ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Lệnh hữu cầu con tính bỏ ra trăm đồng để thỉnh một trăm bộ Cảm Ứng Thiên Vựng Biên để tặng cho những bậc chánh nhân quân tử thông hiểu văn lý, có tín tâm, quả thật là công đức chẳng thể nghĩ bàn, sẽ được cảm thông. Lại nên biết để cầu con thì phải bắt đầu từ chuyện vun bồi đức, tiết dục. In tặng thiện thư chính là một cách để vun bồi đức, nhưng không phải chỉ có mỗi cách đó. Hãy xem Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn để biết cách vun bồi đức: Điều thiện thì tùy phận, tùy sức thực hành, còn điều ác thì bỏ đi như thù, như oán. Viên Liễu Phàm nỗ lực chiêm nghiệm Công Quá Cách[44], chẳng chịu bỏ lỡ mảy may gì. Vì thế, mạng ông ta vốn không thọ lại sống thọ, không đại công danh lại được đại công danh, không con mà có con. Nếu có thể noi theo dấu thơm ấy để mong đức ngày càng tăng trưởng, lỗi ngày càng giảm, dẫu chẳng dùng đến Công Quá Cách thì những gì Viên Liễu Phàm đạt được, lệnh hữu cũng sẽ đạt được! Huống chi ông ta làm chủ tòa báo, nắm quyền cơ quan ngôn luận, phàm những văn tự thương phong bại tục vô ích trọn chẳng cho đăng báo. Phàm những lời hay ý đẹp khiến đời yên dân lành mỗi ngày nên đăng mấy câu, dùi mài mãi sẽ từ từ nhiễm, khiến cho con người ngày càng hướng đến điều thiện mà chẳng tự biết. Đấy chính là đại trượng phu chẳng có quyền thế mà lại thực hành quyền hạn lớn lao để cứu quốc cứu dân vậy. Đầy đủ những nhân duyên này mà không biết làm như thế, có thể nói là “tuy đã lên núi báu nhưng vẫn trở về tay không”. Tiếc thay! Chuyện tiết dục về lý rất thâm, quan hệ rất lớn, nói chẳng dễ dàng đâu nhé! Phàm trời sanh trai gái, thánh nhân phỏng theo trời lập ra quy củ cho nam nữ lập gia đình, chính là mối quan hệ lớn nhất giữa người với người, trên liên quan đến phong hóa, dưới để tiếp nối giống nòi, há phải đâu hằng ngày mong cầu khoái lạc, coi dục sự là trọng ư? Người tham dục, tinh loãng vô lực, như hạt giống lép chẳng thể nẩy mầm; vì thế khó sanh con. Nếu sanh con được, đa phần chưa thành người đã chết yểu! Nếu may mắn không chết yểu thì cũng bấy bớt, yếu đuối, không thể lớn mạnh được! Nếu bảo dưỡng tinh thần, tiết dục nửa năm, đợi đến khi vợ qua kỳ thiên quý, chọn ngày lành tháng tốt, cùng nhau vui vầy, quyết sẽ hoài thai. Sau đấy, vĩnh viễn dứt dục sự thì đứa con được sanh ra chẳng những tánh hạnh trinh lương, dục niệm mỏng nhẹ, mà thể chất mạnh mẽ, không lo bị thai độc, đậu chẩn[45], tật bệnh v.v… “Thiên quý” tức là hành kinh vậy. Phải qua kỳ kinh nguyệt mới đậu thai được, những lúc khác chẳng thể thọ thai. Khi kinh nguyệt chưa hết, trọn chẳng được ân ái. Ân ái thì người vợ sẽ mắc bệnh dây dưa, đừng mong chi hoài thai nữa. Chuyện quan hệ lớn lao của con người há có thể làm vào ngày xấu, tiết xấu; vì thế, phải chọn lấy bữa tốt lành. Thiên Nguyệt Lệnh của sách Lễ Ký[46] có chép thánh nhân vào lúc giữa Xuân, trước khi sấm động ba ngày, đánh mõ lớn để truyền cho dân biết: “Lôi tương phát thanh, hữu bất giới dung chỉ giả, sanh tử bất bị, tất hữu hung tai”(Sấm sắp động. Kẻ nào chẳng biết kiêng cử chuyện ăn nằm thì sanh con chẳngvẹn toàn, ắt bị tai họa hung hiểm).“Gõ mõ gỗ truyền lệnh cho nhân dân”là sai quan địa phương truyền báo cho trăm họ. “Dung chỉ”còn gọi là “động tịnh”. “Bất giới dung chỉ”(chẳng biết kiêng cử chuyện ăn nằm) là cứ ân ái. “Sanh con chẳng vẹn toàn”nghĩa là ngũ quan[47] chẳng hoàn toàn v.v… Trong đời thường có kẻ sanh con chẳng ra người, hoặc thân hình thiếu sứt đều là vì lẽ này. “Ắt có tai họa hung hiểm”ý nói cha mẹ còn gặp tai ương nguy hiểm như mắc bệnh ngặt nghèo, yểu thọ v.v… chứ chẳng phải chỉ sanh con không vẹn toàn! Thời xưa, thánh vương coi trọng mạng dân nên đặc biệt chú ý đến điều này, gõ mõ gỗ để báo cho dân biết. Chẳng những khi sấm sắp động nên kiêng kỵ, mà ngay cả khi mưa to gió lớn, gặp ngày có sao xấu, và lúc đổi mùa, nhằm ngày đản sanh của Phật, Thánh đều nên kiêng kỵ cả. Đây thật là đại đạo tôn trời kính thánh, tuân theo vương pháp, giữ vẹn nhân luân. Tiếc rằng người đời nhất loạt chẳng chịu nói ra điều này khiến cho thể chất của con cháu đời sau ngày càng tệ hơn đời trước, hoặc là tuổi trẻ đã sớm chết yểu, hoặc vì hành dục quá độ, dẫu không chết yểu, cũng trở thành suy tàn, không làm nên trò trống gì! Quá nửa đều là do cha mẹ chẳng biết đạo nhân luân mà nên nỗi! Cha mẹ không biết là vì ông bà không dạy. Lúc con cái trưởng thành, nên đem những chuyện tiết dục bảo tồn thân thể v.v… cặn kẽ bảo ban, cha dạy con gái không tiện, còn mẹ thì không ngại gì! Làm được như thế mới là thật sự yêu thương con cái. Nhưng thế gian yêu thương đa phần là mặc cho nó phóng túng dục sự thì cái hại ấy còn quá giết chết con cái nữa, chẳng đáng buồn ư? Thánh nhân trọng thai giáo, hết sức chú ý đến điều này: Lúc chưa có thai đã chuẩn bị dạy sẵn. Tôi lạm dự vào Tăng chúng, há nên lại bàn chuyện ăn nằm giữa vợ chồng? Là vì trước khi xuất gia đã từng coi những lời luận bàn chí lý của cổ nhân về chuyện củng cố cái gốc, nên muốn truyền cho tri kỷ để báo cái ân hộ pháp. Một lẽ nữa là vì đức Phật là đại y vương, không bệnh nào chẳng trị, Quang làm đệ tử Phật cũng muốn tùy phận, tùy sức hành y đạo. Căn bệnh này là căn bệnh lớn chung của cả thế gian. Nếu cứ để cho căn bệnh lớn phổ biến của cả thế gian này mặc tình phát sanh nẩy nở, chuyên đi trị những căn bệnh riêng biệt nhỏ nhặt khác, há chẳng phải là điên đảo không phân nặng - nhẹ hay sao? Đặng Bá Thành cũng muốn cầu con, Quang viết thư cũng lược thuật ý này, đến khi ông Úy Như ấn hành ba lá thư ấy và in bộ Văn Sao đều lược đi, vì cho rằng chuyện ấy chẳng hợp với tăng sĩ, cũng chẳng hợp với những gì đã nói trong Phật pháp. Ý ấy cố nhiên là tốt lành, nhưng người ta khổ vì không con, dám đem sự ấy hướng về Phật mà cầu, hướng về Tăng mà nói, Tăng bèn vì người ấy nói đầu đuôi thiện pháp, khiến cho con cháu người ấy đều được đại thọ dụng thì nào có lỗi gì! Cho rằng Tăng dạy người tiết dục là lạm bàn dâm dục, hóa ra Tăng dạy người tránh giết chính là dính vào sát nghiệp ư? Nhưng chuyện này chẳng thể nói cùng kẻ vô tri vô thức, sợ hắn không hiểu được ý, trái lại còn giễu cợt. Nếu nói cùng người quân tử hiểu lý, đúng là chẳng có địa vị mà lại gõ mõ gỗ để hiệu triệu nhân dân. Trị khi chưa loạn, giữ đất nước khi chưa nguy chính là cùng một phương kế với điều này vậy. Bảo nói đến chuyện này là sai trái thì thánh vương, thánh hiền, Phật, Bồ Tát chính là đầu sỏ gây lỗi vậy. Ở Hồ Nam có một nho sĩ họ Lưu, không nhớ tên, cưới vợ nhưng không gần gũi. Vợ bảo: “Cưới vợ vốn để sanh con, ông không gần gũi thì dòng giống bị đoạn tuyệt”, bèn gần gũi một lần, sanh được con, nhân đó đặt tên là Truyền Chi, rồi tuyệt dục. Vợ lại bảo: “Chỉ một mụn con, trơ trọi không nương tựa, chi bằng sanh thêm một đứa nữa”. Lại gần vợ lần nữa, lại sanh con, đặt tên là Tái Chi, hai con đều vào viện Hàn Lâm. Cả đời người ấy chỉ ân ái hai lần, nhưng lại ghi rõ những ngày nên kiêng ăn nằm, cũng như thanh tâm ít dục, bảo tồn nguyên khí, khang kiện tinh thần, chép vào trong gia phả ngõ hầu con cái đời đời tuân theo đó. Một người bạn ở Hồ Nam kể cho tôi nghe chuyện này. Muốn cầu quý tử mà bỏ cách này để cầu thì dù có được, cũng chỉ là chuyện cầu may. Cầu theo cách này thì cầu ắt được! Phàm đỗ đạt đều là do tổ phụ có đại âm đức. Nếu không âm đức cứ dùng sức người để phát khởi ắt sẽ có đại họa về sau, chẳng thà không phát còn tốt hơn! Xem khắp từ xưa đến nay, bậc đại thánh đại hiền sanh ra đều là do tổ phụ tích đức mà được, đại phú đại quý cũng thế. Con cháu sanh trong phú quý chỉ biết hưởng phước tạo nghiệp, quên mất tổ phụ đã một phen vun bồi, do đấy chôn vùi tổ đức, phá sạch tổ nghiệp, trở thành nghèo hèn. Đấy chính là căn bệnh chung cho những người phú quý trong cả cõi đời. Đời đời giữ được đức tổ tiên, vĩnh viễn không thay đổi chỉ có nhà họ Phạm ở Tô Châu xưa nay là bậc nhất. Từ Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm[48]) đời Tống cho mãi đến cuối đời Thanh, hơn tám trăm năm gia phong chẳng đọa, luôn luôn đỗ đạt, có thể nói là nhà đức hạnh thư hương đời đời. Họ Bành (dòng họ của ông Bành Tế Thanh) ở Trường Châu từ đầu đời Thanh đến nay đỗ đạt đứng đầu thiên hạ. Nhà ấy bốn năm người đỗ Trạng Nguyên, có khi anh em cùng đỗ ba hạng đầu của bảng vàng, nhưng họ đời đời sùng phụng Phật pháp, dẫu là trạng nguyên, tể tướng vẫn hằng ngày đọc Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn ngõ hầu thành ý chánh tâm, làm tấm gương tận trung với vua, yêu dân. Kẻ cuồng sinh kia cho những sách ấy là những chuyện để ông già, bà cả dốt nát thực hành, chẳng những không biết vì sao thánh hiền thành thánh hiền mà còn chẳng biết con người phải nên làm người như thế nào nữa. Sống làm thây đi thịt chạy, chết mục nát cùng cỏ cây, nhưng ác nghiệp khó tiêu, vĩnh viễn trầm luân ác đạo. Bọn họ vênh váo tự cho mình là người thông suốt hiểu rộng đến nỗi đời sau trong thời gian không biết là bao lâu sau, những danh từ “trời đất, cha mẹ” còn chẳng được nghe! Muốn cho con cháu chẳng theo con đường hư hỏng, cùng vào chánh đạo, hãy nên dùng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Âm Chất Văn Quảng Nghĩa làm kim chỉ nam định hướng, dù thế tục tập nhiễm sóng ác ngập trời, mây đen che khuất mặt trời cũng chẳng đến nỗi không biết phương hướng, lạc lõng, chìm đắm. Nếu không, dẫu gió lặng, sóng yên, mặt trời rạng chiếu, cũng khó giữ khỏi lặn ngụp, bị đắm chìm mất. Huống chi trọn chẳng có hy vọng thế đạo nhân tâm sẽ sóng yên, gió lặng, mặt trời chiếu rạng! Phải biết hai chữ Âm Đức bao trùm rộng lắm! Khiến cho con em người ta được thành tựu, khiến cho chúng được dự vào bậc thánh hiền, cố nhiên là âm đức. Thành tựu con em của chính mình, khiến cho chúng nó được dự vào bậc thánh hiền cũng là âm đức. Trái lại, khiến cho con em người ta bị lầm lạc cố nhiên bị tổn đức, mà làm con cái mình lầm lạc cũng bị tổn đức. Nếu đủ sức làm được thì còn may mắn nào hơn? Nếu không thì hãy nêu gương thánh, gương hiền qua những cư xử hằng ngày trong gia đình, đấy chính là tu chân ngay trong cõi tục, hiện thân cư sĩ để thuyết pháp vậy. Mong ông hãy đem ý này bảo cùng lệnh hữu và hết thảy bạn tri giao, tha thiết bảo ban, chưa bao giờ không phải là một cách để tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha vậy! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai