Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 172: [THƯ 172]: Thư trả lời cư sĩ Cừu Bội Khanh (thư thứ hai)

Các hạ đã tin tưởng Quang thì hãy nên làm theo lời Quang mới hòng được lợi ích thật sự. Nếu không, dẫu có tín tâm nhưng cũng chỉ là gieo thiện căn trong đời tương lai mà thôi. Chúng ta đã ở bao kiếp dài lâu trong sanh tử luân hồi, đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên. Nếu cậy vào tự lực để tu trì hòng diệt sạch Hoặc nghiệp phiền não để liễu sanh thoát tử thì còn khó hơn lên trời! Nếu có thể tin vào pháp môn Tịnh Độ do đức Phật đã nói, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, cầu sanh Tây Phương thì bất luận nghiệp lực lớn hay nhỏ đều có thể cậy vào Phật từ lực, vãng sanh Tây Phương. Ví như một hạt cát bỏ vào nước liền chìm; nhưng khối đá mấy ngàn, mấy vạn cân đặt trên một chiếc đại hỏa luân thuyền[40] chẳng những không chìm, còn chuyển sang được nơi khác để tùy ý sử dụng. Đá ví như nghiệp lực sâu nặng của chúng sanh, đại hỏa luân thuyền ví như Di Đà nguyện lực rộng lớn.

Nếu không niệm Phật, cậy vào sức tu trì của chính mình để mong liễu sanh tử thì phải đạt đến địa vị nghiệp tận tình không mới được. Nếu không, dù cho đoạn được phiền não Hoặc nghiệp chỉ còn sót lại một tí xíu thì cũng chẳng thể liễu được. Ví như một hạt cát cực bé cũng phải chìm trong nước, quyết chẳng thể tự mình vượt ra ngoài nước được! Các hạ chỉ nên sanh lòng tin, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đừng nghĩ gì khác nữa. Nếu làm được như thế thì tuổi thọ chưa tận sẽ liền mau được lành bệnh; vì công đức chuyên nhất, chí thành niệm Phật có thể diệt trừ được ác nghiệp đời trước. Ví như mặt trời đã mọc lên, tuyết sương bèn tan mất. Tuổi thọ đã tận thì liền vãng sanh. Do tâm không có ý niệm khác nên bèn được cảm ứng đạo giao cùng Phật; vì thế, được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh. Nếu các hạ tin được lời này thì sống cũng được đại lợi ích mà thác cũng được đại lợi ích.

Sân tâm chính là tập tánh từ đời trước, nay nghĩ mình đã chết, mặc kệ người ta dao cắt hay hương bôi, chẳng ăn nhập gì đến mình. Đối với tất cả những cảnh trái ý, cứ nghĩ như mình đã chết, ắt sẽ chẳng khởi tâm sân được nữa! Đấy chính là tam-muội pháp thủy do đức Như Lai đã truyền để rửa sạch khắp các kết nghiệp của hết thảy chúng sanh, Quang riêng vì các hạ trình bày, chứ không phải là Quang tự ý bịa ra đâu nhé! Nếu không niệm Phật cầu sanh Tây Phương, dù có sanh vào chỗ cực tôn quý là Phi Phi Tưởng Thiên, khi phước trời hết sẽ lại luân hồi lục đạo. Nếu có đủ lòng chí thành khẩn thiết niệm Phật, dù có đọa vào A Tỳ địa ngục cũng được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương.

Vàn muôn chớ đặt mình vào chỗ hèn kém, cho là mình nghiệp nặng, sợ rằng không thể vãng sanh. Nếu suy nghĩ như thế, chắc chắn sẽ không thể vãng sanh. Vì sao? Do tâm không có lòng tin chân thật, không nguyện thiết tha, không cách gì cảm Phật được! Quán Âm Bồ Tát thành Phật đã lâu, do tâm từ bi thiết tha bèn hiện thân trong chín pháp giới, dùng đủ mọi phương tiện độ thoát chúng sanh (chín pháp giới chính là Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, trời, người, A Tu La, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ). Trong pháp giới con người, Ngài lại hiện đủ mọi thân, hoặc hiện làm thân đế vương, tể quan, hoặc làm thứ dân ẩn dật, hoặc làm phụ nữ, hoặc làm ăn mày, trọn không nhất định. Nhưng vì hình tượng Bồ Tát vi diệu trang nghiêm người đời chẳng thể hình dung được, cho nên đa phần tạc tượng Ngài là nữ nhân, chứ không phải Bồ Tát thật sự mang thân nữ.

Muốn cúng dường Ngài hãy nên thỉnh hình Tây Phương Tam Thánh in theo lối thạch ấn (lithography) của Phật Kinh Lưu Thông Xứ ở ngõ Trường Khang, đường Bắc Kinh. Loại hình lồng gương đẹp đẽ nơi đó cũng có. Như vậy là Di Đà, Quán Âm, Thế Chí đều đầy đủ. Nếu phòng ngủ không thanh khiết, hãy nên thờ tượng Phật nơi tịnh thất, mỗi ngày đến nhìn kỹ một hai lần thì trong tâm sẽ có thể ức niệm được. Niệm Phật tuy quý tại chí thành thanh khiết, nhưng người bệnh không thể làm được thì chỉ cốt sao giữ lòng chí thành thầm niệm, hoặc niệm ra tiếng, công đức vẫn giống hệt nhau. Do Phật từ rộng lớn, như con trong lúc bệnh khổ, cha mẹ chẳng tính theo cách thức lúc bình thường để quở trách con, lại còn vỗ về xoa nắn thân thể, tẩy rửa gột trừ ô uế cho con. Nếu con cái đã lành bệnh, mà vẫn đối xử với cha mẹ như lúc mình còn đang bệnh thì sẽ bị sét đánh. Sao các hạ lại nghĩ mình đang nằm trên giường niệm thầm là có tội vậy? Nếu người không có bệnh, lúc ngủ còn nên thầm niệm, huống chi là bệnh nhân!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây