Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Ý kiến bạn đọcBộ thứ 4: GIÁNG THAI
Gồm có 6 phần: Thuật ý, Hiện suy, Quan cơ, Trình tường, Giáng thai, Tưởng đạo.
Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý
Than ôi! Thành khẩn trong tâm thì Chí giác hiển lộ, đạm bạc ngoài hình thì Pháp thân cận kề. Thế nên, bổn sư Năng Nhân tùy cơ giáng thế. thương nhà lửa bốc cháy phừng phừng, xót sông dục sương giăng mờ mịt. Nương cung điện phụ vương Bạch Tĩnh, đầu thai vào phu nhân Mada. Phóng hào quang rực rỡ sắc vàng, phá phiền não vô minh tăm tối. Chịu đựng trong Ba chướng nặng nề, chỉ đãy xác điểm trang không thật, ra khỏi bốn cửa thành cao lớn, sợ mây nổi biến hóa vô thường.
Thứ hai: PHẦN HIỆN SUY
Như kinh Nhân-quả nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Thiện Tuệ công đức đầy đủ, lên vị Thập địa, tại Nhất sinh bổ xứ, gần Nhất thiết chủng trí, sinh vào Trời Đâu-suất, tên là Thánh thiện, thống lãnh chư Thiên, diễn thuyết công hạnh Nhất sinh bổ xứ. Đồng thời thị hiện đủ mọi hóa thân, tùy duyên thuyếp pháp cho chúng sinh ở các quốc độ khắp mười phương. Thời cơ sắp đến, sẽ giáng trần thành Phật, liền quan sát năm hiện tượng: một là quan sát cơ duyên chúng sinh đã chín hay chưa. Hai là quan sát thời cơ đã đến hay chưa. Ba là quan sát các quốc độ, quốc độ nào ở giữa. Bốn là quan sát các chủng tộc, chủng tộc nào tôn quý, hùng cường. Năm là quan sát các nhân duyên quá khứ, ai chân chính nhất, xứng đáng làm cha mẹ. Sau khi đã quan sát năm hiện tượng này xong, sẽ lập tức hạ sinh. Lúc ấy, Bồ-tát không thể làm lợi ích rộng rãi cho chư Thiên và chúng sinh, liền hiện đủ năm tướng suy, khiến cho các Thiên tử đều biết rõ ràng thời cơ Bồ-tát hạ sinh thành Phật: một là mắt của Bồ-tát nhấp nháy. Hai là hoa trên đầu khô héo. Ba là áo dính bụi bặm. Bốn là nách đẫm mồ hôi. Năm là không thích ngồi yên chỗ. Chư Thiên thấy Bồ-tát có năm tướng lạ này, lòng hết sức hoảng sợ, đến nỗi lỗ chân lông xuất huyết như mưa, cùng bảo nhau: “Không bao lâu nữa, Bồ-tát sẽ bỏ rơi chúng ta.” Bấy giờ, Bồ-tát lại hiện ra năm điềm lành: một là phóng ra hào quang lớn chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Hai là mặt đất có mười tám hiện tượng chấn động. Núi Tu-di, các biển lớn, các Thiên cung đều bị lung lay. Ba là nhà cửa của các loài ma quỷ đều bị che lấp, không hiện ra. Bốn là mặt trời, mặt trăng và các tinh tú không còn sáng láng. Năm là tất cả tám loài trong thiên hạ đều bị rúng động, không thể dằn lại được. Chư Thiên ấy thấy Bồ-tát hiện đủ năm tướng suy, ngoài ra còn hiện đủ năm điềm lành hy hữu như thế, đều tụ họp lại bên Bồ-tát, dập đầu sát chân hành lễ và bạch rằng: “Tôn giả! Hôm nay, chúng tôi thấy đủ các tướng, toàn thân đều rúng động, không thể an lòng. Xin tôn giả giải thích nhân duyên này cho chúng tôi.” Bồtát liền đáp rằng: “Các thiện nam tử! Phải biết rằng các hành đều vô thường. Chẳng bao lâu nữa, ta sẽ rời bỏ Thiên cung này, hạ sinh xuống cõi Diêm-phù-đề. Khi chư Thiên nghe xong lời này, lòng rất thảm sầu, khắp mình ứ huyết, mê man đầy đất, hết sức than vãn vô thường. Lúc ấy, có một Thiên tử nói kệ rằng:
“Bồ-tát ở chốn này,
Mở pháp nhãn dùm ta.
Hôm nay lìa xa ta,
Như mù mất hướng đạo.
Lại như muốn qua sông,
Bỗng nhiên mất cầu, thuyền.
Cũng giống trẻ mất cha,
Lại mất cả mẹ hiền.
Chúng tôi cũng như thế,
Mất hẳn nơi nương tựa.
Chìm trong dòng sống chết.
Biết được chỗ nào ra!
Chúng tôi trong đêm tối,
Bị tên độc bắn nhằm,
Lại mất vua thầy thuốc,
Còn ai cứu chúng tôi!
Nằm rũ giường vô minh,
Chìm lỉm biển ái dục,
Mất hẳn lời ngài dạy.
Thấy đâu ngày thoát ra!”
Bấy giờ, Bồ-tát đáp kệ rằng:
“Ta ở đây không lâu,
Sẽ xuống Diêm-phù-đề,
Tại nước Ca-tỳ-la,
Trong cung vua Bạch Tĩnh.
Từ cha mẹ, thân thích,
Bỏ ngôi Chuyển luân vương,
Xuất gia đi tìm đạo,
Thành Nhất thiết chủng trí.
Dựng nên cờ chánh pháp,
Tát cạn biển phiền não,
Đóng kín cửa đường ác,
Mở rộng lối Bát chánh.
Làm lợi Trời và người,
Nhiều không thể tính được.
Vì nhân duyên như thế,
Chớ nên sinh ưu sầu!”
Hơn nữa, luận Trí-độ có câu hỏi: “Tại sao Bồ-tát lại sinh lên Trời Đâu-suất, không sinh cao hơn, không sinh thấp hơn. Vốn là người có phước đức lớn lao phải tự do sinh hạ bất cứ cõi nào? Đáp: “Có người bảo, vì tạo nghiệp chín, nên phải sinh ở cõi giữa. Vã lại, nếu sinh xuống cõi thấp thì kết tập dơ uế dày dặn. Sinh lên cõi cao thì kết tập sắc sảo lanh lợi. Trên Trời Đâu-suất, không dày dặn, không lanh lợi, trí tuệ an ổn. Hôn nữa, khi Phật xuất thế, không muốn thái quá. Nếu sinh xuống cõi thấp, chúng sinh có thọ mạng ngắn ngủi, sẽ chết trước khi Phật xuất thế. nếu sinh lên cõi cao, tuổi thọ quá dài, sẽ vượt quá thời gian Phật xuất thế. trời Đâu-suất ở giữa các cõi Trời Lục Dục và Đại Phạm, trên ba dưới ba. Từ Trời ấy hạ sinh vào nước ở giữa. Nửa đêm giáng sinh. Nửa đêm ra khỏi nước Ca-tỳ-la. Thực hành Trung đạo. Thuyết pháp cho chúng sinh. Nửa đêm nhập Niết-bàn vô dư. Vì thích Trung pháp nên sinh vào cõi Trời ở giữa.”
Thứ ba: PHẦN QUAN CƠ
Nếu Bồ-tát sắp đầu thai, sẽ dùng đến bốn loại quan sát thế gian:
một là quan sát thời cơ . Hai là quan sát đất nước. Ba là quan sát chủng tộc. Bốn là quan sát người sinh.
Thứ nhất là quan sát thời cơ. Thới cơ có tám lọai. Sau khi Phật xuất thế, thời cơ thứ nhất là khi chúng sinh thọ tám vạn bốn nghìn tuổi cho đến thời cơ thứ tám là khi chúng sinh thọ hơn một trăm tuổi. Bồ-tát suy nghĩ thế này: “Khi chúng sinh thọ một trăm tuổi là đến thời cơ Phật xuất thế.” Đó gọi là quan sát thời cơ.
Thứ hai là quan sát đất nước. Chư Phật thường sinh ra tại nước ở giữa. Ở đây dồi dào của cải báu vật. Đất đai thanh tịnh.
Thứ ba là quan sát chủng tộc. Chư Phật sinh ra trong hai chủng tộc như Sát-lợi hay Bà-la-môn. Vì chủng tộc Sát-lợi có thế lực lớn lao và Bà-la-môn có trí tuệ uyên bác. Tùy theo thời thế đòi hỏi, Phật sẽ sinh hạ vào một trong hai chủng tộc ấy.
Thứ tư là quan sát người sinh. Bậc làm mẹ nào có thể cưu mang được Bồ-tát có sức đại lực sĩ, cũng nư có thể tự hộ trì tĩnh giới.
Sau khi quan sát như thế xong, chỉ có hoàng hậu của nhà vua Tịnh Phạn tại nước Ca-tỳ-la ở giữa là có thể cưu mang được Bồ-tát. Suy nghĩ xong, từ Thiên cung Đâu-suất, không mất chánh niệm, Bồ-tát giáng nhập vào mẫu thai.
Lại nữa, kinh Phật-bản-hạnh nói: “Bấy giờ, trong Thiên chúng ở Trời Đâu-suất có một Thiên tử tên là Kim Đoàn, từ xưa đến nay, đã từng mấy lần xuống cõi Diêm-phù-đề. Bồ-tát hộ xứ tên là Hộ Minh biết được, bảo Thiên tử Kim đoàn rằng: “Thiện tử Kim Đoàn! Ông đã mấy lầ xuống cõi Diêm-phù-đề, ông hẳn biết rõ các thị thành làng xóm, các chủng tộc hoàng gia ở đó. Vậy một vị Bồ-tát bổ xứ nên sinh vào nhà nào?” Thiên tử Kim Đoàn đáp rằng: “Tôn giả! Ta biết rất rõ. Tôn giả hãy nghe kỹ! Hôm nay ta sẽ nói ra đây.” Hộ Minh nói rằng: “Hay quá!” Kim Đoàn bảo: “Trong ba ngàn đại thiên thế giới này, có một Bồ-đề đạo tràng trong lãnh thổ nước Ma-già-đà của cõi Diêm-phù-đề ấy, là nơi ngày xưa chư Phật đã thành Đạo. Như thế, nếu cứ lần lượt đi quan sát khắp các vương quốc khác trong thiên hạ, sợ sẽ không vừa ý Bồ-tát.” Kim Đoàn lại nói thêm lời này: “Trong hết thảy các quốc độ của cõi Diêm-phù-đề này, khắp các xóm làng, khắp các quốc vương, khắp các thành thị, khắp các quý tộc cai trị trong mọi thành trì, nhưng họ đều tạo đủ lớp lớp nghiệp ác chồng chất. Ta đã vì Tôn giả đi quan sát từ trước đến nay, sinh ra vô lượng nhọc nhằn khổ sở, đến nỗi tâm mê ý loạn, không thể tiếp tục quan sát các nước khác. tựu trung, chỉ có một dòng dõi từ trước đến nay, lập nghiệp thuận hòa với dân chúng. Đời đời làm Chuyển luân vương, cho đến con cháu của nhà vua Cam Giá gần đây cũng tiếp tục nối ngôi tại Ca-tỳ-la-bà-tô-đô ấy, phát xuất từ họ Thích. Nhà vua tên là Sư Tử Giáp. Con của ngài tên là vua Thâuđầu-đàn, có uy danh vang dội khắp cả Trời, người. Tôn giả có thể làm con của nhà vua ấy.” Bồ-tát Hộ Minh đáp lời Thiên tử Kim Đoàn rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Thiên tử Kim Đoàn! Ông đã quan sát kỹ lưỡng dòng dõi của các hoàng gia. Ta cũng nghĩ sẽ sinh ra trong hoàng gia ấy. Nay ta đã thấu triệt lời ông nói. Ông Kim Đoàn nên biết cho, ta quyết định làm con của hoàng gia ấy. Kim Đoàn! Ngày xưa, gia đình được một Bồ-tát Nhất Sinh bổ xứ đầu thai phải có đầy đủ sáu mươi loại công đức.
Ấy là những công đức nào?
Nhà ấy xưa nay thuộc dòng dõi tốt lành trong sạch.
Tất cả các Thánh thần thường xem xét nhà ấy.
Nhà ấy không làm tất cả mọi việc ác.
Người được nhà ấy sinh ra đều trong sạch.
Dòng dõi nhà ấy chính thống, không bị lai tạp.
Con cháu nhà ấy nối dõi chính thống, không bị gián đoạn.
Nhà ấy xưa nay không mất dòng dõi đế vương.
Tất cả các vua được nhà ấy sinh ra đều vun trồng sâu sắc thiện căn từ thưở xa xưa.
Người sinh ra ở nhà ấy thường được các Thánh thần khen ngợi.
Người nhà ấy sinh ra có đủ uy đức lớn lao.
Nhà ấy có nhiều phụ nữ đoan chánh.
Nhà ấy có nhiều thanh niên dồi dào trí tuệ.
Người được nhà ấy sinh ra có tâm tính hoà thuận.
Người được nhà ấy sinh ra không đùa cợt.
Người nhà ấy sinh ra không sợ chuyện gì.
Người nhà ấy sinh ra không từng hèn nhát.
Người nhà ấy sinh ra thông minh đa trí.
Người nhà ấy sinh ra biết nhiều nghề thủ công.
Người nhà ấy sinh ra không có tội lỗi.
Người được nhà ấy sinh ra không chịu làm cẩu thả các nghề thủ công của thế gian, cũng không chịu tham lam của cải để mưu sinh.
Người được nhà ấy sinh ra thường thích giao du với bạn bè.
Người được nhà ấy sinh ra không sát hại các loài côn trùng, thú vật để nuôi thân.
Dòng dõi nhà ấy thường biết ơn nghĩa.
Dòng dõi nhà ấy biết tu khổ hạnh.
Người được nhà ấy sinh ra không bị lay chuyển theo người.
Người được nhà ấy sinh ra không từng nuôi lòng thù hận.
Người được nhà ấy sinh ra không chứa chất ngu si.
Người nhà ấy sinh ra không sợ sệt vâng dạ người khác.
Người nhà ấy sinh ra sợ giết hại người.
Người nhà ấy sinh ra không có tội vạ.
Người nhà ấy sinh ra khất thực được nhiều.
Người đến nhà ấy khất thực không để về không.
Nhà ấy cứng rắn, không thể khuất phục.
Phép tắc nhà ấy thường vượt cao hơn quy định.
Nhà ấy thường thích bố thí cho chúng sinh.
Nhà ấy siêng năng xây đắp nhân lành quả tốt.
Người được nhà ấy sinh ra hùng dũng trên đời.
Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường các tiên Thánh.
Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường thần linh.
Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường chư Thiên.
Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường các anh hùng.
Nhà ấy nhiều đời không gây thù oán.
Thanh danh nhà ấy vang dậy mười phương
Tổ tông nhà ấy đều cao sang nhất
Người nhà ấy sinh ra từ thượng cổ đến nay đều thuộc dòng dõi Phạm Thiên.
Người nhà ấy sinh ra đều thuộc về hạng cao nhất trong dòng dõi Phạm Thiên.
Người nhà ấy sinh ra có địa vị của dòng dõi Chuyển luân Thánh vương.
Người nhà ấy sinh ra có chủng tộc của bậc đại uy đức.
Người nhà ấy sinh ra có vô số thân thích bao bọc chung quanh.
Tất cả quyến thuộc của người nhà ấy sinh ra đều không thể bị phá hoại.
Tất cả quyến thuộc của người nhà ấy sinh ra hơn hết mọi người.
Người nhà ấy sinh ra đều hiếu thảo với mẹ.
Người nhà ấy sinh ra đều hiếu thảo với cha.
Người nhà ấy sinh ra đều cúng dường tất cả các Sa-môn.
Người nhà ấy sinh ra đều cúng dường tất cả các Bà-la-môn.
Người nhà ấy sinh ra giàu có ngũ cốc, kho đụn đầy ắp.
Người nhà ấy sinh ra có nhiều vàng bạc, xa cừ mã não. Tất cả của cải không thiếu thốn chút gì.
Người nhà ấy sinh ra có nhiều gia súc, nô tỳ, voi ngựa, bó dê. Tất cả đều đầy đủ.
Người nhà ấy sinh ra chưa từng phục dịch kẻ khác.
Người nhà ấy sinh ra đều có đầy đủ mọi sự như thế, không thiếu thốn chút gì trên thế gian.
Phật bảo Thiên tử Kim Đoàn: “Thông thường, khi một Bồ-tát Nhất Sinh bổ xứ đầu thai, người mẹ ấy phải có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, mới có thể cưu mang Bồ-tát. Ấy là những loại tướng tốt nào?
Người mẹ ấy được sinh ra chíng đáng.
Người mẹ ấy có thân thể, tay chân đầy đủ.
Người mẹ ấy có đức hạnh đầy đủ, không thiếu sót.
Người mẹ ấy được sinh ra đúng chỗ.
Người mẹ ấy có may mắn.
Người mẹ ấy thuộc dòng dõi trong sạch.
Người mẹ ấy đoan chính không ai sánh nổi.
Người mẹ ấy có tên tuổi được khen ngợi.
Người mẹ ấy có thân thể hình dung trên dưới đều đặn.
Người mẹ ấy chưa từng sinh con.
Người mẹ ấy có công đức lớn.
Người mẹ ấy thường nghĩ đến chuyện lạc quan.
Người mẹ ấy thường thuận tình với mọi việc thiện.
Người mẹ ấy không có tà tâm.
Người mẹ ấy có thân khẩu ý thuần hậu tự nhiên.
Người mẹ ấy có tâm và miệng không sợ điều gì.
Người mẹ ấy nghe nhiều thần chú.
Người mẹ ấy rất giỏi nữ công.
Người mẹ ấy lòng không ton hót, quanh co.
Người mẹ ấy lòng không xảo trá.
Người mẹ ấy lòng không giận dữ.
Người mẹ ấy lòng không ghen ghét.
Người mẹ ấy lòng không bủn xỉn.
Người mẹ ấy lòng không hấp tấp.
Người mẹ ấy lòng khó lay chuyển.
Người mẹ ấy thân thể có sắc tướng vô cùng đạo đức.
Người mẹ ấy lòng thường nhẫn nhục.
Người mẹ ấy lòng thường biết xấu hổ.
Người mẹ ấy ít dâm dục, hung hãn, ngu si.
Người mẹ ấy không phạm lỗi lầm của phụ nữ.
Người mẹ ấy cư xử hoà thuận với chồng.
Người mẹ ấy phát xuất ra đầy đủ tất cả mọi đức độ và đạo hạnh.
Người mẹ hội đủ mọi điều kiện như thế mới có thể cưu mang Tối hậu thân của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Khi sắp đầu thai, Bồ-tát phải chọn đúng ngày có sao Quỷ để đầu thai. Trước khi hoài thai Bồ-tát Nhất Sinh bổ xứ, người mẹ ấy phải thọ giới Bát quan trai xong, Bồ-tát ấy mới đầu thai. Bồ-tát Hộ Minh lại nói lời này: “Ta không vì tất cả mọi thứ tiền tài, hoan lạc ngũ dục của thế gian mà xuống thế thọ lãnh thân này, chỉ vì ta muốn làm cho chúng sinh được an lạc, chỉ vì ta thương xót chúng sinh bị khổ não mà thôi.”
Thứ tư: PHẦN TRÌNH TƯỜNG
Theo kinh Phật-bản-hạnh nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Hộ Minh đã trải qua mùa Đông, gặp thời tiết đầu Xuân đẹp đẽ. Tất cả muôn hoa của các loài cây cối đều đơm bông. Khí trời trong lành mát mẽ điều hòa. Cỏ non mọc lên, mượt mà mềm mại, óng ả tốt tươi đầy mặt đất. Bồ-tát chọn đúng lúc sao Quỷ hội tụ cùng các sao khác, diễn dương các Pháp trọng yếu cho chư Thiên, khiến tất cả đều hoan hỷ. Khi ấy, Trời Tĩnh Cư bảo với tất cả Thiên chúng ở đấy rằng: “Hôm nay, chư Thiên chứng kiến Bồ-tát Hộ Minh sắp sửa hạ sinh. Xin đừng phiền não. Tại sao? Vì khi Bồ-tát hạ sinh, nhất định sẽ thành tựu A-nậu Bồ-đề. Sau đó, sẽ trở lại Thiên Cung này để thuyết pháp cho chư Thiên, giống như ngày xưa, Phật Tỳ-bà-thi cho đến Phật Ca-diếp đều đã từ đây ra đi, rồi lại trở về đây thuyết pháp cho chư Thiên như trước, chẳng khác chút gì.”
Bấy giờ, Bồ-tát sẽ hạ sinh vào lúc nửa đêm. Đang khi sắp sửa hạ sinh vào đêm ấy, phu nhân Ma-da bạch vua Tịnh Phạn rằng: “Xin đại vương biết cho, từ đêm nay, thiếp muốn thọ trì 8 giới cấm thanh tịnh. Ay là không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dật, không nói dối, không uống rượu, không hai lưỡi, không chửi rủa, không nói lời phi lý. Lại nguyện không tham lam, không giận dữ, không ngu si, không sinh tà kiến. Thiếp phải có chánh kiến. Các giới cấm chay tĩnh của chúng sinh, thiếp phải thọ trì. Từ nay thiếp thường xuyên lưu tâm siêng năng thực hiện, phải phát động từ tâm đối với chúng sinh. Vua Tịnh Phạn phán rằng: “Điều gì nàng ưa thích, cứ tùy ý thực hành.” Thế nên, có bài kệ rằng:
“Vua thấy mẹ Bồ-tát,
Đang ngồi, kính đứng lên.
Như mẹ, như chị em,
Tâm không hề vẩn đục.”
Bấy giờ, Bồ-tát giữ vững Chánh niệm, từ Trời Đâu-suất, giáng hạ đầu thai vào Đại vương phi thứ nhất của vua Tịnh Phạn, an trụ trong hông phải. Khi ấy vương phi đang nằm ngủ, mơ thấy con voi trắng sáu ngà, đầu màu đỏ, 2 ngà và chân chống xuống đất, lấy vòng vàng đeo vào ngà, cưỡi hư không bay xuống, nhập vào hông phải. Sau khi nằm mơ xong, sáng mai vương phi liền tâu với vua Tịnh Phạn: “Xin đại vương biết cho, thiếp đã nằm mơ như thế. Khi con voi trắng ấy nhập vào hông bên phải của thiếp, thiếp cảm thấy hứng thú xưa nay chưa từng có. Từ nay về sau, thật tình thiếp không cần đến hoan lạc của thế gian nữa. Điềm mộng này, biết nhờ thầy đoán mọng nào giải đoán cho thiếp đây?” Vua Tịnh Phạn triệu một cung nga nội thị đến phán rằng: “Nhà ngươi hãy mau mau ra ngoài tuyên sắc chỉ, bảo quốc sư Đại Na-ma-tử gọi đến đây ngay 8 đại bốc sư Bà-la-môn.” Sứ giả của quốc sư, theo lời sắc, lập tức triệu đến 8 vị Ba-la-môn. Tám vị này nghe nhà vua kể lại xong, vốn giỏi tướng thuật và rành phép đoán mộng, liền bẩm với nhà vua: “Xin đại vương nghe kỹ, bọn thần sẽ tâu rõ điềm lành của giấc mơ ấy. Theo như bọn thần thấy, các vị thần tiên ngày xưa đã từng ghi chép đầy đủ điềm ấy qua sách vở. Xin nói kệ rằng:
“Nếu người mẹ mộng thấy
Mặt trời vào hông phải.
Mẹ ấy sinh được con
Sẽ làm Chuyển luân vương.
Nếu người mẹ mộng thấy
Mặt trăng vào hông phải.
Mẹ ấy sinh được con
Đứng đầu trong các vua.
Nếu người mẹ mộng thấy,
Voi trắng vào hông phải.
Mẹ ấy sinh được con
Tôn quý nhất Ba cõi.
Làm lợi cho chúng sinh.
Oán thân đều bình đẳng.
Giải thoát nghìn vạn chúng,
Vượt khỏi biển phiền não.”
Bấy giờ, các vị Bà-la-môn đoán mộng bạch nhà vua rằng: “Giấc mộng của phu nhân có điềm rất tốt. Hôm nay, xin đại vương nên làm lễ ăn mừng. Phu nhân mang thai, chắc chắn sẽ sinh con Thánh. Vị Thánh ấy về sau sẽ thành Phật, tiếng tăm truyền xa.”Vua Tịnh Phạn nghe các vị bốc sư nói xong bài kệ ấy, lòng rất hoan hỷ, lấy nhiều của báu ban thưởng. Sau khi các vị bốc sư giải đoán giấc mộng của vương phi, bảo là điềm lành, nhà vua bèn mở ra một lễ hội bố thí rộng rãi, lớn lao ở ngoài bốn cửa thành Ca-tỳ-la, ở đầu các đường lớn, ngõ hẻm, đường xóm có người qua lại. Các nhu cầu ăn uống, tiền bạc, nhà của, súc vật đều được cấp cho. Lại nữa, A-tư-đà là vị tiên có đủ năm phép thần thông, nghe tin Bồ-tát từ Trời Đâu-suất giữ chánh niệm xuống đâu thai trong hông phải của phu nhân vua Tịnh Phạn. Khi Bồ-tát nhập thai, phóng ra hào quang lớn chiếu khắp tất cả các thế giới trời và người. Sau đó, mặt đất liên tục nổi lên 18 lần chấn động đủ sáu loại. A-tư-đà chứng kiến được hiện tượng hy hữu ấy, lòng vô cùng kinh hãi, lông tóc đều dựng lên. Không biết nay có nhân duyên, quả báo gì, khiến mặt đất bị chấn động như thế. Vị tiên ấy suy nghĩ giây lát rồi mới bình tâm. Sinh ra hoan hỷ, hớn hở vô cùng, không thể dằn lại được, phải la lớn rằng: “Đại Thánh hy hữu, không thể nghĩ bàn! Thế gian sẽ xuất hiện một bậc vĩ nhân!” Lại nữa, khi Bồ-tát mới từ Trời Đâu-suất giáng hạ, đầu thai vào hông phải của phu nhân vừa xong, có vị Trời tên là Tốc Vãng phi hành đến các địa ngục cất cao tiếng nói rằng: “Tất cả các người nên biết rằng, hôm nay Bồ-tát từ Trời Đâu-suất đã giáng hạ đầu thai vào bụng mẹ rồi. Thế nên, các ngươi phải mau mau phát lời thệ nguyện sinh vào nhân gian.” Khi các tội nhân ở địa ngục nghe xong lời này, tất cả chúng sinh từ trước đến nay đã từng vun bón thiện căn, lại tạo thêm nhiều tạp nghiệp, do ác nhiều hơn, nên phải đọa vào địa ngục. Các chúng sinh ấy, mỗi người đều đối mặt nhìn nhau, chán ghét địa ngục. Lại được sáng láng, thân tâm an lạc. Lại được nghe lời vị tiên ấy kêu gọi hãy mau mau sinh lên nhân gian, liền bỏ thân địa ngục, lập tức sinh lên nhân gian. Tất cả chúng sinh khắp ba ngàn đại thiên thế giới, từ trước đến nay, đã từng vun bón thiện căn, đều cùng kéo về đầu thai chung quanh bốn phía thành Ca-tỳ-la ấy.”
Thứ năm: PHẦN GIÁNG THAI
Như kinh Niết-bàn nói: “Khi Bồ-tát giáng trần, chư Thiên các cõi Sắc giới và Dục giới đều đến hầu hạ tiễn đưa, phát thành tiếng nói vĩ đại ca tụng Bồ-tát. Do hơi gió của tiếng nói vĩ đại ấy, mặt đất bị chấn động.” Lại nữa, Kinh Niệm-Phật-Tam-muội nói: “Khi Bồ-tát sắp sửa giáng nhập vào bào thai của mẹ, tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều phát ra sáu loại chấn động.” Lại nữa, kinh Nhân-quà nói: “Bấy giờ, Bồtát sắp sửa giáng nhập vào bào thai của mẹ, bèn cưỡi voi trắng sáu ngà xuất phát từ Thiên cung Đâu-suất. Vô lượng Thiên chúng làm nữ nhạc công, đốt nhiều loại hương quý, rắc các loại hoa Trời đẹp đẽ, đi theo Bồ-tát đầy chật hư không. Bồ-tát phóng ra hào quang lớn lao đến chiếu diệu khắp mười phương, chọn đúng lúc sao sáng vừa mọc vào ngày mồng tám tháng tư liền nhập vào bào thai của mẹ. Bấy giờ, phu nhân Ma-da đang nằm mơ, thấy Bồ-tát cưỡi voi trắng sáu ngà, từ hư không đi xuống, bước vào hông phải, ngoài mình óng ánh trong suốt như đắp lưu ly. Thân thể phu nhân lâng lâng khoan khoái như uống nước cam lồ. Nhìn lại chính mình, phu nhân như thấy mặt trời mặt trăng cùng chiếu sáng, trong lòng vô cùng hoan hỷ, hớn hở. Cảm thụ như thế rồi mới tỉnh ra, phu nhân thấy lòng lạ kỳ chưa từng có, liền đem tâm trạng ấy tâu rõ cùng vua Bạch Tĩnh. Nghe xong, nhà vua hoan hỷ, hớn hở không thể dằn lòng, liền triệu vị Bà-la-môn giỏi tướng thuật đến giải đoán, biết được Bồ-tát đã đầu thai, hạ sinh xong sẽ thành Phật. công đức làm lợi ích chúng sinh nhiều vô cùng, không thể nói hết. Bấy giờ, chư Thiên trên Trời Đâu-suất nghĩ rằng, Bồ-tát đã đầu thai vào cung vua Bạch Tĩnh, chúng ta cũng nên hạ sinh xuống nhân gian. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng ta sẽ làm đệ tử thân cận đầu tiên bên cạnh ngài để nghe thuyết pháp. Suy nghĩ như thế xong, liền lập tức hạ sinh, số lượng đông đến 99 ức Thiên chúng. Thậm chí, từ Trời Tha Hóa Tự Tại cho đến chư Thiên các Trời Tứ Thiên và Sắc giới đều cùng với gia quyến hạ sinh xuống nhân gian, số lượng nhiều không thể tính được. Bồ-tát ở trong thai mẹ, đi đứng nằm ngồi không chút khó khăn, không gây khổ sở cho phu nhân mẹ mình. Từ sáng sớm, ở trong bào thai, Bồ-tát thuyết pháp đủ loại cho chư Thiên ở Sắc giới. Đến trưa, thuyết pháp cho chư Thiên ở Dục giới. Đến chiều, lại thuyết pháp cho các quỷ thần. Đến lúc canh ba, lại cũng như thế. (Theo kinh Phổ-diệu, tuy ở trong thai mẹ chỉ mười tháng, Bồ-tát đã khai hóa giáo dục chư Thiên và các chúng sinh thành tựu được hạnh Thanh văn và Bồ-tát Đại- thừa, nhiều bằng ba mươi sáu năm thuyết pháp.). Kinh Hoa-nghiêm nói rằng: “Dù Bồ-tát ở trong thai mẹ, nhưng chúng sinh khắp tam thiên đại thiên thế giới đều thấy rõ ngài, như thấy mặt mũi của chính mình trong gương vậy.”
Thứ sáu: PHẦN TƯỞNG ĐẠO
Như kinh Bồ-tát-xử-thai nói: “Phật bảo Bồ-tát Hỷ Kiến rằng, ông muốn biết chư Phật trong thời quá khứ đã giải thoát hay không giải thoát các quốc độ chăng? Ông nên biết rằng, trong thời quá khứ, ta đã từng có vô lượng hóa thân không thể tính đếm được, dùng thần thông nhập vào thế giới thấp snh đủ các loại, trong vô lượng vô biên kiếp, thuyết pháp cho các chúng sinh thấp thức, khiến cho các chúng sinh thấp thức ấy tùy theo nguyện vọng, đều được giải thoát. Ta đã vào các chúng sinh hoá sinh, noãn sinh, tùy theo nguyện vọng, đều được giải thoát, lại cũng như trước. Ta lại dùng thần thông hiện vào thế giới tương lai, nhập vào bốn loài. Tất cả đều được giải thóat, lại cũng như trước. Giống như hiện nay, ở trong thai mẹ, ta đang diễn dương các pháp bất thối chuyển và rất hy hữu cho các Bồ-tát có phép thần thông ở khắp mười phương. Ta cũng dùng thần thông nhập vào bốn loài trên Thiên giới, bốn loài ở địa ngục, bốn loài trong ngạ quỷ, bốn loài trong súc sinh. Trong bốn loài này, hai loài thai sinh hóa sinh chấm dứt phiền não được nhanh; hai loài thấp sinh hóa sinh chấm dứt phiền não hơi chậm. Bởi vì hai loài thấp sinh hóa sinh bị độn căn, hai loài thai sinh hóa sinh có lợi căn. Phật lại bảo A-nan: “Hãy nghe rõ và suy nghĩ thật kỹ! Nay ta sẽ giúp ông phân tích rành mạch hành động hiếm có của bậc đại sĩ.” A-nan bạch Phật: “Tôi xin hoan hỷ nghe lời.” Phật bảo A-nan: “Về phía Đông nam, cách đây một ức một vạn một nghìn sáu mươi hai hà sa nước, ở đấy có một quốc độ tên là Tư Lạc, đức Phật tên là Hương Diệm hiện đang nhập Niết-bàn để lên Thiên cung Đao-lợi. Trải qua vô lượng kiếp không thể tính được, ba mươi sáu lần trở lại làm vua Đế-thích, ba mươi sáu lần trở lại làm Chuyển luân vương, siêu độ chúng sinh không đọa vào Nhị thừa và các Đường ác. Tại sao thế? Do nhờ vào thần lực của chư Phật cảm hóa giúp cho.” Phật lại bảo A-nan: “Như lai có thai tướng hay không có thai tướng?” A-nan bạch Phật: “Phật thân không có thai tướng.” Phật bảo A-nan: “Nếu Như Lai không có thai tướng, tại sao Như Lai có thể ở trong bào thai mười tháng để thuyết pháp cứu độ chúng sinh?”A-nan bạch Phật: “Nếu Như Lai có thai tướng thì cũng sẽ nhập diệt. Nếu Như Lai không có thai tướng thì cũng sẽ nhập diệt.”
Bấy giờ, đức Thế tôn vận dụng thần thông hiện vào trong thân của mẹ Ma-da. Nằm ngồi đi đứng tự tại. Lập ra một bảo tòa cao lớn, ngang dọc rộng tám ngàn do-tuần. Cầu thang, tầng cấp bằng vàng bạc. Tràng phan, bảo cái bằng lụa phất phới giữa hư không. Ca kỹ đàn hát nhiều không tính nổi. Từ phương Đông, cách thế giới Ta-ha này mười tám nghìn nước, các Bồ-tát có thần thông đều đến tụ họp. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, tứ duy cũng đều như thế. từ phía dưới, cach đây sáu mươi hai ức nước, các Bồ-tát có thần thông cũng đến tụ họp. Từ phía trên, cách đây bảy mươi hai cõi Không, các Bồ-tát có thần thông cũng đến tụ họp. Tất cả đều vào trong bào thai. Khi ấy, Bồ-tát Văn-thùsư-lợi bạch Phật rằng: “Các vị Bồ-tát này cùng đến đây tụ họp, vì muốn nghe đức Thế tôn diễn dương Chánh pháp vi diệu không thể nghĩ bàn. Hiện nay, đức Thế tôn nhập vào Tam-muội nào trong số hằng nghìn ức ức Tam-muội như thế, để an trụ trong mẫu thai, diễn dương Chánh pháp không thể nghĩ bàn cho các vị Bồ-tát?” Phật bảo Văn-thù: “Bấy giờ, ông hãy quan sát từ một phẩm bậc, hai phẩm bậc cho đến mười phẩm bậc. Những Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ của các phương đều phải an trụ đúng vào phẩm bậc của mình, không được lẫn lộn. Toàn thể đại chúng đều thanh tịnh, không tạp loạn. Thậm chí, các chúng sinh ký sinh trên lá, cành cũng chẳng uế tạp. Không có một chúng sinh uế tạp trên Pháp tọa hôm nay. Vì chúng sinh uế tạp đã rút lui. Tại sao thế? Vì các chúng sinh có lợi căn không còn ở trong vòng sống chết nữa.” Phật lại hỏi Di-lặc: “Khi tâm vừa động niệm, trong tâm ấy có bao nhiêu niệm, bao nhiêu thức?” Di-lặc đáp rằng: “Trong khoảnh khắc một cái búng tay động niệm ấy, tâm có 32 ức ức niệm. Mỗi niệm thành hình, mỗi hình có thức. Thức và niệm ấy cực kỳ vi tế, không thể quan niệm được. Chỉ có thần lực của chư Phật mới có thể thấu nhập vào thức vi tế ấy để siêu độ chúng sinh. Đấy gọi là thức giáo hóa. Đừng cho là không có thức vậy*.”
* Nguyên văn phần Tưởng đạo này rất uẩn súc. Nhiều chỗ, tác giả đã tóm lược quá sơ sài, thành ra rời rạc lủng củng. Chúng tôi đã đối chiếu toàn thể, nắm lấy đại y, sắp xếp theo lối hành văn và ngữ pháp hiện đại để người đọc dễ dàng nhận thức. Có vài chỗ thêm hay bớt chữ, cốt tạo vẻ nhất quán liền lạc. Có vài thuật ngữ quá chuyên môn đã được dịch hơi rõ hơn. Xin đối chiếu lại nguyên văn.