Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 19: Quyển 8 - Thiên thứ 5: Nghìn Phật - Bộ Thứ Hai: Nhân Duyên

Bộ thứ 2: NHÂN DUYÊN
Gồm có 3 phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Nghiệp nhân.

Thứ nhất - PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Nghìn Phật phóng quang chiếu giám, soi đường dẫn dắt vạn loài. Bởi vậy, Thánh nhân đưa phúc để khuyến thiện, chỉ họa để răn ác. Tiểu nhân bảo thiện vô ích nên chẳng chịu làm; cho ác vô hại nên chẳng chịu chừa bỏ. Như thế, lời họa phúc trở thành phù hoa không thực tế; câu bâng quơ vô bổ được chấp nhận, tin bừa. Khiến cho các bậc đại Thánh chí nhân phải xót xa nỗi ngu mê lầm lạc ấy, cùng phát nguyện xiển dương Lục độ, tiếp dẫn Bốn loài; loan truyền Nhị đế, giáo hóa Ba cõi. Do đó, Nghìn Phật đã nương theo vô lượng từ bi, chọn lựa duyên cơ để giáng sinh vào Hiền kiếp vậy*.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Theo kinh Ngũ-tiên-nhân nói: “Vào vô số kiếp xa xưa, có các vị tiên ẩn cư trong rừng rậm. Trong đó, bốn vị làm chủ, một vị chuyên lo phục dịch, chưa từng sai sót. Một hôm, mãi đi hái quả múc nước quá xa, lỡ về không kịp, đã quá giờ ngọ. Bốn vị kia bị mất bữa ăn, nỗi giận không nguôi, cho là đáng niệm ác chú trừng phạt. Vị tiên ấy mắc phải và chết, rồi sinh làm người. Có vị Phạm chí giỏi tướng thuật, đoán người ấy sẽ làm vua. Quả nhiên, về sau người ấy làm vua. Phật bảo, nhà vua ấy chính là ta. Bốn vị tiên là Phật Câu-lưu-tần, Phật Câu-na-hàm-mâuni và Phật Ca-diếp. Còn vị Phạm chí, chính là Đề-đạt.”

Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Lúc kiếp sắp hết, tất cả đều không. Chúng sinh nhờ vào phước lực, khi gió mười phương thổi đến, cùng nhau đối phó nâng đỡ, mới có thể giữ lại được Thủy luân vĩ đại. Bấy giờ, có một người nghìn đầu, hai nghìn tay chân, gọi là Trời Vi-nữu. Từ trong rốn của Trời này phóng ra hoa sen nghìn cánh, sắc vàng đẹp đẽ, quý báu. Hào quang của hoa sen ấy hết sức chói lọi, như vạn ánh mặt trời Cùng Chiếu sáng. Trong hoa sen ấy có người ngồi kiết già phu tọa. Người ấy lại có vô lượng hào quang, gọi là vua Phạm Thiên. Trong tâm vua ấy sinh ra 8 chữ. 8 chữ ấy sinh ra trời đất mọi người. Vua Phạm Thiên này ngồi trên hoa sen. Thế nên, chư Phật tùy theo thế tục, nói là ngồi trên hoa sen quý, thuyết pháp Lục-độ Ba-la-mật.”

Lại nữa, kinh Đại-bi nói: “Phật bảo A-nan, tại sao gọi là Hiền kiếp? Tại vì khi kiếp mới thành, tất cả Tam thiên đại thiên thế giới này đều chỉ là một Thủy luân. Bấy giờ, Trời Tĩnh Cư dùng Thiên nhãn quan sát thế giới này. Chỉ thấy là một Thủy luân Vĩ đại. Thấy có nghìn cành hoa sen. Tất cả đều tên là Hoa sen nghìn cánh. Sắc vàng, hào quang vàng chói lọi khắp nơi. Hương thơm xong lên ngào ngạt, thật đáng ham thích. Trời Tịnh Cư thấy cảnh tượng này, sinh lòng hoan hỷ, tán thán: “Thật là hiếm có! Như thế, trong kiếp này phải có nghìn Phật xuất thế.” Vì nhân duyên ấy, bèn gọi kiếp này là Hiền kiếp. Sau khi ta nhập diệt, sẽ có chín trăm chín mươi sáu vị Phật xuất thế. Đứng đầu là Phật Câu-lưu-tôn. Ta là vị Phật thứ tư. Kế tiếp là Phật Di-lặc sẽ thay thế vào vị trí của ta, cho đến vị Phật cuối cùng là Lô-già. Cứ thế, lần lượt xuất thế. Ong cần phải biết điều này (các kinh khác gọi vị Phật cuối cùng là

Lâu-chí).”

Thứ ba- PHẦN NGHIỆP NHÂN

Theo kinh Thiên-Phật-nhân-duyên nói: “Bấy giờ, Phật bước ra khỏi thạch thất ở núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương-xa, hỏi A-nan rằng: “Hiện nay, các Thanh văn và Bồ-tát đều giảng giải luận gì thế?” A-nan bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, các vị ấy đều tự nói ve nhân duyên kiếp trước.” Lúc ấy, Bồ-tát Bạt-đà-bà-la bạch Phật rằng: “Vào ngày hôm nay, tôi muốn tham vấn đôi điều, xin đức Thế tôn giải nghĩa dùm cho.” Khi Bồ-tát ấy nói lời này, có 8bốn nghìn Bồ-tát đều cởi tràng anh lạc rắc lên Phật để cúng dường. Những hạt anh lạc kết trên đỉnh đầu Phật, cao lớn như núi Tu-di, trang trọng hiển hách đáng xem. Có nghìn Hóa Phật ngồi trong hang núi. Bấy giờ, các Bồ-tát bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, nghìn Phật trong Hiền kiếp này, vào thời quá khứ, đã vun trồng công đức gì, khiến cho thường sinh một chỗ, cùng ở một nhà, trong một kiếp, lần lượt đắc Đạo Bồ-đề, hóa độ chúng sinh?” Bấy giờ, đức Thế tôn bảo các Bồ-tát rằng: “Ta sẽ giảng giải rõ cho các ông. Nay các ông biết rằng, vào trăm nghìn vạn ức vô lượng số kiếp của thời quá khứ, thế giới này tên là Đại Trang nghiêm. Kiếp tên là Đại bảo, có vị Phật tên là Bảo ĐăngDiệm vương. Phật ấy thọ nửa kiếp. Chánh pháp hóa độ tồn tại trong một kiếp. Thời kỳ Tượng giáo tồn tại trong hai kiếp. Trong thời Tượng giáo ấy, có một đại vương tên là Quang Đức, đem Thập thiện giáo hóa nhân dân như một vị Chuyển luân vương. Bấy giờ, đại vương ấy dạy cho nhân dân trì tụng luận Tỳ-đà. Khi ấy, trong học đường có nghìn đồng tử tuổi đều mười lăm, thông minh, biết rộng. Nghe các Tỳ-kheo tụng Phật pháp tăng, có một đồng tử tên là Liên Hoa Đức bạch Tỳ-kheo Thiện Xưng rằng: “Sao gọi là Phật Pháp Tăng?” Tỳ-kheo ấy đáp rằng:

“Ba-la-mật đầy đủ,
Thanh tịnh giác trí tuệ.
Tâm thù thắng thành tựu
Nên danh hiệu là Phật
Tính thanh tịnh vô nhiễm,
Lìa xa khỏi thế gian.
Không màng đời Ngũ uẩn,
Thường trụ, gọi là Pháp.
Thân tâm thường vô vi,
Bỏ hẳn bốn cách ăn.
Là phước điền cho đời.
Vì thế, gọi là Tăng.”

Khi nghìn đồng tử nghe xong tên Tam bảo, đều cầm hương hoa đi theo Tỳ-kheo vào tháp lễ bái. Thấy được tượng Phật, đầu và tứ chi cuối mọp xuống đất. Ngay trước tượng Phật, tất cả cùng phát lời thề nguyện lớn lao, bày tỏ tâm A-nậu Bồ-đề. Vào vô lượng kiếp sau này, chắc chắn sẽ thành Phật, như đức Thế tôn hôm nay. Nghìn đồng tử ấy, tùy theo tuổi thọ ngắn dài, khi lâm chung, nhờ vào nhân duyên nghe tên Tam bảo, trừ bỏ nghiệp quả sinh tử trong năm mươi mốt kiếp. Sau khi mạng chung, sinh vào Phạm thế. tự nhớ lại tiền kiếp đã từng nghe tên Tam bảo, đều sinh lên Trời. Khi ấy, cả nghìn Phạm vương cưỡi cung điện, mang đủ bảy loại hoa quý đến tháp cúng dường tượng Phật. bấy giờ, tất cả, dù khác miệng nhưng cùng chung tiếng, nói kệ rằng:

“Rạng rỡ tên Tam bảo,
Lâu nay ở cõi lành.
Nghe tên, trừ được ác
Và sinh vào Phạm thế.
Hôm nay cúi đầy lạy,
Quy y bậc giải thoát.”

Nói xong bài kệ này, tất cả đều trở về Phạm thế. Bạt-đà-bà-la! Nay ông nên biết rằng vị đại vương đem Thập thiện dạy dân thời bấy giờ đã thành Phật từ lâu. Chính là Phật Tỳ-bà-thi. Tỳ-kheo Thiện Xưng là Phật Thi-khí. Nghìn đồng tử ấy, chẳng phải người lạ. Chính là Phật Câu-lưu-tần cho đến Phật cuối cùng là Lâu-chí hiện nay. Bạt-đà-bà-la! Nay ông nên biết rằng ta cùng nghìn Bồ-tát trong Hiền kiếp, đã từng theo vị Phật ấy, nghe tên tam bảo, mới phát tâm A-nậu Bồ-đề. Nhân duyên là như thế.

Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-bà-la rằng, vào vô lượng vô số kiếp của thời quá khứ, thế giới Ta-bà này có một nước lớn tên là Ba-la-nại, quốc vương tên là Phạm Đức, thường dùng pháp thiện giáo hóa nhân dân, đem nước giao phó cho con, xuất gia học đạo, thành Bích-chi Phật. Phóng thân vào giữa hư không, hóa ra mười tám biến thân. Khi ấy, nghìn Phạm vương lấy vạt áo đựng đầy hoa đẹp, đến rừng Ưu-đàm cúng dường Bíchchi Phật ấy và bạch rằng: “Xin ngài thuyết pháp cho chúng tôi.” Bấy giờ, Bích-chi Phật phóng thân vào giữa hư không, hóa ra mười tám biến thân, duỗi tay giương chân. Trong đó, có một Phạm vương tên là Tuệ Kiến, nói với các Phạm vương khác rằng: “Ta thấy Bích-chi Phật này chỉ nhờ giữ gìn Ngũ giới. Ta sẽ giữ 8 giới, thực hành Thập thiện, quán các duyên khởi. Đem thiện căn này hồi hướng về A-nậu Bồ-đề rất cao xa vi diệu. Nguyện sẽ thành Phật, hơn hẳn Bích-chi Phật trăm nghìn vạn ức lần! Sau khi nghìn Phạm vương mạng chung, liền sinh làm nghìn Chuyển luân vương trong nghìn quốc độ của thế giới Ta-bà, thọ được tám vạn bốn nghìn tuổi. Khi sắp mệnh chung, trong núi Tuyết có một vị Bà-la-môn thông minh biết rộng, sống thọ nửa kiếp, từng nghe kinh đời trước nói, vào thời quá khứ, có vị Phật tên là Chiên-đàn Trang Nghiêm. Vị Phật ấy thuyết pháp Bố thí Ba-la-mật rất cao xa vi diệu, đến nỗi không còn thấy bố thí và được bố thí, tâm hạnh đều bình đẳng như nhau. Khi nghe chuyện ấy xong, vị Bà-la-môn xuống núi Tuyết, tìm đến nghìn Chuyển luân vương tán thán diễn thuyết phép bố thí này. Tất cả đều đem đất nước giao phó cho các thái tử, xuất gia cầu đạo. Lên núi Tuyết, lập thảo am, tìm Đạo vô thượng. Được quả Ngũ thông, phi hành tự tại giữa hư không. Sống thọ một kiếp.

Bấy giờ, trong núi Tuyết có con Dạ-xoa thật lớn, thân cao bốn nghìn dặm. Nanh sắc bén, mọc chởm lên, dài tám mươi dặm. Mặt lớn mười hai dặm. Mắt toé máu, sáng rực như đồng sôi. Tay trái cầm kiếm, tay phải cầm chĩa, đứng trước các Chuyển luân vương, cất cao tiếng bảo: “Nay ta đói khát, không có thức ăn. Xin các đại vương thương xót, bố thí cho chút ít.” Khi ấy, nghìn Chuyển luân vương bảo Dạ-xoa rằng: “Chúng tôi thề nguyện bố thí mọi thứ!” Tất cả đều lấy nước rửa tay cho Dạ-xoa, trao cho trái cây của tiên rồi bảo ăn đi. Dạ-xoa giật lấy, giận dữ ném xuống đất và bảo rằng: “Dạ-xoa cha ta ăn tinh khí của người. Lasát mẹ ta chuyên ăn tim, uống máu nóng của người. Nay ta đói quá, chỉ cần ăn tim uống máu. Đâu cần đến thứ quả này!” Khi ấy, nghìn Chuyển luân vương nói với Dạ-xoa: “Cái khó bỏ nhất, chính là bản thân. Thế nên, hôm nay chúng ta không thể đem tim ra bố thí được.” Lúc ấy, Dạxoa liền nói kệ rằng:

“Xem tim không có thật,
Do Tứ đại hợp thành.
Tất cả đều bỏ được,
Mới đúng hạnh Bồ-tát!”

Bấy giờ, trong núi Tuyết có một vị Bà-la-môn tên là Lao-độ-bạtđề, bạch Dạ-xoa rằng: “Kính xin đại sư thuyết pháp dùm cho. Nay tôi không chút nuối tiếc tim và máu của mình.” Nói xong, liền cởi áo mõng, trãi làm tòa giảng, mời Dạ-xoa ngồi lên. Dạ-xoa lập tức nói kệ: “Muốn cầu Đạo vô vi,

Đừng tiếc thân và tim.
Cắt đứt cho chúng sinh.
Chịu đựng nín như đất.
Cũng không thấy người nhận.
Cầu Pháp không ân hận,
Không nuối tiếc chút gì.
Gấp như chữa cháy đầu,
Cứu giúp người đói khát
Mới đúng hạnh Bồ-tát!”

Khi Lao-độ-bạt-đề nghe xong bài kệ này, thân tâm đều hoan hỷ, liền lấy kiếm bén rạch bụng lộ trái tim ra. Bấy giờ, thổ thần từ dưới đất vọt lên, bạch Lao-độ-bạt-đề rằng: “Xin đại tiên thương xót bọn tôi và các thần núi non cây cối, đừng vì một con quỷ dữ, xả bỏ bản thân.” Laođộ-bạt-đề bảo các vị thần ấy rằng:

“Thân này như lửa chớp,
Vừa loé đã tắt ngay.
Như âm vang tiếng gọi,
Gọi xong, chẳng đáp lời.
Sức Tứ đại Ngũ uẩn,
Luân chuyển chẳng dừng lâu.
Trong nghìn vạn ức năm,
Chưa từng chết vì Pháp .
Nên ta nay vì Pháp,
Đem tim, máu bố thí.
Xin đừng ngăn cản ta,
Trở ngại Tuệ vô thượng.
Với công bố thí này,
Thề nguyện thành Phật đạo.
Sau khi được thành Phật,
Trước hết, độ các ngài.”

Nói xong bài kệ, Lao-độ-bạt-đề liền nằm xuống trước mặt Dạxoa, lấy kiếm đâm cổ, bố thí máu cho Dạ-xoa. Rồi lại lập tức mổ lớn bụng, móc trái tim đưa cho. Bấy giờ, trời đất rung chuyển mạnh, mặt trời mất hẳn ánh sáng. Không có mây nhưng sấm vẫn nổ rền. Có con Dạ-xoa từ bốn phương chạy đến, tranh nhau chia xé, giành giựt ngấu nghiến. Sau khi đã ăn no nê, liền cất tiếng rú lớn, nhảy vọt lên giữa không trung, bảo nghìn Chuyển luân vương rằng: “Mấy ai có thể bố thí như Lao-độ-bạt-đề? Với công đức bố thí ấy, thật đáng thành Phật!” Bấy giờ, nghìn Chuyển luân vương kinh hoảng thụt lùi, không còn ước muốn thành Đạo Bồ-đề, sinh lòng hối hận, đều muốn về nước. Khi ấy năm con Dạ-xoa liền nói kệ rằng:

“Không giết là mầm Phật.
Từ tâm là thuốc hay.
Đại từ thường an ổn,
Không còn già, chết nữa.
Tất cả các sinh mạng,
Giết chóc đều độc hại.
Thế nên, các Bồ-tát
Dạy ta đừng sát sinh.
Nếu các ông sợ chết,
Luôn luôn đừng sát sinh.
Tại sao lại về nước,
Bỏ tĩnh, tìm náo loạn?

Khi nghìn Chuyển luân vương nghe xong bài kệ này bèn cùng nhau đứng lặng thinh. Phật bảo Bạt-đà-bà-la: “Nay ông nên biết rằng vị Bà-la-môn thứ nhất tán thán phép Bố thí Ba-la-mật chính là Phật Định Quang Minh vương của thời quá khứ. Lao-độ-bạt-đề chính là Phật Nhiên Đăng của thời quá khứ. Còn nghìn Chuyển luân vương, dù đã xuất gia cầu đạo, gặp Phật Nhiên Đăng thực hành các phép khổ hạnh, lòng sinh ra hối hận, nên phải đọa vào Đại địa ngục trong một kiếp. Tuy thế, nhờ vào nguyện lực của tâm Bồ-đề kiên cố, nên lửa đỏ không thể đốt cháy được. Từ đó về sau, còn gặp Bồ-tát Đăng Minh vương thuyết pháp giúp cho, thoát khỏi địa ngục. Bồ-tát tán thán công đức giải thoát lớn lao của nghìn Phật thời quá khứ và xưng tụng danh hiệu Phật Trang Nghiêm cho đến Phật Tự Tại vương. Khi nghìn Chuyển luân vương nghe xong danh hiệu nghìn Phật, hết sức hoan hỷ, cùng thành tâm kính lễ. Nhờ nhân duyên này, siêu thoát được tất cả mọi tội lỗi sống chết trong chín ức triệu vô lượng vô số kiếp. Bạt-đà-bà-la! Ông nên biết rằng, nghìn Chuyển luân vương bấy giờ, chẳng phải người lạ, chính là nghìn Phật trong Hiền kiếp của chúng ta đấy!”

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây