ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Ngày Hai Mươi Tám tháng Năm nhận được thư viết ngày 24, biết tôn phu nhân bệnh tình trầm trọng, các thầy thuốc đều bó tay, nhân đó yêu cầu gia quyến vì bà ta niệm Phật ngõ hầu tuổi thọ chưa hết sẽ mau lành, tuổi thọ đã hết sẽ mau được vãng sanh. Chẳng ngờ phu nhân tịnh nghiệp đã chín muồi bèn thoát xác ra đi, hôm qua nhận được thư Khế Tây gởi đến mới biết, khôn ngăn than thở cho các hạ đã mất đi vợ hiền, lệnh lang mất nơi nương tựa. Nhưng phu nhân túc căn sâu dầy, nên mới khiến cho lệnh từ[52], các hạ và lệnh lang v.v… cùng tha thiết nghĩ đến sự vô thường, gấp cầu xuất ly, riêng dùng thân mình thuyết pháp, ngõ hầu mọi người cùng tu Tịnh nghiệp, đồng sanh Tịnh Độ vậy! Quang được lọt vào mắt xanh, cũng chẳng thể không tận hết tấm lòng, nhưng Quang luôn khác với người đương thời, tuy hết sức đau buồn trước tang tóc của thân hữu, nhưng trọn chẳng làm những chuyện phúng viếng, viết điếu văn v.v… chỉ trong khóa tụng sáng tối, đối trước Phật hồi hướng một hai thất cho trọn tình bạn. Chiều tối hôm qua đã vì phu nhân hồi hướng, toan lấy hai thất làm chừng, nhưng ban ngày đủ mọi chuyện bận rộn, chỉ ban đêm mới có lúc rảnh. Mong các hạ đem đại nghĩa khai thị cho các con để họ lắng buồn, niệm Phật, ngõ hầu người mất, kẻ còn đều được lợi ích. Nếu chấp theo tình đời, buồn đau đến cùng cực, rốt cuộc có ích gì cho vong linh của mẹ đâu! Làm Phật sự, bất tất phải niệm kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục, bởi những chuyện ấy đều thuộc bề ngoài, nên chuyên niệm Phật, khiến cho các con trai gái từ đầu đến cuối đều niệm theo, những người nữ nên ở trong phòng niệm, chẳng nên ngồi sau chư Tăng. Như thế thì chẳng những tôn phu nhân và lệnh quyến thật sự được lợi ích mà ngay cả những vị Tăng niệm Phật và những ai thấy nghe không ai chẳng được lợi ích. Phàm khi làm Phật sự, nếu chủ nhân chịu tham dự đàn tràng thì Tăng sẽ tự phát tâm chân thật, nếu chủ nhân chỉ làm cho đủ lệ, thì Tăng cũng chỉ làm chiếu lệ! Như một kỳ Phật sự đã xong, trong ban đêm tổ chức lễ Diệm Khẩu[53] là xong. Quang đem chuyện bốn mươi ba năm trải đời của mình tỏ bày cho tri kỷ. Nếu chẳng coi lời này là hủ bại, thì may mắn lắm! Thư chưa dán đã thấy bưu tá mang thư các hạ viết hôm mồng Năm đến, nhân đấy biết phu nhân bệnh tình tuy nặng, nhưng chánh niệm vẫn phân minh, đã có thể thường thấy Đại Sĩ, lại thêm có tín nguyện, có thể đoan chắc bà ta được vãng sanh. Như trong thư nói cho [người đã khuất] ăn mặc theo kiểu ni cô thì không nên; bà ta đã nguyện thọ Tam Quy, Ngũ Giới thì vẫn cứ mặc thường phục, đắp thêm pháp y lên trên là được rồi (pháp y chính là áo dài Tăng nhân thường mặc), hoặc mặc vào thân, hoặc xếp vào trong quan tài. Nếu quan tài đã đóng thì đốt trước linh vị, quy y, thọ giới sẽ tiến hành trong đêm nay, một mình Quang đối trước Phật kiền thành lễ bái xong, sẽ thuyết giới [cho phu nhân]. Vì thế, chẳng nên dùng các nghi thức phô trương lòe loẹt, chỉ nên lấy lòng chí thành cảm thông là được rồi. Pháp danh sẽ là Uẩn Không, trở thành Tam Quy Ngũ Giới Ưu Bà Di vậy. Nếu làm như hình thức ni sư thì về sự, về lý đều bị trở ngại. Nên khuyên lơn các con trai gái, dâu v.v… lấy chí thành tựu sự vãng sanh cho mẹ làm hiếu, nỗ lực thay mẹ niệm Phật, ngõ hầu phẩm sen được cao thêm, hoa nở mau hơn, đấy mới là tận hiếu. Đừng uổng công bắt chước người đời làm chuyện vô ích gây hại cho chuyện hữu ích. Còn về tang sự, từ đầu đến cuối chẳng ăn mặn, để nhờ vào đây dạy dỗ cho kẻ ngu tục. Đấy cũng là trách nhiệm lớn lao của ông vậy! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai