Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 23: [THƯ 23]: Trả lời thư cư sĩ Lâm Giới Sanh ở Thái Thuận (thư thứ hai)

Mấy phen chưa gặp gỡ, lòng luôn nghĩ nhớ. Mùa Thu năm nay lệnh huynh Chi Phần đi thi Hương, mang thư lên núi, mới rõ sự tu trì gần đây của cư sĩ, lại nói gia đình bất hạnh, phải chôn con yêu, sáng tối lo buồn, chẳng thể yên dạ. Tôi muốn trình bày rõ sự lý nhân quả, nhưng [lệnh huynh] kẹt khóa thi Lục Di[10] buổi sáng, không thể ở lại đêm, cho nên phải nói đại lược. Nay ngày Rằm thanh nhàn, thầy Triệt Quyền đến thăm cho biết tình trạng oán hận của cư sĩ, bảo với vô tri tục nhân rằng: “Làm lành mắc họa, tu hành vô ích” v.v… đủ mọi tà thuyết. Tôi nghe xong, đau xót, sợ bậc thượng trí nhân đó biếng nhác tu hành, kẻ hạ ngu dám làm chuyện ác.

Vì thế chẳng nề bỉ lậu, đem lời nói thẳng trình bày. Như Lai giảng kinh báo thông ba đời. Phàm sanh con đại lược có bốn nhân. Báo thông tam thế là:

1) Thứ nhất là Hiện Báo, nghĩa là hiện tại làm lành, làm ác, đời này được phước, mắc họa. Như sĩ tử tập tành cử nghiệp, đời này được công danh. Đây là điều mắt phàm thấy được.

2) Thứ hai là Sanh Báo, nghĩa là đời này làm thiện, làm ác, ngay đời sau được phước, chịu tội, như tổ phụ trọng học vấn, cháu con mới phát đạt. Mắt phàm chẳng thấy được điều này, thiên nhãn vẫn có thể thấy được (Đời này, đời sau là ước theo người ấy mà nói, nhưng chuyện cách đời khó thể dùng thí dụ để chỉ rõ nên mới đành tạm thời dựa vào con cháu, tổ phụ cho người khác dễ hiểu, chẳng được chấp vào từ ngữ, khiến ý nghĩa bị trở ngại).

3) Thứ ba là Hậu Báo, nghĩa là đời này làm lành, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc thứ tư, năm, sáu, bảy, hoặc mười, trăm, ngàn, vạn đời, hoặc một, mười, trăm, ngàn, vạn kiếp, hoặc đến vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp mới chịu báo thiện hay ác. Như vương nghiệp nhà Thương, nhà Châu, thật ra bắt đầu nền móng từ lúc ông Tắc, ông Khiết[11] phù tá vua Thuấn, vua Vũ. Nếu là chuyện ba đời, thiên nhãn có thể thấy được. Nếu như trăm ngàn kiếp, thiên nhãn chẳng thể thấy được, nhưng đạo nhãn của Thanh Văn còn thấy được. Nếu là vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp, chỉ có ngũ nhãn viên minh của Như Lai mới thấy được, còn chẳng phải là cảnh giới của đạo nhãn Thanh Văn, huống gì thiên nhãn, nhục nhãn!

Biết được ý nghĩa ba thứ báo này thì làm lành sẽ được điều lành giáng xuống, làm điều chẳng lành phải vướng tai ương, thánh ngôn vốn chẳng sai lầm! Giàu - sang, nghèo - hèn, thọ - yểu, cùng, thông, mạng trời chưa hề thiên vị. Cảnh duyên xảy tới như gương hiện bóng. Người trí biết sửa hình dung ngoài gương, kẻ ngu uổng công ghét hình ảnh hiện trong gương. Cảnh nghịch xảy đến bèn thuận chịu mới là vui theo mạng trời. Chẳng oán chẳng hờn mới hòng lập mạng. Con có bốn nhân: Một là báo ân, hai là báo oán, ba là trả nợ, bốn là đòi nợ.

1) Báo ân là cha mẹ sanh con, đời trước có ân với nó, nên để báo ân bèn sanh vào làm con hòng hầu hạ, phụng dưỡng, sống thờ chết chôn, khiến cho lúc sống thì cha mẹ vui vẻ, lúc mất bèn thờ cúng. Thậm chí tận trung với vua, yêu dân, danh lưu sử xanh, khiến thiên hạ hậu thế do kính người ấy bèn kính trọng cả cha mẹ. Như ông Tăng Lỗ Công, Trần Trung Tú, Vương Quy Linh, Sử Đại Thành (Ba vị Tăng, Trần, Vương đều là danh thần đời Tống, ông Sử là trạng nguyên đầu đời Thanh. Bốn vị đều tin Phật, chỉ mình ông Trung Tú ngộ nhập rất sâu, bởi đời trước từng là cao tăng, nên dẫu có địa vị cao vẫn không quên nhân gốc). Con hiếu cháu hiền đời này đều thuộc về loại này.

2) Báo oán là cha mẹ đời trước phụ ơn. Để báo oán bèn sanh vào làm con. Nhỏ thì ngỗ nghịch mẹ cha, lớn lên gây họa vạ lây cha mẹ. Sống chẳng phụng dưỡng ngọt bùi, chết đi mang nhục nơi chín suối. Lại quá mức đến nỗi con giữ ngôi vị oai quyền, mưu mô trái lẽ, diệt môn sát tộc, quật mồ cuốc mả, khiến thiên hạ hậu thế thóa mạ kẻ ấy lẫn cha mẹ. Như Vương Mãng, Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Cối v.v… là loại này.

3) Trả nợ là con đời trước đoạt của cha mẹ, nay để đền nợ bèn sanh vào làm con. Nếu mắc nợ nhiều thì có thể sống với cha mẹ suốt đời. Nếu nợ ít, chẳng tránh khỏi giữa đường chết mất. Như học sắp thành danh bèn táng mạng, buôn bán vừa có lời bèn mất thân.

4) Đòi nợ là cha mẹ đời trước mắc nợ tiền tài của con; để đòi nợ ấy nó bèn sanh vào làm con. Nợ nhỏ uổng phí lễ vật[12], tiền sính lễ mời thầy, cưới vợ cùng răn dạy đủ cách, mong con thành tài, nhưng đại hạn đã tới, chợt chết mất đi. Nợ nhiều thì chẳng phải chỉ vậy, ắt phải táng gia bại sản, nhà tan người chết mới thôi.

Xét kỹ con ông, e rằng là hạng đến để đòi nợ. May là nợ ít nên vừa qua tuổi nhược quan (20 tuổi) liền mất. Hãy nên sám hối túc nghiệp, nỗ lực siêng tu, trời ắt ban cho ông đứa con tốt lành, rỡ ràng nhà cửa. Huống chi Khổng Tử là bậc thánh nhân, tuổi trung niên chôn con, Nhan Uyên là bậc đại hiền, đang tuổi tráng niên chết yểu. Nguyên Hiến nghèo rớt, Tử Lộ tuẫn nạn, Di Tề chết đói nơi Thủ Dương[13], Bá Ngọc cùng quẫn nơi nước Vệ. Há có thể nói là thánh nhân do tu đức mà bị trời khiển trách ư? Hay là sanh tử hữu mạng, phú quý tại trời ư? Chỉ trách đức mình chẳng chân thành, chớ hỏi trời báo họa phước! Làm được như thế, tự nhiên ngũ phước lâm môn[14], lục cực[15] quyết định tránh khỏi nhà mình. Cho lời tôi nói không đáng tin thì kìa như vầng dương sáng chói: Phải biết người sống trong thế gian có đủ tám khổ, dẫu sanh lên trời chưa khỏi ngũ suy[16]. Chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới không có các sự khổ, chỉ hưởng những sự vui.

Chẳng phải là do ông đề xướng, chỉ dạy Tịnh Độ mà trời bèn dùng đứa con vô phước, vô thọ làm một nhát kim đâm vào đảnh đầu ông khiến cho ông biết ba cõi không yên, khác nào nhà lửa, các khổ dẫy đầy, thật đáng kinh sợ hay sao? Mạng người vô thường, nhanh như ánh chớp, đại hạn xảy tới, ai lo phận nấy. Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng. Với điều này còn không tỉnh ngộ, dốc sức tu tịnh nghiệp thì khác gì gỗ đá vô tình cùng sanh trưởng trong vòng trời đất. Là trang nam tử có huyết tánh, há chịu sống làm thây đi thịt chạy, chết mục nát cùng cỏ cây, đề cao thánh cảnh nhưng tự mình lại chịu phận phàm ngu, gặp lời cảnh sách lớn lao chẳng phát phẫn, nghe đạo của thánh hiền, Phật, Tổ lại chẳng chịu hành, ấy là trời phụ người hay người phụ trời vậy? Xin hãy rủ lòng dùng trí huệ quán sát.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây