ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Tiện Mông Sao[18] là tác phẩm được soạn bởi Mộ Liên pháp sư ở núi Hồng Loa vào năm cuối triều Đạo Quang, Tịnh Độ Quyết Nghi Luận đặc biệt mượn giọng điệu của Ngài để phát khởi. Năm Dân Quốc thứ ba (1914), ông Địch Sở Thanh gởi thư bảo tôi viết bài luận ấy để đóng góp tài liệu cho Phật Học Tùng Báo. Quang trước đó đã không muốn dùng cái tên Ấn Quang, nên bèn mượn tên ngài. Dưới tựa đề ghi rằng “Di cảo của Hồng Loa Sơn Mộ Liên pháp sư, Vân Thủy Tăng Thường Tàm[19]sao chép”; đến khi gởi cho ông Mạnh Do thì đề là “mượn khẩu khí của Mộ Liên pháp sư ở Hồng Loa”. Khi ông Úy Như ấn hành, cả hai thứ tiêu đề ấy đều bị lược bỏ mất, nên ông mới nghi Ấn Quang đã từng soạn sách ấy; trước kia đã hỏi, nay trình bày rõ. Tâm vốn không có hình tượng, nhưng sâm la vạn tượng đều do tâm hiện. Tâm vốn không có pháp (pháp là sự, phàm những gì có thể gọi tên đều gọi chung là “pháp”), nhưng hết thảy các pháp đều do tâm hiển hiện. Vì thế, mới nói: “Không có hình tượng nhưng là chủ của muôn hình tượng, không có pháp nhưng là tông của các pháp” (Tông có nghĩa là quy thú (hướng về), như sông ngòi chảy xuôi về biển. Tông lại có nghĩa là chủ thể, bởi các pháp không pháp nào chẳng lấy tâm làm thể vậy), chúng sanh và Phật đồng thể, nào có sai biệt! Nếu sai biệt sao gọi là “đồng” được! Ông lẫn lộn Tướng, Dụng với Thể, nên mới hỏi câu ấy. Chúng sanh và Phật về Thể vốn không hai, chỗ bất đồng chính là mê - ngộ, thuận - nghịch nơi Tướng và Dụng của Thể. Chúng sanh mê nghịch đối với Thể, còn Phật, Bồ Tát ngộ thuận theo Thể. Mê - ngộ, thuận - nghịch nơi Tướng và Dụng bèn thành khác biệt một trời một vực. Ngài Phổ Hiền dùng mười đại nguyện vương khuyến tấn Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng, hãy nên xem Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm sẽ tự biết. Trong bộ Văn Sao của Quang chỗ nào cũng nói đến [điều này], sao chẳng lãnh hội? Về bốn cõi của Cực Lạc thì kẻ đới nghiệp vãng sanh sống trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ, người đã đoạn Kiến Tư Hoặc sống trong Phương Tiện Độ, người phá được vô minh sống trong cõi Thật Báo. Người đoạn sạch vô minh sống trong cõi Tịch Quang. Thêm nữa, cõi Thật Báo là ước trên quả báo cảm được mà nói. Tịch Quang là ước trên lý tánh chứng được mà nói, vốn cùng là một cõi, nhưng giảng như thế để cho người ta dễ hiểu. Do vậy, kẻ phần chứng thuộc về Thật Báo, còn người mãn chứng thuộc về Tịch Quang, chứ thật ra trong hai cõi đều có phần chứng và mãn chứng. Trong Văn Sao cũng nói cặn kẽ điều này. Cõi Đồng Cư tuy có đủ ba cõi kia, nhưng người chưa đoạn Hoặc chỉ thọ dụng được cảnh của Đồng Cư. Tuy là người đới nghiệp vãng sanh nhưng chẳng thể gọi là phàm phu vì họ đã đều đắc ba thứ Bất Thoái. Đây chính là lý luận thông thường, muốn so sánh với sở chứng của người được vãng sanh Cực Lạc thì cứ đọc kỹ sẽ tự biết. Sự Trì là tin có Phật A Di Đà ở Tây Phương, tuy chưa đạt “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, nhưng quyết chí cầu sanh như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên. Đây là chưa đạt lý tánh nhưng chỉ tu trì theo mặt Sự. Lý Trì là tin Tây Phương A Di Đà Phật tâm ta sẵn có đủ, do tâm ta tạo. “Tâm có đủ”nghĩa là tâm ta vốn sẵn đủ lý ấy. “Tâm tạo” là nương vào lý “tâm có đủ” ấy để khởi tu, thì lý ấy mới hiển hiện. Do vậy, gọi là “tạo”. “Tâm đầy đủ” chính là Lý Thể, “tâm tạo” chính là Sự Tu. “Tâm đầy đủ” chính là “tâm này là Phật”; “tâm tạo” chính là “tâm này làm Phật”. “Tâm này làm Phật” bèn xứng tánh khởi tu; “tâm này là Phật” bèn toàn tu nơi tánh. Tu đức hữu công, tánh đức mới hiển. Tuy ngộ lý nhưng vẫn chẳng phế sự thì mới là chân tu. Nếu không, bèn rớt vào tri kiến cuồng vọng chấp lý phế sự! Do vậy, mới nói: “Dùng cái hồng danh tự tâm sẵn đủ, do tâm tạo ra, để buộc tâm nơi cảnh, chẳng để cho tạm quên mất”. Giải pháp này thiên cổ chưa từng có, quả thật là khế lý lẫn khế cơ, lý sự viên dung, chẳng phải là bậc Pháp Thân đại sĩ, ai có thể đạt đến điều này? Vì Sự Trì dẫu chưa ngộ lý nhưng há có thể ra ngoài Lý được ư? Bất quá là hành nhân chưa thể viên ngộ tự tâm. Hễ đã ngộ thì Sự chính là Lý, há nào phải cái Lý được ngộ chẳng nằm trong Sự? Lý chẳng lìa Sự, Sự chẳng lìa Lý, Lý - Sự vô nhị! Như thân và tâm con người, cả hai thứ cùng sử dụng một lúc, trọn chẳng hề có chuyện thân và tâm đây kia tách rời nhau, người đã đạt dù có muốn chẳng dung hợp cũng không được! Còn tri kiến cuồng vọng chấp Lý phế Sự thì chẳng thể dung hợp được. Toàn chân thành vọng, toàn bộ vọng chính là chân, do giống như toàn thể nước biến thành sóng, toàn thể sóng chính là nước. Nước là tướng tịnh, sóng là tướng động. Động - tịnh tuy khác, tánh ướt vốn đồng. Suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến; suốt ngày bất biến nhưng suốt ngày tùy duyên. Giống như hư không trọn chẳng có các tướng, nhưng mây đùn bèn tối, mặt trời chiếu bèn sáng tỏ. Bụi do gió thổi dậy nên bẩn thỉu, bụi do mưa gột bèn sạch sẽ. Hư không là bất biến, chẳng ngại tùy thuận các duyên, thành ra sáng - tối, trong - đục. Tuy là sáng - tối, trong - đục khác nhau, nhưng bản thể của hư không trọn chẳng biến đổi. Hiểu rõ điều này sẽ tùy thuận cái duyên ngộ tịnh để tạo cõi Phật sẵn có trong tự tâm, bỏ cái duyên mê nhiễm để diệt sáu cõi và tam giới huyễn hiện trong chính cái tâm này (đây chính là ước theo mười pháp giới mà nói, nên bảo lục đạo là sáu cõi và tam thừa là ba cõi, chớ nên hiểu lầm!) Tâm này trọn khắp thường hằng, hệt như hư không. Chúng ta do mê nhiễm nên khởi các chấp trước; ví như hư không bị vật ngăn ngại nên chẳng thể trọn khắp, chẳng thường hằng vậy. Nhưng chẳng trọn khắp, chẳng thường hằng chính là chấp trước vọng hiện, há nào phải hư không thật sự bị vật chướng ngại nên chẳng thể trọn khắp, chẳng thể thường hằng! Do vậy, cái tâm phàm phu và cái tâm bất sanh bất diệt mà đức Như Lai đã chứng trọn chẳng khác gì nhau. Có khác là vì phàm phu mê nhiễm nên thành ra như vậy, chứ không phải tâm thể vốn có biến đổi! Tịnh Độ của Phật Di Đà hoàn toàn ở trong một niệm tâm tánh của chúng ta, tâm ta sẵn có Phật Di Đà. Đã là tâm ta sẵn có thì cố nhiên phải nên thường niệm. Đã có thể thường niệm thì sẽ cảm ứng đạo giao, tu đức hữu công, tánh đức mới hiển hiện. Sự - Lý viên dung, chúng sanh và Phật chẳng hai; do vậy, nói: “Dùng cái tâm sẵn có Phật của ta để niệm đức Phật tâm ta sẵn có, lẽ đâu đức Phật sẵn có trong tâm ta lại chẳng ứng với cái tâm ta sẵn có Phật?” Những điều đã nói đến trong phần sau của thư ông viết đều là vì chẳng hiểu: Thật sự chẳng có tự tướng, thuận theo mê nhiễm nên cái Thể ấy biến thành vọng. Vọng vốn không có tự tánh, bởi lẽ bản thể của mê nhiễm vốn là chân. Hai câu “suốt ngày tùy duyên, suốt ngày bất biến”và “suốt ngày bất biến, suốt ngày tùy duyên”soi rọi lẫn nhau, tán trợ lẫn nhau. Do tâm ông không có chánh trí nên nghi hai điều ấy là mâu thuẫn. Niệm Phật xong, bèn khởi [ý niệm] ta - người chính là tự sanh chướng ngại. Phàm người hành đạo Bồ Tát, phải phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Nếu có được cái tâm Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì dù cảnh ta - người có phát, trong tâm địa rốt cuộc vẫn chẳng khởi chấp trước ta - người. Khởi ta - người đều là do tâm trụ vào tướng, chẳng biết ý chỉ vi diệu “tâm Bồ Tát không trụ vào đâu, hành lục độ vạn hạnh, thượng cầu hạ hóa”. Những điều vừa nói trên đây nếu tự lãnh hội được thì tốt; nếu như không thể lãnh hội thì cứ lắng lòng niệm Phật đến lúc nghiệp tiêu trí rạng, sẽ tự hiểu biết rõ ràng, chẳng cần phải chuyên chú hỏi ai khác nữa! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai