Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 201: Sớ - Quyển 2 - Phần 5 - 19. Sớ quyên mộ đúc chuông U Minh chùa Pháp Vân sông Tam Xoa, Nam Kinh

Thế giới Sa Bà dùng âm thanh làm Phật sự, pháp khí chốn tùng lâm chỉ có chuông lớn là bậc nhất. Bởi lẽ [tiếng chuông] phát khởi kẻ mù, lay động kẻ điếc, khơi động tai mắt của trời người, thông cõi âm, thấu cõi dương, thật sự cứu giúp cho [những người đang ở trong] đường ác. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Như khi đánh chuông, nguyện cho các sự khổ trong hết thảy ác đạo đều được ngưng nghỉ. Nếu nghe tiếng chuông và kinh chú của Phật, sẽ trừ được trọng tội trong năm trăm ức kiếp sanh tử”. Vì thế, Phó Pháp Truyện[52] có ghi vua Kế Nị Tra[53] do sát hại quá nhiều, chết đi đọa làm con cá có một ngàn đầu, có vầng kiếm xoay quanh thân, chặt đứt đầu này lại mọc ra cái khác. Vị La Hán làm Tăng Duy Na[54] đúng giờ đánh chuông, hễ nghe tiếng chuông, vầng kiếm bèn dừng trên không. Do vậy, cá nhắn lời xin đánh chuông cho lâu, qua bảy ngày liền hết bị chịu khổ. Sách Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập[55] lại chép: Thời Nam Đường, ở huyện Thượng Nguyên có một người dân chết bất ngờ, ba ngày sau sống lại, kể:

- Chết rồi đi vào cõi âm, thấy tiên chúa[56] bị gông xiềng rất ngặt, bảo: “Ta bị Tống Tề Khâu xui dại, giết những người ở Hòa Châu ra hàng hơn một ngàn người, họ oán hận tố cáo nên bị tù ở đây. Hễ nghe tiếng chuông liền tạm dứt khổ. Ngươi về bảo cùng tự quân vì ta đúc một cái chuông, gõ mãi. Nếu nó chẳng tin, lấy bức tượng Thiên Vương bằng ngọc ta giấu ở gối trái tượng Phật chùa Ngõa Quan không ai biết để làm bằng chứng.

Người dân thuật chuyện đầy đủ, kiểm nghiệm đúng thực, vua bèn tạo một quả chuông đặt ở chùa Thanh Lương, khắc bài văn rằng: “Cầu cho liệt tổ Hiếu Cao Hoàng Đế thoát chốn tối tăm, khỏi khổ”. Đấy là duyên do đánh chuông U Minh vậy.

Huống chi chùa Pháp Vân phỏng theo cách thức ngài Vân Thê, niệm Phật, phóng sanh, nuôi dạy cô nhi, là đạo tràng từ thiện bậc nhất ở Giang Nam. Gần đây, sát kiếp quá thảm, hãng Hòa Ký của người Tây Dương ở Nam Kinh lại giết hết thảy những loài trâu, dê, những con vật bay chạy không biết là bao nhiêu. Do vậy, các cư sĩ Phùng Mộng Lão, Ngụy Mai Tôn v.v… nhóm họp mấy vị Tăng tục đề xướng kiêng giết phóng sanh, ăn chay niệm Phật hòng vãn hồi kiếp vận, bèn mua bốn trăm bốn mươi mẫu đất bên sông Tam Xoa, mở ra ao phóng sanh chín khu, chiếm hơn một trăm mẫu. Lại còn lập viện mồ côi nuôi dạy cô nhi, nay đã nuôi được sáu mươi trẻ. Cư sĩ Đặng Phác Quân quyên mộ bốn mươi tám nguyện để dựng đại điện, mỗi nguyện là một ngàn đồng, hiện đã sắp tròn nguyện. Sang năm sẽ kiến tạo. Đại điện dựng xong, sẽ dựa vào tiền bạc sẵn có mà an trụ Tăng chúng, chuyên tu Tịnh nghiệp kiêm giảng diễn. Cư sĩ Thôi Ích Vinh phát tâm quyên mộ đúc hồng chung, tùy lòng tùy sức mỗi người bố thí, một ngàn, một trăm, mười đồng hay một đồng đều được! Nhưng chuông này thường gõ suốt ngày đêm, cho nên phải dùng loại đồng có tiếng vang, cần tối thiểu ba ngàn cân. Loại đồng có tiếng vang khá mắc, mỗi cân giá hơn một đồng. Tính ra vật liệu và công xá phải đến bốn, năm ngàn đồng. Nếu tiền quyên mộ có dư sẽ dùng để đúc báo chung, đại khánh, hô bản[57] mỗi loại một cái. Những thứ này chẳng thể thiếu để làm Phật sự.

Phải biết: Pháp Vân Tự vừa dựng lên, hãng Hòa Ký của người Tây Dương bèn ngừng sát nghiệp, chỉ còn là hãng sản xuất trứng. Mối quan hệ thật chẳng phải nông cạn. Ấy là do tâm thành của mọi người, cảm Tam Bảo ngấm ngầm gia bị nên mới được như thế. Mong rằng các đại đàn-việt thiện tín đều cùng phát thiện tâm, thành tựu việc này. Tất cả công đức có thể dùng để siêu tiến cho tổ tiên đã khuất đều được sanh về Liên Bang, che chở cho quyến thuộc hiện tại ai nấy đều hưởng phước khánh. Tên những người bỏ tiền ra đều được khắc vào một bài vị lớn đặt ở dưới chuông. Quanh thân chuông khắc mọi kinh chú, chỉ ghi tổng cộng có bao nhiêu người thí tiền, thí tất cả bao nhiêu tiền mà thôi! Ví như một giọt gieo vào biển cả cũng liền sâu rộng như biển cả. Nếu ai do lòng tịnh tín hoan hỷ bố thí, liền sẽ khế hợp cùng biển pháp đại giác của Như Lai, công đức ấy há có thể nêu được ư?

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây