Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 223: Tự - Quyển 3 - Phần 2 - 28. Lời tựa tái bản cuốn Cách Ngôn Liên Bích

Sở dĩ con người cùng với trời đất xưng là Tam Tài là vì có thể cách vật trí tri, khắc kỷ, giữ lễ để làm sáng tỏ cái Minh Đức, đạt đến chí thiện. Bỏ đi điều này thì chỉ là một phường có huyết khí[11] mà thôi, sao có thể đứng chung với trời đất xưng là Tam Tài cho được? Mạnh Tử cho rằng “Lúc đêm tối không duy trì được đầy đủ những ý niệm trong sạch thì chẳng khác gì cầm thú cho mấy!”[12] Lại còn bảo: “Nguyên do để con người khác với cầm thú rất nhỏ nhặt, kẻ hèn bỏ đi, quân tử giữ lấy”[13].Do vậy biết rằng: Nếu mặc tình phóng túng làm càn làm quấy thì chẳng qua mang danh con người, chứ chẳng khác gì cầm thú, có thể còn kém hơn!

“Cách vật trí tri” chính là tâm pháp được truyền dạy bởi chư thánh. Coi nhân dục (lòng ham muốn của con người) là vật, bởi nó sanh khởi từ ngoại cảnh, ắt phải cách trừ (trừ khử) cho sạch thì lương tri sẵn có trong tâm tánh mới có thể hiển hiện toàn thể. Lương tri đã có thì đức phải sáng. Cách vật và trí tri đều là nhằm để làm sáng tỏ cái Minh Đức! Minh Đức đã sáng thì chính là dùng ý thành tâm chánh để tu thân vậy. Đây chính là chuyện thất phu thất phụ đều có thể làm được! Nếu hiểu “cách vật trí tri” là “thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta đối với cái lý của mọi sự vật trong khắp cùng thiên hạ đến tận cùng” thì đó chỉ là hiểu nơi cành ngọn, không phải là cội gốc. Tuy là thánh nhân vẫn có những điều không thể làm được. Làm sáng tỏ được Minh Đức thì riêng thân mình thiện. Nếu có địa vị hành đạo thì dùng tiên giác để giác ngộ hậu giác, khiến cho thiên hạ cùng thiện. Chúng ta chưa thể trừ sạch lòng ham muốn của con người, [khiến cho] thiên lý lưu hành thì cần phải học biết nhiều về những lời lẽ hành vi của cổ nhân, dùng đó để hướng dẫn tiền đồ, hằng ngày đọc tụng suy nghĩ, cốt sao lỗi càng ngày càng ít, đức càng ngày càng cao cho đến khi đức thuần không còn lỗi mới thôi.

Tăng Tử lúc lâm chung còn nói: “Dè dặt kinh sợ như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng. Từ nay trở đi, ta biết mình mới tránh khỏi được!” Cừ Bá Ngọc năm 50 tuổi, biết 49 năm trước sai trái. Khổng Tử còn buồn bản thân đức chưa tu, học chưa hiểu thấu, nghe được điều nghĩa chưa thể thực hiện, điều bất thiện chưa thể sửa đổi! Đến năm 70 tuổi, còn mong trời cho sống thêm vài năm để học kinh Dịch hòng tránh khỏi lỗi lớn. Tuy nói là dùng thân để thuyết pháp hòng khuyến khích hậu tấn, nhưng thật ra đã thuộc vào công phu cách vật trí tri của thánh hiền, gắng sức không ngơi, không lúc nào nghĩ là đã xong xuôi!

Tiên sinh Kim Lan Sanh ở Sơn Âm[14] thâu thập những câu nói răn nhắc thân tâm của tiên hiền, soạn thành sách Cách Ngôn Liên Bích, khiến cho người học như vào núi báu, tùy ý thu thập. Công ấy quả thật chẳng cạn nhỏ! Cư sĩ Trương Thụy Tăng ở Duy Dương từ nhỏ đã coi sách này là khuôn phép chánh yếu, tiếp đó muốn cho sách được truyền bá rộng rãi cho mọi người, bèn giảo đính tường tận, dùng phương pháp bao biếm khuyên điểm[15], chỉ rõ những điều nào nên bắt chước theo, điều nào nên kiêng tránh, khiến cho người đọc đỡ phí tâm lực vẫn biết được nên chọn lấy và nên bỏ bớt những điều nào. Dụng tâm có thể nói thật là thiết tha. Khắc in xong, nhờ tôi viết lời tựa. Do vậy, tôi bèn lược thuật danh nghĩa của chữ Tam Tài và công phu cách vật trí tri của thánh hiền, nhằm giúp sáng tỏ những điều đã được nói đến trong tập sách này, khiến cho người học nắm được công phu thân thiết để hạ thủ, tiến tu đức chẳng ngơi, đáng sánh cùng trời - đất mới thôi. Người có đủ con mắt ắt chẳng cho lời tôi là trái lẽ, sai bậy vậy!
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây