ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Nhận được thư, biết túc căn rất sâu, hạnh hiện tại khá thuần, nên mới có các cảnh tướng thù thắng hiển hiện, nhưng người đời nay quá nửa là chuộng thể diện, xây lầu gác trên không. Tuy chỉ có một phần, nửa phần, lại nói là có trăm ngàn vạn phần. Như trong cuốn sách của ông cư sĩ X… nọ, những cảnh giới được thuật toàn là do ngọn bút tạo ra, chẳng phải do tâm địa tạo thành. Cố nhiên ông chẳng bịa chuyện, tôi thật chỉ sợ ông có tập khí ấy thì lỗi hại chẳng nhỏ. Phật xếp vọng ngữ vào năm giới căn bản, chính là để ngăn ngừa thói tệ này. Nếu như thấy nói là không thấy, không thấy nói thấy thì thuộc vào hạng vọng ngữ. Nếu xây lầu gác trên không, bịa nói cảnh giới thù thắng, chính là phạm vào giới đại vọng ngữ; chưa đắc bèn nói là đã đắc, chưa chứng nói đã chứng, tội ấy còn gấp trăm ngàn vạn ức lần tội giết, trộm, dâm! Người ấy nếu chẳng tận lực sám hối, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa liền đọa địa ngục A Tỳ, bởi kẻ ấy hoại loạn Phật pháp, gây lầm lạc, nghi ngờ cho chúng sanh. Ông phải rất thận trọng; thấy cảnh chỉ có một phân chẳng được nói lên một phân mốt, cũng chẳng được nói chín ly chín. Nói quá lên cũng là tội lỗi, mà nói giảm cũng là tội lỗi. Vì sao vậy? Do hàng tri thức chưa đắc Tha Tâm Đạo Nhãn, chỉ có thể dựa vào lời nói để phán định. Đem cảnh giới ấy thưa cùng tri thức để chứng minh tà - chánh, đúng - sai thì không có lỗi gì. Nếu chẳng vì để chứng minh, chỉ muốn tự khoe khoang, cũng sẽ có lỗi. Nếu hướng về hết thảy những người khác nói ra thì sẽ mắc lỗi! Ngoại trừ chuyện cầu tri thức chứng minh ra, đều không được nói. Hễ nói ra, sau này sẽ vĩnh viễn không thể đạt được cảnh giới thù thắng ấy nữa. Cái ải lớn nhất của người tu hành này trong giáo thuyết tông Thiên Thai đã nhiều lần nói đến. Sở dĩ gần đây những người tu hành phần nhiều bị ma dựa, đều là do tâm tháo động, vọng niệm, mong cầu cảnh giới thù thắng. Đừng nói là cảnh ma, dẫu cho cảnh ấy là cảnh thù thắng, vừa sanh tâm tham chấp, hoan hỷ v.v… bèn bị tổn hại, chẳng được lợi ích, huống chi cảnh ấy chưa đích xác là cảnh thù thắng ư? Nếu người ấy có hàm dưỡng, không mang tâm bộp chộp, vọng động, tâm không tham đắm, dù thấy các cảnh giới cũng hệt như không thấy. Đã không sanh tâm hoan hỷ, tham đắm, lại chẳng sanh tâm sợ hãi, kinh nghi, thì đừng nói là người ấy sẽ được lợi ích khi cảnh thù thắng hiện, dẫu là cảnh ma hiện cũng vẫn được lợi ích. Vì sao vậy? Do chẳng bị ma chuyển nên có thể tiến lên. Lời này tôi chẳng thường bảo cùng người khác, chỉ vì ông có chuyện ấy nên mới không thể không nói. Hình tượng Đại Sĩ ông thấy được khi mới lễ Phật không đích xác, bởi nếu thật sự là đúng thì sẽ chẳng vì ông nghĩ hình tượng đó không phù hợp với Quán Kinh mà hình tượng ấy bèn ẩn. Nhưng do đấy, tín tâm của ông càng tha thiết nên đó cũng là nhân duyên tốt; tuy vậy, chớ nên thường mong được thấy tượng, chỉ nên chí thành lễ bái mà thôi, để khỏi phải lo lắng chi khác! Lúc ngủ thấy trước mắt có ánh sáng trắng và khi lễ Phật thấy tượng Phật đứng lơ lửng trên hư không tuy thuộc về thiện cảnh, nhưng chẳng nên tham đắm. Từ rày, chẳng lấy đó làm điều mong mỏi nữa thì sẽ có thể không hiện. Trộm xem căn tánh của ông, tợ hồ đời trước đã từng tu tập Thiền Định, nên mới thường hay có tướng ấy. Đời Minh, ngài Ngu Thuần Hy bế tử quan[4] tịnh tu trên ngọn núi cao của núi Thiên Mục[5], lâu ngày, bèn có khả năng tiên tri, đoán trước được trời sẽ âm u hay trong sáng, việc họa - phước của người khác. Sư quy y với Liên Trì Đại Sư, Đại Sư nghe chuyện, gởi thư cực lực quở trách, bảo Sư đã lọt vào rọ ma; về sau, Sư không biết nữa. Nên biết: Người học đạo phải biết chuyện lớn; nếu không, được điều ích nhỏ nhặt ắt sẽ bị tổn hại lớn lao. Đừng kể chi loại cảnh giới này, dẫu thật sự đắc Ngũ Thông vẫn còn phải gác bỏ ra ngoài thì mới đạt được Lậu Tận Thông. Hễ tham đắm sẽ khó thể tiến lên, rất có thể bị lui sụt, không thể không biết! Mộng thấy vào Phật điện nhớ hai câu kinh văn cố nhiên là thiện cảnh, nhưng hai câu kinh ấy lời lẽ thật minh bạch: “Quay lưng với hư, nương theo đường giác. Quy chân, ngộ thường không”,ý nói: Con người lầm tưởng các pháp thế gian là thật, cho nên mê muội vào trong sanh tử. Nếu có thể xoay trở lại, quán sát bản thể của pháp vốn là không thì sẽ đi theo con đường giác, xuất mê nhập ngộ, quy Chân Đế, ngộ Chân Thường Chân Không Thật Tướng. Cảnh ma và cảnh thù thắng phân biệt ở chỗ nó có hợp với kinh giáo hay không. Nếu thật sự là thánh cảnh sẽ khiến cho người ta vừa trông thấy thì ngay khi đó tâm địa thanh tịnh, trọn không có cái tâm vọng động, chấp lấy. Nếu là cảnh ma, trông thấy sẽ khiến cho tâm không thanh tịnh, lại sanh khởi những tâm chấp trước, tháo động, vọng niệm v.v… Hơn nữa, Phật quang tuy cực sáng chói, nhưng chẳng lóa mắt. Nếu ánh sáng làm chói mắt thì không phải là đức Phật thật. Khi Phật hiện, nếu dùng lý “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”để khám định sẽ càng hiển hiện. Nếu dùng lý này để khám những tướng do ma hiện, chúng sẽ ẩn mất. Đây chính là lò nung luyện lớn để khám nghiệm chân - ngụy vậy. Ban đêm thấy ánh sáng trắng và những cảnh xanh trắng trên hư không thì đó đều là do tâm tịnh biến hiện, sao lại nghĩ là pháp giới nhất tướng tịch chiếu bất nhị? Tự nghĩ như thế sẽ thành “đem phàm lạm thánh”, lỗi ấy thật chẳng nông cạn đâu! Hai câu kinh văn ấy chưa thấy phát xuất từ đâu, có lẽ cũng là văn được ghi nhớ từ đời trước, chưa chắc đã là câu văn từ trong kinh. Người tu Tịnh nghiệp chẳng coi các cảnh giới là quan trọng, nên cũng chẳng thấy các cảnh giới phát sanh. Nếu trong tâm cứ chuyên muốn thấy cảnh giới thì cảnh giới sẽ nhiều lắm. Nếu chẳng khéo dụng tâm, rất có thể bị tổn hại, không thể không biết! Lời nói của vị đầu-đà kia thuộc về đạo lý Thiền gia. Ông ta không phá Tịnh Độ, ấy là điểm hay; nhưng ông ta hoàn toàn chẳng biết tông chỉ Tịnh Độ, vì thế đem Thiền bàn luận [Tịnh Độ]. Lời ông ta luận chú trọng nơi ánh sáng tốt lành và cảnh thù thắng phải thật cân nhắc; nếu không, sẽ khiến cho người khác lầm lạc chẳng cạn. Lại nói chẳng được chấp trước, bởi Phật pháp vô lượng, hễ chấp sẽ thành hữu lượng nên chẳng thể nhập Phật trí được. Nào phải chỉ chẳng thể nhập Phật trí không thôi, còn rất có thể bị lạc vào ma giới nữa! Còn những điều ông ta nói về đức Phật nơi mỗi người chính là lời luận ước trên cái lý nơi tâm của nhà Thiền, chẳng liên can gì đến Tịnh Độ! Ánh sáng trắng trong sạch giữa hư không chỉ bằng chừng mảy lông công đức của Như Lai, sao ông lại lầm tưởng đấy chính là pháp giới nhất tướng tịch - chiếu bất nhị? Thật ra, nó chính là cảnh Định trong đời trước do tâm tịnh nên hiện ra, cố nhiên chẳng thể coi là chuyện lạ lùng đặc biệt được! Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông. Có tín nguyện chẳng cần biết là hạnh nhiều - ít, sâu - cạn, đều được vãng sanh. Không có tín - nguyện, dù có đạt đến mức độ Năng - Sở cùng mất, thoát khỏi căn trần, cũng khó được vãng sanh. Còn như người thật sự chứng được Thật Lý “Năng - Sở đều mất, thoát khỏi căn lẫn trần”bèn có thể dùng tự lực để liễu sanh tử thì chẳng cần phải bàn đến nữa! Nếu chỉ có công phu thấy được lý ấy, nhưng chưa thật chứng, lại không có tín nguyện thì cũng khó thể vãng sanh. Thiền gia nói đến Tịnh Độ bèn quy về Thiền Tông, không nói đến tín - nguyện; nếu tu tập theo đó thì cũng có thể khai ngộ. Nhưng chưa đoạn Hoặc nghiệp mà muốn liễu sanh tử thì dù có nằm mơ cũng chẳng mộng được! Bởi lẽ, phàm phu vãng sanh do tín nguyện cảm Phật, nên có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Nay đã không sanh tín nguyện, lại đem mỗi lời Phật nói quy hết về tự tâm thì làm sao cảm Phật cho được? Cảm và ứng chẳng phù hợp nhau thì chúng sanh là chúng sanh, Phật là Phật, biến pháp “hoành siêu” (vượt thoát tam giới theo chiều ngang) thành “thụ xuất” (thoát ra theo chiều dọc), được lợi ích ít, bị tổn hại nhiều, không thể không biết! Được lợi ích là nương theo lời đó cũng có thể khai ngộ; còn bị tổn hại là đã bỏ tín nguyện thì không cách gì nương vào Phật từ lực cho được! Vì thế, tôi nói: “Đối với người thật sự tu Tịnh Độ, những khai thị của nhà Thiền chẳng thể dùng được; bởi lẽ pháp môn, tông chỉ bất đồng”.Mong hãy sáng suốt suy xét. Nếu chẳng chấp nhận như thế, xin hãy thỉnh cầu nơi những bậc đại thông gia hầu có thể phù hợp với tâm chí của ông, dĩ nhiên Quang chẳng chấp trước! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba