Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 127: [THƯ 127]: Trả lời thư cư sĩ Trương Vân Lôi (thư thứ hai)

Cuốn sách Nhập Phật Vấn Đáp dẫn dắt kẻ chưa ngộ, khiến họ sanh chánh tín, tùy cơ khai thị, từ từ thâm nhập, biếu tặng kết duyên quả thật không công đức nào lớn hơn. Nhưng sách ấy chỉ bàn chung chung về sự lý nhập môn nhà Phật, tuy cũng khen ngợi Tịnh Độ, nhưng quả thật chưa hoằng dương rộng lớn được yếu chỉ của pháp môn này. Nếu đã có tín tâm hãy nên đọc các sách Tịnh Độ. Nếu chẳng thể đọc nhiều thì cuốn rõ ràng, giảng rộng nhất là cuốn Kính Trung Kính Hựu Kính[75] (Đường tắt hơn hết trong số các con đường tắt). Cuốn sách này tuyển chọn lấy yếu nghĩa của các nhà, phân môn chia loại, khiến cho người đọc chẳng phí nhiều công sức xem đọc, tiến thẳng vào chỗ uyên áo của Tịnh Độ. Sách này có lợi ích rất lớn đối với người sơ cơ. Còn những trình tự nghiên cứu được trình bày trong bộ Nhập Phật Vấn Đáp chỉ có người thiên tư cao, túc căn sâu mới kham đảm nhiệm được. Nếu cả hai điều này đều kém thì dù muốn dựa theo những điều sách ấy đã chỉ dạy để nghiên cứu thì e rằng chẳng thể thông suốt hoàn toàn giáo lý, mà đối với pháp Tịnh Độ, do dốc sức nghiên cứu giáo lý bèn thành ra lui sụt. Phật pháp vì con người mà lập bày, trọn chẳng thể chấp vào quy củ thông thường được, khiến thành ra bị trái nghịch căn cơ đến nỗi bị mất lợi ích thù thắng “liễu sanh tử ngay trong đời này”. Cốt sao người đương cơ tự biết căn tánh để chọn pháp tu trì vậy.

Học chú Vãng Sanh bằng tiếng Phạn cũng rất tốt, nhưng chẳng được sanh tâm phân biệt, cho bài chú giản lược [được lưu truyền trong cõi này] là sai hoàn toàn. Khởi lên ý niệm ấy thì sẽ sanh lòng nghi đối với toàn bộ các chú trong Đại Tạng, cho là không hợp ý Phật. Phải biết người dịch kinh chẳng tầm thường, sao lại vì họ dịch khác nhau bèn liền xem thường? Hơn ngàn năm qua người trì tụng [chú ấy] đã được lợi ích, biết bao nhiêu mà kể, há có phải là mọi người hơn ngàn năm qua đều chẳng biết Phạn văn hay sao? Cố nhiên là nên học nhưng chẳng được khởi ý niệm hơn - kém, thua - trội, thì lợi ích chẳng thể nghĩ bàn được! Hơn nữa, một pháp trì chú gần giống với khán thoại đầu. Do khán một câu thoại đầu không có nghĩa gì nên dứt được phàm tình phân biệt, chứng Chân Trí vốn sẵn có. Trì chú chẳng biết được ý nghĩa câu chú, chỉ chí thành khẩn thiết mà trì, dốc kiệt tấm lòng thành đến cùng cực, sẽ tự được nghiệp tiêu trí rạng, chướng hết, phước cao, lợi ích chẳng thể nào nghĩ bàn cho thấu được!

Nghi thức lễ Phật đối với người rất bận chẳng cần phải lập riêng, chỉ cần chí thành khẩn thiết xưng niệm Phật hiệu, thân lễ dưới chân Phật, ắt phải thành kính như Phật đang hiện diện là được rồi! Cõi đời đang nhằm lúc Kiếp Trược, giết cướp lẫn nhau, chẳng có đạo bùa nào để hộ thân, quyết khó thể vĩnh viễn không bị họa hại. Cái gọi là “đạo bùa hộ thân”cũng chỉ là chí thành lễ niệm A Di Đà Phật mà thôi! Nhưng Quán Âm đại sĩ bi nguyện rộng sâu, theo tiếng cứu khổ, hễ cảm liền ứng, hãy nên ngoài lúc sáng tối lễ niệm Phật ra, hãy kèm thêm lễ niệm Đại Sĩ thì sẽ ngấm ngầm được gia bị, tự có thể chuyển họa thành phước, gặp nạn mà hóa ra lành, nhưng chẳng tự biết! Đây chính là cách của kẻ ngờ nghệch lánh ngoài cõi đời này dùng làm phương pháp vì tri kỷ cứu đời vậy. Có thể nói là khắp cõi đời không ai chẳng thể cứu, chỉ có người chẳng chịu hành theo pháp này thì đành chẳng biết làm sao được!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây