Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 10: Quyển 5 - Thiên Thứ Bốn - Lục Đạo - Bộ thứ 1: Chư Thiên

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 5

Thiên thứ 4: LỤC ĐẠO

Lục đạo này có 6 bộ.


I. Bộ thứ 1: CHƯ THIÊN
Gồm có phần: Thuật ý, Hội danh, Thọ khổ, Báo tạ.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Luận về Thiên báo: Thức lại phù hoa, trang sức lung linh, hình dung lả lướt. Dù ở trên trời tự tại, cũng chỉ là chốn ma cung, đắm chìm trong định vô tưởng, vẫn trở thành chỗ ngoại đạo. Dẫu siêu việt tận đỉnh Tứ không, tà kiến chứa chất không ít, hoặc ngao du trong cõi Lục dục, mê hoặc kết tập nặng nề. Nếu chẳng thọ trì Bát nhã, quy hướng Niết bàn, kiêu mạn tăng thêm, ngã nhân càng mạnh. Bởi thế, mũ hoa trên đầu héo úa. Mồ hôi trong nách thấm chăn. Điện ngọc vụt tắt hào quang, áo trời đọng dần cáu bẩn. Nhờ tĩnh tâm này, đều sám hối trọn. Lại cùng khắp tất cả chư Thiên Tứ thiên vương, Đao lợi, Đâu suất, Dạ ma, Hóa lạc, Tha hóa, Phạm vương, Phạm phụ, Quang Âm, Biến tịnh, Quảng quả, Na-hàm, Bất phiền, Bất nhiệt, Thiện kiến, Thiện hiện, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Phi phi tưởng xứ. Thậm chí, ngang cùng các cõi, dọc khắp trời cao. Hoặc có vị ngồi lặng giữa đài hoa hầu vượt qua kiếp số, điều tâm trên điện ngọc, chớp mắt hóa thiên thu. Nguyện cầu áo quý không rời khỏi Thiên nhân, Thiện pháp đường luôn chờ du thưởng. Dứt bỏ đớn đau ly biệt, xóa tan gian khổ chiến tranh. Xa hẳn ngũ suy, thường giàu thất bảo. Trang nghiêm sắc tướng, sáng láng dung nghi. Lìa mãi khổ nhân, bước lên lạc quả.

Thứ hai: PHẦN HỘI DANH

Hỏi: “Sao gọi là Lục thú?”. Theo luận Tỳ-đàm nói: “Thú gọi là đến, cũng gọi là đường (đạo). Nghĩa là nghiệp thiện ác ấy, nhân đường ấy, thường chuyển sinh vào cõi ấy, nên gọi là thú. Cũng có nghĩa là tùy theo nghiệp tạo tác mà vào cõi ấy, nên gọi là thú. Thú cũng có nghĩa là hướng về, nghĩa là theo nghiệp tạo tác mà sinh vào cõi Trời, thậm chí đọa xuống địa ngục”. Hỏi: “Há chỉ có sáu đường này, liệu còn đường khác không?”. Đáp: “Theo lập luận một nhà thì chỉ có sáu đường, không thêm bớt. Nếu theo trong kinh Lâu Thán thì lại có chín đường, trong đó, chúng sinh cùng chung sống. Một là đường Bồ tát, hai là đường Duyên giác, ba là đường Thanh văn thêm vào sáu đường nói trên. Đem phàm Thánh ở chung để giáo hóa nhau vậy”. Như luận Bàsa giải thích: “Thiên là quang minh chiếu diệu, nên mới gọi là thiên. Hơn nữa, thiên là điên, điên là trên đỉnh. Khắp trong vạn vật, chỉ có trời ở trên đỉnh, nên gọi là điên. Lại nữa, thiên là hiển, hiển nghĩa là hiển hiện trên cao, khắp trong vạn vật, chỉ có trời là cao nhất, hiển hiện trên cao, che phủ mọi nơi, nên mới gọi là hiển”.

Hỏi: “Vì sao đường ấy gọi là thiên?”. Đáp: “Trong các đường, đường ấy hơn hết, vui nhất, tốt đẹp nhất, cao nhất, nên mới gọi là đường Trời” (Thiên thú). Có người bảo: “Nhờ trước đây tạo tác thêm các hạnh tốt về thân, ngữ, ý nên chuyển về đường ấy, sinh vào đường ấy, khiến đường ấy liên tục không hết, nên gọi là đường Trời”. Có người lại bảo: “Hào quang tăng lên, nên gọi là Trời”. Vì hào quang tự nhiên của vị ấy thường chiếu diệu suốt ngày đêm. Kẻ luận tỏ tường nói: “Thường chiếu rõ nên gọi là thiên. Vì lấy quả hiện tại tốt đẹp chiếu rõ nhân tu tập tước đây. Lại nữa, vì hý lạc nên gọi là thiên. Vì thường du hý, hưởng lạc nhiều hơn hết”.

Hỏi: “Hình tướng chư Thiên ra sao?”.

Đáp: Hình tướng đứng thẳng lên.

Hỏi: Tiếng nói ra sao?.

Đáp: Đều nói tiếng Thánh. Hơn nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Trời tên Đề bà, nghĩa là làm nhân thiện, được sinh vào đường ấy, nên gọi là Đề bà”.

Nay bàn sơ lược về hình tướng báo thân của chư Thiên: chư Thiên đều không có xương thịt, cũng không có đại, tiểu tiện dơ uế. Thân phóng hào quang, không kể đêm ngày. Hưởng phước báo ngũ thông, không bị chướng ngại. Thế nên, kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Giống như trong một nhà có đến năm trăm ngọn đèn, ánh sáng không hề chen lấn, che lấp nhau. Trong bàn tay chư Thiên, dù có năm trăm chư Thiên cũng đứng, cũng y như thế, không chật chội, không trở ngại nhau”. Hơn nữa kinh ấy còn nói: “Trời Dạ ma ấy, hoặc có trăm vị, hoặc có một ngàn vị, cùng nhau tụ họp ngồi lên trên một cọng nhị sen, cũng không trở ngại, không hẹp hòi, không chật chội. Nhờ vào thiện nghiệp, nhờ vào tự nhiệp của mình”. Lại nữa, luận Trí Độ nói: “Sáu chục chư Thiên của Trời Biến tịnh thứ ba cùng ngồi trên đầu một mũi kim để nghe thuyết pháp, không hề đụng chạm, không hề chật chội”. Lại nữa, kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Bấy giờ, Thiên vương Dạ Ma vì chư Thiên, nói kệ rằng:

“Nếu người tâm niệm Phật,
Gọi là Người thiện mạng.
Vì không rời niệm Phật,
Gọi là Mạng trong mạng.
Nếu người tâm niệm Pháp,
Gọi là Người thiện mạng.
Vì không rời niệm Pháp,
Gọi là Mạng trong mạng.
Nếu người tâm niệm Tăng,
Gọi là Người thiện mạng.
Vì không rời niệm Tăng,
Gọi là Mạng trong mạng”.

Lại nữa, trong Trời Dạ ma có ba vị đại sĩ thường thuyết pháp giúp cho chư Thiên phóng túng. Là ba vị nào? Một là Dạ ma Thiên vương Mâu tu luân đà Bồ tát. Hai là Thiện thì Nga vương Bồ tát. Ba là Chủng chủng trang nghiêm Khổng tước vương Bồ tát. Ba vị đại sĩ này thường vì mục đích lợi tha mà thuyết pháp, khiến cho có vị hoặc chứng được quả Thanh văn, có vị hoặc chứng được quả Duyên giác.

Thứ ba: PHẦN THỌ KHỔ

Nay thuật lại các kinh nói đầy đủ về các khổ của Thiên thú. Trước tiên, nói rõ các loại khổ ở sắc giới và vô sắc giới. Cõi thượng giới tuy hơn hết, nhưng vẫn có khổ nhỏ, nên luận Thành Thật nói: “Trong hai cõi thượng giới, tuy không có khổ lớn, nhưng vẫn có khổ nhỏ”. Làm sao biết được điều này? Trong cõi Tứ Thiền, nghe nói có bốn thứ hành, trụ, tọa, ngọa. Còn có bốn thứ ấy, nên đều còn có khổ. Lại nữa, trong sắc giới có nhãn, nhĩ, thân, thức. Ngay trong thức này, còn có các thọ, gọi là khổ lạc. Từ một uy nghi, mong ước một uy nghi khác. Nói mong ước một uy nghi khác, thì biết là có khổ. Lại không biết lý giải yêu đắm quả báo, đã nhận nên khi mất rất khổ , như trong kinh nói: “chỉ có kẻ đắc đạo, khi sắp mệnh chung, mới không có vẻ lo âu đau khổ”. Nay đã là phàm, há không có ưu khổ? Trong luận nói không khổ, vì khổ tướng nhỏ, nên mới nói không. Giống như ăn một chút ít muối, liền nói là không mặn. Chẳng phải đều chỉ có lạc mà không có khổ. Do trên thượng giới, hỷ lạc lặng lẽ, không hiện rõ ra, không bộc phát thành tham lam, sân hận thô thiển, nên mới nói là không khổ không lạc. Lại không có các khổ do chiến tranh gây ra, nên mới nói là không khổ. Thực ra, chẳng phải là không có khổ nhỏ, thế nên kinh Niết Bàn có nói: “Thế gian tuy có vườn rừng thật diệu thanh tịnh, nhưng trong đó còn có xác người vùi lấp nên không trong sạch được. Mọi người đều cùng rời bỏ, không sinh lòng yêu thích. Sắc giới cũng thế, tuy có thanh tịnh tuyệt diệu, nhưng còn có thân, nên chư Phật và Bồ tát đều cùng rời bỏ. Nếu không quán được như thế, không gọi là tu thân”.

Hơn nữa, kinh Pháp Cú Dụ nói: “Có bốn Tỳ-kheo ngồi dưới tàn cây, cùng nhau vấn nạn: Hết thảy thế gian, cái gì khổ nhất? Một vị nói: “Khổ trong thiên hạ, không hơn gì dâm dục”. Một vị nói: “Khổ trong thiên hạ, không gì hơn đói khát”. Một vị nói: “Khổ trong thiên hạ, không gì hơn sân hận”. Một vị nói: “Khổ trong thiên hạ, không gì hơn sợ hãi”. Bốn vị cùng nhau tranh luận ý nghĩa của khổ, thao thao không ngừng. Phật hay được chuyện, bước đến chỗ ấy, hỏi các Tỳ-kheo: “Các ông vừa bàn luận chuyện gì?”. Bốn vị đứng lên làm lễ, thưa rõ đầu đuôi. Phật bảo: “Này các Tỳ-kheo, điều các ông bàn luận không đạt cứu cánh của nghĩa khổ. Khổ trong thiên hạ, không gì hơn có thân. Tất cả các tai họa đói khát, nóng lạnh, sân hận, sợ hãi, dâm dục, oán hận đều do có thân mà ra. Thân là cội gốc của mọi cái khổ, là đầu mối của mọi hoạn nạn. Lao tâm khổ tứ, lo sợ muôn bề. Ba cõi máy đông, tàn sát lẫn nhau. Nhân ngã trói buộc, sinh tử không ngừng. Tất cả đều do có thân mà sinh ra cả. Muốn lìa cái khổ của thế gian, phải cầu mong tịch diệt, nắm tâm giữ chính, lặng lẽ hư vô, mới có thể đạt tới Niết bàn. Đó là điều an vui bậc nhất. Thế nên, chưa đạt Thánh trí, diệt bỏ xác thân trong Tam giới này, làm sao không khổ?”.

Hỏi: “Sắc giới có thân thì có khổ đã đành, vô sắc giới không có hình hài, khổ thọ làm sao sinh ra?”. Đáp: “Quả báo ở đấy tinh vi, kẻ phàm phu nhỏ bé không thể thấy được. Tuy không có tướng thô lớn, nhưng không phải không có sắc tế vi”. (Bàn luận sâu rộng về chuyện có không, sẽ nói đầy đủ ở chương khác). Thế nên, luận Trí Độ nói: “Hai cõi trên thượng giới, khi chết đi hay thoái vị, thường sinh ra buồn bã nhiều hơn ở hạ giới, ví như càng cao rớt xuống càng tan nát”. Lại nữa, luận Thành Thật nói: “Khổ lạc theo thân, lên đến Tứ Thiền, ưu hỷ theo tâm, lên đến hữu đỉnh”.

Hỏi: “Sinh lên trời thì lìa ác tích thiện. Vì sao khi hết phước báo, liền bị đọa vào Tam đồ?”.

Đáp: “Kẻ phàm phu, từ vô thủy đến nay, tạo ra nghiệp ác vô cùng. Một ngày tham sân, còn chịu ngàn hình, huống gì ác nghiệp quá nhiều, chỉ tạm thời hàng phục kết sinh. Đến khi phước báo vừa hết, ác nghiệp xa xưa vừa chín, liền bị đọa vào Tam đồ. Như thế, còn nghi ngờ vào đâu?”. Thế nên, luận Thành Thật nói: “Người ở tại sắc giới và vô sắc giới thì gọi đó là Niết bàn. Đến khi lâm chung, thấy sắc uẩn trong sắc giới và dục giới, trở lại sinh tà kiến, cho rằng không có Niết bàn, phỉ bàng chánh pháp vô thượng. Như thế, cần phải biết trong đó cũng có nghiệp bất thiện”. Hơn nữa, luận Trí Độ nói: “Trong cõi Trời phi hữu tướng và phi vô tưởng, khi chết đi, bị đọa vào địa ngục A tỳ”. Thế nên, còn luân chuyển trong Tam giới thì đều có khổ”.

Thứ hai là nói rõ cái khổ của chư Thiên ở dục giới. Nghĩa là trong cõi Trời ấy, mỗi khi có chiến tranh, lần lượt xảy ra tàn sát lẫn nhau, khiến cho thân tâm đều khổ. Nếu chặt ngang đùi, các đốt xương tuy lìa, nhưng vẫn còn sống được. Nếu chặt ngang đầu ngang hông, thì có cái khổ của chết chóc. Như luận Tỳ-đàm nói: “Chư Thiên ở dục giới có Thập nghiệp đạo xen tạp với bất thiện nghi. Tuy Trời không tàn hại lẫn nhau, nhưng tàn hại các đường khác, cũng có khi chặt tay chặt chân, nhưng vẫn còn sống sót, nếu chặt ngang đầu thì sẽ chết mất. Cứ thế, cũng lần lượt xâm lăng nhau, cho đến tạo đủ Thập nghiệp đạo. Hơn nữa, khi phước báo sắp hết, năm tướng suy xuất hiện thì sẽ vô cùng thảm não”. Thế nên, kinh Niết bàn có nói: “Trên trời, tuy không có chuyện khổ tâm nhiều, nhưng khi Thiên thân mềm mại linh hoạt xuất hiện năm tướng suy, thì sẽ chịu khổ nhiều vô cùng, giống như chịu khổ ở địa ngục không khác chút nào. Giống như mật trộn với thuốc độc, mới uống thấy ngọt ngào, nhưng sau đó sẽ chịu đắng cay”. Thế nên, kinh Chánh Pháp Niệm có kệ rằng:

“Như mật pha thuốc độc,
Vốn không thể uống được.
Thiên lạc cũng như thế,
Khi mất, hết rất khổ.
Nghiệp hết, mang sầu não,
Xa lìa các Thiên nữ.
Khi lâm chung rất khổ,
Không thể nói thí dụ.
Khi thiện nghiệp sắp hết,
Như đèn sáng sắp tắt,
Chẳng biết đi về đâu.
Lòng sinh nhiều khổ não.
Trên trời khi lâm chung,
Lòng sinh nhiều khổ não.
Khổ địa ngục mười sáu
Chẳng bằng một khổ Trời.
Hết thảy các vầng trăng,
Đều do ái lực sinh.
Xiềng ái cột chúng sinh,
Đưa đến chỗ hiểm ác.
Tam giới như vành xe,
Dây nghiệp cột không dứt.
Thế nên bỏ ái dục,
Lìa dục, đạt Niết bàn”.

Hơn nữa, kinh Niết bàn nói: “Tuy lại có được thân của Phạm Thiên, thậm chí thân của Trời tưởng phi phi tưởng, khi mệnh chung vẫn còn bị đọa vào ba đường ác. Tuy là thân Tứ vương, thậm chí là thân của Trời Tha hóa tự tại, khi mệnh chung vẫn sinh vào đường súc sinh. Hoặc làm các loài sư tử, cọp, tê giác, chó sói, voi, ngựa, bò, lừa”. Mới hay, khi báo Trời đã hết, thì thân phận sẽ rất khổ sở. Một khi đã có hoạn nạn lớn này, lập tức cởi mở thành tâm, gột rửa nghiệp ấy, sám hối sao cho tiêu tan. Nếu người ta tạo tội, khi đã chịu xong quả báo, sau đó tu thiện, giả thiết được sinh lên trời, do dấu vết tội lỗi trước đây, dù ở trên đó, vẫn phải chịu chút ít hậu quả. Thế nên, kinh Chánh Pháp Niệm có nói: “Nếu ở kiếp trước gây nghiệp trộm cắp, bấy giờ sẽ bị các thiên nữ chiếm lấy mọi thứ bảo vật đeo làm đồ trang sức, đem cho các thiên tử khác. Nếu ở kiếp trước gây nghiệp nói dối, các thiên nữ nghe lời nói, sẽ sinh ra hiểu lầm, cho là chửi rủa. Nếu ở kiếp trước gây nghiệp đem rượu bố thí cho người giữ giới, hoặc tự mình phá giới mà uống rượu, hoặc làm ra men rượu, khi lâm chung, tâm sẽ hỗn loạn, mất hết chánh niệm, đọa vào địa ngục. Nếu ở kiếp trước gây nghiệp sát sinh, sẽ có thọ mạng ngắn ngủi, bị bạo bệnh mau chết. Nếu ở kiếp trước gây nghiệp tà dâm, sẽ bị các thiên nữ lìa bỏ, để cùng các thiên tử khác vui chơi với nhau. Đây gọi là năm tướng suy, do giữ năm giới thiếu sót , bị lưới nghiệp trói buộc, phải chịu nghiệp báo ấy”. Hơn nữa, Trời Đế-thích lại còn xem xét nghiệp quả ở trong điện. Kẻ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối sẽ bị đọa vào trong đại địa ngục Khiếu hoán hay trong một tám địa ngục khác, chịu đủ mọi điều khổ sở. Sau đó, từ địa ngục sinh vào đường ngạ quỷ, chịu thọ mạng lâu dài. Từ trong đường ngạ quỷ ấy chết đi, sẽ sinh vào đường súc sinh, cùng tàn sát lẫn nhau. Từ trong đường súc sinh ấy chết đi, nếu sinh vào đường người, sẽ có thân hình tiều tụy, thiếu vẻ uy đức. Nếu có chút thiện nghiệp, được sinh vào đường trời, sẽ có thân hình, dáng dấp yếu đuối. Tất cả các thứ châu báu trang sức đều thiếu vẻ sáng láng, không được các thiên nữ yêu kính. Trái lại, các thiên nữ đều ruồng bỏ, tìm đến các thiên tử khác. Do trí tuệ kém cỏi, tâm không chánh trực, bị các thiên tử khác khinh thị chê cười. Nếu gặp khi chư Thiên và các A-tu-la đánh nhau, sẽ bị các vị ấy giết chết, bởi còn vết tích của nghiệp ác xa xưa”.

Thứ tư: PHẦN BÁO TẠ

Theo luận Tân Bà-sa nói: “Trong chư Thiên, nếu có vị sắp mệnh chung, sẽ có hai loại năm tướng suy xuất hiện: một là năm tướng suy nhỏ, hai là năm tướng suy lớn. Thế nào gọi là năm tướng suy nhỏ? Một là khi chư Thiên đi lại, chuyển động, từ trong các thứ châu báu trang sức phát ra năm thứ nhạc thanh. Dù nhạc công chơi giỏi cũng không hay bằng. Khi có vị sắp mệnh chung, các nhạc thanh này không ngân vang lên nữa. Có người nói: “Lại phát ra nhạc thanh không như ý”. Hai là hào quang phát ra từ thân của chư Thiên oai nghiêm lộng lẫy, chiếu diệu suốt đêm ngày. Thân không có bóng. Khi sắp mệnh chung, hào quang trở nên mờ tối. Có người nói: “Hào quang mất hẳn, bóng của thân lại hiện ra”. Ba là thân thể của chư Thiên bóng mịn, xuống tắm trong Hương Trì, khi vừa lên khỏi mặt nước, nước không dính vào thân. Bốn là tất cả các cảnh giới của chư Thiên đều tuyệt đẹp, siêu thoát mọi căn trần, giống vầng lửa xoay, không bao giờ ngừng. Khi có vị sắp mệnh chung, chỉ còn bám vào một cảnh giới, trải qua một thời gian, cũng không thoát bỏ ra được. Năm là thân lực của chư Thiên cường thạnh, mắt thường không chớp. Khi sắp mệnh chung, thân lực suy yếu, mắt thường chớp luôn. Thế nào gọi là năm tướng suy lớn? Một là y phục trước đây sạch, nay thì dơ. Hai là mũ hoa trước đây tươi, nay héo. Ba là nách bỗng đổ mồ hôi. Bốn là thân thể chợt sinh hôi hám. Năm là không thích ngồi yên trên chỗ. Năm loại tướng suy nhỏ nói trên, dù đã xuất hiện, đôi khi cũng có thể thay đổi. Bấy giờ, Trời Đế-thích nhận thấy năm tướng suy nhỏ đã xuất hiện, liền biết chẳng bao lâu phải có năm tướng suy lớn xuất hiện, nên sinh lòng lo sợ, suy nghĩ thế này: “Nếu ai có thể cứu ta thoát khỏi tai họa của tướng suy này, sau đó, ta sẽ xin quy y”. Nghĩ xong, liền tự hiểu rằng trừ đức Thế-tôn, chẳng ai có thể cứu nổi. Bèn tìm đến chỗ đức Phật, năn nỉ xin Ngài cứu vớt. Đức Phật thuyết pháp giúp cho thấy được chân đế, khiến cho các tướng suy ấy đều biến mất. Thế nên, ở trước đức Phật, Đế-thích vui mừng, nhảy nhót, nói lên những lời thân thương thành kệ như sau:

“Đại tiên nên biết cho,
Tôi nay ở chỗ này,
Có lại thọ mạng Trời,
Nguyện kính nhớ giữ gìn”.

Lại nữa, kinh Chiết Phục La Hán nói: “Ngày xưa, trên thiên cung Đao lợi có một vị trời, thọ mạng sắp hết, hiện ra bảy loại điềm: một là hào quang trong cổ tắt mất, hai là mũ hoa trên đầu khô héo, ba là sắc mặt trên đầu biến đổi, bốn là trên áo dính bụi, năm là trong nách đổ mồ hôi, sáu là thân hình gầy ốm, bảy là rời khỏi chỗ ngồi. Vị trời ấy lập tức suy biết sau khi mệnh chung, sẽ hạ sinh làm heo con trong bụng heo nái đầy ghẻ lở ở nước Cưu Di Na Kiệt, liền hết sức sầu khổ, không biết dự tính thế nào. Chư Thiên khác bảo rằng: “Hiện tại, Phật đang ở đây, thuyết pháp cho chúng sinh. Chỉ có Phật mới có thể giải thoát tội lỗi cho ông mà thôi!”. Vị Trời ấy liền tìm đến chỗ Phật, cúi đầu hành lễ. Chưa kịp hỏi han, Phật đã biết rõ, bảo rằng: “Tất cả vạn vật đều chịu vô thường, ông đã biết rõ điều ấy, còn ưu sầu làm gì? Muốn thoát khỏi thân heo con, hãy thường tụng tam quy y. Vị Trời ấy tụng luôn ba ngày như thế, bảy hôm sau, vị Trời ấy mệnh chung, được hạ sinh làm con trai của Trưởng giả của nước Duy Da Ly. Khi còn ở trong bụng mẹ, đã tụng tam quy y suốt ba ngày. Khi mới sinh ra rơi xuống đất, cũng quỳ tụng quy y. Lúc mẹ sinh ra, trên mình không dính máu dơ. Thị tỳ bên mẹ trong thấy, sợ hãi, bỏ chạy mất. Mẹ cũng rất lấy làm lạ, cho là quỷ quái, có ý muốn giết đi. Riêng cha biết là quý tử, bắt nuôi dưỡng chu đáo. Khi sắp lên bảy tuổi, cùng các trẻ nhỏ chơi bên đường, gặp Xá-lợi-phất, Mục-liên, đứa bé ấy đến trước mặt hành lễ, các Thánh đều kinh ngạc. Phật bèn kể rõ chuyện trước đây ở trên trời. Đứa bé ấy rước Phật về nhà, Phật giảng kinh cho nghe, đứa bé ấy cùng cha mẹ và bà con nội ngoại đều chứng được quả A duy việt trí, nghĩa là bất thối”. (Theo kinh, trời có nhiều loại, như trong Tam giới trên đây có nói đầy đủ ba mươi hai môn.

Nay, về lục đạo, chỉ nói sơ lược bốn môn).

CẢM ỨNG DUYÊN

Trích dẫn sơ lược 6 chuyện linh nghiệm.

Cư sĩ Sử Thế Quang đời Tấn.
Sa-môn Thích Huệ Ngỗi đời Tấn.
Hai cô gái nhà họ Luân đời Tấn.
Sa-môn Thích Đàm Loan đời Ngụy.
Cư sĩ Chuyên Huyền Siêu đời Ngụy.
Sa-môn Thích Tuệ Thiều đời Lương.
Than ôi! Thập ác duyên lớn, dễ rối nhân tâm, vạn thiên sức suy, khó cảm chân tính. Lòng gian hay nổi, việc dữ thường nghe. Đạo giáo suy vi, chánh pháp ít gặp. Bởi vậy, một hơi thở không tìm lại được, sẽ trở thành muôn kiếp chia ly, từng sát na ngắn tạm cách xa, đã chất chứa ngàn đời vĩnh biệt. Do ở tin, chê đối chọi, thiện ác chống nhau. Bọn lầm lạc ngu mê hô hào thói xấu, người hiền lương chân chánh mắc bợm gian tà. Thế nên, chánh pháp truyền sang Trung Quốc hơn sáu trăm năm, gặp nạn thôi ác, châu đàn ba lượt phá hoại. Tuy thế, họa hoạn chửa kịp dời chân, tai ương đã trút xuống chúng. Lãnh hậu quả rành rành trước mắt, chịu báo ứng thiện ác nghiêm minh nên hết đau. Ngô vương sai vây chùa, khiến xá lợi chiếu sáng. Tề vương sai hành hình, khiến dao kiếm gãy lìa. Vũ Văn phỉ báng Tăng già, khiến vết thương lở loét. Thác Bạt phá hủy chùa chiền, khiến máu mủ chảy đầy. Tôn Hạo vì tiểu vào tượng nên âm vật sinh đau. Hách Liên vì thói bạo tàn nên bị sét đánh chết. Xưa nay, bằng chứng thiện ác họa phúc ứng nghiệm đã quá rõ ràng.

Các loại truyện ký như Minh Tường, Báo Ứng, Cản Thông, Oan Hồn, U Minh. Sưu Thần, Tinh Dị, Pháp Uyển Hoằng Minh, Kinh Luật Dị Tướng, Tam Bảo Trưng Ứng, Thánh Tích Quy Tâm, Tây Quốc Hành Truyện, Danh Tăng Cao Tăng, Minh Báo, Thập Di, lên đến mấy trăm, không thể kể hết. Tất cả đều đưa vào điển tịch, lưu lại với thời gian, đủ cho mọi mắt cùng xem, mai sau khỏi sinh ngờ vực, cho đó là chuyện hoang đường. Thế nên, kinh nói: “Làm thiện, được thiện báo, làm ác chịu ác báo”. Kinh Dịch nói: “Nhà tích lũy điều thiện chắc chắn sẽ có phước đức nhiều, nhà chồng chất tội ác chắc chắn sẽ chịu nhiều tai họa”. Cho hay, sự báo ứng của thiện ác có ảnh hưởng tương quan, thực chứng về khổ lạc vốn dĩ thường hay xung khắc.

Tôi tìm tòi khắp các truyện ký, có hơn bốn ngàn, có chọn lựa những chuyện hiển linh. Mỗi chuyện đều chú xuất xứ ở cuối. Nếu không dẫn chứng ra đây, sợ khó bài trừ tà thuyết. Còn như vô số chuyện khác, xin chờ bổ túc mai sau.

1. Sử Thế Quang là người Tương Dương đời Tấn: mất vào năm

Hàm Hòa thứ tám ở Vũ Xương. Bảy ngày sau, Sa-môn Chi Pháp Sơn tụng Tiểu phẩm Bát nhã cầu siêu, mệt quá nên hơi sao lãng, thoáng nghe trên linh vị như có tiếng người. Trong nhà họ Sử có người tớ gái, tự là Trương Tín, thấy Thế Quang trên bàn thờ, chỉnh tề như lúc còn sống, nói với mình rằng: “Ta vốn phải đọa làm rồng, nhờ Hòa thượng họ Chi tụng giúp kinh nên được các vị Đàm Hộ, Đàm Kiên rước lên chỗ an vui trên Trời Phạm Thiên thứ bảy”. Hai vị này đều là Sa di đã mất của Hòa thượng họ Chi. Sau đó, Hòa thượng họ Chi lại đến tụng giúp Đại phẩm Bát nhã. Họ Sử lại về trên bàn thờ. Lúc sinh tiền, họ Sử có cúng dường cho nhà chùa hai tấm cờ phướn, bấy giờ đang tôn trí ở chùa. Họ Sử bèn gọi: “Trương Tín hãy cầm cờ phướn đưa ta về!”. Trương Tín dạ xong, liền chết mất. Cả hai cùng bay về phía Tây Bắc, lên một ngọn núi xanh như pha lê. Đến đỉnh núi, trông thấy cửa trời. Thế Quang tự tay cầm lấy cờ phướn, bảo Trương Tín quay về, giao cho một khối hương xanh như ba đậu, bảo rằng: “Đem dâng cho Chi Hòa thượng”. Trương Tín chưa chịu quay về, đứng nhìn xa xa, thấy Thế Quang đi thẳng vào cửa trời. Sau đó, Trương Tín theo đường cũ quay về. Bỗng nhiên sống lại, nhưng không thấy khối hương xanh trong tay. Cờ phướn cũng y như cũ trong chùa. Khi Thế Quang và Trương Tín từ nhà bay đi, đứa con sáu tuổi của ông thấy được, đưa tay lên chỉ nói với bà nội rằng: “Cha con bay lên trời, bà nội có thấy không?”. Về sau, Thế Quang cùng hàng chục người trở về nhà. Dùng dằng một hồi rồi mới ra đi. Mỗi khi trở về, đều thấy đội mũ, cài trâm. Khi đi, chỉ còn búi tóc lộ ra. Trương Tín đem hỏi, liền trả lời: “Trên trời có mũ riêng, không cần mang thứ này”. Sau đó, bèn đội mũ trời, cùng các người trời đánh đàn, ca hát, đi thẳng lên nhà của mẹ mình. Trương Tín hỏi: “Thường trở về như thế để làm gì? Ông trả lời: “Để làm cho mọi người biết rõ tội phước, đồng thời cũng để làm vui lòng mẹ ta”. Tiếng đàn trong trẻo tuyệt diệu, không giống tiếng thế gian. Mọi người lớn nhỏ trong nhà đều nghe cả. Tuy nhiên âm vận mơ hồ như có vách tường ngăn cách, không được nghe trực tiếp trước mắt. Riêng một mình Trương Tín được nghe Thánh thót rõ ràng. Một lúc sau lại ra đi, Trương Tín theo tiễn chân, thấy Thế Quang đi vào trong một cửa lớn màu đen, giây lát lại ra đi, nói rằng: “Cha ta ở trong này, hằng ngày bị đánh đòn, đau đớn không thể chịu nổi, ta vừa vào thăm xong. Ông cụ mắc tội giết người, nên phải chịu quả báo ấy. Phải về báo cho mẹ ta, rước tăng đến tụng kinh, mới có thể giải thoát đôi chút”. Cha của ông chính là Khinh xa tướng quân Chung Báo. (Chuyện trên đây rút ra từ Minh Tường Ký).

2. Ngài Thích Huệ Ngỗi ở Trường An đời Tấn: không rõ người ở đâu, trụ tích tại chốn tùng lâm ở Trường An, gữ gìn giới hạnh thanh tịnh. Phần nhiều ngài ở trong hang động, tu tập Thiền định. Có một con quỷ không đầu hiện ra, mà thần sắc ngài không hề biến đổi, liền bảo con quỷ ấy rằng: “Nhà ngươi không có đầu, như vậy, không sợ đau đầu, sung sướng nhất đời!”. Con quỷ ấy biến mất. Sau đó lại làm con quỷ không bụng hiện ra, chỉ có chân tay. Ngài liền bảo: “Nhà ngươi không có bụng, như vậy không có lo âu về ngũ tạng. An vui nhất đời!”. Giây lát, con quỷ lại biến thành hình khác, ngài liền lự lời đuổi đi. Sau đó rất lâu, trời đổ tuyết lạnh buốt, có một cô gái đến xin ở lại, tướng mạo đoan trang, y phục đẹp đẽ, nhan sắc thùy mị, tự xưng là thiên nữ, thấy ngài có đạo hạnh nên trời sai xuống đây để cùng an ủi. Đem lời dục ra khiêu khích ý ham muốn. Ngài giữ chí cứng rắn, không hề rối lòng, bảo cô gái ấy: “Lòng ta như tro nguội, đừng mong đem túi da ấy ra thử thách!”. Cô gái ấy bèn đạp mây bay đi và quay lại than rằng: “Nước biển có thể cạn kiệt, núi Tu-di có thể ngửa nghiêng, nhưng vị Thượng nhân này vẫn giữ chí chắc chắn kiên trinh!”.

Về sau, vào năm Long An thứ ba đời Tấn, ngài cùng Pháp Hiển đi sang Tây Vực, không rõ cuối cùng ra sao. Nối pháp có Thích Hiền Hộ, họ Tôn, người Lương Châu, đến trụ tích ở chùa Diêm Hưng, vùng Quảng Hán. Ngài thường tu tập Thiền định, tinh chuyên giới luật, không sai phạm mảy may. Ngài viên tịch năm Long An thứ năm đời Tấn. Khi sắp hóa, trong miệng phóng ra hào quang ngũ sắc, chiếu diệu khắp chùa. Ngài dặn dò hỏa táng di thân, đệ tử vâng theo. Sau khi tất cả xương cốt đều cháy, chỉ còn lại y nguyên ngón tay. Vì thế, đệ tử đem chôn dưới tháp của ngài. (Chuyện trên đây rút từ Lương Triều Cao Tăng truyện).

3. Hai cô gái nhà họ Luân đời Tống: vốn người Tăng Thành ở Đông Quan, là chị em chú bác. Năm Nguyên Gia thứ chín, chị lên 10, em lên 9. Do ở chỗ quê mùa, càng thêm ngu muội, chưa từng biết đến kinh điển. Bỗng nhiên vào ngày mồng 8 tháng 2, cả hai chị em đều mất tích. Ba ngày sau lại trở về, nói lờ mờ được gặp Phật. Vào ngày rằm tháng chín, lại mất tích. Một tuần sau mới trở về, biết nói tiếng ngoại quốc, tụng được kinh bằng tiếng Phạm. Gặp Sa-môn ở Tây Thành, liền được khai ngộ. Vào ngày rằm tháng giêng năm sau, bỗng nhiên lại mất tích. Người làm ruộng bảo rằng: “Thấy hai chị em theo gió bay thẳng lên trời”. Cha mẹ kêu khóc, lo lắng. Cùng thần cầu phước lành. Qua hết một tháng, lại trở về, đã xuống tóc làm ni, mặc đầy đủ pháp phục. Cầm tóc kể rằng: “Gặp Phật và Tỳ-kheo-ni dạy rằng các con vốn có nhân duyên từ kiếp trước, nên làm đệ tử của ta. Rồi lấy tay xoa lên đầu, tóc liền rơi xuống. Lại ban cho pháp danh, chị là Pháp Duyên, em là Pháp Thải. Khi sắp cho về, còn bảo rằng các con có thể cất chùa, ta sẽ ban cho kinh điển”. Sau khi cô gái ấy trở về nhà, liền phá hủy bàn thờ ma quỷ, xây cất lên một ngôi chùa. Đêm ngày ăn chay tụng niệm. Tối đến, thường có hào quang chiếu diệu lên tới đỉnh núi giống như đèn đuốc. Từ đó về sau, hai cô gái ấy có phong thái thanh nhã, ăn nói trang nghiêm. Thậm chí, cốt cách trên chốn kinh đô cũng không hơn được. Thứ sử Vi Lãng đến tận nhà tham kiến và rước về phủ cúng dường. Nghe lời đàm luận, Thứ sử hết sức kinh ngạc và khâm phục. Nhờ thế, khắp chốn hang cùng ngõ hẻm đều biết thờ Phật. (Chuyện trên đây rút từ Minh Tường ký).

4. Sa-môn Đàm Loan ở chùa Huyền Trung trong động Thạch Bích tại Tây Hà đời Tấn: chưa rõ họ tên, gia thế, chỉ biết ngài là người đất Nhạn Môn, gần núi Ngũ Đài nổi tiếng hiển hách uy linh khắp chốn nhân gian. Vì bệnh suy nhược tinh thần, ngài đi chửa trị khắp nơi. Đến lăng cũ của nhà Tần ở Phần Châu, ngài vào thành, ngắm mây xanh trên cửa Đông. Bỗng thấy cửa trời mở rộng, bày ra các ngôi vị của trời lục dục, trên dưới đều chập chùng san sát. Nhờ thấy cảnh tượng này, ngài liền bớt bệnh. Sau sang thăm chỗ ẩn cư của họ Đào ở Giang Nam, tìm hỏi tiên thuật, mong được trường thọ và lên chơi các núi non tiếp cận phía trước vùng này, lòng rất thích thú. Họ Đào đem tặng mười quyển sách về thuật tu tiên để đáp tạ thành tâm cầu học của ngài. Khi về đến Triết Giang, có vị thần tên là Chàng Bảo, hễ mỗi lần vùng vẫy, sông liền dậy sóng bảy ngày mới yên. Gặp lúc sông vừa dậy sóng, không thể nào qua được. Ngài bèn đến miếu thần, thành tâm cầu khấn, như được đáp ứng, sẽ xin xây lại miếu. Giây lát, thần hiện nguyên hình, như người trạc tuổi hai mươi và bảo rằng: “Nếu muốn qua sông, sáng mai mới được. Xin đừng nuốt lời!”. Sáng hôm sau sóng vẫn hung hãn, ngài vừa xuống thuyền, sóng liền lặng yên. Nhờ thế, ngài được qua sông. Vua nhà Lương kính trọng ngài, ban sắc phong Chàng Bảo làm giang thần và sai cất lại miếu thờ. Sau đó, ngài từ biệt nhà vua, trở về đất Ngụy, ý muốn tìm chốn danh sơn tu luyện theo thuật thần tiên. Đến Lạc Hạ, gặp ngài Tam tạng Pháp sư người Trung Quốc là Bồ Đề Lưu Chi. Ngài hỏi: “Phật giáo có phương pháp trường sinh bất tử nào hơn thuật tu tiên của Trung Quốc không?”. Ngài Bồ Đề Lưu Chi nhổ phẹt xuống đất, bảo rằng: “Nhà ngươi nói gì bậy thế? Chẳng có gì để cùng so sánh cả! Ở thế gian này, chỗ nào có được thuật trường sinh bất tử? Giả sử có được, cũng chỉ bất tử được một thời gian ngắn ngủi. Rốt cuộc, cũng rơi vào vòng luân hồi lẩn quẩn trong tam giới mà thôi!”. Lập tức trao cho kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và dặn dò: “Đây chính là thuốc đại thần tiên, y theo tu hành, sẽ được giải thoát sinh tử, dứt hẳn luân hồi”. Sau đó, ngài dời về chùa Huyền Trung trong động Thạch Bích ở Bắc Sơn tại Phần Châu, chuyên tâm theo kinh ấy tu tập pháp môn Tịnh độ. Năm sáu mươi bảy tuổi, sắp đến ngày viên tịch, cờ phướn, lọng báu chiếu diệu sáng rực cả chùa. Hương thơm tỏa ra ngào ngạt, tiếng âm nhạc nổi lên vang lừng. Những người sửa soạn lên chùa đều cùng trông thấy. Ngài viên tịch vào năm Hưng Hòa thứ tư, tại chùa trên núi Bình Diêu, thọ 67 tuổi. (Truyện trên đây rút ra từ Lương Cao Tăng truyện).

5. Phó quan Huyền Siêu, tự là Nghĩa Khởi, làm việc ở quận Tế Bắc đời nhà Ngụy: khoảng niên hiệu Gia Bình. Ban đêm nằm ngủ một mình, mơ thấy có thần nữ đến kề cận, tự xưng là thiên nữ, gốc người Đông Quận, họ Thành Công, tên tự là Tri Quỳnh, cha mẹ mất sớm. Thiên đế thương hoàn cảnh cô đơn khổ sở, cho phép hạ giới lấy chồng. Trong mơ tinh thần sảng khoái, liền thức giấc, vì cảm xúc nhan sắc xinh đẹp kỳ diệu của nàng không giống người thường. Tỉnh ra, hết sức nhớ nhung, nghe như còn đồng vọng mơ hồ đau đây. Cứ thế, suốt ba bốn đêm liền, bỗng nàng hiển hiện đến chơi, đi bằng xe che màn, có tám tỳ nữ theo hầu, mặc áo lụa là thêu may rực rỡ, hình dung nhan sắc như tiên bay. Tự xưng đã bảy mươi, nhưng trông chừng như con gái mười lăm, mười sáu tuổi. Trên xe có sẵn bầu, khạp đựng rượu bằng pha lê trắng trong suốt, năm loại chén ăn uống và đủ các thức ăn kỳ lạ. Rồi cho bày dọn thịt, mời Nghĩa Khởi cùng ăn uống, bảo rằng: “Thiếp là ngọc nữ trên trời, được phép hạ giới, nên mới đến với chàng. Không ngờ chàng có phước đức, duyên phận từ kiếp trước, xứng đáng kết nghĩa vợ chồng. Dù chẳng đem lại lợi ích gì, nhưng cũng không làm chàng thiệt thòi gì cả. Mỗi lần đến đây, đều có xe tốt ngựa khỏe, ăn uống sẵn có món ngon vật lạ, lụa là may mặc đầy đủ. Nhưng thiếp vốn là thần tiên, không thể sinh con cho chàng, cũng không có tính ghen tuông, không gây hại đến chuyện hôn nhân của chàng”. Từ đó, hai người trở thành vợ chồng. Nàng tặng một bài thơ như sau:

“Trổ tài bay phiếu diễu,
Rong chơi gặp núi mây.
Hương trời chẳng trang điểm,
Đức lớn hợp sum vầy.
Thần tiên không xuống bậy,
Đúng hẹn mới tìm đây.
Cưới thiếp giàu năm họ,
Phụ thiếp gặp họa ngay”.

Đấy là đại khái về bài thơ. Còn một bài văn dài hai trăm chữ, không thể chép hết. Nàng còn chú giải kinh Dịch gồm bảy quyển, nói về bói toán tốt xấu. Nghĩa Khởi đều lãnh hội được ý nghĩa. Làm vợ chồng ăn ở được bảy, tám năm, sau đó cha mẹ Nghĩa Khởi cưới vợ cho chàng. Từ đây, chia ra ngày lánh mặt, đêm chung cùng. Tối đến, sáng đi, thấp thoáng như bay, chỉ có một mình Nghĩa Khởi thấy được nàng, người khác không thể gặp được. Tuy trong nhà kín đáo vẫn nghe tiếng người, thường thấy dấu tích, nhưng không thấy được hình dung. Về sau, có người lấy làm lạ, gạn hỏi, Nghĩa Khởi đem ra tiết lộ, mới đổ bể sự tình. Ngọc nữ liền xin ra đi, và nói rằng: “Thiếp là thần tiên, tuy cùng chàng giao du, nhưng không muốn người khác biết đến. Tính chàng không được kín đáo, thiếp đã cùng chàng gắn bó lâu nay, tình sâu nghĩa nặng, một sớm chia lìa, há không đau đớn chăng? Sự thế không thể dùng dằng được nữa, mỗi người đành phải cố gắng chịu đựng”. Kêu người hầu đem rượu thịt ra ăn uống, mở giỏ lấy một bộ quần áo lót đã dệt xong, ban cho Nghĩa Khởi và tặng một bài thơ. Cầm tay chia ly, nước mắt lã chã tuôn đầy, rồi trang trọng lên xe đi như bay. Nghĩa Khởi đau thương chồng chất tháng ngày, gần như không dậy nổi. Về sau, đến Tế Bắc, đang đi trên đường núi Ngũ Sơn đổ về phía Tây, Nghĩa Khởi nhìn xa xa, đầu khúc quanh, thấy một xe ngựa giống của Tri Quỳnh, vội vàng chạy đến trước xe, đúng là ngọc nữ! Liền vén màn gặp mặt. Hết buồn tủi đến vui mừng. Tri Quỳnh nhường chỗ cùng ngồi chung xe đến Lạc Dương, nối lại tình nghĩa vợ chồng, hàn gắn môi duyên xưa. Đến niên hiệu Thái Khang vẫn còn, nhưng họ không gặp nhau hằng ngày. Thường vào ngày mồng ba tháng ba, mồng năm tháng năm, mồng bảy tháng bảy, mồng chín tháng chín, mười một tháng mười một, mới xuống ở lại với nhau rồi lại đi. Tiên sinh Trương Mậu nhân chuyện này làm bài phú Thần Nữ. (Truyện trên đây rút từ Sưu Thần Ký).

6. Sa-môn Thích Tuệ Thiều ở chùa Long Uyên tại Thục quận đời nhà Lương: họ Trần, vốn gốc là người Thái Khâu ở Dĩnh Xuyên, ngài bẩm chất thanh tịnh, sáng suốt thông minh xuất chúng. Vào năm năm mươi bốn tuổi, ngài viên tịch trong Ma ha diễn đường của chùa. Bấy giờ, có người ở Ứng Thủy, thuộc Thành Đô tên là Phong Hiền bị bệnh chết, nhưng trên ngực vẫn còn ấm, mãi đến năm hôm sau mới tỉnh lại, kể rằng: “Tôi bị dẫn đến vua Diêm La chịu phân xử thì nghe nói đón Pháp sư. Giây lát sau thì ngài đến. Nhà vua bước xuống cung điện, chắp tay đảnh lễ. Xong xuôi, không nói năng gì cả, chỉ viết lên văn thư một chữ “chính” theo lối đại tự. Ngài Tuệ Thiều bước ra phía ngoài, ngồi dưới gốc cây bên đường trống vắng, thấy một tiểu đồng lấy giỏ bằng gỗ liễu phủ sơn đội đến một cà sa lạ hoắc, bảo ngài mặc vào. Có chừng mười vị tăng đến đón. Trong đó, Phong Hiền quen biết hai vị là các thiền sư Từ và Hòa. Cờ phướn, lọng báu sắp xếp chật đường. Rồi cả đoàn cưỡi hư không bay đi”. Hơn nữa, vào đêm ngài viên tịch, có vị ni ở chùa An Phố, mắc bệnh đã lâu, rầu rĩ khô héo. Tối đó, chết đi sống lại, kể rằng: “Ta đưa Pháp sư Tuệ Thiều cùng năm trăm vị tăng bước lên cầu làm bằng bảy loại bảo vật, vào đến giảng đường trên thiên cung. Chỗ ấy giống như thủy tinh, có đầy đủ chiếu giường hoa mỹ, cũng có phất trần, bàn ghế, hoa sen nở đầy ao. Pháp sư Tuệ Thiều ngồi xuống pháp tọa đàm luận. Một lát, đứng lên bảo những người đi đưa hãy ra về”. Chuyện giao cảm với điềm linh về lẽ sinh diệt của những vị ấy, đại khái đều như thế cả. Pháp sư viên tịch vào ngày mồng ba tháng bảy tại chùa Long Uyên, họ năm mươi bốn tuổi, nhằm năm Thiên Giám thứ hai đời nhà Lương. (Chuyện trên đây rút từ Lương Cao Tăng truyện).
 

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây