ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Người tên X… lên núi, hỏi đến cuộc sống của bà, cho biết: Bà thường ngày đọc Thiền Lục, thường bàn luận công án. Ngu tôi cho rằng: Lúc tuổi già suy, nên siêng niệm Phật, lấy Tịnh Độ làm tông mới có thành tựu thật sự. Xin thử bàn xem: Thiền và Tịnh Độ lý vốn không hai. Nếu luận trên mặt Sự tu thì tướng trạng khác nhau một trời, một vực. Thiền nếu không triệt ngộ triệt chứng sẽ chẳng thể siêu xuất sanh tử. Vì thế, ngài Quy Sơn nói: “Nơi chánh nhân thì có thể đốn ngộ, còn xuất trần phải tiến từ từ theo thứ tự. Nếu đời đời bất thoái thì thành Phật quyết định có kỳ”.Lại nói: “Sơ tâm do duyên đốn ngộ tự tánh, nhưng hãy còn có tập khí từ vô thỉ bao kiếp chưa thể diệt ngay được, nên phải dạy ngươi trừ cho hết hiện nghiệp lưu thức”. Ngài Hoằng Biện[21] nói: “Đốn ngộ tự tánh bằng với chư Phật, nhưng chưa thể nhanh chóng hết sạch tập khí vô thỉ. Cần phải nhờ vào đối trị mới hòng khởi công dụng thuận theo Tánh được, như người ăn cơm chẳng thể ăn một miếng liền no ngay!”Ngài Trường Sa Sầm[22] nói: “Thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng quả Niết Bàn là vì công hạnh chưa bằng với chư thánh vậy”.Do vậy, Ngũ Tổ Giới lại trở thành Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại thành Lỗ Công. Cổ kim tông sư triệt ngộ nhưng chưa triệt chứng phần nhiều như vậy. Ấy là do chỉ cậy vào Tự Lực, chẳng cầu Phật gia bị, Hoặc nghiệp còn mảy may chưa tận thì sanh tử quyết chẳng thể thoát khỏi. Tịnh Độ hễ có đủ ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh liền có thể đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh liền thoát sanh tử, kẻ ngộ chứng bèn mau lên Bổ Xứ, kẻ chưa ngộ cũng chứng A Bệ Bạt Trí (Bất Thoái Chuyển). Vì thế, Hoa Tạng hải chúng đều nguyện vãng sanh; các tri thức bên Tông, bên Giáo cùng sanh Tịnh Độ. Là vì hoàn toàn cậy vào Phật lực, lại thêm tự mình tâm khẩn thiết. Vì thế, được cảm ứng đạo giao; do vậy, mau thành Chánh Giác. Nay tôi vì bà tính toán: Hãy nên gạt bỏ hết Thiền Lục, chuyên tu Tịnh nghiệp. Dùng cái tâm mảy trần chẳng nhiễm trì thánh hiệu vạn đức hồng danh, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, không xen tạp, không gián đoạn. Niệm phải khởi từ tâm, tiếng lọt vào tai, từng chữ phân minh, từng câu chẳng loạn, lâu ngày chầy tháng sẽ tự thành phiến, đích thân chứng Niệm Phật tam-muội, tự biết Tây Phương tông phong. Đấy là đem cái công phu “xoay trở lại nghe nơi tự tánh” của Quán Âm để tu tịnh nghiệp “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì tu Tịnh mà là Thiền, còn gì diệu bằng! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3