năng sở hữa ít nhiều vật tinh khiết, đem ra bố thí, gọi là vật tốt. Nếu bố thí đức Phật, lập tức sẽ được mọi phúc báo. Nếu bố thí chư Tăng, được thọ dụng, sẽ được mọi phúc báo. Nếu chư Tăng chưa thọ dụng, sẽ không được mọi phúc báo. Nếu cúng dường pháp, sẽ được mọi phúc báo. Nếu đem pháp cúng dường những người tu học thông minh, trí tuệ sáng láng, gọi là cúng dường pháp. Bố-thí thì được giàu có, thọ thì lại càng được vui vẻ, sức khỏe và tuổi thọ. Công đức càng cao,sẽ được phúc báo càng lớn. Nếu bố thí cho loài vật, sẽ hưởng được phúc báo trăm đời. Nếu bố thí cho người xấu sẽ được phúc báo nghìn đời. Nếu bố thí cho người tốt sẽ được phúc báo nghìn vạn đời. Nếu bố thí cho kẻ phàm đã lìa dục, sẽ được phúc báo nghìn vạn ức đời. Nếu bố thí cho bậc đắc đạo, sẽ được phúc báo vô lượng kiếp. Nếu bố thí cho đức Phật, sẽ được nhập Niết-bàn. Lại nữa, bố thí có sáu loại:
Là bố thí do kiêu ngạo.
Là bố thí do cầu danh
Là bố thí do ỷ thị vào sức lực
Là bố thí do ép buộc
Là bố thí do nhân-duyên
Là bố thí do trông mong vào phúc báo”.
Lại nữa, kinh Phật thuyết-hoa-tụ-đà-la-ni nói: “Đức Phật bảo nếu lại có người đem thất bảo lớn như núi Tu-di bố thí cho các Thanh văn và Bích-chi Phật suốt một kiếp, công đức cũng không sánh bằng có người xuất gia hay tại gia đem một đồng tiền bố thí cho người mới phát tâm Bồ-đề. Công đức trên không bằng một phần nghìn của công đức này, thậm chí không thể tính toán, so sánh nổi”.
– Kinh Bảo-lương nói: “Đức Phật bảo: “Này, các thiện nam tử!
Nay ta nói trên thế gian có hai hạng người đáng được bố thí:
Là những người tu hành tinh tiến.
Là những người đã giải thoát.
Có ba loại bố thí khiến cho thí chủ được phúc báo:
Là thường bố thí thức ăn.
Là bố thí phòng ốc cho chư Tăng.
Là có từ tâm.
Trong ba loại này, từ tâm đứng đầu”.
Lại nữa, kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Tu-đạt nhà cửa nghèo nàn, không có của cải, nhưng thuần thành nhân đức. Đức Phật dạy phép bố thí, tu-đạt bạch rằng: “Bố thí nhiều hay ít?” Đức Phật dạy: Có loại bố thí tuy nhiều, nhưng được báo ít. Có loại bố thí tuy ít nhưng được phúc báo nhiều, như bố thí tuy nhiều, nhưng không có thành tâm, ngã mạn tự đại, tin tưởng tà thuyết đảo điên, không bố thí cho các bậc tu hành tinh tiến, nên được phúc báo ít ỏi. Giống như ruộng xấu, gieo hạt thật nhiều, nhưng thâu hoạch rất kém. Sao gọi là bố thí ít, nhưng lại được phúc báo nhiều? Ấy là phép bố thí ít, nhưng có lòng vui vẻ, cung kính, không mong đợi trả ơn và bố thí cho chứ Phật, Bích-chi Phật cùng các Sa-môn chứng quả. Thế nên, dù bố thí ít, nhưng được phúc báo nhiều, giống như ruộng tốt, gieo hạt dù ít, nhưng thu hoạch rất nhiều”.
Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Đem tâm đại bi bố thí, phẩm vật tuy giống nhau, nhưng được phúc báo nhiều ít, tùy thuộc vào tâm ấy mạnh hay yếu. Giống như Xá-lợi-phất đem một bát cơm cúng dường đức Phật, đức Phật lại đem bát cơm ấy bố thí cho chó, rồi hỏi Xá-lợi-phất: “Ông đem bát cơm cúng dường ta, ta lại đem cho chó, ai được phúc báo nhiều hơn?” Xá-lợi-phất thưa: “ Như tôi hiểu ý của đức Phật, đức Phật bố thí cho chó được phúc nhiều hơn. Phật điền lớn nhất, không gì bằng bố thí cho chó”. Do đó, có thể biết rằng, phúc báo lớn nhỏ do tâm chứ không do phúc điền. Giống như tâm của Xá-lợi-phất, dù lớn gấp nghìn vạn ức lần, cũng không bằng tâm của đức Phật. Tại sao? Vì tâm là chủ tể bên trong, còn phúc điền chỉ là sự vật bên ngoài mà thôi.
Cũng có trường hợp phúc báo của bố thí lớn nhỏ tùy thuộc vào phúc điền. Như ngày xưa, A-la-hán Ức-nhĩ đem một bông hoa bố thí ở tháp Phật, được hưởng phúc báo chín mươi mốt kiếp an lạc trong các cõi Trời người, phúc báo còn lại giúp chứng thêm quả A-la-hán. Cũng giống như vua A-du-ca lúc thiếu thời, đem nắm đất bố thí đức Phật, sau này được phúc báo làm vua cõi Diêm-phù-đề, xây nên tám vạn ngôi tháp và cuối cùng đắc đạo, vật bố thí ấy hết sức tầm thường và tấm lòng trẻ thơ còn quá nhỏ bé, nhưng nhờ phúc điền rất lớn, nên được hưởng phúc báo lớn lao. Nên nhớ phúc báo lớn do phúc điền tốt đẹp sinh ra. Trong hai truyện lớn và vừa kể trên, ba yếu tố tâm vật và phúc điền đều đầy đủ, tốt đẹp giống như lúc đức Phật rải hoa cúng dường đức Phật khắp mười phương.
Hỏi: “Làm thế nào cho phúc báo bố thí ấy Tăng thêm?”
Đáp: “Nên bố thí đúng lúc thì phúc báo sẽ Tăng thêm. Theo kinh nói, nếu bố thí lúc đó khát, phúc báo sẽ Tăng thêm. Hoặc bố thí thường xuyên, hoặc nghĩ cách bố thí chổ khách xa đi đến, như nơi hiểm trở, đường vắng, phúc báo sẽ được Tăng trưởng lớn lao hơn”.
Lại nữa, kinh Tăng-nhất-A-hàm nói: “Bố thí thức ăn cho súc vật sẽ được phúc báo gấp trăm lần. Bố thí thức ăn cho người phạm giới, sẽ được phúc báo gấp nghìn lần. Bố thí thức ăn cho người giữ giới, sẽ được phúc báo gấp vạn lần. Bố thí thức ăn cho đạo sĩ diệt dục, sẽ được phúc báo gấp nghìn vạn lần. Bố thí thức ăn cho Tu-đà-hoàn, sẽ được vô lượng phúc báo, huống chi bố thí thức ăn cho bậc Tư-đà-hàm đã chứng quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm đã chứng quả A-na-hàm, A-la-hán đã chứng quả La-hán, Bích-chi Phật đã chứng quả Bích-chi Phật, sẽ được phúc báo vô lượng vô biên, không thể tính toán nổi!”
Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Ngày xưa, trong thành Phất-ca-la thuộc nước Đại Nguyệt. Chi có một họa sư tên là Thiên-na, sang phương đông ở trọ trong nước Đa-sát-thi-la để vẽ mướn suốt mười năm, tích lũy được ba mươi lượng vàng, bèn mang về nước. Đến thành Phất-cala, nghe tiếng trống đại hội, mau bước đến xem. Thấy chư Tăng thuần thành, thanh tịnh, liền hỏi tri sự: “Đại chúng chi dụng một ngày hết bao nhiêu?” Tri sự đáp: “Hết ba mươi lượng vàng”. Thiên-na lấy hết số vàng giao cho tri sự: “Nhờ tri sự giúp tôi lo liệu một ngày ăn cho đại chúng. Ngày mai, tôi sẽ về tay không”. Đến nhà, vợ ông ta hỏi: “Làm suốt mười hai năm, kiếm được bao nhiêu?” Thiên-na trả lời: “Được ba mươi lượng vàng”.
Vợ hỏi gấp: “Để ở đâu?”
Đáp: “Đã đem làm hạt giống trong ruộng phúc”.
Vợ hỏi gằn: “Ruộng phúc gì vậy”.
Đáp: “Là bố thí cho chư Tăng”.
Vợ tức giận, trói tay dẫn đến quan xin trị tội. Đại quan tư pháp hỏi:
“Chuyện gì đây?”
Vợ đáp: “Chồng tôi ngu si điên khùng, làm suốt mười hai năm được ba mươi lượng vàng, không thương xót vợ con, đã đem cho người khác hết sạch. Theo pháp luật, tôi trói dẫn đến đây”. Đại quan hỏi Thiên na: “Tại sao nhà ngươi không đem vàng nuôi vợ con, lại đem cho người khác?”
Đáp: “Tổ tiên tôi không làm công đức, nên đời này tôi bị nghèo khổ, chịu nhiều đắng cay. Nay gặp phúc điền, nếu không trồng phúc, đời sau cũng sẽ nghèo nàn. Đời đời kiếp kiếp sẽ nghèo mãi, không bao giờ thoát khổ. Vì muốn dứt bỏ số kiếp nghèo nàn, nên tôi đã đem số vàng bố thí cho chư Tăng”. Đại quan ấy vốn là một cư sĩ hết lòng tin tưởng vào đức Phật và giữ giới rất thanh tịnh, nên vừa nghe Thiên-na nói xong bèn ca tụng rằng: “Làm được như thế rất khó! Khổ công bao nhiêu năm mới gom góp được chút ít, làm đem bố thí hết cho chư Tăng. Nhà ngươi đúng là người có thiện tâm”. Đại quan lập tức mở chuỗi anh lạc đang đeo, con ngựa đang cưỡi và đem một trang trại tặng cho thiên-na rất nghèo khó, rồi nói rằng: “Khi nhà ngươi mới bố thí, dù chư Tăng chưa ăn uống, ví như hạt lúa chưa đem làm giống, nhưng mầm đã sinh ra, nên quả phúc lớn lao cũng kịp đến theo sau”. Do đó, có thể bảo rằng, nếu đem tất cả những vật khó kiếm ra bố thí, thì sẽ được phúc báo nhiều nhất”.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây