ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Ý kiến bạn đọc
O Một đoạn quang minh này chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải thánh, chẳng phải phàm, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, cổ kim thường hằng, chiếu trời soi đất. Khi Phật chưa xuất thế, lúc Tổ chưa từ trời Tây qua, ai nấy vẫn sẵn đủ, chẳng thiếu chẳng thừa. Hiềm rằng chúng sanh đang mê, ôm của báu mà chịu túng quẫn, ngược ngạo dùng ánh sáng chiếu trời soi đất này để khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi sáu nẻo. Do vậy, đức Thế Tôn muốn lập cách tế độ, thị hiện thành Chánh Giác, vào lúc cuối đêm thấy sao Mai, hoát nhiên đại ngộ, bèn than thở: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh có đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước mà chẳng chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng, chấp trước thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Ngại Trí đều được hiện tiền”. Do vậy, tùy cơ giáo hóa, đối bệnh phát thuốc.
Do chúng sanh căn cơ chẳng giống nhau, nên Ngài nói ra pháp Tiệm hay Đốn, hoặc Thật, hoặc Quyền, đủ mọi thứ bất đồng. Tuy lập ra các phương tiện, nhưng không gì chẳng nhằm uyển chuyển dẫn dụ chúng sanh, khiến cho ai nấy đều triệt chứng tâm quang này, rốt ráo thành Phật mới thôi! Đấy chính là “lời thô, lẽ tế đều quy về Đệ Nhất Nghĩa. Thoạt đầu thì ngàn căn cơ đều vun bồi, cuối cùng thì đồng quy một đạo”.Lại do chúng sanh độn căn nếu chẳng liễu thoát ngay trong một đời này thì luân hồi sanh tử hoàn toàn không thể chấm dứt được. Vì thế, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật để người chưa đoạn Hoặc nương vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh, người đã đoạn Hoặc nương theo Phật từ lực mau chứng được Pháp Thân; khiến cho khắp thượng trung hạ căn dù thánh hay phàm cùng chứng chân thường, sanh lên bờ kia, phô bày cùng cực bản hoài xuất thế của Như Lai, triệt để đạt được Phật tánh chúng sanh sẵn có. Cao đẹp thay ân Phật, hết kiếp không thể khen ngợi trọn vẹn!
Đến khi đại giáo truyền sang Đông, pháp này bèn được gọi là Liên Tông do pháp này niệm Phật cầu sanh Tây Phương, liên hoa hóa sanh, được dự vào Liên Trì Hải Hội, thân cận Di Đà Thế Tôn và Quán Âm, Thế Chí, các thượng thiện nhân. Về sau, tổ Đạt Ma từ Tây Vực qua truyền Phật tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật. Nhưng chỗ thấy biết, thành tựu của pháp ấy chính là chỉ ra Phật tánh thiên chân sẵn có trong tâm chúng ta, khiến cho con người trước hết biết được cái gốc thì hết thảy các pháp tu chứng sẽ tự có thể nương theo đó để tiến hướng, cho đến khi tu cái không thể tu, chứng cái không thể chứng mới thôi! Chứ không có nghĩa là hễ ngộ liền được phước huệ đều vẹn toàn, viên mãn Bồ Đề, rốt ráo Phật đạo đâu nhé! Ví như vẽ rồng điểm mắt khiến cho tự được thụ dụng. Do vậy pháp này thạnh hành nơi Chấn Đán, rực rỡ, rạng ngời, đạo “tâm này chính là Phật”, pháp “không phải tâm, không phải Phật” phổ biến khắp hoàn vũ. Người căn cơ thiên bẩm sâu dầy thì đối với mỗi một cơ, một cảnh, hễ biết được đầu mối thì nói lời, thốt lẽ, tự lìa khuôn sáo, vào sanh ra tử trọn chẳng vướng mắc, được đại giải thoát, được đại tự tại vậy! Nếu căn cơ hơi kém, dẫu được đại ngộ, nhưng phiền não tập khí chưa thể đoạn sạch thì vẫn là người trong sanh tử, xuất thai cách ấm, đa phần mê mất. Bậc đại ngộ hãy còn như thế, huống chi kẻ chưa ngộ!
Do đó, hãy nên chuyên tâm dốc chí nơi pháp môn Tịnh Độ cậy vào Phật từ lực mới là kế sách ngàn vạn phần ổn thỏa thích đáng vậy. Cư sĩ Lưu Viên Chiếu túc căn sâu dầy, hiện tu tập tinh thuần, đối với hai tông Thiền - Tịnh đều nắm được yếu chỉ, nhưng coi trọng pháp môn Niệm Phật là đạo tự lợi, lợi người rốt ráo. Mỗi khi có cảm xúc bèn thể hiện qua thi ca, ghi chép lại được 108 bài, đặt tên là Mô Tượng (sờ voi, ý nói chỉ sờ soạng, phỏng đoán, không hiểu rõ hoàn toàn); bởi lẽ đại đạo vô ngằn, há có thể dùng một lời tầm thường để diễn tả trọn vẹn được nổi ư? Bất quá mượn ý để diễn tả đó thôi. Con ông ta và họ hàng muốn cho hậu thế đều được hưởng nhờ, toan đưa thi tập này vào gia phả, nhờ Quang thuật đại ý để bảo cùng người đời sau.