Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 20: [THƯ 20]: Thư gởi cư sĩ Tâm Nguyện

Tâm là chủ của thân, là tông của muôn pháp. Thuận theo sẽ mau thành Bồ Đề, trái nghịch ắt phải chìm mãi trong sanh tử. Hết thảy chúng sanh mê trái bổn tâm, đuổi theo vọng cảnh, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, luân hồi trong lục đạo, ngụp lặn trong tam giới, trải kiếp dài lâu không thể xuất ly. Ông đã phát tâm quy y Tam Bảo, làm đệ tử Phật, hãy nên phát Tứ Hoằng Thệ Nguyện của Bồ Tát, tự lợi, lợi tha.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Phải biết Tứ Hoằng Thệ Nguyện này chính là thệ nguyện gốc của hết thảy tam thế chư Phật. Hằng ngày, ông khởi tâm động niệm phải hợp với nguyện này. Nếu hợp, hãy mở rộng cho viên mãn. Nếu chẳng hợp, hãy đoạn trừ cho sạch hết. Muốn lợi tha trước hết phải tự lợi. Nếu chính mình không xuất sanh tử trước, sao có thể độ chúng sanh thoát sanh tử? Ví như người đang chết chìm trong biển, chẳng thể cứu người khác bị chết đuối trong biển. Như Lai nói ra vô lượng vô biên pháp môn liễu sanh thoát tử, chỉ có mỗi một pháp Tịnh Độ hạ thủ dễ dàng, thành công cao, dùng sức ít, đạt hiệu quả nhanh. Nếu muốn thành tựu ngay trong đời này mà bỏ pháp này sẽ chẳng có cách nào cả!

Nói đến pháp Tịnh Độ thì phải sanh tín, phát nguyện, niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu quả thật tín nguyện chân thành, khẩn thiết, nhất tâm niệm Phật, đến lúc lâm chung quyết định được Phật tiếp dẫn vãng sanh cõi ấy. Đã được vãng sanh liền tạ từ xác phàm, cao dự dòng thánh, thấy Phật, nghe pháp, chứng Vô Sanh Nhẫn, thần thông, trí huệ chẳng thể nghĩ bàn! Rồi lại nương theo bổn nguyện trở vào Sa Bà, dùng đủ mọi phương tiện độ thoát chúng sanh, như Quán Thế Âm Bồ Tát: Nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy mà thuyết pháp, khiến cho khắp hết thảy chúng sanh đồng thoát sanh tử, cùng thành Phật đạo, rồi mới viên chứng tâm diệu Chân Như chính mình sẵn đủ. Như thế mới là rốt ráo khế hợp Tứ Hoằng Thệ Nguyện của Bồ Tát, với bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật và mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát. Ý nghĩa của Tâm Nguyện là như vậy. Nếu có thể nhìn vào danh nghĩ đến ý nghĩa, ra sức thực hành thì có thể gọi là bậc trượng phu lỗi lạc, sen mọc trong lửa, là con thật sự của đức Như Lai, là đích tôn của Đại Sĩ, hãy gắng lên, hãy cố lên!

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây