Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 34: [THƯ 34]:Thư gởi sư Khang Trạch

Quang tôi túc nghiệp sâu nặng, hiện hạnh yếu kém, dẫu [bế quan tu luyện] trường kỳ trọn chẳng tiến bộ; vọng niệm nhiều hơn Phật niệm, nghiệp thức chướng lấp tri thức. Phật từ thấm khắp mà tôi vẫn chẳng thể được lợi ích. Mỗi lần nghĩ đến lại hổ thẹn khôn ngằn. Dù Phật chẳng nhiếp thọ kẻ dối trá đi nữa, Quang tôi ắt phải đến chết mới cam lòng thất bại (Nguyên văn: “dĩ tử kỳ bại liệt”. Đây là phương ngôn của người phương Bắc. Liệt là công oanh liệt, Bại là bại hoại (thua chết), như Trương Tuần giữ Duy Dương, thề phá giặc công lao oanh liệt, lấy cái chết làm hạn, quyết chẳng thất bại. Nếu không chết quyết định phải thành tựu công lao oanh liệt ấy. Nếu chết mới chịu thất bại. Đây là thành ngữ người phương Bắc thường dùng, người phương Nam chưa từng nghe đến nên phải ghi ý nghĩa này ở đây), buồn thương cầu gia bị; dẫu nay chưa được gia bị, nhưng rốt cuộc cũng có ngày được gia bị. Nay tôi tính từ ngày Ba Mươi theo đại chúng đón năm mới, đến ngày mồng Một bèn lại bắt đầu kỳ [bế quan] cho đến khi Hòa Thượng thoái ẩn mới thôi, lại định chương trình cho sau này, quyết định phải tâm tương ứng Phật, mới hơi yên dạ.

Hiện thời, pháp đạo ngày càng thấy suy đồi, nghiêng ngửa, sự thể sau này chẳng đành lòng nói đến! Hãy nên dốc sức niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ngõ hầu chẳng uổng công xuất gia tu hành. Nếu không, e rằng sau này muốn tu hành cũng không chỗ nào tu được. Dẫu muốn cầu pháp cũng chẳng có pháp gì để cầu. Biết làm sao đây? Trong kỳ hạn [bế quan] sẽ đem Vô Lượng Thọ Kinh Sớ đọc kỹ hai lần. Phần huyền đàm phán định chung của bản sớ này tuy chẳng bằng tông Thiên Thai, nhưng phần giải thích kinh văn, ý nghĩa thật rõ ràng, không thể không xem! Đọc Quán Kinh Sớ ba lượt. Hòa thượng Thiện Đạo chuyên lấy sự tướng bình thường thực tiễn của pháp môn để tiếp dẫn phàm phu đời Mạt, chẳng dùng đến những pháp môn huyền diệu quán tâm ước giáo, có thể nói là lòng từ bi đến mức cùng cực không gì hơn được nữa! Ấy là vì nghiệp thức chưa tiêu, tam-muội chưa thành, dẫu có bàn đến lý tánh, cũng trọn thành bánh vẽ!

Lại vì cổ nhân nghe nói đến lý tánh, “ngay nơi bản thể chính là” liền tiến triển thật nhanh, người đời này nghe đến những lời lẽ ấy bèn vứt bỏ đạo nghiệp, chỉ muốn mặc tình mặc sức coi nghiệp thức mờ mịt là thiên chân! Sách này trong nước, ngoài nước sao lục, biên chép sai lầm nhiều quá đỗi. Những chỗ ông Dương Nhân Sơn chấm câu để đọc đều thích đáng, còn như việc giảo chánh những chỗ sai lầm cũng chỉ là đối chiếu cho có lệ, chưa hoàn toàn chỉnh hết những sai ngoa. Đối với những bản Di Đà Sớ Sao đã khắc, Quang chẳng ngại mắc tội, đại lược đính chánh. Biết nỗi lòng đau đáu của ngài Thiện Đạo càng thêm thân thiết, nhưng chẳng dám được xem như ông Dương và những vị hoằng pháp đương thời. Nếu bọn họ xem đến lại khác nào như [tôi] công khai nhục mạ người thông minh. Đọc Vãng Sanh Luận Chú một lượt, văn nghĩa hiển lộ, rộng rãi, thẳng tắt, trên thật sự có thể kế tục ngài Khuông Lô, dưới có thể dẫn khởi các vị Thiên Thai, Tây Hà, Trường An[67] v.v... hãy nên đọc kỹ. Những chữ sai lầm trong ba bộ sách ấy đều ghi bên trái mỗi dòng[68], đợi đến hết kỳ hạn [bế quan] mùa Xuân năm sau sẽ trình cho thầy rõ.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây