ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Người niệm Phật cũng không phải là không được trì chú, nhưng Chủ và Trợ phân minh thì Trợ cũng quy về Chủ. Nếu cứ tràn lan không phân biệt, coi đều như nhau thì Chủ cũng không phải là Chủ. Chuẩn Đề và Đại Bi nào có hơn, kém; nếu tâm chí thành, pháp nào cũng linh. Tâm không chí thành, pháp nào cũng không linh! Một câu Phật hiệu bao quát trọn vẹn không sót cả Đại Tạng giáo. Người thông Tông, thông Giáo mới có thể thật sự làm người niệm Phật chân chánh. Nhưng người không biết gì, không làm được gì, chỉ cần miệng nói được thì cũng có thể là người niệm Phật chân chánh. Ngoài hai hạng này ra thì chân chánh hay không chân chánh đều là do chính mình có nỗ lực, có y giáo phụng hành hay không? Còn như tu hành Tịnh Độ có lý quyết định không nghi, cần gì phải hỏi đến sự hiệu nghiệm nơi người khác! Dẫu người khắp thế gian đều không có hiệu nghiệm, cũng chẳng sanh một niệm nghi tâm, lấy lời thành thật của Phật, Tổ làm bằng chứng. Nếu hỏi đến sự hiệu nghiệm của người khác tức là chưa tin cùng cực vào lời Phật, phải lấy lời người để quyết định nên thành cái tâm mong ngóng, không thể thành tựu. Làm thân nam tử anh hùng, tráng liệt trọn chẳng đến nỗi bỏ Phật ngôn để tin lời người khác, tâm mình vô chủ, chuyên muốn lấy sự hiệu nghiệm của người ta để hướng dẫn tiền đồ, chẳng đáng buồn ư? Tùy Tự Ý tam-muội chính là đường tu chung từ phàm đến thánh, tuy nói là Sơ Tâm Bồ Tát bao gồm hết thảy phàm phu, nhưng thật ra là hạng Sơ Trụ Bồ Tát phát trọn vẹn ba tâm, tam đức viên chứng trong Viên Giáo (nếu ước theo Biệt Giáo thì là Sơ Địa): Do lấy phát Lý tâm làm chánh nhân nên chứng Pháp Thân đức, do phát Huệ tâm làm liễu nhân nên chứng Bát Nhã đức, do phát thiện tâm làm duyên nhân nên chứng Giải Thoát đức. Vì thế có thể hiện thân mười pháp giới ứng khắp mọi căn cơ trong mười phương thế giới, thượng cầu hạ hóa; ông lại nói Sơ Phát Tâm chỉ là kẻ sơ phát tâm vừa mới phát tâm tu hành thôi ư? Ông thấy Kim Luân [chú pháp] đã dạy “ngộ pháp Nhị Không chứng lý Thật Tướng”liền hớn hở, vui mừng, bèn muốn gánh vác; Quang sợ ông bị ma dựa, nên trình bày rõ thân phận khiến cho ông trọn chẳng còn lầm lạc nữa. Ngộ pháp Nhị Không, chứng lý Thật Tướng chính là thân phận của Sơ Phát Tâm Bồ Tát vậy! Pháp được giảng trong sách ấy phàm phu đều có thể y theo đó để tu trì, nhưng đừng hiểu thân phận được sách nhắc đến là phàm phu [thật sự]! Thanh Văn, Duyên Giác có đại thần thông còn chẳng thể đạt đến, huống gì phàm phu! Lúc khắc in riêng sách ấy nên xem kỹ: 1) Vô trụ sanh tâm. 2) Chẳng trụ vào pháp để hành bố thí. 3) Tam luân thể không. 4) Ý nghĩa nhất đạo thanh tịnh. (Bốn câu này là cương yếu của Phật pháp, người xem kinh tu hành phải nên biết) thì sẽ được thông hiểu lớn lao! Quang muốn đem những nghĩa này làm thành bài tụng để người xem đến biết được cương yếu. Đã bàn cùng Úy Như nhưng bận rộn lắm việc chưa thể rảnh rỗi, phải đợi năm sau. Khắc in Thập Vãng Sanh Kinh[23] và ba thứ Tịnh nghiệp ban đầu trong Quán kinh để lưu truyền trong đời cũng được, tôi đã bảo với Úy Như nhưng chưa rảnh để sửa những chữ sai trong bản ấy, nên đem nguyên bản gởi đi. Chữ cổ tuy không sai, nhưng không nên dùng. Còn như nói quán thân, chẳng quán hết thảy, chỉ quán vô duyên thì vô duyên là Tùy Tự Ý tam-muội, nghĩa là tánh không, vô sở hữu; đã vô sở hữu nên không có gì để vin nắm (phan duyên). Nếu chẳng một nhát dao chặt đôi từ căn bản thì tâm duyên trùng trùng, giải thoát sao được? Mấy lời này giản lược cùng cực, nhưng ý nghĩa sâu rộng. Mong hãy bảo với ông Úy Như. Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3