ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Trộm nghe Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời, tùy cơ lập giáo, nói đủ mọi pháp, không gì chẳng nhằm làm cho chúng sanh khai - thị - ngộ - nhập tri kiến Phật mà thôi. Nhưng chúng sanh vốn sẵn có tri kiến Phật, do mê muội từ vô thỉ sâu hay cạn khác nhau, nên người mê cạn thì tu một pháp bèn được ngộ nhập. Nếu như mê sâu mà không nhờ vào sức hoằng thệ nguyện của Phật Di Đà vãng sanh Tịnh Độ quyết khó được chứng đắc. Huống hồ pháp này là chỗ quy túc của các pháp, là chỗ cùng cực của tu chứng. Lúc Như Lai mới thành Chánh Giác, nói kinh Hoa Nghiêm có đủ vô lượng pháp môn, thâu tóm căn tánh Nhất Thừa; nhưng Thiện Tài sau khi chứng ngộ bằng với chư Phật, Phổ Hiền Bồ Tát bèn dạy phát mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc và khuyên hải hội đại chúng cùng cầu vãng sanh. Do vậy, các kinh Đại Thừa đều cùng tán dương, nhưng ba kinh Tịnh Độ chuyên thuyết minh điều này cặn kẽ nhất. Có kẻ bảo Tịnh Độ là Quyền Tiệm Tiểu Thừa, chẳng chịu tu tập, lại còn ngăn trở người khác tu; toàn là do chưa thể nghiên cứu kinh luận Đại Thừa, chỉ chấp vào ý chỉ Trực Chỉ, chưa thấy vầng trăng nơi tự tánh. Cứ xem phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm thì biết. Huống chi Ca Diếp, A Nan, Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Vĩnh Minh v.v… các đại tổ sư đều chú giải kinh, tạo luận, cực lực tán dương. Đó không phải là sáu phương chư Phật hóa thân, là người kế thừa đích thật của giáo chủ hai cõi ư? Vì thế nói là “ngàn kinh muôn luận, chốn chốn chỉ quy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về!”Huống hồ trong đời Mạt này, căn tánh con người hèn tệ, tri thức hiếm hoi, bỏ pháp này sao yên cho được? Xin huynh lúc rảnh rang nơi Tông, Giáo, hãy phân tâm nơi pháp này ngõ hầu tự lợi, lợi tha, báo ân sâu của Phật. Nếu như còn nghi hoặc, hãy nên đọc nhiều kinh luận Tịnh Độ. Sách Tịnh Độ Thập Yếu đoạn nghi khải tín, là bậc công thần đột phá tinh nhuệ nhất, hãy nên đọc trước. Các sách Di Đà Sớ Sao và Diễn Nghĩa quả thật là hướng dẫn tốt lành cho những người tham cứu Tông, Giáo. Càng đọc kỹ, suy nghĩ tinh tường, sẽ thấy những sách ấy chẳng chỉ phát huy Tịnh Độ mà thôi. Ngài Trung Phong nói: “Thiền là Thiền nơi Tịnh Độ, Tịnh Độ là Tịnh Độ của Thiền”. Hai sách ấy quả thật là như vậy. Hơn nữa, nếu huynh muốn tham khảo khắp các lời chú giải hay khéo trong tông Hiền Thủ (Hoa Nghiêm) thì hai sách Sớ Sao[1] quả là lời chú giải hay khéo thiết thân nhất cho sự tu chứng của thân tâm. Hãy nên rắp tâm nghiên cứu thì lợi ích mầu nhiệm ấy ngay cả đệ cũng chẳng thể hình dung được nổi! Ý kiến bạn đọc
Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3