Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 30: [THƯ 30]: Thư gởi cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ tư)

Vân Thê đại sư lập pháp dạy người đều là những chuyện thực hiện trong cuộc sống thường nhật, thực tiễn. Tu trì theo đó thì ngàn phần thích đáng, vạn phần ổn thỏa, trọn chẳng đến nỗi được chút ít cho là đủ, bị ma dựa phát cuồng. Vương Canh Tâm chưa mười phần hiểu rõ yếu chỉ nhập đạo, lại mặc tình múa bút, mặc sức huênh hoang mạt sát hết thảy. Dẫu có tâm hoằng pháp, nhưng thật ra mắc lỗi hoại pháp. Đấy đều là do hai chứng bệnh “chẳng gần gũi bậc tri thức sáng mắt” và “chẳng phản tỉnh tự vấn” mà nên nỗi.

Tâm gặp ác mộng là dấu hiệu ác nghiệp đời trước hiện ra, nhưng cảnh được hiện không có thiện - ác, chuyển biến ở nơi chính mình. Ác nghiệp hiện nhưng chuyên tâm niệm Phật thì ác nhân duyên biến thành thiện nhân duyên, ác nghiệp đời trước chuyển thành người hướng dẫn cho đời này. Tiếc cho người đời thường bị nghiệp buộc ràng, chẳng thể chuyển biến, thành ra đã té giếng còn bị ném đá, khổ càng thêm khổ! Quang tôi do mắt quáng chẳng thể xem kinh viết chữ, mùa Hạ này toan soạn bài luận nói về sự dốc kiệt lòng thành mới được lợi ích thật sự, nhưng viết chưa được một nửa thì thị lực đã không kham nổi, do đó phải ngừng giữa chừng. Vẫn muốn trong những tháng mùa Đông sẽ chuyên tâm sám hối túc nghiệp, ngõ hầu sức nhìn mạnh hơn một chút, sẽ tiếp tục hoàn thành [bài luận ấy]. Lại do năm ngoái đáp ứng lời cư sĩ Trần Tích Châu tu chỉnh cuốn Phổ Đà Sơn Chí, vì Quang nhãn lực như thế chắc cũng phải kéo dài hai ba năm. Nếu mắt sáng sẽ nguyện tận lực trong năm sáu năm, đem hết những sự tích về Quán Âm trong Đại Tạng phân môn chia loại, soạn theo thể phú, chép tường tận dưới bản văn. Sách soạn thành, khắc thành hai bản, một để tại chỗ in kinh, còn một giữ ở Phổ Đà, mong cho hết thảy những ai hữu duyên cùng được thấm nhuần sự chẳng thể nghĩ bàn của Đại Sĩ. Nếu mắt vẫn như cũ, chỉ đành nói số mạng như thế, biết làm sao được!

Đại giáo truyền sang Đông, tất cả tông phái thạnh suy, nếu không đọc thấu suốt toàn bộ Đại Tạng, vừa nghe liền nhớ ngay sẽ chẳng thể hiểu. Nếu khinh suất làm bừa, ắt chẳng những không thể phát dương quang đại Phật pháp, trái lại còn làm nhục Phật pháp! Thập Vãng Sanh kinh nay trong Đại Tạng không có, chẳng cần phải tìm trọn khắp. Tập Chư Kinh Lễ Sám Hối Văn, Tây Phương Lễ Tán v.v… dù kệ hay văn đa phần là trích từ văn trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của ngài Thiện Đạo. Nếu xem kỹ lời chú trong chương Thượng Phẩm Vãng Sanh của Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ sẽ biết: Nói đến Quán kinh, chỉ nêu một câu trong Quán Kinh, rồi ở dưới bèn giải thích tường tận, chứ không phải toàn thể [những câu trong tác phẩm ấy] đều thuộc về kinh văn.

Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của ngài Thiện Đạo ở Trung Quốc thất truyền đã lâu, gần đây từ Đông Doanh (Nhật Bản) thỉnh về, Kim Lăng[41] khắc bản lưu truyền đã lâu, sai ngoa rất nhiều. Ngay cả Chư Kinh Lễ Sám Hối Văn cũng bị sai ngoa không ít. Đem Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ và Sám Hối Văn so sánh, cũng có thể sửa đúng được ít phần. Những chỗ còn lại có thể dựa theo nghĩa lý mà sửa cho đúng. Mười năm trước, Quang từng một phen duyệt sửa, tuy chưa dám nói đã khôi phục được diện mạo ban đầu, nhưng cũng có thể nói là những phần sửa đúng thì nhiều, những phần sửa sai thì ít[42]. Tôi tự tin như thế!

Tha Tâm Thông có nhiều thứ bất đồng, nếu luận theo sự chứng đạo thì như ông Chú Am[43] hễ hỏi đến bất cứ sách nào, liền có thể đọc được thông suốt hết thảy, không sai một chữ. Ông ta chưa hề đọc sách, sao lại làm được như thế? Ấy là do nghiệp tận, tình không, tâm như gương sáng; lúc không ai hỏi, trong tâm một chữ cũng chẳng có. Đến khi ai hỏi tức là người ấy đã đem những gì chính mình từng đọc qua từ trước ra hỏi, người hỏi tuy đã lâu không nhớ, nhưng trong tám thức điền vẫn còn giữ lại hình ảnh của những câu chữ ấy (xem kinh Phật cũng giống như thế. Cổ nhân nói: “Nhất nhiễm thức thần, vĩnh vi đạo chủng”(một phen lọt vào thần thức, vĩnh viễn thành hạt giống đạo). Hãy nên tin tưởng chắc điều này). Người kia cố nhiên vì vô minh che lấp kín mít, trọn chẳng hay biết, còn người này có Tha Tâm Thông, nên thấy rõ ràng rành mạch những hình ảnh trong tâm thức của người kia, vì thế hỏi đến bèn đọc ra, không sai sót gì. Nếu người hỏi chưa từng đọc sách ấy, cũng có thể thấy trong tâm thức của người khác mà đọc ra. Đấy là dùng tâm người khác làm tâm mình, chứ không phải trong tâm người ấy ghi nhớ không quên rất nhiều kinh sách như thế. Phàm phu không rõ, cho là thật kỳ đặc, thật sự chỉ là do nghiệp tiêu huệ rạng, chướng tận trí viên mà thôi!

Cầu cơ đa phần là linh quỷ giả mạo tiên, Phật, thần thánh, con quỷ nào kém cỏi sẽ không có sức thần thông ấy. Quỷ nào khá hơn thì biết được tâm người, vì thế, nó có thể mượn dùng trí thức và sự thông minh của con người. Ông Kỷ Văn Đạt bảo: “Cầu cơ đa phần là linh quỷ giả vờ. Tôi cùng anh là Thản Nhiên[44]hầu cơ bút, tôi làm được thơ nhưng viết chữ xấu. Khi tôi hầu cơ bút thì thi từ mẫn tiệp, chữ viết nguệch ngoạc. Thản Nhiên hầu cơ bút thì thi từ tầm thường, chữ viết ngay ngắn, cứng cỏi. Quỷ giả mạo cổ nhân, hỏi đến những điều bí hiểm, sâu kín trong những tác phẩm của cổ nhân[45], bèn bảo niên đại quá lâu, không còn nhớ được. Do vậy biết không phải thật!”Nhưng sự linh thiêng của quỷ là chỉ có thể mượn dùng những gì tâm con người hiện đang biết, còn những gì được ghi nhớ trong thần thức nhưng hiện nay người hỏi không biết, hoặc những nghĩa chính người hỏi cũng không biết thì quỷ chẳng thể nêu ra để chỉ dạy cho người. So với Tha Tâm Thông của người nghiệp tận tình không thì khác hẳn một trời một vực, nhưng nhìn vào tình cảnh khá tương tự. Lại sợ các ông bị mê hoặc bởi những lời giáng cơ, nên mới phải bất đắc dĩ nhắc đến chuyện này. Lại trong sách Tống Cao Tăng truyện có chép ngài Tăng Giam đến thọ trai nơi Vương Xử Hậu. Xử Hậu đọc ra văn chương thật đắc ý; nhân đó, Sư hỏi:

- Đang đọc những văn từ gì vậy?

Xử Hậu nói:

- Đó là bài văn đậu tiến sĩ của tôi.

Sư nói:

- Dưới mái hiên hóng gió, thong dong đến thế ư?

Liền lấy một tập sách trong bọc ra, bảo:

- Đây chẳng phải là bài văn sách của ông hay sao?

Xử Hậu đọc thấy chính là nguyên bản bài văn sách khi trước, bèn hỏi:

- Về sau tôi đã gọt giũa bài này.

Tăng Giam nói:

- Dĩ nhiên tôi biết nó không phải là bài văn sách gốc của ông.

Nhân đó bèn hỏi:

- Trong bọc của Sư sao lại có bài văn sách này của tôi?

Tăng Giam đáp:

- Chẳng những chỉ có bài văn sách này. Phàm những sách ông đã đọc từ trước đến nay, thậm chí một nét, một vạch đùa bỡn, trong bọc của tôi đều có đủ hết!

Xử Hậu hoảng sợ, chẳng dám hỏi tới. Chú Am tuy có Tha Tâm Thông, nhưng chưa thấy có thần thông; Tăng Giam vừa có Tha Tâm Thông lại có cả đại thần thông, có thể hiện những gì trong tâm thức người khác thành sách, hiện thành hình chất để chỉ bày cho người khác, chứ không phải là trong bọc mình thật sự có chứa sẵn để lôi ra.

Gần đây, Thượng Hải rầm rộ mở đàn cầu cơ, những gì cơ bút khai thị về sửa lỗi hướng thiện, tiểu luân hồi, tiểu nhân quả v.v…đều có lợi ích cho thế đạo, nhân tâm. Còn như giảng về cõi trời, giảng về Phật pháp đúng là nói lăng nhăng! Chúng ta là đệ tử Phật, chẳng được bài xích pháp ấy kẻo mắc lỗi chướng ngại người khác hướng thiện, nhưng cũng chẳng được phụ họa, khen ngợi pháp ấy, bởi những gì cơ bút giảng về Phật pháp toàn là nói mò, sợ rằng đến nỗi tạo thành tội khiên lầm lạc hoại loạn Phật pháp, lầm lạc chúng sanh. Ấn Quang xưa nhiều ác nghiệp, đến đời này có mắt như mù, trọn chẳng dám thuận theo tình cảm chẳng dựa vào lý, tự lầm, lầm người. Mong hãy châm chước tình và lý mà hành mới không bị tệ hại.

Với mười thứ lợi ích của việc Niệm Phật xin hãy xem cẩn thận mười thứ lợi ích thù thắng nơi cuối quyển hạ của Tịnh Độ Chỉ Quy Tập. Từ Vân Sám Chủ[46] bảo các kinh đều có nói, chưa biết trích ra từ kinh nào, hoặc là ước theo nghĩa lý mà viết gọn lại cũng chưa biết chừng. Trong mấy trang đầu có nói đến chuyện lớn tiếng niệm Phật, tụng kinh và lễ Phật đều có mười thứ công đức[47], ghi là trích từ kinh Nghiệp Báo Sai Biệt, kinh Hộ Tịnh, tôi chưa kiểm, lúc rảnh rỗi sẽ đọc. Những câu ghi trên bìa sách đừng ghi nhiều, chỉ nên ghi giản dị, rõ ràng. Nếu dẫn nhiều thì hãy nên đăng nơi bìa trong cuốn sách, hoặc nơi bìa sau in riêng một trang. Niệm Phật hồi hướng chẳng được bỏ đi, hồi hướng chính là tín nguyện được phát ra từ miệng, nhưng chỉ nên hồi hướng sau khi xong khóa tối, và sau khi niệm Phật, tụng kinh trong ngày xong. Nên niệm Phật từ sáng đến tối không gián đoạn, trong tâm chỉ có ý niệm nguyện sanh chính là “thường thời hồi hướng” (luôn luôn hồi hướng). Nếu theo nghi thức tụng niệm mà hồi hướng thì lẽ cố nhiên chẳng được thường xuyên như thế.

Các kinh Đại Thừa kinh nào cũng đều làm cho chúng sanh được vào thẳng Phật đạo, hiềm vì chúng sanh chẳng thành tâm niệm tụng, cho nên không được lợi ích hoàn toàn. Phần cuối quyển năm kinh Lăng Nghiêm, tức chương Đại Thế Chí Bồ Tát, chính là phần khai thị tối thượng của Tịnh tông. Chỉ riêng một chương này đã có thể sánh cùng bốn kinh Tịnh Độ thành năm kinh, há cứ phải văn từ dài dòng mới đáng nể ư? Quân tử học vì mình, niệm niệm nhắc nhở mình tự tỉnh[48]. Tỉnh và mộng như một, chỉ có công phu đến nơi đến chốn mới có thể làm được. Chỉ cần luôn tu dưỡng trong lúc thức thì lâu ngày trong mộng cũng tự có thể chẳng làm chuyện gì sai quấy lớn.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây