Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 188: Sớ - Quyển 2 - Phần 5 - 6. Sớ duyên khởi thành lập liên xã chùa Di Đà tại Hàng Châu

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)

QUYỂN THỨ HAI
Phần 5

III. Sớ[1]


6. Sớ duyên khởi thành lập liên xã chùa Di Đà tại Hàng Châu

Nhất niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh và chư Phật tương đồng, nhưng suy nghĩ, xử sự hoàn toàn khác với chư Phật. Là do lẽ gì vậy? Ấy là do mê tánh đức sẵn có, bèn lầm lạc xuôi theo trần lao, khiến cho Giới - Định - Huệ không vướng mắc vốn sẵn có trong tánh bị biến thành tham - sân - si nhiễm ô nơi cảnh, tạo ra những chuyện giết - trộm - dâm tranh chấp nơi sự. Do vì lẽ đó, luân hồi lục đạo, chịu các nỗi khổ cùng cực trải kiếp dài lâu, không thể thoát được. Đức Đại Giác Thế Tôn thương xót, khởi Vô Duyên Từ, vận lòng Bi Đồng Thể, thị hiện sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội. Trong khoảng thời gian ấy, do căn cơ [khác nhau] nên giáo pháp sai khác, pháp do duyên mà khác biệt. Đại - Tiểu, Thiên - Viên, Quyền - Thật, Tiệm - Đốn, khiến cho ai nấy tùy theo cơ nghi[20] đều được lợi ích. Trong ấy, nếu cầu lấy pháp độ khắp ba căn, gồm thâu lợi - độn, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh, chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà được dự vào Hải Hội, ngay trong một đời này nhất định thoát khỏi luân hồi, thì không gì thù thắng siêu tuyệt bằng tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Do vậy, các kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v… các đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền... các đại tổ sư như Mã Minh, Long Thọ… đều cực lực tán dương, khuyên khắp [mọi người] vãng sanh.

Đến khi đại giáo truyền sang Đông, Viễn công đại sư ẩn cư tại Lô Sơn, sáng lập Liên Xã, hoằng thông pháp này. Thoạt đầu, lúc kết xã, cao tăng, đại nho dự vào hội là một trăm hai mươi ba người. Nếu tính suốt cuộc đời Ngài, thì trong hơn ba mươi năm, những người gia nhập liên xã niệm danh hiệu Phật được tiếp dẫn vãng sanh nhiều không biết bao nhiêu mà kể! Từ đấy trở đi, đời đời có bậc cao nhân hoằng dương Liên tông, dẫn dắt lợi lạc hàm thức. Đầu đời Tống có Vĩnh Minh đại sư trụ trì Tịnh Từ (chùa Tịnh Từ thoạt đầu có tên là Vĩnh Minh), tu trọn vạn thiện, riêng xưng tán Tịnh Độ. Ngài sợ kẻ học chẳng biết cội nguồn của Phật lực và tự lực bèn soạn Tứ Liệu Giản để làm kim chỉ nam, ngõ hầu thượng trung hạ căn dù thánh hay phàm đều có cái để noi theo. Nếu không phải là Di Đà hóa thân, dễ đâu được như vậy! Sau đấy có Tỉnh Thường pháp sư, nhằm vào đời Tống Thái Tông và Tống Chân Tông, trụ trì chùa Chiêu Khánh, hâm mộ di phong Lô Sơn, bèn kết Tịnh Hạnh Liên Xã, mà ông Văn Chánh Công Vương Đán là người quy y đầu tiên, trở thành người đề xướng, hướng dẫn. Những quan to chức cả, học sĩ, đại phu xưng là đệ tử dự vào liên xã, hơn một trăm hai mươi người. Hàng sa-môn có đến mấy ngàn, còn những hạng thứ dân không thể ghi chép nổi.

Cuối đời Minh, đại sư Liên Trì sau khi tham Thiền đại ngộ, bèn tận lực tu Tịnh nghiệp, trùng hưng chùa Vân Thê. Do pháp khế lý khế cơ không gì hơn được Tịnh Độ nên Ngài bèn viết Di Đà Kinh Sớ Sao, phát huy chỉ thú thật sâu. Tông phong Tịnh Độ được chấn hưng lớn lao, suốt đời Ngài bi kính song tu[21], Sự - Lý bất nhị. Do vậy, gương cao đẹp kiêng giết, phóng sanh, giúp kẻ côi cút, lợi lạc cõi âm của Ngài được trong nước lẫn ngoài nước kính ngưỡng suốt cả mấy trăm năm. Trong thời Ung Chánh đời Thanh, Tỉnh Am pháp sư trụ trì chùa Phạm Thiên[22], hoằng dương xiển phát Tịnh Độ chẳng tiếc sức. Bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Ngài quả thật đã tranh sáng cùng nhật nguyệt, thọ ngang với hư không.

Do vậy, tâm quang của chư Tổ tỏa sáng, nhân sĩ Hàng Châu đa phần đều tin tưởng, hướng về. Lại do nước non xinh đẹp, cao nhân nẩy sanh đông đảo, con người tụ hội đông đúc, nên nhiều bậc tri thức trong pháp môn cũng đến ở lại. Vì thế, pháp hóa hưng thạnh, trỗi hơn mọi xứ. Địa linh nhân kiệt, pháp nhờ vào duyên mà hưng khởi, lòng tin chẳng phải là nói xuông. Đến đầu thời Quang Tự, Ngọc Phong pháp sư sáng lập chùa Di Đà để làm đạo tràng Tịnh Độ, khoét núi khắc kinh, hoằng dương Tịnh Độ. Tuy đạo đức chẳng dám sánh bằng chư tổ như Vĩnh Minh, nhưng thệ nguyện hoằng thâm, lời lẽ thống thiết, chẳng thẹn là bậc tạo ảnh hưởng, dắt dìu trong Tịnh Độ, là bậc tri thức trong pháp môn. Kế thừa quá khứ, chỉ dạy tương lai, quả thật công lao ấy chẳng cạn nhỏ.

Về sau, đất nước lắm nỗi gian truân, không người trụ trì, đến nỗi suy sụp sát đất. Mấy năm gần đây, tầm mắt của mọi giới được rộng mở, phàm những ai có chí học thánh, học hiền không ai chẳng nghiên cứu Phật học, tu trì Tịnh nghiệp. Những vị cư sĩ như ông X…. chẳng nỡ để đạo tràng bị chìm lấp mãi, cùng suy cử Trí Huệ pháp sư làm trụ trì, ngõ hầu đề xướng Liên tông, lợi lạc khắp hết thảy. Thầy Trí Huệ có tâm tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha, ngửa trông theo đường lối tu trì trước kia, đặc biệt mở ra liên xã. Mỗi tháng, vào sáu ngày chay, cử hành một lần. Người có tín tâm đồng đến niệm Phật. Niệm xong được một chốc bèn cung thỉnh thầy Trí Huệ, hoặc những bậc tri thức khác, hoặc hàng cư sĩ thông hiểu Phật pháp thăng tòa diễn giảng hết thảy lý sự trong pháp môn Tịnh Độ, để cho ai nấy đều khắc phục tập khí, tăng trưởng tín tâm, quả thật là một việc tốt đẹp. Quang và thầy Trí Huệ chí đồng đạo hợp, nên thầy bèn ủy thác Quang trần thuật duyên khởi để khuyên hết thảy đại chúng.

Thiền sư Trường Lô Trách đời Tống, hâm mộ Lô Sơn liên xã nên lập ra Liên Hoa Thắng Hội, trong mộng cảm được hai vị Bồ Tát Phổ Hiền, Phổ Huệ xin được ghi danh. Do đó, biết rằng hội này được gọi là hội pháp thí tối thắng. Phàm những ai nhập hội, đều phải gắng công. Vả nữa, con người gần đây đa phần chuộng hư danh, chẳng tu thật hạnh. Miệng tuy niệm Phật, tâm trái nghịch Phật. Ví như thuốc và chất kỵ thuốc đều uống hết, làm sao lành bệnh cho được! Ắt phải niệm niệm khắc phục, đối trị tập khí của chính mình, tâm tâm ức niệm hồng danh Di Đà. Phàm có những ý niệm chẳng phù hợp với Phật thì phải tự trách rằng: “Ngươi là người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sao lại khởi lên ý niệm ấy?” Chánh niệm vừa khởi thì tà niệm tự tiêu, quyết chẳng cho nó tồn tại trong khoảnh khắc, phải làm sao cho trong tâm sạch sẽ không tỳ vết, không nhơ bẩn như tịnh lưu ly, bên trong đựng bảo nguyệt. Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tín nguyện trì danh, quyết định cầu sanh thì mới là người thật sự tu Tịnh Độ. Nếu tâm có một niệm cầu phước báo trời người trong đời sau thì tuy tu trì tinh thuần vẫn gọi là “trái nghịch Phật giáo”. Tuy gieo thiện căn, nhưng liễu sanh thoát tử vẫn còn dài lâu lắm, chẳng đáng buồn ư? Tuy đoạn này chẳng ăn nhập gì đến duyên khởi, nhưng quả thật là nghĩa lý tu trì trọng yếu, nên viết lẫn vào đây!
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây