Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 220: Tự - Quyển 3 - Phần 2 - 25. Lời tựa sách Thích Giáo Tam Tự Kinh

(viết thay cho Xuy Vạn Lão Nhân Thích Quảng Chân[7] chùa Tụ Vân ở Trung Châu, Thục Đông, thời Thiên Khải nhà Minh)

Con người có cùng một cái tâm, tâm có cùng một lý ấy, phàm - thánh chẳng hai, chúng sanh và Phật như một, do mê - ngộ sai khác đến nỗi thăng - trầm thật khác biệt. Đại Giác Thế Tôn xót thương, thị hiện thành Chánh Giác, chuyển đại pháp luân. Vốn từ nhất tâm mà tạo dựng bè báu trong bến mê, muốn cho khắp đời vị lai đều lên bờ đạo. Do vậy, đem những gì đã giảng trong Ngũ Thời Giáo[8] và ý chỉ “truyền riêng ngoài Giáo”giao cho các đệ tử, sai lưu thông rộng rãi. Do vậy, chư Tổ các tông nối tiếp nhau hưng khởi, hoằng Tông diễn Giáo, thay Phật hoằng dương, giáo hóa. Đến nay lâu đời nhiều năm, sự nhiều nghĩa rộng, nếu chẳng đọc thấu hiểu Đại Tạng diệu ngộ tự tâm, sẽ không thể nào suy lường đầu mối, nắm được cương yếu. Tôi thường muốn tóm lược đại khái để chỉ bảo hàng hậu tấn, do nghĩ đến tiên sinh Vương Bá Hậu[9] thời Tống Nho soạn sách Tam Tự Kinh để tóm tắt đạo luân thường, xử thế hằng ngày và những chuyện tích thái bình hay loạn lạc của các đời, khiến cho người học trước là biết được đại lược, về sau sẽ dần dần hiểu rộng. Tuổi thơ học đến, lớn lên thực hành, lập thân hành đạo, thờ vua, giúp dân, khôi phục điều thiện sẵn có trong tâm tánh con người.

Do vậy bèn phỏng theo ý đó, thuật đại lược chuyện Như Lai giáng sanh, thành đạo, thuyết pháp độ sanh, chư Tổ tiếp nối huệ mạng Phật, tùy cơ lập giáo, cũng như những lời hay hạnh đẹp tự lợi, lợi người của chư cổ đức, đặt tên là Thích Giáo Tam Tự Kinh, để khi còn làm sa-di[10], đọc tụng, tu tập, biết những nghĩa trọng yếu của kinh Phật, hiểu rõ cương tông của đạo Tổ. Lớn lên, xem khắp Tam Tạng, tham học khắp năm tông, diệu ngộ tự tâm, thầm hợp Phật ý, mới biết: “Sắc núi, tiếng khe đều chỉ bày Đệ Nhất Nghĩa Đế; quạ kêu, sẻ hót cùng nói vô thượng tâm tông”.Chẳng đồng, chẳng khác, chẳng có, chẳng không, vừa là Quyền, vừa là Thật, vừa là Tục, vừa là Chân. Rộng thì tột cùng hư không chẳng thể chứa đựng được, gọn thì tìm lấy một chữ cũng không thể được. Sau đấy, nương đại nguyện luân, xiển dương pháp hóa, khiến cho pháp giới chúng sanh quy y Nhất Thể Tam Bảo, khôi phục mặt mũi vốn có, truyền vô tận tâm đăng. Đấy chính là điều tôi thường mong mỏi hàng hậu tấn phát tâm tu tập vậy!
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây