Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 106: [THƯ 106]: Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh (thư thứ tư)

Ngày Rằm tháng trước nhận được thư ông. Do ông bảo khi Mạnh Do[25] đến, ông sẽ lên đường ngay, nên sợ trả lời thư sẽ bị lạc mất. Vì thế, không phúc đáp. Trưa nay lại nhận được thư ông, biết Mạnh Do còn chưa về lại tỉnh nhà. Do ông ta nấn ná chưa về, nên ông không dám dứt khoát. Nếu ông ta trở về, ông sẽ dứt khoát lên đường. Sao ông không hiểu lòng tôi và tấm lòng những người khác mà thành ra đạo lý ương ngạnh như thế? Quang cũng là người xuất gia, há cứ nhất định phải ngăn trở ông, trở ngại ông, học theo thói người tại gia lưu luyến nhà cửa, chẳng muốn cho người khác mau được giải thoát ư? Nhưng cơ duyên gặp gỡ của mỗi người có muôn vàn kiểu chẳng giống nhau.

Luận theo phần ông, quả thật tại gia có ích rất lớn, còn xuất gia chỉ được lợi ích nhỏ nhoi. Tổ nghiệp của ông gần như sống qua ngày được, trên có mẹ hiền để thờ, giữa có anh em để nương tựa, trong nhà có vợ hiền, dưới gối không con cái. Nhưng anh cả của ông khá tin tưởng vào Phật pháp, chú Ba, chú Tư cũng chẳng chống trái đạo pháp lắm. Ông tại gia dốc sức tu Tịnh nghiệp, cũng có thể hướng dẫn khiến cho mẹ hiền sanh lòng tin niệm Phật, ngõ hầu được liễu thoát mà cũng có thể vì anh em đang ở ngoài lo liệu chuyện trong gia đình, cũng như suất lãnh vợ, em dâu v.v… cùng tu Tịnh nghiệp, cùng thoát vòng khổ. Bên ngoài thì xóm giềng, thân thích, tùy duyên hướng dẫn, chỉ vẽ, thì nhà cửa bèn thành đạo tràng, hết thảy mẹ, anh em, vợ con, cháu chắt, xóm giềng, thân bằng đều thành pháp quyến. Tùy sức, tùy phận, thân làm gương, miệng giáo hóa khiến cho mọi kẻ lạc đường ở Vĩnh Gia cùng những kẻ chủng tánh tà kiến kia cùng được nạp vào trong lò luyện lớn là pháp môn Tịnh Độ chí cực viên đốn của Phật pháp, cùng trở thành pháp khí[26], cùng tu Tịnh nghiệp, tương lai cùng lên Liên Bang, cùng chứng Bồ Đề. Há chẳng bằng ông xuất gia làm Tăng, bỏ mẹ đi xa, người trong nhà ôm mối hận không người nương cậy, mẹ đem lòng oán con hay sao? Đã thế, những kẻ chẳng hiểu rõ lý cùng cực sẽ đâm ra nói Phật pháp trái nghịch thế đạo, lầm sanh hủy báng, khiến cho những kẻ ấy tạo ác nghiệp, đọa ác đạo. Chưa thấy ích gì mà trước hết đã mắc lấy những tổn hại to lớn như thế, như vậy là tốt hơn hay sao?

Huống chi mẹ ông đã không bằng lòng, há có nên chẳng tuân theo ý mẹ, vẫn cứ ôm ấp ý niệm ấy? Nếu như mẹ ông trọn chẳng bằng lòng cho ông tu hành, thì [chuyện bỏ nhà đi xuất gia] còn chấp nhận được! Chứ ông tu hành mẹ rất hoan hỷ, lẽ đâu lại muốn bỏ mẹ đi tu? Trong Phật pháp có đủ mọi công nghiệp, Lục Độ vạn hạnh đều vì lợi ích chúng sanh. Ông không xuất gia sẽ có lợi ích lớn lao cho mẹ, chỉ nội một điều này đã nên chiều theo lòng mẹ, sống trong cõi trần học đạo, khiến cho mẹ hằng ngày trông thấy quen mắt, chẳng mong mẹ tin tưởng mà mẹ tự nhiên tin tưởng, còn công đức nào lớn lao hơn? Huống chi nào phải chỉ một mình mẹ [được lợi ích]?

Hơn nữa, mẹ đã không chấp thuận, thì về mặt đạo nghĩa, chẳng nên nghĩ tới chuyện xuất gia nữa! Vì trong giới luật nhà Phật, cha mẹ chẳng bằng lòng cho con xuất gia, mình cứ tự tiện xuất gia thì [nhà chùa] chẳng được phép dung nạp, xuống tóc, và thọ giới v.v… Nếu không cả thầy lẫn trò đều mắc tội. Ông đã thờ Quang làm thầy, coi Quang là thiện tri thức, tuy Quang thật chẳng phải là thiện tri thức, nhưng chuyện trái nghịch Phật pháp quyết chẳng dám làm. Chỉ mong ông nghe theo lời Quang, thuận lòng mẹ, tại gia tu hành mới nên! Cổ nhân có người vì tri kỷ, chẳng ngại đem thân đền đáp. Huống chi mẹ ông đã lưu giữ ông, Quang khuyên ông: Lẽ nào lại chống trái, cố chấp không thay đổi ư? Phải biết: Hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu Thập Thiện Nghiệp, chính là chánh nhân để vãng sanh Tây Phương. Hãy nên học đòi Vương Hư Trung[27], Châu An Sĩ, Bành Xích Mộc (Bành Thiệu Thăng) ba vị tiên sinh thì mới chẳng thẹn là đệ tử Phật!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây