Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 166: [THƯ 166]: Thư tuyên ngôn kết xã niệm Phật của chùa Thanh Liên ở Lô Sơn

Đại Giác Thế Tôn thương các chúng sanh mê trái tự tâm, luân hồi sáu nẻo trải nhiều kiếp lâu xa, không thể thoát ra. Do vậy, khởi lòng Vô Duyên Từ, vận dụng lòng Bi đồng thể, thị hiện sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi rộng giảng các pháp. Nói bao quát đại cương thì gồm có năm tông, năm tông là như thế nào? Chính là Luật, Giáo, Thiền, Mật và Tịnh. Luật là Phật thân, Giáo là Phật ngữ, Thiền là Phật tâm. Phật sở dĩ thành Phật chỉ do ba pháp này, Phật sở dĩ độ sanh cũng chỉ có ba pháp này. Nếu chúng sanh thật sự có thể nương theo Luật, Giáo, Thiền của Phật để tu trì thì ba nghiệp của chúng sanh sẽ chuyển thành ba nghiệp của chư Phật. Ba nghiệp đã chuyển thì phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn. Lại sợ kẻ túc nghiệp sâu nặng ắt chẳng dễ chuyển, nên dùng sức gia trì Đà La Ni tam mật[12] để un đúc. Như tò vò bảo con nhộng: “Giống ta, giống ta”, bảy ngày sau sẽ biến thành tò vò[13]. Lại sợ kẻ căn khí kém hèn, chưa được giải thoát, thọ sanh lần nữa, khó tránh khỏi mê mất; do vậy, đặc biệt mở ra một môn “tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” để dù thánh hay phàm cùng trong đời này được vãng sanh Tây Phương. Thánh sẽ mau chứng Vô Thượng Bồ Đề, phàm thì vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử buộc ràng. Do cậy vào Phật từ lực, nên công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.

Phải biết: Luật chính là nền tảng của Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Nếu chẳng nghiêm trì cấm giới sẽ chẳng thể đạt được lợi ích thật sự nơi Giáo, Thiền, Mật, Tịnh. Giống như xây lầu cao vạn trượng nếu nền móng không vững thì chưa xây xong đã sụp. Tịnh là chỗ quy túc của Luật, Giáo, Thiền, Mật, như trăm sông vạn dòng đều đổ vào biển cả. Bởi lẽ pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn “trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh, thành thủy, thành chung”của mười phương tam thế chư Phật. Vì vậy, trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài được Phổ Hiền Bồ Tát gia bị, khai thị, đã chứng Đẳng Giác, ngài Phổ Hiền bèn dạy phát mười đại nguyện vương, hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên thành Phật Quả, lại dùng mười nguyện ấy khuyên khắp Hoa Tạng hải chúng. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh, dẫu là kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác sắp đọa A Tỳ địa ngục, được thiện tri thức dạy cho niệm Phật hoặc niệm mười tiếng, hoặc chỉ mấy tiếng rồi liền mạng chung, cũng được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương.

Xem đó thì trên từ Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể ra ngoài pháp này; dưới đến tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cũng có thể vào trong pháp này. Công đức lợi ích ấy vượt trỗi hết thảy [các pháp khác] trong giáo pháp cả một đời đức Phật, bởi những giáo pháp trong cả một đời Ngài đều cậy vào tự lực để thoát sanh tử; còn pháp môn Tịnh Độ, kẻ chưa đoạn Hoặc, cậy vào Phật từ lực, liền có thể đới nghiệp vãng sanh. Người đã đoạn Hoặc cậy vào Phật từ lực bèn mau chứng lên bậc Địa Thượng Bồ Tát[14]. Đây chính là pháp môn đặc biệt trong giáo pháp cả một đời đức Phật, chẳng thể dùng những giáo pháp theo đường lối thông thường để bàn luận được. Vì thế, các kinh Đại Thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v… các vị đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền v.v…, các đại tổ sư như Mã Minh, Long Thọ v.v… thảy đều xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy, khuyên khắp chúng sanh vãng sanh.

Đến khi đại giáo truyền sang Đông, Viễn Công đại sư (sơ tổ Huệ Viễn) bèn dùng pháp này lập tông. Thoạt đầu, Ngài muốn cùng đồng học là Huệ Vĩnh[15] qua La Phù, nhưng bị pháp sư Đạo An[16] lưu lại, sư Huệ Vĩnh bèn đi một mình trước. Đến Tầm Dương, thứ sử Đào Phạm ngưỡng mộ đạo phong, bèn lập chùa Tây Lâm cho Ngài ở. Thời gian ấy nhằm năm Đinh Sửu tức năm Thái Nguyên thứ hai (377) đời Tấn Hiếu Võ Đế. Đến năm Giáp Thân, tức năm Thái Nguyên thứ chín (384), Viễn Công mới đến Lô Sơn. Thoạt đầu ở tại chùa Tây Lâm, do học trò tụ họp đông đảo, Tây Lâm chật hẹp không chứa hết nổi, thứ sử Hoàn Y bèn lập chùa ở phía Đông núi, đặt tên là Đông Lâm. Đến năm Canh Dần, tức năm Thái Nguyên thứ mười lăm (390), ngày hai mươi tám tháng Bảy, Viễn Công bèn cùng Tăng - tục một trăm hai mươi ba người kết liên xã niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sai ông Lưu Di Dân làm bài văn khắc vào đá để minh thị lời thề, Huệ Vĩnh pháp sư cũng dự vào liên xã này. Vĩnh Công (ngài Huệ Vĩnh) sống ở Tây Lâm, kết riêng một lều tranh trên đỉnh núi để thường lên đó thiền tư. Đến bên thất ấy bèn nghe mùi hương lạ; do vậy, người ta gọi là Hương Cốc (hang thơm), cứ suy nghĩ sẽ biết Ngài là người như thế nào!

Lúc Viễn Công kết xã, bèn có một trăm hai mươi ba người, đều thuộc hàng long tượng[17] trong pháp môn, là Thái Sơn, Bắc Đẩu trong làng Nho; do đạo phong của Viễn Công lan tỏa nên đều ùa nhau kéo đến. Nhưng trong suốt đời Ngài, trong hơn ba mươi năm, những người dự vào liên xã tu Tịnh nghiệp được tiếp dẫn vãng sanh nhiều khó thể biết được!

Sau đấy, như các vị Đàm Loan, Trí Giả, Đạo Xước, Thiện Đạo, Thanh Lương, Vĩnh Minh, không vị nào chẳng dùng pháp này để tự hành, hóa độ người. Ngài Đàm Loan viết Vãng Sanh Luận Chú, diệu tuyệt cổ kim. Ngài Trí Giả viết Thập Nghi Luận, chỉ bày tột cùng lẽ được - mất; ngài soạn Quán Kinh Sớ chỉ bày sâu xa pháp quán Tam Đế[18]. Ngài Đạo Xước giảng ba kinh Tịnh Độ gần hai trăm lượt. Ngài Thiện Đạo sớ giải ba kinh Tịnh Độ, cực lực khuyên chuyên tu. Ngài Thanh Lương sớ giải Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, phát huy đạo rốt ráo thành Phật. Tổ Vĩnh Minh nói bài Tứ Liệu Giản chỉ thẳng pháp liễu thoát ngay trong đời này. Từ xưa, những bậc cao nhân các tông, không ai chẳng quy tâm Tịnh Độ, chỉ có các sư Thiền Tông là chuyên chăm chú ngầm tu, ít vị nào chịu xiển dương rõ ràng.

Từ sau khi ngài Vĩnh Minh xướng suất, ai nấy đều để lại ngôn giáo rõ rệt, thiết tha khuyên tu trì. Vì thế, bài Khuyến Tu Tịnh Độ Văn của Tử Tâm Tân thiền sư[19] có câu: “Di Đà thật dễ niệm, Tịnh Độ thật dễ sanh”,lại viết: “Người tham Thiền tốt nhất nên niệm Phật, nếu căn cơ độn chỉ sợ chẳng thể đại ngộ trong đời này, hãy nhờ vào nguyện lực tiếp dẫn vãng sanh của đức Di Đà”. Lại nói: “Nếu ông niệm Phật chẳng sanh Tịnh Độ thì lão tăng sẽ đọa trong địa ngục Bạt Thiệt (kéo lưỡi)”.Bài Tịnh Độ Thuyết của Chân Hiết Liễu thiền sư[20] có câu: “Trong tông Tào Động đều chăm chú ngầm tu là do nguyên nhân nào vậy? Ấy là do pháp môn Niệm Phật là đường tắt tu hành, căn cứ theo Đại Tạng thì pháp này để tiếp độ căn khí thượng thượng, tiếp dẫn kèm thêm căn cơ trung hạ”.Lại nói: “Những bậc đại tượng trong Tông Môn đã ngộ pháp bất không bất hữu bèn dốc chí khăng khăng nơi Tịnh nghiệp, chẳng phải vì tịnh nghiệp thấy Phật đơn giản, dễ dàng hơn Tông môn nhiều lắm hay sao?”Lại nói: “Dù Phật hay Tổ, dù Giáo hay Thiền, đều tu Tịnh nghiệp, đồng quy một nguồn. Nhập được môn này thì vô lượng pháp môn thảy đều chứng nhập”.Trường Lô Trách thiền sư kết liên hoa thắng hội, khuyên khắp Tăng, tục niệm Phật vãng sanh, cảm được hai vị Phổ Hiền, Phổ Huệ Bồ Tát xin được tham dự vào hội thù thắng ấy trong giấc mộng, bèn ghi tên hai vị đứng đầu trong hội. Đủ thấy pháp này khế lý, khế cơ, chư thánh ngầm tán dương vậy!

Trong đời Tống Thái Tông - Tống Chân Tông, pháp sư Tỉnh Thường[21] trụ trì chùa Chiêu Khánh ở Chiết Giang hâm mộ đạo phong của ngài Lô Sơn Viễn Công bèn kết Tịnh Hạnh Xã, Vương Văn Chánh Công Đán quy y đầu tiên, làm người đề xướng. Phàm là bậc tể phụ đại thần, học sĩ đại phu xưng là đệ tử dự vào Tịnh Hạnh Xã hơn một trăm hai mươi người, sa-môn số đến mấy ngàn, còn dân thường chẳng biết là bao nhiêu. Sau này có Lộ Công Văn Ngạn Bác làm quan suốt bốn triều Nhân Tông, Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông, ra vào làm quan cao chức cả hơn năm mươi năm, làm đến chức Thái Sư, được phong là Lộ Quốc Công. Bình sinh ông dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tuổi già càng dốc sức làm lợi cho đạo, chuyên niệm A Di Đà Phật. Sáng - tối, đi - ngồi chưa từng biếng nhác. Ông cùng với pháp sư Tịnh Nghiêm ở kinh đô kết xã gồm hơn mười vạn người cầu sanh Tịnh Độ. Các vị sĩ đại phu thời ấy đa phần chịu sự giáo hóa của ông; có bài tụng rằng:

Tri quân đảm khí đại như thiên,

Nguyện kết Tây Phương nhất vạn duyên,

Bất vị tự thân cầu hoạt kế,

Đại gia tề thượng độ đầu thuyền.

(Tạm dịch:

Biết ông gan lớn bằng trời,

Tây phương xin hãy kết mười nghìn duyên,

Sống còn chẳng tính kế riêng,

Mọi người ai nấy đã lên thuyền rồi!)

Ông thọ đến chín mươi hai tuổi, niệm Phật qua đời. Trong đời Nguyên - Minh thì có các ngài Trung Phong, Thiên Như, Sở Thạch, Diệu Hiệp hoặc là sáng tác thi ca, hoặc là biện luận, không vị nào chẳng cực lực xiển dương pháp “khế lý khế cơ, thông trên thấu dưới” này; nhưng các vị Liên Trì, U Khê, Ngẫu Ích là thiết tha, thành khẩn nhất. Đời Thanh có các ngài Phạm Thiên Tư Tề[22], Hồng Loa Triệt Ngộ, cũng dốc sức hoằng dương đạo này. Bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của ngài Phạm Thiên, bài Thị Chúng Pháp Ngữ của ngài Triệt Ngộ đều có thể kế tục các vị thánh đời trước, khai ngộ cho hàng hậu học. Kinh trời đất, động quỷ thần! Người học nếu có thể hành theo đó thì nào có ai không từ tạ Sa Bà, cao đăng Cực Lạc, làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn tốt trong hải hội!

Kể từ sau đó, vận nước ngày càng suy, chẳng ai đề xướng, pháp vận cũng suy sụp theo. Đến thời Hàm Phong - Đồng Trị, binh lửa bốn mặt nổi lên, bậc triết nhân ngày càng hiếm hoi, bọn kém cỏi ngày càng đông đúc. Nhà Nho chỉ sùng phụng những thuyết báng Phật của Âu, Dương, Trình, Châu, cho là danh ngôn chí lý, chẳng biết Phật pháp bao quát cái đạo tân truyền[23] của các thánh, phát minh tâm tánh của đương nhân; nghĩa mầu nhiệm, lời lẽ tinh vi, công đức lợi ích ấy chẳng thể hình dung bằng ngôn ngữ, văn tự được. Do vậy, họ dốc chí hủy diệt Phật pháp, chẳng chịu đọc tụng, thọ trì, bảo vệ, lưu truyền, khiến cho Phật pháp bại hoại sát đất. Ví như trẻ nhỏ thấy châu ma-ni chẳng những không trân trọng, gìn giữ, lại còn muốn phá hủy, vứt đi.

Đến cuối đời Quang Tự, phế trừ cử nghiệp, khởi đầu du học rộng rãi, phàm những kẻ có thiên tư cao, đều lấy chuyện đọc nhiều làm trọng, tất cả các học thuyết lý luận đều chẳng đủ thỏa mãn tâm họ, chỉ có mình Phật học sâu xa, lớn lao, mênh mông, không hay khéo nào chẳng đầy đủ, chân - tục hỗ trợ nhau, Không - Hữu viên dung. Từ đấy, họ xúm vào nghiên cứu, tu tập. Lễ Kinh nói: “Tuy có thức ăn ngon, không ăn sẽ không biết được vị ngon. Tuy có đạo chí lý, không học sẽ chẳng biết là hay”.Nay đã biết ý chỉ, biết cái hay, há nhường cho cổ nhân riêng hưởng vô thượng tâm pháp này, còn chính mình và hết thảy những đồng nhân chẳng hưởng được gì ư? Do vậy, Nghiên Cứu Hội, Cư Sĩ Lâm, Niệm Phật Xã, Hội Ăn Chay lập ra khắp nơi. Những người kiêng giết, cứu vật, ăn chay, niệm Phật ngày thấy càng nhiều. Ví như đứa con nghèo khó, tự mê mất quê nhà, một ngày nọ được người khác chỉ dạy bèn thẳng hướng cầu đường về, trọn chẳng chịu đi ăn xin quẩn quanh, lẻ loi tha phương như cũ.

Chùa Thanh Liên từ khi Hoàng Cốc pháp sư khai sơn đến nay đã là một đạo tràng Tịnh Độ lớn, hình thế hùng vĩ, quả thật là chốn thù thắng bậc nhất của Lô Sơn. Do vậy, một ngàn mấy trăm năm qua, đạo phong chẳng suy, qua nạn Hồng Dương[24], đều thành tro tàn. Do pháp môn suy vi, không người khôi phục nên thành núi hoang. Diệu Bồi đại sư từ khi xuất gia trở đi bèn lấy Tịnh Độ làm tông, toan đem pháp “liễu thoát ngay trong một đời này” lợi khắp đồng nhân nên bèn đến Hồng Loa tu tập mấy năm. Mùa Xuân năm nay sang chơi Lô Sơn, cảm khái sâu xa “đạo của Viễn Công không người chấn hưng, khiến cho thế đạo nhân tâm mất nhiều lợi ích”. Khi đến nền cũ của chùa Thanh Liên, thấy hình thế giống như một đóa sen, chắn trước mặt là dòng thác Tam Điệp, sau lưng dựa vào ngọn núi Ngũ Lão hùng vĩ, hai bên là ngọn Sư Tử và Mũi Voi che chở. Đúng là một đạo tràng Tịnh Độ trời xây đất dựng, chẳng nỡ để vùi lấp, bèn phát nguyện khôi phục nhằm hoằng dương Liên Tông, nên thương nghị cùng các đại cư sĩ Thượng Hải, may đều được họ bày tỏ đồng tâm. Do vậy, trước hết xây cất vài gian điện đường làm chỗ tu trì. Còn như chuyện xây cất hoàn bị ngôi chùa phải đợi long thiên cảm ứng, không phải là chuyện cấp bách hiện thời.

Chuyện cấp bách bây giờ là mở liên xã hành đạo. Nếu bảo niệm Phật vãng sanh Tây Phương là được rồi, cần gì phải kết xã, tức là chẳng biết thế gian muôn sự cần phải có các duyên giúp đỡ mới hòng thành tựu được, huống chi là học vô thượng diệu pháp liễu sanh thoát tử! Kinh Dịch nói: “Lệ Trạch Đoài; Quân tử dĩ bằng hữu giảng tập”.[25]Ấy là lấy ý nghĩa hai cái đầm cùng tồn tại, hai bên giúp ích cho nhau. Hơn nữa, thánh nhân liệt bằng hữu vào Ngũ Luân là vì khuyên làm lành, vạch điều lỗi, có nghĩa như hai vầng trăng cùng chiếu[26], giúp đỡ trong khi nguy, gìn giữ trong khi yên; như hai tay giúp đỡ nhau (chữ Hữu 友, viết theo lối cổ lại có nghĩa là tay).

Thói thường con người nếu không có gì để nương tựa, đa phần sẽ vướng vào thói tệ biếng nhác, coi thường. Đại chúng ở cùng nhau, công khóa nhất định, dẫu muốn biếng nhác cũng không thể được! Ngoài công khóa ra, những người mạnh mẽ tinh tấn cũng có thể thúc đẩy những người biếng nhác gắng sức tu hành. Ai nấy đều tiến lên, có ai đành chịu tụt hậu? Đây kia giúp đỡ nhau, nên hạnh dễ thành. Nếu có nghi ngờ và có kiến giải gì bèn có thể quyết trạch cho nhau. Mỗi ngày lúc rảnh, thỉnh các bậc kỳ túc chỉ bày đại lược cương yếu Tịnh Tông thì chuyện bỏ tà, giữ chánh sẽ rành mạch phân minh. Có những lợi ích như vậy nên cổ nhân đều đề xướng chuyện kết xã.

Nếu thân mang chức vụ, chẳng thể đích thân tham dự, chỉ tu trì theo chương trình của liên xã, đợi ngày Khai Hội hoặc đích thân đến, hoặc gởi thư báo, thuật rõ mình tu trì siêng hay lười, lợi ích lớn - nhỏ cũng chẳng khác gì như đã tham dự tu tập tại liên xã. Do tâm mong đua chen cùng liên hữu sẽ chẳng dám biếng nhác, bỏ bê! Phải biết Phật pháp vốn chẳng lìa pháp thế gian, phàm các xã hữu[27] ai nấy phải tận hết bổn phận, như cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành v.v… Lại phải đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, kiêng giết, cứu mạng, chẳng ăn mặn, chẳng uống rượu, ngăn lòng tà, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, tự lợi, lợi tha, lấy đó làm trách nhiệm. Như thế chính là nền tảng vững vàng, ngay ngắn, đáng được nhuần thấm bởi pháp. Nếu quả thật đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, ắt sẽ vãng sanh thượng phẩm.

Người ngu trong cõi đời thường chẳng tu hành chân thật, cứ muốn được cái hư danh là bậc chân tu, nên bày ra đủ mọi cách bôi son trát phấn, thành ra dáng vẻ giống như thật nhưng chẳng phải thật, cốt sao người khác ca ngợi mà thôi. Tâm hạnh đã ô trược chẳng kham nổi, dù có tu trì thì cũng vì tâm đã nhơ bẩn nên chắc chắn khó thể đạt được lợi ích chân thật! Đấy gọi là “ham danh ghét thật”, là điều đại kỵ bậc nhất cho chuyện tu hành. Nếu đầy đủ những điều nên làm như trong phần trước, không có những điều đáng kỵ như đã nói ở phần sau thì trong thế gian là hiền nhân, trong Phật pháp là bậc Khai Sĩ[28]. Dùng thân mình làm gương cho người khác từ nhà đến làng, từ làng đến ấp, cho đến toàn quốc và khắp thiên hạ thì lễ nghĩa hưng thạnh, can qua vĩnh viễn dứt bặt, từ thiện khởi, tai họa chẳng sanh, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc. Nguyện người thấy kẻ nghe đều cùng phát khởi, đề xướng thì may mắn lắm thay! Chương trình đơn giản sẽ ghi trong phần sau.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây