ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Bất Huệ học Nho không xong, học Phật chẳng thành, lìa quê cũ đã lâu, muốn quay về nhưng chưa được. Mỗi phen tự xét, thẹn thùng không biết ẩn vào đâu. Chợt tiếp được thư ông, khác nào gặp lại cố nhân, nhưng trong thư khen ngợi quá lẽ, khiến người như phải chịu búa rìu. Sau này có viết thư, xin chớ dùng lời khách sáo ấy nữa! Được gặp mặt lệnh huynh Chi Phân hôm mười bốn tháng Bảy, nhân đấy hỏi thăm chuyện tu trì, gia cảnh cư sĩ. Ông ta cho biết cư sĩ cật lực làm lành, đạo niệm ngày càng tăng trưởng, nhưng gia đình bất hạnh, lệnh lang[7] mất sớm, hai cháu còn thơ, khá đáng ưu tư. Tôi nghe xong khôn ngăn thở dài, phải biết: Cảnh nghịch xảy đến hãy thuận theo mới gọi là “vui theo mạng trời”.Tu thân trồng đức mới là “tận tánh”. Đời có kẻ ngu, chẳng biết thiện - ác đời trước, chỉ nhìn chuyện tốt - xấu trước mắt, thấy làm lành mắc họa bèn bảo “chẳng nên làm lành, làm ác được phước”. Còn nói: “Ác chẳng đáng kiêng”; chẳng biết thiện báo, ác báo chẳng phải một sớm một chiều mà thành, phải do dần dần mà ra. Ví như ba thước băng há do một ngày lạnh bèn có thể ngưng đọng, nước trăm sông ngập tràn há vì trời nóng một bữa liền tiêu được ư? Chớ nên oán trời trách người, do dự, ngã lòng, hối hận. Hãy nên học theo Du Tịnh Ý tu thân, học theo Viên Liễu Phàm lập mạng, sẽ thấy hai cháu thành đạt, sẽ thấy sanh nhiều con quý[8]. Còn như việc trùng tu chùa Hoa Nghiêm, thật không công đức nào lớn bằng, nhưng ở chốn núi sâu, quyên mộ khó lắm, chỉ nên tùy duyên, chớ nên miễn cưỡng. Có chánh điện để thờ Phật, có liêu phòng để an thân, có chỗ để hành đạo, cư ngụ là đủ rồi, cần gì phải dựng nhiều điện vũ, xây nhiều nhà ngang, chẳng lợi ích gì cho mình lẫn người, chỉ nhằm sướng con mắt tục ư? Tạ Hữu tài chí tuy cao, đáng tiếc là chưa gặp được người thông hiểu, tự nói đáng tiếc thời đã qua khó học, chuyên theo cử nghiệp. Nào biết chuyện học thánh, học hiền chẳng có thời mà cũng chẳng có chuyện lỡ thời, mà học [theo thánh hiền] cũng chẳng khó, chẳng dễ. Vì sao nói vậy? Khổng Tử bảy mươi tuổi còn muốn sống thêm vài năm để học Dịch, hòng tránh được lỗi lầm lớn. Há vì từ nghĩa tinh thông bèn vùng vẫy bút mực để hòng được tước vị cao ư? Năm mươi tuổi dốc chí nơi học, bảy mươi tuổi vẫn còn học. Ông ta tuổi gần bốn mươi, há phải đâu là đã quá thời chẳng thể học ư? Đạo Nghiêu Thuấn chỉ là hiếu đễ mà thôi! Cả ngày khắc kỷ, giữ lễ, thiên hạ quy về nhân. Thánh nếu mất niệm sẽ thành cuồng, cuồng mà khắc chế được niệm ắt thành thánh. Trong ấy, há có khó - dễ gì để luận được ư? Tôi nói: Tạ Hữu mà học thì không gì tốt hơn lúc này, có cha mẹ để tận hiếu, có anh em để hết dạ thương yêu, có con cái để giáo huấn, có thi thư để bắt chước theo, thật hợp với đạo “ở nhà mà tham dự quyền chánh trị”[9] của Phu Tử. Lúc này không học thì đúng là lỡ thời khó học vậy. Dẫu cho văn chương quán thế, quan cao nhất phẩm, rốt cuộc vẫn chỉ là người tài khéo cùng cực vi diệu, há nào phải kẻ sĩ hợp thời tận lực học! Do nghe lời Phật bèn ăn chay trường, đủ biết túc căn sâu dầy, nhưng vứt bỏ công sức trước kia, ý muốn xuất gia, đủ thấy đạo nhãn còn mê muội. Như Lai thuyết pháp hằng thuận chúng sanh. Gặp cha nói về Từ, gặp con nói đến Hiếu, ngoài tận hết nhân luân, trong tiêu tịnh lự, ngõ hầu khôi phục chân tâm vốn có. Đấy gọi là đệ tử Phật, nào phải luận trên đầu tóc? Huống chi quê ông ở sâu trong núi thẳm, người biết pháp thì ít, kẻ cao minh vì không thông ngôn ngữ không đến nơi ấy. Nương theo tâm lành ấy dốc tận sức học đạo, tu hiếu đễ để cảm hóa xóm giềng, lập trai giới hòng giết - trộm dần tiêu, nghiên cứu kinh luận Tịnh Độ hòng biết yếu đạo xuất khổ. Thọ trì An Sĩ Toàn Thư sẽ biết khuôn mẫu tốt lành để an cõi đời. Đem pháp môn Tịnh Độ khuyến dụ cha mẹ, đem pháp môn Tịnh Độ dạy cho con và những người thân quen. Phải nên vì sanh tử đại sự mà đau đáu xót thương thân sau. Bất tất phải chọn riêng một chỗ, gia đình chính là đạo tràng, lấy toàn bộ cha mẹ, anh em, vợ con, bằng hữu, thân thích làm pháp quyến, tự hành, dạy người, miệng khuyên, thân làm gương, khiến họ cùng về cõi Tịnh, cùng thoát vòng khổ, đáng gọi là bậc cao tăng để tóc, là Phật tử tại gia vậy! Nên dùng ý thô tệ này để bảo với ông ta. Nếu nghe lời này không phỉ báng, vẫn muốn tiến bước, nhưng đường nẻo chưa dứt khoát được, mà nếu rảnh rang thì chẳng ngại gì đích thân đến Phổ Đà gặp gỡ một phen. Nếu không, chỉ xem Tịnh Độ Thập Yếu và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục sẽ tự biết đường lối, chẳng cần phải nhọc công hỏi ai khác nữa! Lệnh huynh trung hậu có thừa, dường như có duyên với đạo này, hãy khuyên ông ta thọ trì An Sĩ Toàn Thư ngõ hầu chẳng uổng một phen gặp gỡ. Di Đà Sớ Sao, An Sĩ Toàn Thư mỗi thứ một bộ gởi kèm theo thư để kết tịnh duyên. Nam Mô A Di Đà Phật! ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO Ý kiến bạn đọc
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