Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 63: Quyển 20 - Thiên thứ 9: Trí Kính - Thứ Bảy: Nghi Thức

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Giảng giải: Pháp Sư Đạo Thế, Đời Đường
 

THIÊN THỨ CHÍN

TRÍ KÍNH
 

TẬP BẢY

NGHI THỨC
 

Thuật rằng phần này đặc biệt có năm nghi thức:

Nói rõ nghi thức cởi giày: Đây là nghi thức tỏ bày lòng cung kính tột bực. Theo lễ nghi Trung Quốc, quần thần đứng dưới sân triều kiến Nhà Vua không cởi giày dép. Khi bước lên điện, kiếm và giày đều phải cởi ra.

Lễ nghi này đã có từ xưa, không phải mới đặt ra. Đất đai bên Ấn Độ nóng ẩm, phải lấy da làm giày để mang, nếu gặp bậc tôn quý phải cởi ra.

Các nước ở xứ lạnh cũng mang giày, mỗi khi gặp chuyện phải cởi ra để tỏ lòng tôn kính. Dân thường cũng đều mang giày để tỏ lòng tôn kính. Khi vào Chùa, không cần phải cởi, nhưng khi bước lên điện Phật, phải cởi ra.

Nói rõ nghi thức để lộ vai Luật nói rằng: Để lộ vai phải, hoặc để lộ một vai, hoặc để lộ một cánh tay. Gọi để lộ, nghĩa là để lộ da thịt ra ngoài. Ý bảo khi theo học, cần lao động như người thế gian, xắn tay phải lên để tiện làm việc. Nay các Sa Môn, chỉ để lộ một vai, có tay áo che lên, thật không đúng phép để lộ vai.

Luận Trang nghiêm bảo: Các Sa Môn để lộ vai phải nám đen, bọn ngoại đạo ở trần đen đúa, nên không giống nhau.

Trong luật chỉ có ba loại áo may liền vai, khi gặp bậc Trưởng Lão mới xắn lên để lộ ra, rồi đắp áo lên che lại.

Như thế mà bảo là phép để lộ vai.

Thật đáng buồn cười.

Nên biết rằng nghi thức để lộ vai cốt tỏ lòng cung kính tột bực, khi làm việc, cần lượng trước để xắn lên vừa phải, khi lên điện hay lễ bái chư Tôn Trưởng, cần y theo phép lộ vai để biểu hiện lòng cung kính. Khi đi ra ngoài Chùa, nên đắp y lên vai, đừng để lộ. Bên Ấn Độ oi bức, để lộ vai là bình thường, ở xứ lạnh này, nhiều người sẽ chê cười.

Do đó, Luật Tứ Phần có nói: Tuy ta dạy thế, nhưng ở các nước khác, nếu thấy không tiện lợi thì đừng làm. Không đến nỗi mang tội.

Nói rõ nghi thức cung kính Luật nói: Phải dốc một lòng chắp mười ngón tay và hai bàn tay cúng dường Đức Phật.

Hoặc nói: Chắp tay bạch cùng Đức Phật. Nghĩa là sửa đổi diện mạo trang nghiêm để tỏ lòng cung kính, giữ tâm không cho tán loạn. Tâm vốn khó chế ngự, nên phải chắp tay mới giữ được một lòng.

Hiện nay, phần đông người lễ Phật chỉ chắp ngón tay, không chắp bàn tay. Hoặc chỉ chắp ngón tay mà mở bàn tay, do lòng ngã mạn, phóng túng gây ra cả.

Thà mở ngón tay mà chắp tay hơn là chắp ngón tay mà mở bàn tay. Muốn cầu phúc, rốt cuộc lại gây nên tội ngã mạn. Cần biết nghi thức một lòng chắp tay tức phải đem đỉnh đầu, hai khuỷu tay và hai đầu gối cúi mọp xuống sát đất mà hành lễ.

Do đó, Luận Địa Trì có nói: Cần hướng năm luân xuống sát đất khi hành lễ.

Lại nữa, Kinh A Hàm nói: Hai khuỷu tay, hai đầu gối và đỉnh đầu là năm luân. Luân là tròn. Năm luân này đều tròn, có thể đưa lên xuống và xoay chuyển sinh ra phước đức, nên mới gọi là luân.

Hiện nay, khi lễ bái, Chư Tăng Ấn Độ vén quần để lộ gối, quỳ xuống, rồi chống hai khuỷu tay xuống đất, hai bàn tay để không, tỏ ý muốn ôm chân tôn túc. Nếu tôn túc đang kết già, không buông chân ra thì không cần phải thực hiện nghi thức ôm chân.

Các Sa Môn của ta khi hành lễ, hai tay lạy xuống đất, hai chân chống phía sau, đầu không đụng đất, trong thật lười biếng cẩu thả. Đã biết rõ nghi thức năm luân đụng xuống đất, cũng cần biết nghi thức gối phải quỳ dài của phép Hồ Quỳ.

Trong Kinh Đã nói nhiều về phép Hồ quỳ. Hồ quỳ nghĩa là trường quỳ, là nghi thức biểu lộ lòng cung kính theo phong tục Ấn Độ. Chẳng có gì lạ, ấy là quỳ hai gối xếp sát nhau khi muốn thỉnh cầu hay sám hối với bậc Tôn Trưởng.

Nói rõ nghi thức lễ bái: Thanh luận gọi lại Bàn na mị, Trung Quốc gọi là lễ bái.

Luận Trí Độ nói lễ bái có ba nghi thức:

Là miệng lễ bái, nghĩa là miệng nói hòa nam. Đây là nghi thức lễ bái cấp thấp.

Là quỳ gối, đầu không sát đất. Đây là nghi thức lễ bái trung bình.

Là đỉnh đầu sát đất. Đây là nghi thức lễ bái cấp cao. Thấp thì vái, trung bình thì quỳ, cao thì cúi đầu.

Bồ Tát lễ Phật có ba nghi thức:

Là sám hối tội lỗi.

 Là tùy hỷ, hồi hướng.

Là cầu xin Đức Phật.

Hỏi: Lễ bái là nghi thức của thân, tại sao cũng chung cho cả ba nghiệp?

Đáp: Lễ bái chung cho ba nghiệp. Năm luân đụng sát đất để trừ bỏ cái xấu của thân. Xưng tụng danh hiệu, tán thán đạo đức của Đức Phật để trừ bỏ cái xấu của miệng. Tâm thường máy niệm, như gương trước mắt, để trừ bỏ cái xấu của ý. Nhằm đối diện với Phật nhãn, nên thân cần lễ bái.

Nhằm đối diện với Thiên Nhĩ, nên miệng cần đọc tụng. Nhằm đối diện với tâm khác, nên ý cần máy niệm. Miệng nhờ đọc tụng, nên chứng được Văn tuệ, ý nhờ máy niệm, nên chứng được Tư tuệ.

Thân nhờ lễ bái, nên chứng được Tu tuệ, thân nhờ lễ bái nên chứng được giới học. Ý nhờ máy niệm nên chứng được định học. Miệng nhờ đọc tụng nên chứng được tuệ học. Phần trên đã trình bày cặn kẽ từng nghiệp. Nếu nhìn chung, Tam Học nắm trọn cả tam nghiệp vậy.

Nói rõ tà chính trong nghi thức lễ bái: Nghiên cứu nguồn gốc của phép lễ bái, vào đầu đời Tề, Tam Tạng Pháp Sư người Ấn tên Lặc Na thấy dân ở đây sống tại miền biên viễn quê mùa, không biết lễ nghi, sinh hoạt giống động vật hoang dã. Động mối từ tâm, Pháp Sự bèn phiên dịch thành sách Thất chủng lễ bái.

Nội dung sách bao la, ở đây chỉ gom ra những điều thiết yếu, gồm thô và tinh. Thô là tà, tinh là chánh, xếp thành bảy loại, chủ ý nhắm vào ba loại sau cùng.

Một là, Lễ bái ngã mạn ngã mạn: Nghĩa là ỷ thị địa vị, tâm không cung kính, cậy Thế Tôn Trưởng, chẳng nể nang ai, chẳng học hỏi ai, không giữ cương kỷ, trong khi hành lễ, để tâm vọng ngoại, đầu gật lên xuống, như chày giã gạo, như máy cử động, không chút Chân Tâm.

Khinh đời bạc đạo, thật là vô ích. Ngoài mặt cung kính, trong tâm ngã mạn. Năm luân thiếu xót, ba nghiệp buông lung, như thế gọi là lễ bái kiêu ngạo.

Hai là, Lễ bái xướng họa cầu danh: Loại lễ bái này tuy không cao ngạo nhưng tâm không thanh tịnh, uy nghi thô thiển, thân tâm giả kính. Thấy người, vội vàng lễ bái người vừa đi qua, thân tâm suy sụp. Tựa như nhu mì, có vẻ sốt sắng.

Loại này phước này phước đức mỏng mảnh, cúng dường giả dối, chỉ vì miệng xướng liên miên, nhưng tâm buông lung phóng đãng, như thế gọi là lễ bái xướng họa cầu danh.

Ba là, Lễ bái thân tâm cung kính: Nghĩa là nghe xướng tên Phật, liền nghĩ đến thân Phật, như ở trước mặt, tướng tốt đầy đủ, lộng lẫy trang nghiêm. Thành khẩn cúng dường, tha thiết không cùng.

Sừng sửng trước mắt, chăm chú không rời. Lễ bái như thế, phước đức lớn lao, dẫn dắt Trời người, nhưng chưa đạt đến mức thượng trí. Về sau sẽ bị thối chuyển. Ấy là lễ bái thân tâm cung kính.

Bốn là, Lễ bái phát trí thanh tịnh: Nghĩa là đạt cảnh giới Phật, trí tuệ sáng láng, biết rõ Pháp Giới vốn không chướng ngại. Do ta vô thủy buông tuồng phàm tục, sinh ra cố chấp. Nay hiểu bản tâm, thông suốt vô ngại, nên hành lễ Phật, tùy tâm biến hiện. Lễ một Đức Phật, tức lễ Chư Phật. Tất cả Đức Phật, chính là một Phật, nên lạy một lạy, thông khắp Pháp Giới.

Phẩm vật hương hoa, mọi thứ cúng dường, cũng đều như thế. Pháp Tăng càng kính, cũng đồng với ta. Ba ngôi tuy khác, thể tính vốn cùng.

Tam thừa tuy khác, giải thoát nghĩa đồng. Thế nên một lạy, nghĩa là mọi lạy, tất cả mọi lạy, nghĩa là một lạy. Như thế, Tam Bảo đã thông, hết cả Tam Giới, Lục Đạo tứ sinh, đều cùng Niệm Phật, lễ bái cúng dường. Tự tỉnh thân tâm, lâng lâng vô ngại.

Niệm Phật cảnh giới, tâm tâm sáng trưng, cúi xuống đứng lên, đều đáng tôn kính. Nhờ đó, thanh tịnh vô cùng, phước báo vô lượng. Ấy gọi là lễ bái pháp trí thanh tịnh.

Năm là, lễ bái vào khắp Pháp Giới: Nghĩa là do hành giả tự quán tưởng từ trước đến nay, thân tâm không lìa Pháp Giới, không ở ngoài cũng không ở trong thân của Chư Phật, không ở ngoài cũng không ở trong ta. Tự tính bình đẳng, không tăng không giảm. Nay lễ một Đức Phật, chính là lễ khắp Chư Phật. Tất cả ba thừa đều đạt phẩm vị vô lậu.

Thân ta có khắp, Đức Phật cũng khắp, suy ra Pháp Giới, kể cả hữa vô, y báo, chánh báo, phẩm vật cúng dường, tài vật đủ loại, đều tùy duyên hiện khắp, không lìa Pháp Giới, tùy tâm vô ngại, tất cả đều được cúng dường, hoan hỷ đảnh lễ.

Giống như trong phòng treo trăm nghìn kính, có người soi kính, ảnh hiện mọi kính. Phật thân thanh tịnh, sáng láng hơn kính, lần lượt soi vào, kính đều chiếu sáng, ảnh cũng hiện rõ.

Ấy là tóm cái khác làm tổng thể, vào cái khác mà dị biệt. Một thân đã như thế, huống gì hết thảy thân Thánh phàm của tất cả Pháp Giới và các phẩm vật cúng hiến đều tùy hỷ cúng dường. Kẻ có mắt thì thấy, kẻ không có mắt thì không không thấy được.

Học tập được quy trình của Pháp Giới như thế, sẽ có lợi ích thật lớn lao, thế nên, Luận Địa Trì nói:

Có loại cúng dường hiện tiền va cúng dường bất hiện tiền.

