Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcBỘ THỨ SÁU
THỊ DƯỠNG
Gồm có ba phần: Thuật Ý, Dưỡng Dục, Thiện Trưng.
Thứ nhất: Phần Thuật Ý.
Than ôi!
Thần lực do tịch lặng tỏ thông, viên giác nhờ lắng trong soi sáng. Đại đao tuyệt diệt trong thân xác uế dơ, chân lý chấm dứt giữa cõi sinh diệt.
Nếu bảo thức, hình đã tuyệt diệt, sao còn sinh hạ xuống cung Vua?
Sinh diệt đã chấm dứt, há đặt bày chở che nuôi dưỡng?
Chẳng qua bậc Đại Thánh giáng sinh, cũng chỉ tại lợi sinh Hoằng Pháp. Do cầu liền hiện, tối mấy cũng soi. Huyền cơ hóa độ muôn đường, diệu dụng Thuyết Pháp vô hạn.
Hoặc mượn Tọa Thiền ngộ Đạo, hoặc nhờ tuệ giác khai thông, hoặc hiện hài nhi nâng đỡ, hoặc hiện bú mớm dưỡng nuôi. Nhân Duyên giác ngộ rất nhiều, không thể tóm lược làm một. Đấy chính là khả năng dạy vật, phép thuật cứu thế vậy.
Thứ hai: Phần Dưỡng Dục.
Theo Kinh Phật Bản Hạnh nói: Khi Thái Tử vừa sinh ra được bảy ngày, mẹ Ngài liền qua đời. Trước đó, có Bốc Sư đoán số mạng của Phu Nhân Ma Da chỉ còn bảy ngày nữa, nên đến đó, Phu Nhân đã qua đời. Dù sao, vào thời ấy, thường có phép bói toán như thế.
Tại sao Thái Tử vừa sinh ra được bảy ngày thì mẹ Ngài lại đột ngột qua đời?
Vì mẹ Ngài thấy Ngài sẽ Xuất Gia lúc còn nhỏ tuổi, lòng dạ tan nát nên phải qua đời.
Hơn nữa, Luận Sư của phái Tát Bà Đa nói: Mẹ thấy sinh con thân thể đoan trang hiếm có như thế, lòng vô cùng hoan hỷ,
Không kiềm chế nổi nên liền qua đời, sau đó, Vãng Sinh lên Trời Đao Lợi.
Khi Vua Tịnh Phạn thấy Phu Nhân đã qua đời, bèn triệu tập dòng họ Thích đến đông đủ và phán rằng: Gia quyến các khanh đều là quốc thích. Nay Thái Tử mất mẹ vừa lúc chào đời.
Gửi gắm bú mớm, ta biết giao phó cho ai dạy dỗ nuôi dưỡng cho được sống còn?
Ai biết thương yêu Thái Tử như chính con ruột?
Bấy giờ, có năm trăm người vợ mới cưới của dòng họ Thích lần lượt tâu rằng: Thiếp có thể nuôi dưỡng. Thiếp có thể săn sóc.
Dòng họ Thích nói với đám vợ trẻ ấy rằng: Tất cả các ngươi đều còn quá trẻ trung, ham mê sắc dục. Không thể nuôi nấng đúng giờ, thương yêu đúng cách. Chỉ có quốc thích Ma Ha Ba Xà Ba Đề này là dì ruột của Thái Tử, mới có thể nuôi dưỡng Thái Tử mà thôi.
Lúc đó, Vua Tịnh Phạn bèn đem Thái Tử giao phó cho dì ấy và phán rằng: Lại đây, Phu Nhân!
Hãy lo nuôi dưỡng, hãy lo che chở Thái Tử này đây cho chóng lớn khôn. Đúng giờ tắm rửa. Nhà Vua lại chọn lựa riêng ba mươi hai thể nữ phụ giúp vào việc nuôi dưỡng Thái Tử. Tám thể nữ lo bồng ẳm. Tám thể nữ lo tắm rửa. Tám thể nữ lo bú mớm. Tám thể nữ lo chơi đùa.
Đến đây, Ma Ha Ba Xà Ba Đề tâu Vua Tịnh Phạn rằng: Xin kính tuân theo, không dám sai trái.
Thứ ba: Phần Thiện Trưng.
Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Từ khi Thái Tử chào đời đến nay, trong hoàng gia của Vua Tịnh Phạn ngày ngày sinh sôi nhiều thêm các thứ tiền của, vàng bạc, châu báu, gia súc hai chân và bốn chân không thiếu chút gì.
Nên có bài kệ rằng:
Ngũ cốc và tiền của,
Bạc vàng và y phục,
Dù sắm hay không sắm,
Tự nhiên đều đầy đủ.
Con thơ và mẹ hiền,
Sữa tươi đều phong phú.
Mẹ nào lỡ thiếu sữa,
Bỗng nhiên đều dư dả.
Bấy giờ, những điều thù oán trong lòng Vua Tịnh Phạn bỗng nhiên đều được hóa giải bình thường và dân dần sinh ra tình cảm thân thương nhân hậu. Mưa gió thuận hòa, không có thiên tai và các xáo trộn quấy phá.
Mùa màng trồng ít thu nhiều. Nhân dân sống theo vương pháp, làm đủ mọi chuyện bố thí tạo nên công đức. Không ai ngang ngạnh, tất cả đều rất hân hoan. Cảnh tượng giống ở trên Trời, không sai một nét.
Ấy là nhờ vào uy đức của Thái Tử khiến mọi sự đều được thành tựu tốt lành, như bài kệ sau đây có nói:
Nhân dân nghe lời dạy,
Không tiếc, cũng không kiết.
Ai nấy theo vương pháp.
Lòng từ không hiếu sát.
Đói khát đã được thoát,
Ăn uống đều no đủ.
Tất cả rất vui mừng,
Giống trên Trời hưởng lạc.
Lại nữa, Kinh Phổ Diệu nói: Khi Bồ Tát vừa sinh được bảy ngày, mẹ Ngài liền mệnh chung, hưởng phước báo trên Trời Đao Lợi. Vừa lên Trời ấy, có năm vạn Phạm Thiên Mang bình quý, hai vạn thê tử của các Phạm ma cầm dải lụa quý đứng hầu mẹ Ngài.
Lại nữa, Kinh Thụy Ứng Bản Khởi nói: Bồ Tát đã biết phước đức của mẹ Ngài, không nỡ để mẹ Ngài hành lễ, nên khi biết mẹ Ngài sắp mệnh chung, Ngài liền ra đời.
Lại nữa, Kinh Đại Thiện Quyền nói: Khi Bồ Tát vừa sinh ra được bảy ngày, mẹ Ngài liền mệnh chung, hưởng phước báo trên Trời. Chuyện ấy không phải là lỗi của Ngài.
Lại nữa, Kinh Nhân Quả nói: Dì ruột của Thái Tử là Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng Thái Tử tận tình không khác mẹ ruột.
***