ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Ý kiến bạn đọc
Thanh Thế Tông Hiến Hoàng Đế (Ung Chánh) đã chứng Pháp Thân từ lâu, thừa nguyện tái lai, dù Tông hay Giáo không gì chẳng thấu nguồn tột đáy. Kể từ khi lên ngôi, trong vòng mười năm, chuyên coi sóc việc chánh trị, chẳng đề xướng Phật pháp vì mong thiên hạ thái bình, phong tục thuần mỹ. Sau đấy mới tuyên bố pháp hóa sẽ dễ được lợi ích, như đồ đựng đã khử chất độc có thể chứa được cam lộ. Đến năm Ung Chánh 11, bèn dùng thân nhân vương (vua trong cõi người) làm chuyện pháp vương, một vai gánh vác cả Phật pháp lẫn thế pháp. Nho giáo, Thích giáo, nhất đạo cùng hành. Lấy tâm pháp Linh Sơn, Tứ Thủy để thuật luân âm truyền tân tục diệm[2], Không - Hữu bất nhị, Chân - Tục viên dung, thật muốn cho nhân dân trong khắp cõi đời đều là con đích thật của đấng Như Lai, hữu tình trong hiện tại lẫn tương lai đều cùng được hưởng cảnh sắc rạng rỡ nơi bổn địa.
Vào mỗi ngày Sóc, Vọng[3], hoặc thánh đản của Phật, Bồ Tát liền trực tiếp bảo ban quần thần nơi triều đình, hoặc truyền chiếu chỉ tới đại thần nơi biên cương cho đến thứ dân, làm cho họ đều hiểu rõ tự tâm, đều hướng đến đạo nghịch trần theo giác, chẳng đến nỗi bỏ uổng Phật tánh, chịu nỗi đau buồn sanh tử luân hồi oan uổng. Hoặc hạ sắc chỉ truyền các tùng lâm trong thiên hạ phải tận lực giữ Thanh Quy, tinh tu phạm hạnh, chân tham thật ngộ, minh tâm kiến tánh, ngõ hầu hoằng dương quang đại pháp đạo, hỗ trợ kế sách của vua. Lại vào những ngày sóc - vọng, ắt đích thân nâng ngọn bút sắc sảo, cung kính vẽ hình một bậc cổ đức. Trích lấy những điều chính yếu trong truyện ký của vị ấy, soạn thành tiểu truyện. Lại làm một bài tán nhằm phát huy nghĩa lý uyên áo, tự chép trên đầu bức vẽ. Cho khắc in thạch bản giữ trong đại nội, ngõ hầu làm bản mẫu dùng in rập hòng được lưu truyền. Bắt đầu từ tháng Hai năm Ung Chánh 11 cho đến tháng Ba năm Ung Chánh 13, vẽ được tổng cộng ba mươi hai vị. Đến tháng Tư, xe rồng lên làm khách cõi trời, khiến cho vô lượng cổ đức chưa tỏa được quang minh sâu thẳm, đáng tiếc lắm!
Đến năm Càn Long thứ 9 (1744), với mục đích trang hoàng, vua đem ba mươi hai cuốn trục bản rập hình Tổ ấy ban cho chùa Lý An ở Vũ Lâm[4]. Về sau, nhà chùa tu chỉnh Tự Chí bèn đem bộ truyện tán ấy đặt vào đầu sách để cảm tạ ân sủng, nhưng bộ truyện tán đó chưa được khắc thành sách. Do vậy, cõi đời chẳng được thấy nghe. Trộm nghĩ đạo phong của cổ đức trời người ngưỡng mộ, như vầng trăng vằng vặc trên không, vạn con sông đều hiện bóng. Quang minh sáng sạch, mở rộng tâm mắt con người, tự có thể đốn khai tâm địa, thấy thấu suốt bầu trời chân tánh. Lại được ngọn bút tài hoa của Thế Tông phát huy, cùng cổ đức chiếu rọi lẫn nhau thấu suốt không tỳ vết. Nếu một phen được xem đến liền thấu cội đạt nguồn, đạt được minh châu nơi chéo áo, phá trần, lìa chấp, mở được kinh quyển đại thiên. Từ đó tâm tâm tương ấn, đăng đăng tương truyền[5], khiến cho mình lẫn người cùng chứng chân thường, khiến cho phàm thánh cùng lên bờ Giác, ngõ hầu chẳng phụ Thế Tông một phen dốc ý soạn truyện. Do vậy, quyên mộ cư sĩ Ưng Quý Trung bỏ tiền khắc bản để làm của chung cho những người cùng chí hướng. Trước mỗi truyện, đặt đề mục, khiến cho vừa xem đến liền hiểu rõ ngay, cũng như chép duyên khởi để bảo cùng những người thông suốt trong tương lai.