Loại cúng dường bất hiện tiền hơn hẳn loại cúng dường hiện tiền vì khó thành tựu.

Đã biết thân ta ở trong thân Phật, sao lại xằng bậy đảo điên, tạo nên ác nghiệp, không biết hổ thẹn?

Hơn nữa, đạo hạnh của Chư Phật đều giống nhau, danh hiệu cũng không khác. Tụng niệm danh hiệu nào cũng đều bất tận. Chỉ tụng niệm danh hiệu Đức Phật Thích Ca, nhưng triệu thỉnh toàn thể Chư Phật cũng đều thấu suốt tất cả. Như bên Ấn Độ gọi là Thích Ca, bên này gọi là Năng Nhân.

Thử hỏi Đức Phật nào chẳng nhân lành?

Cũng như bên ấy gọi là A Di Đà, bên này gọi là Vô Lượng Thọ.

Thử hỏi Đức Phật nào chẳng trường thọ?

Bên ấy gọi là Di Lặc, bên này gọi là Từ Thị.

Thử hỏi Đức Phật nào chẳng Từ bi?

Thế nên, Luận Trí Độ nói rằng: Tài trí của một Đức Phật bằng tài trí của tất cả Chư Phật. Tài trí của tất cả Đức Phật bằng tài trí của một Đức Phật. Nếu tất cả Chư Phật không hóa độ chúng sinh, chỉ có một Đức Phật hóa độ chúng sinh, công đức ấy cũng bao la khắp Pháp Giới. Như thế gọi là lễ bái vào khắp Pháp Giới.

Sáu là, Lễ bái chánh quán tu thành: Loại lễ bái này làm sáng tỏ Phật tự thân, không chạy theo nơi khác, Phật khác. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính giác ngộ bình đẳng như nhau, nếu gặp đúng cơ duyên, sẽ bừng sáng tỏ vì cớ mê mờ, chỉ kính tin thân khác, Phật tính trong thân lại nhận lầm là xấu.

Nếu tu theo hạnh này, sẽ mắc phải thành kiến đảo điên, nhận thức thân ta là rất xấu, không có Phật tính. Nếu chạy theo kính tin thân khác, sẽ trở thành vô ích mà thôi. chúng sinh ngu muội, đem chút lòng thành và hằng hà phẩm vật cúng dường thân khác.

Từ vô thủy đến nay, chưa từng đem một ngọn đèn, một cọng nhang, một lạy, một miếng ăn cúng dường Phật tính của chính mình. Nếu biết quay đầu phản chiếu lại giác tính của mình, chắc chắn sẽ có ngày giải thoát.

Thế nên, Kinh Duy Ma nói: Nếu tự quán tưởng thật tướng của bản thân thì cũng giống như quán tưởng Đức Phật vậy.

Kinh ấy còn nói: Không quán tưởng Phật, không quán tưởng pháp, không quán tưởng Tăng vì thấy tự thân, tha thân đều bình đẳng với tính Chánh Pháp tâm mình thanh tịnh tức là tự tính trụ vào Phật tính.

Tùy sức tu dưỡng tức là dẫu xuất Phật tính, trải qua vô lượng kiếp tu hành, sẽ đạt Phật Quả. Nếu căn cứ vào giác ngộ, chánh quả chỉ dành riêng cho các Bậc Thánh trí.

Nếu nói đến kẻ phàm phu, tuy chưa tu tập, nhưng cũng sẽ có ngày giải thoát. Muốn vượt đường xa, phải nhờ chính sức mình. Muốn thấy Phật tính, phải quán tưởng Phật của chính mình. Pháp, Tăng cũng thế, vốn chung một thể không hai. Như vậy gọi là lễ bái chánh quán.

Bảy là, Lễ bái thật tướng bình đẳng: Loại lễ bái này đại khái cũng như phép lễ bái nói trên, nhưng phép ấy còn chấp vào lễ bái, vào quán tưởng và còn phân biệt ta với tha nhân. Loại lễ bái sau này không còn ta với tha nhân mà Thánh phàm là một thể dụng viên thông, lâng lâng bình đẳng, xưa nay chẳng khác. Nếu thấy Phật đáng tôn kính, sẽ thấy phàm đáng rẻ đáng khinh.

Máy niệm như thế, hãy còn thiên kiến, cố chấp, nên kinh Bát Nhã nói rằng: Pháp ấy bình đẳng, không cao không thấp, gọi lại A Nậu Bồ Đề. Vì thật tướng vượt ngoài mọi niệm, không thể đem tâm nắm bắt, không thể đem trí tìm tòi, không thể đem lễ ra cung kính, không thể đem ngạo mạn ra coi thường.

Bỏ cao thấp, rời tôn ti, xem thanh thản và bối rối cùng nguồn, khiêm cung và xấc láo chung gốc. Trụ tâm an nhiên như thế, gọi là lễ bái bình đẳng.

Thế nên, sách Văn Thù Lê Văn có nói: Vì bất sinh bất diệt nên kính lễ không còn quán tưởng. Kẻ phàm phu thoạt nghe phép lễ bái này sẽ đâm ra phỉ báng, còn bậc thượng trí trong tâm bình đẳng, ngoài mặt kính cung. Trong ngoài điều đúng đắn thích nghi như thế, gọi là phép lễ bái bình đẳng.

Lại nữa, trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Đức Phật có nói kệ rằng:

Nếu muốn lễ bái Phật

Quá khứ và tương lai,

Nay nói trong hiện tai,

Phải dùng phép không quán.

Nếu muốn lễ bái Phật

Thời quá khứ tương lai

Và Đức Phật hiện tại,

Phải dùng phép vô ngã.

Làm thiện trước khi lễ

Lòng không vướng tội lỗi,

Cửa giải thoát hư vô,

Mới đúng nghĩa lễ Phật

Nếu muốn lễ bái Phật

Tương lai và quá khứ,

Dùng không quá khứ,

Dùng không quán, vô ngã

Mới đúng tên lễ Phật.

Tụng rằng:

Cúi lạy Tam Bảo,

Quy Y Mười Phương,

Cung kính chiêm bái,

Được phước trừ ương.

Đạo mầu rực rỡ,

Lời pháp đầy hương.

Hiển, mật cùng mở,

Hóa độ vô cùng.

 Nay sinh Ta Bà,

Mai về Tây Phương.

Hân hoan đảnh lễ,

Phước quả niên trường.

Pháp tính vốn một,

Sao chia lắm đường?

Kiền thành một lạy,

Công đức khó lường.

Nhân Duyên Cảm Ứng: Giữa niên hiệu Vũ đức đời Vua Cao Tổ đời Đường 618 đến 625, Lý Sơn Long người huyện Bằng Dực, làm tả giám môn hiệu úy, bỗng nhiên chết đi, chỉ còn một khoảng bằng bàn tay phía trên ngực là chưa lạnh hẳn, Thâu nhân không nở đem khâm liệm. Bảy ngày sau sống lại, kể rằng khi đang hấp hối, bị âm sứ bắt đem đến một tòa công sở to lớn, rất uy nghiêm.

Giữa sâu chừng mấy nghìn tù nhân, lớp bị xiềng xích, lớp bị gông cùm, tất cả đều quay về phía bắc. Âm sứ giải Sơn Long đến dưới công đường. Một vị thiên quan ngồi oai vệ trên sập, nghi vệ đàn hầu như bậc Vua Chúa.

Sơn Long hỏi âm sứ Vị ấy là ai?

Âm sứ đáp: Đây là Nhà Vua. Sơn Long bước tới trước bậc thềm.

Nhà Vua hỏi: Thuở còn sống, nhà ngươi có tạo phước đức gi không?

Sơn Long thưa: Mỗi khi làng mở đàn chay giảng Kinh, tôi thường bố thí tiền của cùng với mọi người.

Nhà Vua lại hỏi: Bản thân nhà ngươi từng làm việc lành gì không?

Sơn Long thưa: Tụng được hai quyển Pháp Hoa.

Nhà Vua khen: Tốt lắm, bước lên đây.

Sơn Long bước lên thềm thấy phía Đông Bắc công đường có đặt một tòa cao như đàn giảng Kinh.

Nhà Vua chỉ vào đó, bảo Sơn Long: Hãy bước lên tòa để giảng Kinh. Sơn Long vâng lời, đến bên tòa.

Nhà Vua đứng lên, bảo: Mời Pháp Sư lên giảng tòa. Sơn Long bước lên, an vị xong.

Nhà Vua bắt đầu ngồi xuống phía trước.

Sơn Long mở Kinh ra đọc: Phẩm thứ nhất, bài tựa Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Nhà Vua phán: Mời Pháp Sư xuống tòa. Sơn Long vâng lời bước xuống dưới thềm. Nhìn chung quanh, tất cả tù nhân đều đi mất, chẳng còn ai.

Nhà Vua bảo: Phước đức do ông Tụng Kinh, không phải chỉ một mình ông được hưởng mà còn làm cho các tù nhân trong sân đều được tha tội. Lành thay, nay ta thả cho ông được sống lại. Sơn Long bái từ, đi được chừng mười bước, Nhà Vua kêu trở lại, bảo kẻ hầu dẫn cho Sơn Long đi xem qua các nhà ngục.

Kẻ hầu dắt Sơn Long đi về phía đông hơn trăm bước, gặp một tòa thành bằng sắt rất to lớn, trên có mái che kín, trổ nhiều cửa sổ nhỏ như cái bồn, cái chén. Sơn Long thấy nhiều người nam nữ bay vào trong cửa sổ rồi mất hút, không trở ra. Lấy làm lạ, Sơn Long hỏi kẻ hầu.

Đáp rằng: Đây là Đại Địa Ngục, trong có nhiều ngăn, dành cho các loại tội nhân. Bọn người này tùy theo nghiệp ác của mình, phải bay vào đó chịu tội. Sơn Long nghe nói, đau xót niệm Nam Mô Phật và xin kẻ hầu đưa ra. Đến cổng đền, thấy bày vạc sắt lớn, lửa cháy phừng phừng, nước sôi tung tóe. Bên cạnh, có hai người ngồi ngủ.

Sơn Long hỏi thăm, hai người ấy đáp rằng: Bọn tôi bị tội báo, phải nhảy vào trong vạc nước sôi này. May nhờ Ngài có đạo tâm niệm Nam Mô Phật, nên các tội nhân trong ngục đều được nghỉ một ngày để ngủ dưỡng sức. Sơn Long lại niệm Nam Mô Phật.

Kẻ hầu ông nên bạch với Ngài xin bản văn sao, sợ các quan mới sau này không biết, lại sai bắt ông. Sơn Long bèn vào yết kiến Nhà Vua, xin bản văn sao, Nhà Vua sai đưa giấy, viết vào một hàng chữ rồi giao cho kẻ hầu đưa đi lấy chữ ký khắp năm đạo.

Kẻ hầu vâng mệnh, dắt Sơn Long đi khắp hai tào, các quan trong công đường đều biết tên ký đủ mới giáo lại cho Sơn Long. Ra đến cổng, có ba người bảo Sơn Long, Nhà Vua thả cho ông về, xin cho chúng tôi chút ít quà cáp.

Sơn Long chưa kịp trả lời, kẻ hầu bảo: Nhà Vua thả ông, chứ không phải ba người này nhưng trước đây, chính bọn họ đã đến bắt ông. Một người là Chúa dây, chuyên dùng dây trói. Một người là Chúa gậy, chuyên dùng gậy đánh vào đầu. Một người là Chúa đãy, chuyên dùng đãy hút hơi thở. Nay bọn họ thấy ông về, nên đến xin quà cáp.

Sơn Long sợ sệt đáp: Ngu si không biết các Ngài.

Xin chờ về đến nhà, sẽ sắm sửa quà cáp, nhưng không biết giao nạp chỗ nào?

Bọn họ nói: Nhớ đem đốt dưới gốc cây bên bờ sông. Sơn Long ừ vâng. Kẻ hầu đưa đến nhà, thân nhân đang xúm nhau khóc lóc, bày đồ khâm liệm. Sơn Long vừa bước đến bên xác, liền sống lại.

Hôm sau, cắt giấy làm tiền bạc, vải vóc và thức ăn rồi đem ra đốt bên bờ sông.

Bỗng nhiên ba người ấy bước đến cám ơn rằng: Mang ơn ông không quên lời hứa, đem cho đầy đủ quà cáp. Nói xong, cả ba cùng biến mất. Chuyện này do chính Sơn Long kể lại cho Trụ Trì Chùa Tổng trì nghe. Trụ Trì lại đem kể cho Lãm tôi nghe. Linh nghiệm trên đây rút từ sách Minh Báo Ký.

***

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây