Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 230: Tự - Quyển 3 - Phần 2 - 35. Lời tựa cho nhà từ đường của con cháu chi phái Lập Sơn lão nhân

(viết thay cho Khai Như hòa thượng)

Hết thảy chúng sanh vốn có trí huệ, đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Xét đến nguyên do, nói chung là vì chẳng hiểu rõ Chân Như diệu tánh, nhận lầm Tứ Đại là thân tướng của chính mình, coi bóng dáng của duyên sáu trần chính là tâm tướng của chính mình. Đã nhận lầm giặc làm con, nên trái giác, hiệp trần, từ đấy dính chặt vào Căn - Trần, ta - người đối nghịch nhau, khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi sáu đường trải trần điểm kiếp, không thể giải thoát. Đại Giác Thế Tôn thương cho nỗi khổ kịch liệt ấy, ban cho đại pháp dược, dạy tu Tứ Niệm Xứ Quán: Một là quán thân bất tịnh, hai là quán thọ là khổ, ba là quán tâm vô thường, bốn là quán pháp vô ngã. Ngoài ra còn có Chánh Cần, Như Ý Túc, Căn, Lực, Giác Đạo, ba mươi bảy phẩm pháp môn.

Tuy căn có lợi - độn, thừa có đại - tiểu, nhưng không gì chẳng lấy Tứ Niệm Xứ làm căn bản. Ấy là vì nếu Tứ Quán mà thành liền phá được Ngã Chấp. Ngã Chấp đã phá thì Ngũ Uẩn đều không, sáu trần liền giác, phản bổn hoàn nguyên, tự chứng được diệu tánh. Ví như nhơ hết gương sáng, mây tan mặt trời rạng rỡ. Mặt trời vốn sẵn có, ánh sáng chẳng phải từ bên ngoài đến. Đắc Vô Sở Đắc, đạt Đại Tự Tại. Phàm tình, thánh kiến thảy đều tiêu vong. Niết Bàn còn không có, huống là có sanh tử? Nếu như tuổi thọ đã hết bèn thiêu hình hài là vì:

1) Một là sợ người mất còn có việc làm chưa xong, Thân Kiến chưa hết. Nay hỏa thiêu để khiến cho người ấy đột ngột ngộ Chân Không, giải thoát ngay trong lúc đó.

2) Hai là chính vì muốn cho người còn sống hiểu rõ toàn thể thân này là hư vọng, tận lực tu Thánh Đạo, khôi phục nguồn tâm, chăm chú nơi cử chỉ, lời lẽ, đích thân thấy được chủ nhân ông, sẽ tự làm chủ tể, chẳng bị cái đãy da thối này lắm cách sai khiến, ngõ hầu trên có thể tiếp nối huệ mạng đức Phật, dưới hóa độ hữu tình. Từ ngay cái thân khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh, huyễn vọng này, triệt chứng Phật tánh Chân Như thường - lạc - ngã - tịnh.

Do vậy, bất luận phàm hay thánh đều nên hỏa táng hết, tùng lâm trong thiên hạ không đâu chẳng tuân hành. Vào thời Phật pháp hưng thạnh dưới đời Đường, đời Tống, những bậc sĩ đại phu cũng đa phần tuân theo Phật chế dùng pháp này, chứ không riêng gì Tăng chúng mới vậy! Tăng đã hỏa thiêu, nhặt lấy xương thừa, đặt trong tháp Phổ Đồng[36], cũng giống như hải chúng cùng ở chung với nhau trong tùng lâm. Trong số ấy, phàm - thánh khó lường, hạnh vị khó phân biệt. Phàm đã gần thánh thì cũng dễ được giải thoát, như loài nhặng xanh bám vào đuôi ngựa Ký, chẳng nhọc sức mà đi được ngàn dặm vậy! Pháp Vũ thường trụ vào thời Hàm Phong - Đồng Trị nhà Thanh trước kia, do binh hỏa lâu ngày đã bị hoang phế, đèn nhang đoạn tuyệt, đến nỗi hư hoại đổ sụp. Vào năm Đồng Trị thứ 10 (1871), đại chúng ép tiên sư công[37] là Lập Sơn lão nhân làm trụ trì, pháp đạo do vậy lại được trùng hưng, thế độ pháp tự[38] thật đông đảo.

Sư bá Hóa Khai bàn với các pháp quyến trong bổn phái, ai nấy bỏ ra tịnh tài bao nhiêu đó tiền tu bổ tháp Phổ Đồng cho con cháu ở phía Đông cầu Hải Hội. Phàm những con cháu của chi phái Lập Sơn lão nhân và các pháp đồ[39] đều được đưa vào đây. Lại mua năm mươi mẫu ruộng hương hỏa, đem tô lợi thu được hằng năm dùng làm chi phí cúng quải hai kỳ Xuân - Đông. Sai năm am Bán Sơn, Thường Minh, Trường Sanh, Dương Chi, Bảo Xứng và con cháu của chi phái sư Hóa Hằng, sáu nhóm thay phiên đảm nhiệm khiến cho người mất được cúng tế, được pháp lợi siêu sanh trời Cực Lạc, người còn sống hiểu thấu suốt huyễn vọng, tu Tịnh nghiệp dự vào hội Liên Trì, nên bèn ghi duyên khởi để bảo cùng đồng luân.
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây