Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcQUYỂN 9
Thiên thứ 6: NHẬT NGUYỆT
BỘ THỨ NĂM
XUẤT THAI
Gồm có tám phần: Thuật Ý, Nghinh Hậu, Cảm Thụy, Đản Dựng, Chiêu Phúc, Giáng Tà, Đồng Ứng, Giảo Lượng.
Thứ nhất: Phần Thuật Ý.
Kính nghĩ: Sau khi Đức Phật Đỉnh Quang thọ ký, đặt hiệu Năng Nhân, phù hợp huyền cơ, nên Ngài đã giáng hạ vào dòng họ Thích. Mầm mống bén rễ trước thuở có hình hài, linh tích tỏ rõ sau khi đã xuống thế. Chiếu diệu Trời, người, nối tiếp muôn kiếp. Nguồn gốc căn cơ như thế, sâu xa tuyệt diệu biết bao.
Vì vậy, mới sinh, đã đi bảy bước. Mặt đất chấn động sáu lần. Chư Thiên Ngũ Tịnh rải xuống mưa hoa, chín vị Long Thần vẫy nước tắm rửa. Điềm linh hiện đủ, dấu tốt phô đầy. Xét suốt trăm đời, chưa từng thấy có.
Do đó, hoài thai chẳng giống Hoàng Đế, Đường Nghiêu, giáng sinh khác hẳn Hạ Vũ, Thương Tiết. Đến như điềm mơ Hắc Đế đầu thai, chứng cớ đầy nhà ánh sáng, dù bảo là tốt, há dám sánh tày!
Bên mình một trượng hào quang, giữa mày sợi bạc năm thước. Trước bụng sáng ngời chữ vạn, dưới chân xe pháp hằng nghìn. Đại khái nói ra, có ba mươi hai tướng tốt. Không thể lấy mặt rồng mũi cọp, mày nghiêu tám sắc, mắt Thuấn hai tròng, đem ra so sánh với sắc tướng tuyệt tác trang nghiêm của Đức Phật, để bình phẩm mức độ cao thấp được.
Thứ hai: Phần Nghinh Hậu.
Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Bồ Tát Thánh Mẫu Ma Da Phu Nhân mang thai gần đầy mười tháng, sắp đến ngày sinh.
Phụ thân của Ngài là Trưởng Giả Thiện Giác sai người tâu với Vua Tịnh Phạn rằng: Theo như ta biết, con gái ta là Ma Da Phu Nhân mang thai Bậc Thánh, uy đức quá lớn lao. Một mai Bậc Thánh ra đời xong, con ta số ngắn, chắc chắn sẽ chết sau đó chẳng bao lâu.
Vì thế, ta muốn đón con ta về an dưỡng ở Lâm Tỳ Ni để cha con được trọn vẹn vui vầy tình phụ tử. Xin Đại Vương đừng đem lòng cản trở, mở rộng tình thương cho con ta được về nhà sinh nở xong xuôi, ta sẽ đưa lại về cung.
Vua Tịnh Phạn nghe sứ giả tấu mấy lời này, liền ban sắc chỉ cho các quan tu bổ con đường từ thành Ca Tỳ La đến sông Đề Bà Đa, bày biện đủ loại cờ hoa, các thứ ca nhạc, kẻ hầu người hạ rất nhiều, không thể tính được, để đưa Phu Nhân về thăm nhà.
Thứ ba: Phần Cảm Thụy.
Như Kinh Phật Bản Hạnh nói: Thái Tử ở trong thai của mẹ đủ mười tháng, đã đến thời kỳ giáng sinh.
Khi ấy có ba mươi hai điềm lành hiện ra báo trước:
1. Cây cối sau vườn tự nhiên ra trái.
2. Trên mặt đất tự nhiên sinh ra hoa sen xanh lớn như vành xe.
3. Cây khô trên mặt đất đều trổ hoa lá.
4. Các Thiên Thần kéo đến xe lớn trang hoàng bằng bảy loại châu báu.
5. Hai vạn kho báu dưới đất bỗng nhiên nổi lên.
6. Mùi thơm của các loại hương quý tỏa ra khắp gần xa.
7. Trong núi Tuyết xuất hiện năm trăm con Sư Tử trắng, kéo về đứng la liệt ở các cử thành, nhưng không hung hăng phá phách.
8. Năm trăm voi con đứng la liệt trước cung điện.
9. Trời làm mưa móc nhỏ thơm tho khắp bốn phía.
10. Trong cung điện của Nhà Vua tự nhiên có suối nước, trăm món đồ ăn cung cấp cho những kẻ đói khát.
11. Ngọc nữ của Long Vương hiện ra nửa hình, đứng giữa không trung.
12. Hằng vạn ngọc nữ của Chư Thiên cầm phất trần bằng lông công hiện ra trên tường thành trong cung.
13. Các ngọc nữ của Chư Thiên Mang hằng vạn bình vàng đựng đầy nước cam lộ, đứng giữu không trung.
14. Hằng vạn ngọc nữ của Chư Thiên tay cầm hằng vạn bình vàng đựng đầy nước hoa, đi đứng giữa không trung.
15. Hằng vạn ngọc nữ của Chư Thiên tay cầm cờ phướn, lọng quý, đứng hầu.
16. Các ngọc nữ của Chư Thiên đứng la liệt giữa không trung, cùng nhau hòa tấu hằng trăm nghìn bản nhạc.
17. Bốn con sông lớn bỗng nhiên trong trẻo, ngừng chảy.
18. Nhật cung, nguyệt cung tự nhiên đứng lại, không di chuyển.
19. Sao Phí xuống chầu, các sao khác cùng Tháp tùng hộ vệ.
20. Màn trướng to lớn tự nhiên che phủ khắp cung Vua.
21. Ngọc thần Minh Nguyệt treo ở cung điện, ánh sáng chan hòa.
22. Đen đuốc trong cung nhờ thế, không cần thắp lên.
23. Áo, mền trong hòm rương được mắc lên đầy giá.
24. Các chuỗi ngọc quý, tất cả các loại báu vật đều hiện ra.
25. Các loại côn trùng độc dữ đều ẩn núp, chim chóc hiền lành bay lượn hót ca.
26. Các Địa Ngục đều nghỉ ngơi, không thi hành những hình phạt độc ác.
27. Mặt đất chấn động mạnh, các gò đống đều được san bằng.
28. Ngã tư đường lớn, ngõ hẻm đường con đều ngay ngắn, rải đầy hoa.
29. Các hầm hố sâu đều được lấp bằng.
30. Những kẻ chài lưới, thợ săn hung dữ bỗng nổi từ tâm.
31. Những sản phụ trong nước đều sinh con trai. Trăm loại điếc đui, câm ngọng đều được lành lặn.
32. Tất cả các thần thảo mộc hiện hình một nửa, cúi đầu hành lễ, đứng chầu.
Trên đây là ba mươi hai điềm lành. Đương thời, khắp các bờ cõi Đông Tây, chẳng ai là không thấy kỳ lạ, tán thán, cho là chưa từng có.
Thứ tư: Phần Đản Dựng.
Như Kinh Nhân Quả nói: Bồ Tát ở trong thai sắp đầy mười tháng, tay chân thân mình và các tướng tốt đều có đủ. Phu Nhân thấy nhớ, muốn vào vườn chơi. Nhà Vua ra lệnh cho các thể nữ trong cung, hết thảy tám vạn bốn nghìn người, đi theo hần hạ Phu Nhân Ma Da.
Ra lệnh tuyển chọn thêm tám vạn bốn nghìn đồng nữ mang hương thơm hoa đẹp cùng vào vườn Lâm Tỳ Ni. Nhà Vua lại ra lệnh cho các mệnh phụ của trăm quan đều Tháp tùng theo. Bấy giờ, Phu Nhân lên xe quý, có các mệnh phụ và thể nữ trước sau dẫn đường đi vào trong vườn. Còn có Bát Bộ Thiên Long cũng đều đi theo đầy chật khắp Hư Không.
Vào ngày mồng tám tháng tư, khi Mặt Trời vừa lên, Phu Nhân thấy sau vườn có một cây cổ thụ tên là Vô Ưu, hoa đẹp hương thơm, cành lá sum sê, hết sức tươi tốt, liền đưa tay phải vói lên, có ý muốn bẻ. Khi ấy, từ bên hông phải, Bồ Tát dần dần bước ra.
Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: Phật bảo Di Lặc, nên nhớ rằng ông đã thọ ký, sau năm mươi sáu ức bảy nghìn vạn năm nữa, ở dưới gốc cây Chúa này, sẽ thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Ta sinh ra từ hông phải, Di Lặc ông lại sinh ra từ đỉnh đầu.
Nếu ta thọ một trăm tuổi, Di Lặc ông sẽ thọ tám vạn bốn nghìn tuổi. Quốc Độ của ta bằng đất, Quốc Độ của ông bằng vàng. Quốc Độ của ta khổ, Quốc Độ của ông lại vui.
Lại nữa, Kinh Bồ Tát Bản Hạnh nói: Bấy giờ, Bồ Tát thấy mẹ Ngài đứng dưới đất, đưa tay vói bẻ cành cây. Từ trong bào thai, Ngài giữ đúng chánh niệm, đứng lên trên bảo tọa.
Những người mẹ của tất cả chúng sinh khác, khi sắp sinh con, thân thể đều đau đớn, chịu đựng khổ sở vô cùng. Luôn ngồi, luôn đứng, không thể nào yên. Riêng mẹ của Ngài lại vui vẻ, thản nhiên, thân thể cảm thấy khoan khoái.
Lúc ấy, Phu Nhân Ma Da đứng dưới đất, vói tay cầm cành cây Ba La Xoa rồi lập tức sinh hạ Bồ Tát. Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện sau khi Ngài thành Phật, không hề lao nhọc, có khả năng nhổ phăng tất cả mọi phiền não, chặt đứt tất cả mọi kết tập phiền não, giống như chặt đứt ngọn cây Đa La, cuối cùng không thể mọc lại được. Pháp vô tướng, vô hình, vô tái sinh ấy chính là điềm lành võng sinh trước tiên của Đức Như Lai.
Lại nữa, tất cả chúng sinh do nỗi khổ vì sinh ra hành hạ, dù ở trong bào thai, vẫn di chuyển khắp nơi. Bồ Tát không như thế, từ hông phải nhập vào, vẫn ở yên trong hông phải, không hề di chuyển. Lúc muốn sinh ra, lại từ hông phải sinh ra, không bị các nỗi khổ hành hạ.
Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện sau khi đã thành Phật, trừ tận mọi tái sinh, tu hành Phạm Hạnh, mãi mãi không còn sợ hãi, luôn luôn an vui, không còn đau khổ nữa.
Lại nữa, khi Bồ Tát vừa từ thai mẹ, giữ đúng chánh niệm, theo hông phải hạ sinh, đã phóng hào quang to lớn chiếu diệu khắp nơi. Đây là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện sau khi đã thành Phật, Ngài xé tung màn lưới vô minh tăm tối, bừng phát ra ánh hào quang trong sáng của trí tuệ bao la.
Lại nữa, khi Bồ Tát vừa từ hông phải sinh ra, thân thể của mẹ Bồ Tát vẫn bình an như trước, không hề biến đổi. Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện sau khi đã thành Phật, Ngài sẽ thực hành Phạm Hạnh không hề suy giảm, đầy đủ không thiếu sót.
Lại nữa, khi Bồ Tát vừa từ thai mẹ sinh ra, không khổ không não, tự tại đứng lên. Tất cả mọi dơ uế đều không ô nhiễm, khác hẳn chúng sinh. Giống như báu vật lưu ly Như Ý, khi được bao bọc bên ngoài bằng áo lụa Ca thy la, cả hai đều không bị dính bẩn.
Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện khi đã thành Phật, Ngài ở trong thế gian, trụ tại thế gian, là pháp hy hữu của thế gian, nên mọi uế trọc của thế gian không gây ô nhiễm được. Lại nữa, khi Bồ Tát vừa từ thai mẹ sinh ra, Trời Đế Thích liền lấy áo lụa vi diệu của Chư Thiên bọc lấy tay mình, rồi tiến lên phía trước bồng nâng Bồ Tát.
Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện khi đã thành Phật, Ngài là vị giáo chủ đầu tiên của Thế Giới Ta Bà. Thiên Vương Đại Phạm đứng lên hàng đầu xin nghe Thuyết Pháp.
Lại nữa, khi Bồ Tát vừa từ hông phải sinh ra, bốn vị Đại Thiên Vương bồng ẫm Bồ Tát, cùng hướng về trước mặt mẹ Ngài mà nói rằng: Hôm nay, Phu Nhân vĩ đại của thế gian rất đáng hoan hỷ. Phu Nhân sinh được con Thánh như thế, Chư Thiên còn vui mừng ca tụng, huống chi là người!
Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện sau khi đã thành Phật, sẽ có vô lượng tứ chúng cùng đến bên Ngài xin nghe Thuyết Pháp, vâng theo lời giáo huấn, không trái ý, phản bội.
Lại nữa, sau khi Bồ Tát đã sinh ra, Ngài liền đứng trên mặt đất, ngước nhìn vào hông phải của mẹ, nói lên lời này: Từ nay về sau, thân này sẽ không bao giờ tái sinh vào hông phải, sẽ không bao giờ nhập vào bào thai của mẹ, sẽ không bao giờ an trụ trong ấy nữa. Đây chính là thân sau cùng của ta, vì ta sẽ thành Phật.
Đấy là sự kiện hy hữu của Bồ Tát, biểu hiện sau khi đã thành Phật, miệng Ngài sẽ nói lời này: Trong kiếp này của ta, tất cả đều xong. Phạm Hạnh đã lập, Hạnh Nguyện đã thành, không còn tái sinh. Ấy chính là điềm lành Vãng Sinh của Đức Như Lai.
Hơn nữa, Kinh Niết Bàn nói: Khi Bồ Tát mới giáng sinh, Ngài đều đi bảy bước khắp mười phương. Bồ Tát Ma Ni, Bồ Tát Phú Na và các đại tướng Quỷ Thần đều cầm tràng phan, lọng quý rung động vô lượng vô biên Thế Giới.
Sắc vàng rực rỡ tràn ngập Hư Không. Các Long Vương Nan Đà, Bạt Nan Đà dùng thần thông tắm rửa thân mình Bồ Tát. Chư Thiên hiện hình nghinh đón lễ bái. Vị tiên A Tư Đà chắp tay cung kính. Tuổi thanh xuân dứt bỏ dục vọng dễ dàng như nhổ bỏ nước bọt.
Không bị dục lạc thế gian mê hoặc. Khi Xuất Gia tu đạo lại hâm mộ chốn tịch lặng. Để đả phá tà kiến, Ngài đã trải qua sáu năm tu khổ hạnh. Hoàn toàn Bình Đẳng với chúng sinh, như một không khác. Tâm thường nhập định, không hề tán loạn. Toàn thân chỉ thấy sắc tướng trang nghiêm.
Mọi chỗ đi qua, gò đống đều bằng. Y phục cách thân bốn tấc, không chạm vào mình. Khi đi nhìn thẳng, không liếc hai bên. Các thứ hái ăn, không mọc lại nữa. Ngay chỗ đứng ngồi, cỏ chẳng lung lay. Vì dạy chúng sinh, nên đi Thuyết Pháp, tâm chẳng kiêu căng.
Thứ năm: Phần Chiêu Phúc.
Như Kinh Nhân Quả nói: Khi Thái Tử sinh ra, dưới gốc cây Vô Ưu cũng mọc lên bảy cành hoa sen bằng thất bảo, lớn như vành xe.
Bồ Tát liền ngã lên hoa sen, không có người nâng đỡ, tự bước đi bảy bước Kinh Đại thiện quyền nói, đi bảy bước là để ứng với Thất giác chi, đưa tay lên và nói như Sư Tử rống:
Trong tất cả Trời người, ta tôn quý nhất, hơn hết tất cả. Kể từ nay, vô lượng sinh tử đều chấm dứt. Khi Thái Tử nói xong lời này, bốn Thiên Vương liền lấy lụa Trời bọc mình Thái Tử, bồng đặt trên khay quý. Trời Đế Thích cầm lọng quý, Trời Đại Phạm cầm phất trần trắng cùng đứng hầu hai bên.
Các Long Vương Nan Đà và Ưu Ba Nan Đà từ giữa Hư Không, phun nước trong lành thành một vòi ấm, một vòi mát, tưới lên mình Thái Tử Kinh Phổ Diệu nói, các Trời Đế Thích và Đại Phạm làm mưa bằng các loại hương thơm nổi tiếng.
Chín Long Vương từ trên cao phun nước thơm tho xuống tắm rửa cho Bồ Tát. Kinh Thụy Ứng bản khởi nói, các Trời Đại Phạm và Đế Thích cùng xuống chầu hầu. Bốn Thiên Vương nâng mình Bồ Tát đặt trên khay vàng. Kinh Tu hành bản khởi nói, hai anh em Long Vương làm mưa nước ấm xuống bên trái, nước lạnh xuống bên phải.
Các Trời Đế Thích và Đại Phạm lấy áo Trời bọc mình Thái Tử. Thân Thái Tử óng ánh sắc vàng, có ba mươi hai tướng tốt, phóng ra hào quang vĩ đại chiếu diệu khắp ba nghìn Đại Thiên Thế Giới. Nước Ca Duy La Vệ nằm giữa ba nghìn Mặt Trời Mặt Trăng và một vạn hai nghìn Quốc Độ.
Lại nữa, Luận Trí Độ có câu hỏi rằng:
Tại sao Đức Phật có sắc vàng?
Đáp: Nếu sắt ở bên vàng thì không sáng. Nay đem vàng hiện tại sánh với vàng thời Đức Phật còn tại thế thì không sáng bằng.
Vàng thời Đức Phật còn tại thế sánh với vàng của Diêm Phù Na thì không sáng bằng.
Vàng của Diêm Phù Na sánh với cát vàng trong đường đi dưới biển lớn của Chuyển Luân Vương thì không sánh bằng. Cát vàng ấy sánh với Núi vàng thì không sánh bằng. Núi vàng sáng với vàng của núi Tu Di thì không sánh bằng.
Vàng của núi Tu Di sánh với vàng ở chuỗi anh lạc của Chư Thiên Tam Thập Tam thì không sánh bằng.
Vàng ở chuỗi anh lạc của Chư Thiên Tam Thập Tam sánh với vàng của Trời Diệm Ma thì không sánh bằng.
Vàng của Trời Diệm Ma sánh với vàng của Trời Đâu Suất Đà thì không sánh bằng.
Vàng của Trời Đâu Suất Đà sánh với vàng của Trời Hóa Tự Tại thì không sánh bằng.
Vàng của Trời Hóa tự tại sánh với vàng của Trời Tha Hóa Tự Tại thì không sánh bằng.
Vàng của Trời Tha Hóa Tự Tại sánh với vàng trên thân Bồ Tát thì không sánh bằng. Sắc tuyệt diệu này gọi là tướng sắc vàng.
Lại nữa, Kinh Thụy Ứng nói: Khi Thái Tử vừa sinh ra, Thiên Long Bát Bộ hiện hình giữa không trung, cử hành các loại nhạc Trời, ca hát ngợi khen, đốt hương rắc hoa, thả áo Trời và chuỗi anh lạc bay xuống tơi bời, nhiều không tính được.
Dưới gốc cây Vô ưu còn sinh ra bốn giếng nước tám công đức. Tổng cộng có đến ba mươi bốn điềm lành, không thể nói rõ hết đại khái giống ba mươi hai tướng tốt đã nói ở trên.
Thứ sáu: Phần Hàng Tà.
Như Kinh Thụy Ứng nói: Khi Thái Tử vừa sinh ra, Nhà Vua lập tức trang bị bốn đạo quân cùng trăm quan đi vào vườn. Thấy Thái Tử có những điềm lành như thế, Nhà Vua đâm ra nửa mừng nửa sợ, chắp tay hành lễ các Thiên Thần xong, bồng Thái Tử lên trước, đặt trên bành voi bằng thất bảo, rồi cùng quần thần, thể nữ trở về thành.
Có các Thiên Thần cử nhạc Tháp tùng. Bấy giờ, Nhà Vua chưa biết Tam Bảo là gì, bèn đưa Thái Tử đến đền thờ Phạm Thiên.
Thái Tử vùa vào, Phạm Thiên lập tức hiện hình đứng lên khỏi bảo tọa, sụp lạy dưới chân và nói với Nhà Vua rằng: Xin Đại Vương biết cho, nay Thái Tử là bậc chí tôn trong Trời người, tất cả Thiên Thần đều kính lễ.
Đại Vương há chẳng biết điều này, tại sao còn đem Ngài đến đây hành lễ?
Vua Bạch Tịnh và Quần Thần cảm thán chuyện hy hữu này, liền đưa Thái Tử ra khỏi đền thờ Phạm Thiên, trở về hậu cung.
Kinh Phổ Diệu nói: Khi Thái Tử đến đền thờ Phạm Thiên, có nói bài kệ rằng:
Vừa sinh động ba nghìn.
Thích, Phạm, Tu Luân, Thần,
Nhật nguyệt, bốn Thiên Vương
Đều đến cúi đầu lạy.
Có thần nào hơn ta,
Sao đem ta đến đó?
Hơn Trời, Trời của Trời.
Không Trời nào sánh được.
Tùy cơ xuống thế gian,
Điềm báo, người hân hoan.
Nghi lễ nhiều ngần ấy,
Hơn Thánh, Trời của Trời.
Bấy giờ, các Trời Đế Thích, Phạm Thiên và bốn Thiên Vương đều rời bảo tọa, chọn giờ cùng hiện xuống, cung kính quỳ mọp hành lễ dưới chân Bồ Tát.
Trong không khí trang nghiêm lặng phắt, hằng trăm nghìn Thiên Chúng đều cất cao tiếng ca tụng, hới hở vui mừng chưa từng có. Trời Đất rung chuyển, mưa hoa đủ loại bay đầy. Hằng trăm nghìn ca công tự nhiên cử nhạc.
Chư Thiên xuất hiện nguyên hình, hành lễ dưới chân Bồ Tát rồi tiến lên phía trước và ca tụng rằng:
Tu Di sánh hạt cải,
Vượt xa hẳn Trời Rồng.
Nhật nguyệt lạy đến mệt,
Vì kính tuệ và đức.
Tam Thiên đều Quy Y.
Hạt cải sánh Tu Di,
Vũng trâu sánh biển cả.
Chí tôn vượt nhật nguyệt.
Nếu kính bậc chí tôn,
Phước quả không tính xiết.
Tất cả, được an ổn,
Phước đức nhiều vô lượng.
Thứ bảy: Phần Đồng Ứng.
Như Kinh Thụy Ứng nói: Lúc bấy giờ, những người thuộc dòng họ Thích, trong ngày ấy, cũng sinh được năm trăm con trai.
Kinh Tu Hành Bản Hạnh nói:Tám vạn bốn nghìn Trưởng Giả trong nước đều sinh được con trai. Tám vạn bốn nghìn ngựa nái trong chuồng đều sinh ngựa non.
Có điều rất kỳ lạ, tất cả đều toàn lông trắng, bờm đều đeo ngọc, nên được gọi là ngựa đặc biệt.
Lại nữa, Kinh Thụy Ứng Bản Hạnh nói: Người hầu tên Xa Nặc, ngựa cưỡi tên Kiền Trắc. Bấy giờ, trong chuồng của Nhà Vua, voi sinh voi trắng, ngựa sinh ngựa bạch, bò dê sinh bò con, dê con. Số lượng mỗi loài lên đến năm trăm con. Những đầy tớ trong nhà các Hoàng Tử đều sinh được năm trăm đầy tớ nhỏ.
Bấy giờ, trong cung có năm trăm kho tàng lâu nay chôn giấu, bỗng nhiên hiện ra. Có đám thương gia theo đường biển đi tìm mua báu vật trở về, cùng đem ngọc quý dâng lên Nhà Vua. Thấy những điềm lành xuất hiện dồn dập như thế, nên Nhà Vua đặt tên cho Thái Tử là Tất Đạt. Khi ấy, tám Hoàng Tử khác đều sinh Thái Tử như Vua Tịnh Phạn.
Tất cả rất vui mừng, cùng nhau đặt tên thật đẹp.
Lại nữa, Kinh Phật Bản Hạnh nói: Nước Ca Duy La Duyệt gồm có tám thành, tổng cộng có chín trăm vạn gia đình.
Điều Đạt sinh ngày mồng bảy tháng tư. Đức Phật sinh ngày mồng tám tháng tư. Nan Đà, em Ngài, sinh ngày mồng chín tháng tư.
A Nan sinh ngày mồng mười tháng bốn. Điều Đạt cao một trượng năm thước bốn tấc. Đức Phật cao một trượng sáu thước. Nan Đà cao một trượng năm thước bốn tấc. A Nan cao một trượng năm thước ba tấc.
Các tôn nhân cao một trượng bốn thước. Những người khác ở trong nước đều cao một trượng ba thước. Ngoại thích của Bồ Tát ở cách thành tám trăm dặm, thuộc họ Cù Đàm, làm Vua Chư Hầu cai trị một trăm vạn gia đình, gọi là Vua một ức dân. Gia đình Phu Nhân của Bồ Tát thuộc họ Cù Đàm. Trưởng Giả nhạc phụ tên là Thủy Quang. Nhạc mẫu tên là Nguyệt Nữ.
Gia Đình Trưởng Giả ở trong thành kế bên. Khi sinh con gái, Trời sắp về chiều, ánh nắng chiếu nghiêng vào nhà, sáng rực lên, nên đặt tên là Cù Di cô gái sáng. Cù Di là Phu Nhân thứ nhất của Bồ Tát. Phu Nhân thứ hai của Bồ Tát họ La Vân, tên Na Duy Đàn.
Phụ thân là Trưởng Giả Di Thí. Phu Nhân thứ ba của Bồ Tát tên là Lộc Dã.
Phụ thân là Trưởng Giả Thích. Vì Bồ Tát có ba Phu Nhân nên Vua cha cho lập ra ba biệt điện. Mỗi biệt điện có hai vạn thể nữ.
Tổng cộng có sáu vạn thể nữ. Bồ Tát sẽ làm Thánh Vương chuyển luân nên mới có sáu vạn thể nữ như thế.
Thứ tám: Phần Giáo Lượng
Như Luận Du Già nói có bốn loại nhập thai:
1. Chánh tri để nhập vào. Không chánh tri an trụ rồi sinh ra.
2. Chánh tri nhập vào an trụ. Không chánh tri để sinh ra.
3. Đều có thể chánh tri.
4. Đều không chánh tri.
Loại thứ nhất chỉ cho Chuyển Luân Vương.
Loại thứ hai chỉ cho Độc giác.
Loại thứ ba chỉ cho Bồ Tát.
Loại thứ tư chỉ cho các chúng sinh khác.
Luận Thật tính có bài kệ rằng:
Từ Trời xuống nhập thai,
Sinh ra nhờ Cha Mẹ.
Tại Gia là trẻ con,
Học tập mọi kiến thức.
Nô đùa và đi chơi.
Xuất Gia tu khổ hạnh,
Theo học các ngoại đạo.
Ràng phục các Ma Vương.
Thành Phật, Chuyển Pháp Luân,
Chỉ Đạo nhập Niết Bàn.
Các chúng sinh bạc phước,
Làm sao gặp Như Lai!
Kinh Thụy Ứng nói: Thái Tử sinh vào đêm mồng tám tháng tư, vào lúc sao sáng.
Lại nữa, Kinh Phật sở hạnh tán nói: Vào ngày mồng tám tháng ba, Bồ Tát từ hông phải sinh ra.
Kinh Quá khứ hiện tại nhân quả nói: Vào ngày mồng tám tháng hai, Phu Nhân vào vườn Lâm Tỳ Ni, thấy hoa Vô Ưu, vói tay mặt lên hái, Bồ Tát liền từ hông phải sinh ra. Nay vì nhiều đời xa cách, người dịch lớp trước lớp sau. Nếu chỉ xem qua Kinh Điển, khó lòng biện luận đúng sai.
Nếu chịu khảo cứu thêm sách vở thế gian, hình như cũng có chỗ đáng chú ý.
Sách Xuân Thu nói: Năm thứ bảy dưới đời Lỗ Trang Công, tức là năm thứ mười một dưới đời Vua Trang Vương, vào ngày tân hơi tháng tư, hằng tinh không xuất hiện, có vẫn thạch như mưa. Nếu kiểm chứng các Kinh Điển và sách vở thế gian ấy thì tháng bốn là chính xác nhất.
***