ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Nhận được thư biết ông mang cái tâm đối trị tập khí, tuy siêng năng, khẩn thiết, nhưng chưa đạt, chưa thấy được hiệu quả tập khí tiêu trừ. Vì sao như vậy? Ấy là vì cái tâm sanh tử chưa khẩn thiết, chỉ biến chuyện siêu phàm nhập thánh, tiêu trừ Hoặc nghiệp, thành tựu tịnh niệm thành chuyện nói xuông ngoài miệng, nên không có hiệu quả thật sự. Nếu biết thân người khó được, Phật pháp khó nghe, pháp môn Tịnh Độ lại càng khó được nghe hơn, nay may mắn được làm thân đại trượng phu, lại được nghe pháp môn Tịnh Độ khó được nghe nhất, có dám để quang âm hữu hạn bị tiêu hao sạch nơi thanh sắc, vật chất, lợi lộc, khiến cho vẫn sống thừa chết uổng y như cũ, vẫn bị trầm luân lục đạo, không mong có ngày thoát ra hay sao? Phải đem một chữ Chết (chữ Chết này hay lắm) dán cho rủ xuống trán. Phàm khi những cảnh tham luyến [đáng lẽ] chẳng nên có [mà lại] hiện tiền liền biết đấy chính là vạc sôi, lò than của chính mình, sẽ trọn chẳng đến nỗi như con thiêu thân gieo mình vào lửa, tự đốt thân mình. Phàm với những chuyện thuộc về bổn phận nên làm, liền biết đấy chính là bè từ để thoát khổ của ta vậy, quyết chẳng đến nỗi thấy việc nhân bèn nhường cho người khác, thấy điều nghĩa chẳng làm. Như vậy thì trần cảnh sẽ trở thành duyên để nhập đạo, cần gì phải tuyệt sạch muôn duyên mới tu hành được? Vì đã làm chủ được tâm, chẳng chuyển theo cảnh thì trần lao chính là giải thoát. Vì thế, kinh Kim Cang nhiều lượt dạy con người tâm chẳng nên trụ vào tướng, phát tâm độ tận hết thảy chúng sanh, nhưng chẳng thấy ta là người độ, người khác và chúng sanh là kẻ được độ, cũng như chẳng thấy tướng thọ giả, Vô Dư Niết Bàn để đắc thì mới là thật sự hành Bồ Tát đạo. Nếu thấy có ta là người độ, chúng sanh là kẻ được độ, và pháp Vô Dư Niết Bàn dùng để độ, thì tuy là độ sanh nhưng thật ra chẳng thể khế hợp đạo Nhất Thừa Thật Tướng. Vì chẳng hiểu rõ bản thể của chúng sanh chính là Phật, Phật tánh bình đẳng, lầm lạc khởi lên phàm tình toan hiểu trí thánh, đến nỗi chẳng được lợi ích, trở thành công đức hữu vi; huống chi khằn chặt vào thanh sắc, của cải, lợi lộc? Nhưng người sống trong thế gian chẳng thể không làm gì, phải tận tình, tận phận, quyết chẳng mong ngóng ra ngoài bổn phận, trách nhiệm. Sĩ, nông, công, thương ai nấy chăm chú nghề mình để làm cái gốc nuôi thân, nuôi gia đình, tùy phận, tùy sức chấp trì Phật hiệu, quyết chí cầu sanh. Phàm những việc lành sức mình có thể làm được bèn bỏ ra tiền của, hoặc giúp lời nói, ra sức tán trợ. Nếu không làm được như thế bèn phát tâm tùy hỷ thì cũng là công đức. Dùng những điều này để vun trồng phước điền, tạo thành Trợ Hạnh vãng sanh. Như thuận nước giương buồm, lại thêm lèo lái, đến được bến bờ chẳng càng nhanh hơn ư? Ngày Ba Mươi tháng Chạp, chính là ngày cuối cùng của một năm, nếu trước đó chưa từng dàn xếp cho khéo thì chủ nợ oan gia lũ lượt kéo đến bức ngặt, há dung cho ông sao? Lúc mạng sắp hết chính là ngày Ba Mươi tháng Chạp của một đời người vậy. Nếu tư lương Tín - Nguyện - Hạnh chưa đầy đủ, ác tập khí tham - sân - si vẫn còn thì oán gia chủ nợ trong vô lượng kiếp đều kéo đến bắt tính sổ, há chịu dễ dãi với ông ư? Đừng nói chi kẻ không biết đến pháp môn Tịnh Độ không biết làm sao, phải tùy nghiệp thọ sanh; dẫu cho kẻ biết đi nữa, nhưng không thật sự chuyên chú tu tập cũng sẽ giống như thế, bị ác nghiệp lôi vào trong tam đồ lục đạo, vĩnh viễn luân hồi. Muốn cầu đường trọng yếu để thoát khổ chỉ có niệm niệm sợ chết và sợ chết đi phải đọa lạc trong tam đồ ác đạo, thì niệm Phật sẽ tự thuần, Tịnh nghiệp sẽ tự thành, hết thảy trần cảnh sẽ chẳng thể đoạt được chánh niệm nữa! Tâm Kinh nói: “Soi thấy Ngũ Uẩn đều không, độ hết thảy khổ ách”. Trong là căn thân, ngoài là khí thế gian, thế giới, bao gồm trọn trong Ngũ Uẩn, thấy được chúng đều là Không thì từ ngay nơi Ngũ Uẩn sẽ lìa được Ngũ Uẩn; pháp gì, chuyện gì cũng đều là pháp môn đại giải thoát, là cảnh giới đại Niết Bàn! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất