Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 21: [THƯ 21]: Thư gởi cư sĩ Vệ Cẩm Châu

Thư gởi cư sĩ Vệ Cẩm Châu(ông này do nhà hàng xóm cháy lan qua, nên nhà cửa, của cải mất sạch, vợ kinh hãi thành bệnh, vì thế tâm thần mê loạn, như say, như cuồng)

Kinh Pháp Hoa dạy: “Ba cõi không yên, ví như nhà lửa. Các khổ dẫy đầy, rất đáng kinh sợ”. Do trời muốn thành tựu người nên có khổ, có vui, có nghịch, có thuận, có họa, có phước, vốn không nhất định. Chỉ cần người trong cuộc có con mắt thông suốt, khéo hiểu ý trời thì không khổ, không vui, không nghịch, không thuận, không họa, không phước vậy! Do vậy, quân tử vui theo mạng trời, trên chẳng oán trời, dưới chẳng hận người, tùy ngộ nhi an, không lúc nào không tự tại tiêu dao. Do vậy, “tố phú quý hành hồ phú quý” (Tố có nghĩa là hiện tại, Hành có nghĩa là thong dong, nhàn hưởng. Hễ giàu thời chu cấp kẻ bần cùng, hễ quý hiển bèn tận trung với vua, yêu dân, tận bổn phận phú quý. Ấy gọi là “tố phú quý hành hồ phú quý”), “tố bần tiện hành hồ bần tiện” (nếu nhà không dư dật, thân chưa làm quan thì giữ khí tiết thanh bần, chẳng dám làm bậy), “tố di địch hành hồ di địch” (nếu tận trung mà bị sàm tấu, bị biếm ra nơi xa, như các vùng Vân Nam, Quý Châu, Lưỡng Quảng, Hắc Long Giang v.v… thì tâm bình khí hòa, chẳng oán vua, chẳng hận kẻ sàm báng, tự sống như người ở nơi ấy), “tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn” (hoặc có thể chẳng những bị biếm truất, lại còn bị xử tội, nhẹ thì đánh đập, giam cầm, nặng thì chém đầu, phân thây, hoặc đến nỗi diệt môn, vẫn chẳng oán vua, chẳng hận gian đảng, cũng như chính mình đáng bị như thế. Đối với hoạn nạn do người gây ra còn như thế, huống chi những hoạn nạn do trời giáng xuống, há oán hận ư? Người như vậy được người yêu thương, trời hộ trì, trong đời này hoặc trong đời sau hoặc là đời con cháu quyết định được hưởng phước báo vô cùng để xứng với đức ấy). Cư sĩ tuy có tư chất ham làm lành, nhưng chưa rõ lý tột cùng của Nho và Phật; vì thế, vừa gặp nghịch cảnh bèn đâm ra cuồng loạn. Nay tôi khuyên rằng: Rộng dày, cao minh nhất trong thế gian không gì hơn thiên địa, nhật, nguyệt. Mặt trời đứng bóng rồi chênh; trăng tròn rồi khuyết, bờ cao thành hang, hang sâu thành vách núi, biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển xanh.

Xưa nay người đạo cao đức trọn vẹn nhất không ai bằng Khổng Tử, thế mà còn bị tuyệt lương nơi đất Trần, bị vây nơi đất Khuông, chu du liệt quốc, rốt cuộc không gặp được minh quân, chỉ có một người con, tuổi mới năm mươi liền bị chết mất; may còn một cháu nối dõi. Tính trở xuống thì Nhan Uyên đoản mạng, Nhiễm Bá Ngưu[1] cũng đoản mạng, Tử Hạ [2]bị mù, Tả Khâu Minh[3] cũng bị mù, Khuất Nguyên tự trầm dưới sông (Khuất Nguyên tận trung bị gièm, sau Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt giữ, khôn ngăn ưu phẫn, không làm gì được, ngày mồng Năm tháng Năm tự trầm nơi sông Mịch La), Tử Lộ[4] bị bằm vụn (chữ 醢 đọc là Hải, có nghĩa là thịt làm thành mắm. Tử Lộ làm quan nước Vệ, Vệ Khoái Quý và con toan chiếm nước. Tử Lộ bị chết trong nạn ấy, bị quân địch băm vụn ra).

Thiên địa, nhật nguyệt còn chẳng thể thường hằng bất biến, đại thánh đại hiền cũng chẳng thể chỉ có thuận không nghịch; chỉ vui theo mạng trời thì không chuyện gì chẳng an vui, lại được trăm ngàn đời sau, từ thiên tử cho đến thứ dân, không ai không ngưỡng mộ. Nếu luận theo tình cảnh khi ấy, tợ hồ họ vô phước; nhưng nếu luận trên mức độ được truyền tụng hậu thế thì không ai phước bằng được họ! Người sống trong thế gian, nghĩ ngàn lối, tính muôn bề, đặt bày mọi cách, xét đến rốt ráo chẳng qua là để nuôi thân miệng, để lại của cải cho con cháu mà thôi. Nhưng thân thì vải thô cũng đủ che mình, cần gì phải lụa, là, the, đoạn? Miệng thì canh rau đủ nuốt trôi cơm, cần gì phải cá thịt, hải sản? Con cháu thì hoặc là đọc sách, hoặc cày ruộng, hoặc buôn bán tự nuôi được thân, cần chi phải giàu có trăm vạn?

Vả nữa, từ cổ đến nay, những kẻ mưu cầu phú quý muôn đời cho con cháu ai bằng Tần Thủy Hoàng, thôn tính lục quốc, đốt sách, chôn học trò, thâu binh khí thiên hạ đúc thành chuông lớn, không chuyện gì chẳng nhằm làm cho nhân dân ngu yếu chẳng thể nổi dậy. Nào biết Trần Thiệp vừa khởi, quần hùng đua nhau, sau khi nhất thống chưa đầy mười hai mười ba năm bèn đến nỗi thân chết nước tan, con cháu bị giết sạch hết, khác nào cắt cỏ trừ rễ, nào còn sót gì? Đấy là muốn cho con cháu yên vui, lại đến nỗi làm chúng mau chết sạch!

Thời Hán Hiến Đế, Tào Tháo làm Thừa Tướng, chuyên đoạt uy quyền, những việc hắn làm không gì chẳng nhằm làm suy yếu quyền thế nhà vua, tăng thêm quyền lực cho bản thân; muốn khi mình chết đi, con mình sẽ làm vua. Kịp đến khi chết đi, Tào Phi bèn soán ngôi, xác cha chưa liệm, Tào Phi đã dời hết cả phi tần đưa sang cung mình. Tháo chết đi, mãi mãi đọa trong ác đạo, đến hơn một ngàn bốn trăm năm sau, nhằm đời Càn Long nhà Thanh, tại Tô Châu có người giết heo, moi gan phổi ra, thấy đề hai chữ Tào Tháo. Xóm giềng có kẻ trông thấy sợ hãi vô cùng, liền lập tức xuất gia, pháp danh là Phật An, nhất tâm niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương. Chuyện này được ghi trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục.

Ôi! Tào Tháo phí sạch tâm cơ, vì con bày mưu, dù làm hoàng đế nhưng chỉ được bốn mươi lăm năm, nước liền diệt vong. Nhưng hằng ngày cùng Tây Thục, Đông Ngô tranh chấp, có ngày nào được an lạc đâu? Sau đó, như hai nhà Tấn[5], Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy và Lương, Đường, Tấn, Hán, Châu thời Ngũ Đại đều chẳng dài lâu. Tựu trung, chỉ có nhà Đông Tấn dài nhất, cũng chỉ được 103 năm, những triều đại khác hoặc hai ba năm, hoặc tám chín năm, mười, hai mươi năm, bốn mươi, năm mươi năm liền bị diệt vong. Đấy chỉ mới kể những triều đại chánh thống, chứ còn những kẻ chiếm cứ bừa bãi, tiếm xưng ngụy quốc, số lượng càng nhiều, thời gian tồn tại càng ngắn hơn nữa. Xét đến cái tâm ban đầu, không ai không muốn cho con cháu được phú quý, tôn vinh; nhìn vào hiệu quả thật sự, trái lại khiến cho con cháu gặp phải kiếp nạn tru lục, diệt môn tuyệt hộ! Dù quý như thiên tử, giàu khắp bốn biển, còn chẳng thể khiến cho con cháu đời đời hưởng phước, huống hồ kẻ phàm phu hèn mọn. Từ vô lượng kiếp đến nay đã tạo ác nghiệp dầy hơn đại địa, sâu quá biển cả, há có thể giữ cho gia đạo thường hưng thạnh, có phước không tai ương được ư?

Phải biết vạn pháp trong thế gian đều là hư giả, trọn không chân thật, như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng, như sương, như chớp, như ánh trăng trong nước, như hoa đốm trên hư không, như ánh nước gợn khi trời nắng, như thành Càn Thát Bà (Phạn ngữ Càn Thát Bà, Hán dịch là Tầm Hương, chính là nhạc thần của Thiên Đế, thành của họ huyễn hiện, không thật. Thế tục thường gọi là “thẩn lâu hải thị” (lầu sò chợ biển) chính là nó đấy). Chỉ một niệm tâm tánh của chính mình hằng cổ hằng kim, chẳng biến, chẳng hoại. Dẫu không biến hoại nhưng thường tùy duyên. Hễ ngộ tịnh duyên bèn thành Thanh Văn, thành Duyên Giác, thành Bồ Tát, thành Phật. Do công đức có cạn - sâu nên quả vị có cao - thấp. Hễ mê nhiễm duyên bèn sanh lên trời, sanh trong nhân gian, đọa vào Tu La, đọa trong súc sanh, đọa vào ngạ quỷ, đọa xuống địa ngục. Do tội - phước có nặng - nhẹ nên khổ - vui có dài - ngắn. Nếu là người không biết Phật pháp thì không biết phải nên làm như thế nào.

Ông đã sùng tín Phật pháp, sao chẳng do nghịch cảnh này, thấy thấu suốt tướng thế gian, bỏ duyên mê nhiễm, ngộ theo tịnh duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương? Từ đây vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi lục đạo, cao chứng quả vị Tứ Thánh. Há chẳng phải là nhân họa nhỏ này mà thường hưởng phước to ư? Lại mịt mờ chẳng rõ, như say, như cuồng. Nếu như lo nghĩ quá độ, đến nỗi táng thân mất mạng sẽ bao kiếp dài lâu khó thoát khỏi luân hồi, lại còn vợ yếu con côi lấy gì tự lập? Vốn muốn tự lợi, lợi người, lại trở thành tự hại, hại người (chữ “người” ở đây chỉ vợ con). Sao lại ngu si đến nỗi như thế?

Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.Bồ Tát sợ gặp ác quả nên đoạn trừ sẵn ác nhân. Do vậy, tội chướng tiêu diệt, công đức viên mãn, mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Chúng sanh thường gây nhân ác, muốn tránh quả ác, như dưới mặt trời toan trốn bóng, uổng công nhọc nhằn rong ruổi! Thường thấy kẻ ngu vô tri vừa làm chút điều lành nhỏ nhoi bèn mong phước to, vừa gặp nghịch cảnh bèn nói làm thiện mắc họa, không có nhân quả. Từ đó, lui hối cái tâm ban đầu, quay ngược lại phỉ báng Phật pháp, nào biết ý chỉ sâu huyền “báo thông ba đời, chuyển biến do tâm”!

“Báo thông ba đời”có nghĩa là đời này làm thiện, làm ác; ngay đời này được phước, mắc họa, đó gọi là Hiện Báo. Đời này làm thiện, làm ác, ngay trong đời sau hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Sanh Báo. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, ngàn vạn đời, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Hậu Báo. Hậu Báo sớm - trễ không nhất định. Hễ gây nghiệp quyết định không thể không thọ báo.

“Chuyển biến do tâm”là ví như có người tạo ác nghiệp, sẽ vĩnh viễn đọa địa ngục, chịu khổ bao kiếp dài lâu. Về sau, người ấy sanh lòng hổ thẹn lớn lao, phát đại Bồ Đề tâm, cải ác tu thiện, tụng kinh niệm Phật, tự hành dạy người, cầu sanh Tây Phương. Do vậy, đời này hoặc bị người khác khinh rẻ, hoặc bị chút bệnh khổ, hoặc bị bần cùng đôi chút, hoặc gặp hết thảy chuyện chẳng như ý, cái nghiệp vĩnh viễn đọa địa ngục bao kiếp chịu khổ dài lâu đã trót tạo trước kia nay liền tiêu diệt, lại còn có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Kinh Kim Cang dạy: “Nếu có người thọ trì kinh này, bị người khác khinh rẻ là do tội nghiệp đời trước của người ấy đáng lẽ đọa ác đạo, vì đời này bị người khác khinh rẻ nên tội nghiệp đời trước bèn tiêu diệt, sẽ đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.Đấy chính là ý nghĩa “chuyển biến do tâm” vậy.

Người đời vừa gặp chút tai ương, nếu không oán trời thì cũng trách người, trọn chẳng có ý tưởng trả nợ, sanh lòng hối tội. Phải biết: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Trồng cỏ dại chẳng thể được hạt thóc ngon, trồng gai góc mong chi thóc nếp! Làm ác mà được phước là do đời trước tài bồi sâu xa. Nếu không làm ác, phước còn lớn hơn nữa! Ví như con cháu nhà giàu có, ăn uống phung phí, xài vàng như đất, nhưng không đến nỗi đói rét là do vàng nhiều. Nếu cứ ngày ngày như thế, dẫu giàu có đến trăm vạn, chẳng mấy năm sẽ nhà tan người chết, hết sạch sành sanh! Làm lành mắc họa là do tội nghiệp đời trước sâu dày. Nếu không làm lành, tai ương càng lớn hơn. Ví như kẻ phạm tội nặng, chưa kịp xử phạt, lại lập công nhỏ; do công nhỏ nên chưa được tha hoàn toàn, đổi tội nặng thành tội nhẹ. Nếu có thể ngày ngày lập công, do công nhiều thành lớn nên tội hết, được tha miễn. Lại còn được phong hầu bái tướng, thế tập tước vị[6], tồn tại mãi cùng đất nước.

Đại trượng phu sống trong thế gian, nên có tri kiến vượt trội, há để vật ngoài thân phiền lụy, hủy hoại thân mình. Ví như vàng ngọc đầy nhà, cường đạo lại cướp, chỉ nên bỏ đó trốn lẹ, há nên giữ của đợi chết ư? Bởi lẽ vàng ngọc tuy quý, nhưng so với thân mạng vẫn hèn kém hơn! Đã chẳng thể toàn vẹn đôi bề, chỉ có thể bỏ vàng ngọc để toàn thân mạng. Tài vật của ông đã cháy hết, buồn xuông ích gì? Chỉ nên tùy duyên sống qua ngày, dốc hết sức niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì trong đời vị lai, vĩnh viễn lìa khỏi các khổ, chỉ hưởng các sự vui. Như thế thì do nạn lửa này, bèn thành đạo vô thượng. Phải cảm ân, báo đức còn không xuể; há lại oán hận, buồn phiền như thế chăng?

Xin hãy đem lời tôi suy nghĩ cặn kẽ, ắt sẽ được gỡ rối giải thoát. Như vẹt mây mù thấy được mặt trời, từ đây tai ương biến thành người dẫn đường tốt lành, chuyển ngay nóng bức thành mát mẻ. Nếu cứ chấp mê không ngộ, ắt sẽ phát điên phát cuồng, bổn tâm bị mất, tà ma dựa thân, dẫu ngàn đức Phật xuất thế cũng không cách nào giúp được ông!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây