Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 67: [THƯ 67]: Trả lời thư cư sĩ Phạm Cổ Nông (thư thứ nhất)

Một pháp Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm Tông, chỉ khi nào có đủ lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết thì mới dốc sức thực hành. Khi họa hại bức bách khẩn thiết mới thành khẩn, còn lúc nhàn nhã vô sự bèn hoãn đãi, đấy là bệnh chung của phàm phu. Nhưng trong lúc này, tình hình đời đạo như đang nằm yên trên đống củi, phía dưới đã bốc lửa mạnh chưa đốt đến thân, nhưng nháy mắt bèn cháy bùng toàn thể, khắp pháp giới không trốn tránh vào đâu được, thế mà vẫn còn hờ hững, coi thường để ngày tháng trôi qua, chẳng thể chuyên chí cầu cứu nơi một câu Phật hiệu thì cái tri kiến ấy nông cạn quá sức vậy!

Tu trì trong các tông của Phật pháp ắt phải đạt đến chỗ hạnh khởi giải tuyệt mới có ích lợi thật sự, chứ chẳng riêng gì tu quán trong Tịnh tông là phải như vậy. Nhà Thiền lấy một câu thoại đầu không có ý nghĩa gì đặt vào trong tâm, coi như bổn mạng nguyên thần, chẳng kể ngày giờ thường luôn tham cứu câu ấy. Đến khi nào thân tâm, thế giới thảy đều chẳng biết, mới có thể đại triệt đại ngộ, chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt hay sao? Lục Tổ nói: “Chỉ xem kinh Kim Cang liền có thể minh tâm kiến tánh”, chẳng phải là hạnh khởi giải tuyệt hay sao? Ngu tôi cho rằng: Một chữ Khởi nên hiểu nghĩa là Cực, chỉ ra sức đến cùng cực thì mới đạt đến Năng lẫn Sở cùng mất, nhất tâm hiển lộ triệt để. Hạnh nếu chưa cùng cực, dẫu có quán niệm vẫn là có Năng, có Sở. Toàn là phàm tình dụng sự, toàn là tri kiến phân biệt, toàn là tri giải, sao có thể đạt được lợi ích chân thật? Chỉ dùng sức đến cùng cực thì tình kiến Năng - Sở mới tiêu diệt, chân tâm vốn có mới hiển hiện. Vì thế, xưa kia có người đầu như gỗ khô, về sau đạo phong [của vị ấy] chói lọi cổ kim. Lợi ích đều chỉ ở một chữ Cực mà thôi!

Người đời nay đa phần bàn xuông, chẳng trọng thực tiễn, khuyên tu Tịnh nghiệp hãy nên nêu cả Lý lẫn Sự, nhưng cần nhất là phải lấy Sự làm phương cách tu trì, vì sao? Vì đối với người hiểu rõ Lý thì toàn Sự chính là Lý, suốt ngày Sự Trì chính là suốt ngày Lý Trì. Nếu chưa hiểu trọn vẹn Lý - Sự, vừa nghe đến Lý Trì liền cảm thấy nghĩa này thâm diệu, lại còn hợp với cái tánh lười nhác, biếng trễ, sợ trì niệm nhọc nhằn của mình, bèn chấp Lý phế Sự. Đã phế Sự thì Lý cũng chỉ thành bàn xuông. Mong các hạ đem cái lý “toàn Sự chính là Lý”của bậc viên ngộ khuyên hết thảy mọi người thì lợi ích lớn lao lắm!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây