Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 130: [THƯ 130]: Trả lời thư cư sĩ Cố Hiển Vi

[Sở dĩ] lệnh hữu[1] là ông X…. có những thứ tình kiến đối với Phật học, và trong thư trả lời các hạ viết đến mấy trăm câu, là vì đối với nhân quả, có - không, sự - lý, tánh - tướng bị lầm loạn, cho nên đối với Kim Cang, đối với Tịnh Độ đều chẳng thể nương theo lời thành thật của Phật, Tổ để sanh khởi lòng tin, lầm lạc đem chuyện trái nghịch lý để suy xét lý, muốn làm người đại trí huệ lỗi lạc, chẳng chịu ép mình theo khuôn khổ của hàng ngu phu, ngu phụ, tự cho mình bị lý chướng, nhưng thật ra là nghiệp chướng nơi tâm. Như kẻ mù nhìn mặt trời, trọn chẳng thấy được tướng ánh sáng, lại bảo người thấy được [tướng sáng ấy] là hư vọng, há chẳng đáng buồn lắm ư? Thứ tri kiến ấy chẳng dễ gì phá được. Huống chi những gì Quang nói lời lẽ vụn vặt, khó thể thấu triệt lý. Vì thế, sẽ càng làm cho người ta nghi ngờ, chỉ tổn hại, chứ không có ích gì!

Muốn chẳng tuân mạng, nhưng lại sợ bị trách móc, đành làm chuyện tắc trách, bình luận xằng bậy, mong đừng gởi thư này đến ông X… Nếu không, rất có thể khó tránh khỏi bị xé nát, giẫm đạp. Nếu là những câu văn bình luận của Quang thì đáng bị như vậy. Còn những câu trong ấy nếu không dẫn kinh văn thì cũng đề cao ý nghĩa kinh, mà chữ nghĩa lại là của quý báu nhất trong thế gian, lại bị ông ta giẫm đạp thì chẳng những ông ta tự chuốc lấy tội chẳng cạn, mà các hạ lẫn Quang cũng bị mắc tội không cạn.

Nay tôi thay mặt các hạ, trả lời: Xem kỹ thư ông gởi đến, mọi điều nghị luận có thể nói tóm gọn một lời: “Dùng tri kiến phàm phu để suy lường xằng bậy Phật trí mà thôi!”Vả nữa, chúng ta từ sống đến chết, trong là thân tâm, ngoài là cảnh giới, nào có biết nguyên do của vật nào đâu! Từ khi có tri thức đến nay, thấy người trước làm sao, cũng làm theo như thế thì thân thể được thành lập, mọi việc được trót lọt, thích đáng, thân tâm yên vui; từ lúc sanh ra cho đến chết, thọ dụng tự tại. Nếu đối với lời dẫn dụ của đức Như Lai, do chính mình chẳng biết cội nguồn tri kiến Phật và cội nguồn của pháp Tịnh Độ, dù Phật, Tổ nói lời thành thật cũng vẫn chẳng chịu nhân đó phát sanh lòng tin thì hãy suy tìm xem: Các hạ suốt ngày ăn cơm, suốt ngày mặc áo, nhưng cội nguồn của chuyện chống đói, ngăn lạnh có biết hay là không? Nếu bảo là biết thì người biết là ai, xin hãy chỉ ra xem! Nếu chỉ không được, mà vẫn cứ ăn cơm mặc áo, noi theo quy củ do người đời trước đã thành lập, thì sao đối với diệu pháp bậc nhất để liễu sanh thoát tử lại cứ phải đòi tìm biết cho được cội nguồn trước đã rồi mới chịu tin, trọn chẳng chịu do lời thành thật của Phật, Tổ mà sanh lòng tin vậy?

Thêm nữa, các hạ có bệnh cần phải uống thuốc thì trước tiên phải đọc hết các sách Bản Thảo[2], Mạch Quyết, hiểu biết dược tánh, nguồn gốc bệnh, rồi thì mới căn cứ trên bệnh tình để kê toa, sau đấy mới uống thuốc; hay là ngay lập tức mời thầy lang chẩn mạch, lập tức uống thuốc vậy? Nếu lập tức uống thuốc thì chuyện trị bệnh và học Phật đâm ra mâu thuẫn lẫn nhau! Dù có đọc hết Bản Thảo, Mạch Quyết, biết được dược tánh, nguồn gốc bệnh, thì vẫn mâu thuẫn với chuyện học Phật. Vì sao vậy? Bản Thảo, Mạch Quyết là tác phẩm của người đời trước; ông chưa thể đích thân thấy được họ, sao lại tin lời? Nếu bảo lời lẽ của Bản Thảo, Mạch Quyết chẳng thể không tin thì lời của Phật, Tổ, thiện tri thức vì sao đều chẳng tin, cứ muốn tự thấy rồi mới chịu tin? Theo sự thấy biết của ông, nếu luận rạch ròi thì trước hết phải thấy được thuốc sẽ chạy theo kinh[3] nào, trị bệnh gì rồi mới chịu kê toa, uống thuốc, trọn chẳng thể dựa theo những gì sách Bản Thảo, Mạch Quyết đã nói để kê toa, uống thuốc! Vì sao vậy? Vì chưa thấy! Nay chưa thấy được cội nguồn của chuyện dứt đói, chống lạnh, trị bệnh, mà vẫn cứ ăn cơm, mặc áo, uống thuốc, còn cội nguồn của Phật và Tịnh Độ do tự mình chưa đích thân thấy nên chẳng chịu tin tưởng lời thành thật của Phật, Tổ, là vì lẽ gì vậy? Một đằng vì liên quan đến tánh mạng, dẫu chẳng biết cũng chẳng dám không làm như thế. Một đằng là tự phụ cao minh, ắt phải thấy thấu suốt rồi mới chịu tu trì pháp ấy.

Xưa nay không biết bao kẻ hào kiệt lỗi lạc, do vì tri kiến này, cả một đời chẳng được lợi ích thật sự nơi Phật pháp. Ông ta nói những kẻ ngu phu, ngu phụ, thoạt đầu cũng chẳng biết nhưng có thể nương theo quy củ của tiền nhân đã lập, cắm cúi niệm Phật; do vậy, ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu, bèn được đới nghiệp vãng sanh hay đoạn Hoặc vãng sanh, rồi sẽ ắt chứng Phật quả, huống hồ những người đã biết được nguồn cội! Nhưng những kẻ tự mệnh danh là lỗi lạc ấy, do nghi ngờ bèn phỉ báng, ắt sẽ bị từ kiếp này sang kiếp khác đọa trong ác đạo dài lâu, bị những kẻ ngu phu, ngu phụ niệm Phật vãng sanh thương xót, muốn ra tay cứu giúp cũng không thể được! Vì sao? Do vì ác nghiệp bất tín trong đời trước gây chướng ngại!

Trí của các hạ như Can Tương, Mạc Gia[4], chặt ngọc như bùn. Do chẳng khéo dùng trí ấy, khác nào dùng Can Tương, Mạc Gia chém bùn nhưng chẳng thể chém được, uổng phí gươm bén, chẳng đáng buồn ư? Phật pháp là tâm pháp, hết thảy pháp thế gian chẳng thể sánh ví được! Những ví dụ chẳng qua chỉ nhằm để con người lãnh hội ý nghĩa, há nên chấp chết cứng nơi Sự, rồi coi hai đằng giống hệt như nhau để luận bàn ư? Giơ cái quạt để ví mặt trăng, nhờ vào cây lay động để chỉ gió, há có nên cầu quang minh nơi cái quạt, tìm sự phe phẩy nơi cây cối, như thế có còn được gọi là trí hay chăng? Mộng cảnh là giả, nhân quả là thật, cũng chẳng ngại gì dùng mộng cảnh để sánh ví nhân quả, coi chúng giống như nhau. Vì sao? Vọng tâm là nhân, mộng cảnh là quả. Nếu không có vọng tâm, quyết chẳng có mộng cảnh. Đấy là lời bàn luận quyết định không thay đổi được! Tâm thiện - ác và sự tu trì là Nhân, được quả báo thiện - ác và quả báo tu trì là Quả. Các hạ có tin hay không? Vọng tâm làm nhân cho mộng nên được mộng cảnh. Cái tâm niệm Phật là nhân để thành Phật, gần là được vãng sanh Tây Phương, xa là rốt ráo viên thành Phật đạo. Điều này khiến ông nghi ngờ hay khởi lòng tin vậy?

Chuyện Phật rốt ráo là có hay không hãy tạm gác lại, các hạ cứ muốn cật vấn Phật là có hay không, xin hỏi [bản thân] các hạ rốt ráo là có hay không? Nếu bảo là không thì những lời lẽ dông dài đây do ai thuật nói? Nếu bảo là có, xin hãy chỉ ra người thuật nói là ai? Ngôn ngữ là do họng, lưỡi và thức tâm kết hợp mà có văn tự, cũng do thức tâm, tay, bút vận động mà hiện ra. Hai thứ này đều chẳng ra ngoài Ngũ Uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, đều chẳng phải là bản thân các hạ! Nếu lìa ngoài năm pháp này mà chỉ ra được thì tôi sẽ chấp nhận câu hỏi “Phật rốt ráo là có hay không?”của các hạ là câu hỏi đại trí huệ! Nếu không chỉ ra được chính mình rốt ráo là có hay không, cứ muốn biết “Phật là có hay không?”trước đã, thì chính là câu hỏi cuồng vọng không đáng nói, chứ không phải là câu hỏi tột cùng lý thiết thực cho chính mình vậy! Phật rốt ráo là có, do phàm tình của ông chưa gột sạch, nên trọn chẳng thể thấy được. Chính các hạ cũng là có, do Ngũ Uẩn của ông chưa rỗng không nên cũng chẳng thể lìa Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức mà hòng chỉ ra đích xác được.

Kinh Kim Cang dạy Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, phát tâm độ tận hết thảy chúng sanh, khiến họ đều chứng Vô Dư Niết Bàn, nhưng chẳng thấy có một chúng sanh nào được diệt độ. Chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí. Bố thí đứng đầu Lục Độ, Vạn Hạnh. Nêu lên bố thí thì trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ cho đến vạn hạnh đều chẳng được trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà tu. Chỗ này kinh văn nói đại lược, chỉ nêu bố thí để bao gồm mọi điều khác. Không trụ vào đâu để sanh cái tâm, không có tướng “ta, người, chúng sanh, thọ giả”, tu hết thảy thiện pháp. Hãy nói xem: Những lời như vậy là có tướng hay không có tướng? Tướng quang minh rộng lớn như thế đầy lấp hư không mà lại bảo là không thì có khác gì kẻ mù từ lúc mới lọt lòng?

Nói “không một chúng sanh nào đắc độ, chẳng trụ tướng, vô tướng, không trụ vào đâu”là muốn cho con người chẳng vướng mắc vào tướng chấp trước dù phàm tình hay thánh kiến. Nói “độ tận chúng sanh, hành bố thí, sanh tâm, tu thiện pháp”là vì muốn cho con người xứng tánh tu tập pháp tự lợi, lợi tha, ngõ hầu cả mình lẫn người cùng được viên mãn Bồ Đề mới thôi! Chẳng nhìn thấy điều này, lầm lẫn chấp vô tướng là rốt ráo, chính là cùng một tri kiến với kẻ nhai bã hèm, há còn được gọi là người có trí huệ ư? Sanh khởi lòng tin nào khó khăn gì, trừ khử nghi hoặc há khó khăn chi, mà ông quyết định chẳng khởi, quyết định chẳng trừ khử? Dù Phật đích thân thuyết pháp cũng không thể làm gì được, huống chi bọn tôi là phàm phu sát đất ư!

Muốn biết Phật là giả hay thật thì sao không khởi tín đoạn nghi đối với những lý lẽ đã luận, đối với những sự việc đã chép trong Tịnh Độ Văn, Tây Quy Trực Chỉ[5]? Có nên cho những ngôn luận, sự tích ấy đều là bịa đặt, đồn thổi, chẳng đáng lọt vào mắt ư? Nếu thấy như vậy thì linh hồn quyết định chẳng đọa vào năm đường kia, chỉ đọa trong A Tỳ địa ngục đến tột cùng đời vị lai, sẽ hưởng mãi vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao do tâm biến hiện ra, [coi những cảnh đó] giống như cảnh vui đủ mọi thứ thọ dụng vậy, không gì sánh ví được!

Cứ muốn biết Phật là giả hay thật, [cho] những gì Tịnh Độ Văn và Tây Quy Trực Chỉ đã nói đều chẳng phải thật, chỉ có điều gì mình đích thân thấy được, chứng được mới là thật thì nay tôi đem một sự hỏi ông, ông phải thẳng thắn đáp lời, chẳng được hàm hồ trả lời qua loa. Ông Vương Thiết San ở Bắc Thông Châu vào triều Thanh trước kia từng làm Phiên Đài ở Quảng Tây. Khi ấy, Quảng Tây rất nhiều thổ phỉ. Lúc ông Vương coi việc binh ở tỉnh ấy, liền lập kế tiễu trừ phỉ đảng, giết hại rất nhiều. Bốn năm trước, ông mắc bệnh rất nặng, vừa chợp mắt bèn thấy mình ở trong nhà tối. Cái nhà ấy rất to lại rất tối, quỷ vô số đều ùa tới bức bách, ông bèn hoảng kinh, thức dậy. Một lúc sau chợp mắt lại thấy cảnh như thế, lại kinh hãi tỉnh giấc. Suốt ba ngày đêm chẳng dám nhắm mắt, người đã thở thoi thóp. Nhân đó, vợ ông ta khuyên dụ: “Ông như vậy làm sao khá được? Ông niệm nam mô A Di Đà Phật đi! Niệm Phật sẽ khỏe ngay!”Thiết San vừa nghe lời ấy bèn cố sức niệm, được một chốc bèn thiếp đi, ngủ được đẫy giấc, không còn thấy cảnh tượng gì nữa, bệnh cũng dần dần được lành. Do đó, ông ta ăn chay trường, niệm Phật. Năm trước, Thiết San và Trần Tích Châu có lên núi [Phổ Đà] đích thân kể chuyện này với Quang.

Nếu các hạ lâm vào cảnh ấy, có cần phải biết “Phật là thật hay giả” trước đã rồi mới chịu niệm, hay là vừa nghe bèn niệm liền? Nếu lúc ấy chẳng rảnh để xét xem “Phật là giả hay thật” rồi mới niệm thì nay sao lại xét ngôn luận sự tích của tiền nhân dạy người là giả hay thật, nhất loạt coi đó là vọng? Chỉ cầu lấy điều không chánh yếu, vin vào cái tâm cảnh lờ mờ mê man này để rồi phải khóc lóc ư? Phú quý còn có thể coi như chiếc giày rách, sao chẳng thể coi chấp trước này cũng giống như chiếc giày rách, bỏ cho hết sạch đi? Ông tưởng thứ tri kiến ấy là cửa ngõ để nhập đạo ư? Không biết nó chính là đường để đọa vào A Tỳ địa ngục đấy! Dùng mộng ví với Phật, vọng tâm là nhân, mộng cảnh là quả. Ví niệm Phật là nhân, vãng sanh thấy Phật là quả, há có nên lấy sáu thí dụ[6] trong kinh Kim Cang để làm chứng?

Phàm ngôn ngữ, văn tự thế gian tuy mỗi chữ là một sự, nhưng chẳng ngại gì cùng nêu lên cái cao quý lẫn cái hèn kém, cùng chỉ cả sự tốt lẫn điều xấu. Như một chữ Tử, dùng để chỉ riêng mình Phu Tử (tức Khổng Tử) cũng được, mà dùng để chỉ một kẻ bình thường cũng được, mà dùng để chỉ con cái cũng được. Cần phải dựa vào văn cảnh để hiểu nghĩa, trọn chẳng thể giải thích Phu Tử cũng có nghĩa là con cái. Cõi Phật là mộng cảnh đợi khi nào các hạ thành Phật hãy nói. Bây giờ mà nói như vậy thì chỉ tổn hại chứ không ích lợi gì! Sự - lý, tánh - tướng, có - không, nhân - quả hỗn độn chẳng phân; chỉ nên học theo ngu phu, ngu phụ, cắm cúi niệm Phật, chí cung, chí kính, chỉ nên thành khẩn, lâu ngày chầy tháng, nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước cao. Cái tâm nghi ấy triệt để rớt mất thì Phật có hay là không, chính mình có hay là không, đường nẻo vào cửa Phật, căn cứ đích xác nơi bờ kia, cần gì phải hỏi ai khác nữa! Nếu chẳng chuyên tâm dốc chí niệm Phật, chỉ hiểu đôi phần từ miệng người khác bàn bạc thì cũng giống như xem kinh Kim Cang nhưng chẳng biết Thật Tướng. Xem Tịnh Độ Văn, Tây Quy Trực Chỉ chẳng sanh tín tâm là do nghiệp chướng trong tâm nên chẳng thể lãnh hội. Như kẻ mù nhìn mặt trời, cố nhiên mặt trời ở trên không, thấy được [mặt trời] là nhờ có mắt. Kẻ không thấy quang minh và lúc chưa thấy không khác gì nhau. Nếu mắt được sáng lại, vừa nhìn liền thấy tướng quang minh. Một pháp Niệm Phật chính là pháp thiết yếu nhất để mắt được sáng lại. Muốn thấy tướng quang minh hãy nên dốc cạn lòng thành nơi pháp này, ắt sẽ có lúc được thỏa nguyện điều mình ấp ủ.

Muốn đích thân thấy được Chân Ngã, mà chẳng phải là bậc đại triệt đại ngộ thì sẽ không thể nào thấy được! Muốn chứng nhưng nếu chẳng đoạn Hoặc chứng Chân sẽ không thể nào được. Muốn viên chứng mà Tam Hoặc[7] chẳng đoạn sạch, nhị tử[8] không vĩnh viễn mất thì sẽ không thể nào đạt được. Nếu luận về nơi chốn thì các hạ sẽ luân hồi bao kiếp dài lâu, cũng như những lời cật vấn trái lý hiện thời đều là nhờ vào sức của Chân Ngã để thực hiện; do trái nghịch giác, xuôi theo trần lao nên chẳng thể chân thật thọ dụng. Ví như cái đầu của chàng Diễn Nhã, châu nơi vạt áo[9], từ đầu đến cuối chưa hề mất, lầm sanh sợ hãi, lầm chịu nghèo cùng. Người niệm Phật lâm chung được Phật tiếp dẫn, chính là chúng sanh và Phật cảm ứng đạo giao. Tuy chẳng lìa tưởng tâm, nhưng cũng chẳng được nói đó chỉ là tâm tưởng biến hiện, trọn chẳng có chuyện Phật - thánh nghênh tiếp! Tâm tạo địa ngục thì lúc lâm chung tướng địa ngục sẽ hiện. Tâm tạo cõi Phật thì lúc lâm chung tướng cõi Phật sẽ hiện!

Nói “tướng tùy tâm hiện”thì được, còn bảo “chỉ có tâm không cảnh”thì chẳng thể được. “Chỉ có tâm không cảnh”thì phải là bậc Đại Giác Thế Tôn đã viên chứng duy tâm nói ra thì mới không mắc lỗi gì. Nếu các hạ nói sẽ đọa vào đoạn diệt tri kiến thì sẽ là tà thuyết phá hoại pháp môn tu chứng của Như Lai. Chẳng thể không thận trọng. Nếu mỗi điều đều nói cặn kẽ sẽ quá tốn bút mực, biết một điều sẽ suy được ba điều kia chẳng còn sót nghĩa nào!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây