ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Giảng Khởi Tín Luận rất tốt, chỉ e ít người lãnh hội được, nên kẻ căn cơ nông cạn sẽ bị mất lợi ích nhiều. Có lẽ nên giảng kèm pháp môn Tịnh Độ khiến cho họ trước hết biết được đạo trọng yếu để liễu sanh tử, lại còn biết được tâm pháp trọng yếu của Phật pháp thì cả Lý lẫn Cơ đều được khế hợp. Để đối chứng cấp thuốc cho người hiện thời thì nhân quả báo ứng là bậc nhất, còn trong các pháp nên tu thì Tịnh Độ là bậc nhất. Nếu nghiên cứu Khởi Tín Luận thì tuy cũng có nhân quả Tịnh Độ, nhưng tri kiến phàm phu không thể lãnh hội trọn vẹn nghĩa lý, lại còn chẳng thể nương theo luận ấy để khởi tu, chỉ hiểu được ý nghĩa mà thôi! Bất luận căn tánh nào, không thể không trước hết nghiên cứu nhân quả, Tịnh Độ; còn về giáo tướng thì cũng phải chọn người mà thí, bởi lẽ học trò mỗi người có chuyện phải học riêng, Phật học chỉ là chuyện kèm thêm. Nếu người căn cơ thiên tánh cạn cợt lại chuyên chú vào giáo tướng, rất có thể sẽ quăng Tịnh Độ ra sau ót, đến nỗi thành ra kết quả “có nhân mà không có quả”! Đấy là lập cách chẳng phù hợp căn cơ vậy. Nay trong những kẻ tôn sùng Tướng tông, thói tệ ấy cũng giống như thế. Chuyện họ đề xướng chẳng thật sự vì liễu sanh tử mà chỉ vì thông suốt Lý Tánh để thuyết giảng mà thôi! Nếu như họ biết được nỗi khó khăn của việc dùng Tự Lực để liễu sanh tử, quyết sẽ chẳng chịu dốc sức nơi chuyện ấy, bỏ qua Tịnh Độ không hỏi đến! Nếu kẻ nào chê bai thì kẻ ấy đều thuộc hạng ham cao chuộng thù thắng, chẳng biết duyên do của sự cao, sự thù thắng. Nếu thật sự biết thì dù có giết họ, họ cũng chẳng chịu gác bỏ Tịnh Độ không dốc sức tu! Thật là học đạo khó khăn thay! Chí của sư Hoằng Nhất chỉ có mình ngài Hoằng Nhất biết rõ. Nếu chẳng đại tinh tấn, tâm sanh tử không khẩn thiết sẽ thành hạng biếng nhác, bê trễ. Tăng nhân ngày nay thật khó khiến cho người ta tin tưởng, nhưng đã truy điệu Tăng nhân, há nên phỉ báng Tăng nhân. Nếu nêu lên những điều thiện, răn dè những điều bất thiện thì không mắc lỗi gì. Nhưng nếu đã dự vào hàng học trò người ta, thì chuyện chỉ trích cũng nên im lặng. Chuyện ấy chỉ có người đức cao trọng vọng mới có thể tiến hành, không phải là chuyện hàng chim non miệng vàng nên làm. Những kinh hư rách không thể tu bổ được thì đốt đi cũng không sao! Nếu còn xem được, còn có thể tu bổ được thì chẳng nên thiêu. Nếu chẳng biết lẽ biến thông, cứ một mực không dám thiêu, kinh ấy rốt cuộc chẳng thể xem, mà cũng không được cất giữ như kinh tốt, thành ra khinh nhờn, lại còn tạo thành cái lỗi khinh nhờn cho người đời sau vậy, há có nên chẳng biết quyền biến ư? Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”.Lúc này nếu chẳng coi nhân quả là nhiệm vụ cấp bách để cứu nước cứu dân thì dù ông trí xảo, đạo đức cao siêu đến đâu cũng chỉ uổng công, bởi lẽ chẳng giảng đạo lý cũng như không có vương pháp vậy! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất