Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 35: [THƯ 35]: Thư gởi pháp sư Đế Nhàn[69]

Quang từ khi xuất gia đến nay liền tin một pháp Tịnh Độ. Nhưng do nghiệp chướng ngăn che, đã hai mươi năm, phè phỡn sống thừa, miệng tuy niệm Phật, tâm chẳng nhiễm đạo. Gần đây được pháp sư dạy dỗ, khuyến khích, thệ lập kỳ [tu tập hòng] chẳng phụ tấm lòng đau đáu. Hiềm rằng hôn tán chen lẫn, vẫn cứ lẩn quẩn y như cũ. Nhân đó mỗi ngày đọc hơn mười tờ kinh điển Tịnh Độ để phát khởi tâm thắng tấn.

Thử dùng pháp môn Bảo Vương Tùy Tức[70] liền nhận thấy vọng niệm không còn trào dâng, ồ ạt như trước. Nghĩ tu cách này lâu ngày ắt sẽ có lúc sương tan, mây tiêu, thấy tỏ mặt trời. Lại tra trong sách Lạc Bang Văn Loại, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có chép đoạn này. Nhân đó, hiểu phép Thập Niệm của ngài Từ Vân nhờ vào hơi thở để trói buộc cái tâm, cội gốc là đấy, nhưng Liên Tông Bảo Giám[71] cũng chép cách này. Đủ thấy cổ nhân đã thấy trước cơ nghi của hậu thế, không có cách này chẳng nhập được, bèn lập sẵn pháp ấy. Nhưng cổ nhân không thường đem cách ấy dạy người, bởi căn tánh con người [khi ấy] còn thông lợi, hễ chịu phát tâm bèn tự được nhất tâm.

Nhưng người đời nay như Quang, chướng nặng căn độn, e cả đời chẳng đạt được nhất tâm bất loạn. Vì thế trình bày chuyện mình để hỏi bậc cao minh nên hay không nên, xin bảo rõ cho. Quang lại cho rằng chỉ một pháp này có đủ cả Ngũ Đình Tâm Quán[72]. Nếu có thể niệm Phật theo hơi thở bèn gồm cả hai pháp quán Sổ Tức, Niệm Phật. Nhiếp tâm niệm Phật sẽ có thể dần dần đoạn được nhiễm tâm, sân khuể ắt chẳng lừng lẫy, hôn trầm, tán loạn vừa hết, trí huệ hiện tiền, ngay cả ngu si cũng phá được, lại chính là pháp môn nhiếp trọn sáu căn của ngài Đại Thế Chí. Theo ngu ý cho rằng đối với kẻ niệm Phật hờ hững hiện thời, có lẽ không nên dạy họ tuân theo pháp này; sợ rằng do không nhớ số bèn thành giải đãi.

Có ai chịu bằng lòng tu tập thì nếu không theo pháp này, e chắc chắn khó thành tam-muội. Pháp sư nương nguyện lợi ích người, tuy tự mình chẳng dùng, nhưng nên vì hậu học thử dùng để dạy cho thông sáng về sau. Nếu là kẻ lợi căn, trong một thất, hai thất quyết định được nhất tâm. Như Quang là kẻ hôn ám, độn căn, thô lậu, hèn kém, nghĩ phải mười năm, tám năm thì có lẽ sẽ được bất loạn!

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

Quyển Thứ Nhất

(Phần 2 hết)

 

[1] Nhiễm Bá Ngưu (tên thật là Nhiễm Canh), là người được Khổng Tử ngợi khen về đức hạnh. Khi Nhiễm Canh bị mù, Khổng Tử đến thăm, cầm tay than: “Là số mạng vậy! Người như thế này mà bị mù là vì số mạng vậy!”

[2] Tử Hạ tên thật là Bốc Thương, tự là Tử Hạ. Sau khi Khổng Tử mất, ông lui về Tây Hà dạy học, con chết, ông khóc đến mù mắt.

[3] Tả Khâu Minh: Người thời Xuân Thu, làm quan thái sử nước Lỗ. Ông giám định, nhuận sắc tác phẩm Xuân Thu, nên bản ấy được gọi là Tả Thị Xuân Thu (thường gọi tắt là Tả Truyện). Khi về già, ông bị mù.

[4] Tử Lộ: Tên thật là Trọng Do, tự Tử Lộ, hoặc Quý Lộ, là đệ tử của Khổng Tử, tánh hiếu dũng, thờ cha mẹ rất có hiếu, thường đi đội gạo thuê cả trăm dặm để có tiền phụng dưỡng cha mẹ. Ông là một trong số 24 gương hiếu tử trong tác phẩm Nhị Thập Tứ Hiếu Diễn Ca của Lý Văn Phức. Ông có tài cai trị nên thoạt đầu làm quan nước Lỗ, rồi sang làm quan nước Vệ.

[5] Tây Tấn (266-316) do Tư Mã Viêm thành lập. Đến thời Tấn Nguyên Đế (Tư Mã Duệ), chư hầu nổi dậy, phải dời đô sang Đông gọi là nhà Đông Tấn, truyền đến đời Tấn Phế Đế bèn bị diệt vong (năm 369), vừa đúng 103 năm. Nam Triều: Nhà Lưu Tống truyền được 59 năm (420-478), nhà Tiêu Tề truyền được 23 năm (479-501), nhà Tiêu Lương của Lương Võ Đế truyền được 55 năm (502-556), nhà Trần được 32 năm (557-588), nhà Tùy 29 năm (589-617). Thời Ngũ Đại gồm nhà Hậu Lương truyền được 16 năm (907-922), nhà Hậu Đường 13 năm (923-935), nhà Hậu Tấn 11 năm (936-946) và nhà Hậu Châu 9 năm (951-959).

[6] Thế tập tước vị: Tước vị của cha, con trưởng được kế thừa, thường gọi là Tập Ấm.

[7] Lệnh lang: tiếng gọi tỏ vẻ tôn trọng con trai người khác.

[8] Nguyên văn là “lân nhi” (Con kỳ lân) ví cho đứa trẻ thông minh, giỏi giang.

[9] Ý nói tuy không ra làm quan, vẫn góp phần giúp vua giữ yên đất nước.

[10] Thời Minh – Thanh, trước khi thi Hương, có thêm một khóa thi bổ sung gọi là Lục Di. Ai đỗ khóa ấy mới được vào thi Hương. Mục đích của khóa thi này nhằm loại bớt những sĩ tử kém cỏi.

[11] Tắc là Hậu Tắc, thủy tổ nhà Châu, làm quan coi việc nông thời vua Nghiêu. Ông Khiết là thủy tổ nhà Thương.

[12] Nguyên văn là Thúc Tu (một loại thịt muối), lấy điển tích khi xưa Khổng Tử dạy học, học trò đến học bèn biếu thầy một miếng Thúc Tu để xin nhập môn. Nay dùng chữ Thúc Tu để chỉ quà cáp, lương bổng trả cho thầy để xin cho con được học.

[13] Khi Trụ Vương bị Châu Võ Vương hưng binh tru diệt, nhà Thương mất ngôi; Bá Di, Thúc Tề là con cháu nhà Thương không chịu ăn thóc nhà Châu, nhịn đói đến chết.

[14] Ngũ phước lâm môn: Năm thứ phước vào cửa, tức là phú, quý, thọ, khang, ninh (giàu, sang, sống lâu, mạnh khỏe, yên ổn).

[15] Lục cực: Theo Từ Tỉnh Dân trong bài Nho Học Giải Thuyết thì lục cực là bị vùi dập, bệnh tật, lo buồn, nghèo cùng, bị ghét bỏ và thân thể suy yếu.

[16] Ngũ suy: năm tướng suy hiện ra khi một vị trời sắp hết tuổi thọ, tức là hoa trên mão héo úa, nách rịn mồ hôi, áo quần nhơ nhớp, thân mất vẻ oai nghi có mùi hôi và mắt thường hay chớp, không thích chỗ ngồi cũ của mình hoặc làm những việc thô tháo với ngọc nữ.

[17] Lý Cương, tự Bá Kỷ, người xứ Thiệu Vũ, ra làm quan dưới thời Tống Huy Tông. Trong thời Tĩnh Khang, ông thuộc phe chủ chiến nên bị giáng chức. Khi Cao Tông nối ngôi, ông được triệu ra làm tể tướng. Lý Cương rất tin Phật pháp, đặc biệt hâm mộ kinh Hoa Nghiêm. Ông mất năm Thiệu Hưng thứ 10 (1126), thọ 58 tuổi. Trong cuốn Dịch dữ Hoa Nghiêm đối luận (So sánh kinh Dịch và kinh Hoa Nghiêm), ông viết: “Dịch lập ra hình tượng để diễn đạt ý, kinh Hoa Nghiêm mượn sự để biểu thị pháp. Lý vốn không hai. Thế gian và xuất thế gian cũng không hai đạo. Vì sao vậy? Thiên địa vạn vật, hữu tình không gì chẳng nhiếp!”

[18] Ấp lệnh: người đứng đầu một ấp.

[19] Nguyên văn “Tề Đông dã nhân chi bỉ luận”.Tề Đông Dã Nhân là một thành ngữ , hàm nghĩa những lời đồn đãi không có bằng chứng, toàn là ngoa truyền. Tương truyền, người vùng Tề Đông thường nói những lời không đúng sự thật, thích đồn thổi.

[20] Quan Đông: vùng đất ở phía Đông ngoài Sơn Hải Quan, nay thuộc vùng Đông Tam Tỉnh, tức đất Mãn Châu khi xưa.

[21] Hỗn Nguyên Môn là một thứ tà giáo thời Minh Thanh, vốn là một chi phái của Bạch Liên Giáo. Giáo phái này còn có tên là Hồng Dương Giáo, Nguyên Thuần Giáo, do Hàn Thái Hồ ở Khúc Châu, tỉnh Trực Lệ sáng lập. Giáo này phát triển rầm rộ tại vùng Đông Bắc Trung Hoa. Hàn Thái Hồ sanh năm Long Khánh thứ 4 (1570). Năm Vạn Lịch 16 (1588), ông ta đến núi Thái Hổ ở Lâm Thành thuộc tỉnh Trực Lệ tu hành. Sau ba năm tự xưng đắc đạo sáng lập Hồng Dương Giáo, tôn giáo tổ La Thanh của Vô Vi Giáo làm tổ sư, tự xưng mình chính là hậu thân của La Thanh, mô phỏng bộ La Tổ Ngũ Bộ Kinh để soạn ra Hồng Dương Thán Thế Chân Kinh, tạo thành Ngũ Đại Bộ Kinh của giáo phái mình. Rồi trộm lấy những thần chú, Phật hiệu nhà Phật, sửa chữa, cắt xén tạo thành bộ Tỏa Thích Hỗn Nguyên Vô Thượng Đại Đạo Huyền Diệu Chân Kinh gồm 5 bộ khác nhau, gọi là Tiểu Ngũ Bộ. Năm Vạn Lịch 23, ông ta đến Bắc Kinh truyền giáo. Lúc ấy, triều đình nhà Minh rất sùng bái thuật đồng cốt, họ Hàn bèn kết giao với tổng thái giám. Do vậy, được triều đình phong tặng danh hiệu Hộ Pháp, phong thưởng tước vị. Năm Vạn Lịch 26 (1598), Hàn Thái Hồ chết, chỉ mới 29 tuổi. Giáo đồ nhân đó thêu dệt rất nhiều chuyện để thần bí hóa họ Hàn. Vị thần được giáo phái này tôn sùng nhất là Hỗn Nguyên Lão Tổ (còn gọi là Vô Sanh Lão Mẫu), tất cả các kinh sách của đạo này đều bắt đầu bằng Hỗn Nguyên, Hồng Dương hay Hoằng Dương. Giáo nghĩa chủ yếu của họ là thế giới sắp tận thế, ai tu theo Hồng Dương Giáo sẽ được cứu độ. Vào những ngày đản sanh của Phật, Quán Âm, Địa Tạng, và sáng tồ của đạo hoặc các dịp ma chay, giáo đồ tụ tập cử hành tế lễ, tuyên niệm những bài kinh Hoằng Dương Khổ Công Ngộ Đạo Kinh, Hỗn Nguyên Hồng Dương Lâm Phàm Phiêu Cao Kinh, Hộ Quốc Hựu Dân Phục Ma Bảo Quyển, Thái Sơn Đông Nhạc Thập Vương Bảo Quyển v.v… Các hình thức trị bệnh bằng bùa chú, ban thánh thủy, thánh dược cũng rất thạnh hành. Trong thời vua Gia Khánh, giáo phái này giao tranh khốc liệt với Thiên Lý Giáo nên bị nhà Thanh đàn áp, nên suy yếu dần. Hỗn Nguyên Môn mạnh mẽ trở lại vào thời Quang Tự rồi lại bị suy yếu Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc liệt giáo phái này vào danh sách những tà giáo. Đến nay, ở Trung Hoa Đại Lục vẫn còn một hai nhóm theo giáo phái này.

[22] Ý nói: Cố ý dùng những chữ không đúng chỗ, không thích hợp để làm ra vẻ như đang thuận miệng giảng nói, chứ không phải là do biên soạn ra nên từ ngữ không được trau chuốt, gãy gọn.

[23] Phật sát vi trần kiếp số: Tức số lượng nhiều như số tất cả hạt vi trần trong một cõi Phật.

[24] Hành cước: Thiền khách đi tham học khắp với các bậc tôn túc đã chứng ngộ trong tùng lâm thiên hạ.

[25] Ngộ 悟 (bộ Tâm) là giác ngộ, còn Ngộ 誤 (bộ Ngôn) là lầm lẫn, mê lầm. Ngộ của bọn ma chính là Ngộ (lầm lẫn).

[26] Nguyên văn “Cổ Hồ” là những lái buôn người Hồ. Xưa những người từ Tây Vực, Tân Cương thường vào Trung Hoa buôn bán, người Trung Hoa nhất loạt gọi họ là người Hồ.

[27] Thời cổ dùng thẻ tre làm giấy ghi chép, nên thường có thành ngữ “khánh trúc nan thư kỳ tội” (hết sạch trúc khó chép hết nổi tội)

[28] Ý nói trong nguyên bản có nhiều chỗ dùng lối chữ Thảo để viết tắt, hoặc dùng chữ đồng âm để viết cho gọn (tức là lối Giả Tá). Khi người ta sao lại để in không xét kỹ ngữ cảnh, cứ thay bằng chữ đủ nét tương ứng nhưng không phù hợp ngữ cảnh làm cho sai lạc ý nghĩa.

[29] Lệnh thân: tiếng tôn xưng cha mẹ của người khác.

[30] Chữ Hán ghi là Hoàng Năng 黃能, tổ Ấn Quang chú thích: “Âm Nãi, bình thanh, tức tam túc miết”(đọc là Nãi, đọc thanh ngang, chính là con ba ba có ba chân). Ông Cổn là bố vua Đại Vũ.

[31] Lạc Bang Văn Loại: Tác phẩm này gồm năm quyển do ngài Tông Hiểu (1151-1214) soạn vào đời Nam Tống, hoàn thành vào năm Khánh Nguyên thứ sáu (1200). Nội dung bao gồm các đoạn văn trọng yếu trong các kinh luận liên quan đến Tịnh Độ, cũng như liệt kê tên các trước thuật, thi kệ, truyện ký của chư tổ sư, phân thành mười bốn môn (đề mục), chia thành hơn 220 thiên. Về sau, ngài Tông Hiểu soạn thêm cuốn Tục Biên Lạc Bang Di Cảo để bổ sung.

[32] Pháp Uyển Châu Lâm tổng cộng gồm 100 quyển do ngài Đạo Thế (?-683) soạn vào năm đầu niên hiệu Tổng Chương đời Đường (668). Đây là một loại bách khoa toàn thư vô cùng quý giá về các kinh luận Phật giáo. Ngài Đạo Thế đã dựa theo bộ Đại Đường Nội Điển Mục Lục và Tục Cao Tăng Truyện của anh mình là Đạo Tuyên để biên soạn. Tác phẩm này gồm một trăm thiên, chia thành 668 tiểu loại, trình bày đại lược tư tưởng, thuật ngữ, pháp số v.v… của Phật giáo. Sách dẫn rộng các kinh, luật, luận, ký, truyện (hơn cả bốn trăm thứ). Rất nhiều tác phẩm được Pháp Uyển Châu Lâm nhắc đến nay đã bị thất lạc.

[33] Cách vật trí tri: Theo cách hiểu thông thường của Tống Nho, cách vật trí tri nghĩa là học hỏi nghiên cứu sự vật để hiểu biết thấu đáo. Tổ Ấn Quang giảng câu này phải hiểu là “cách trừ vật dục” (tức trừ khử lòng ham muốn) mới thấu đáo được đạo.

[34] Khuông Lô: Chỉ sơ tổ Tịnh Tông, tức ngài Huệ Viễn. Ngài dựng Liên Xã nơi núi Khuông Lô. Chữ Lô còn đọc là Lư, nên có sách viết là Khuông Lư.

[35] Công Tôn Long (320-250 trước Công nguyên), người nước Triệu, tân khách của Bình Nguyên Quân, chủ trương thuyết hình danh (mọi sự vật tồn tại chỉ do cái tên), mang nặng tính ngụy biện. Tác phẩm đặc trưng của ông ta là Kiên Bạch Luận và Danh Thật Luận. Luận điểm chủ yếu của ông ta là: “Ngựa trắng không phải là ngựa. Vì trắng là màu sắc, ngựa là hình trạng. Ngựa và Trắng chỉ là hai khái niệm độc lập không ăn nhập gì với nhau”. Luận điểm thứ hai là “Kiên bạch thạch tam”: “Kiên (cứng) là tánh, Bạch là màu, Thạch (đá) là hình, ba tướng này cũng là ba khái niệm tách rời nhau, không liên quan gì với nhau, không thể nhận biết đồng thời được”. Từ đó, Công Tôn Long quan niệm vật chất không tồn tại, chỉ thừa nhận quan niệm tinh thần tồn tại, không có sự vật cụ thể. Vì thế, người ta thường dùng từ ngữ “kiên bạch đồng dị” để chỉ luận thuyết của Công Tôn Long. Ở đây, Tổ dùng từ ngữ này hàm ý những luận thuyết của Vương Canh Tâm đều là ngụy biện, biện luận hàm hồ.

[36] Đại A Di Đà Kinh là bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ từ bốn bản nguyên dịch của ông Vương Nhật Hưu đời Tống, ông này có hiệu là Long Thư.

[37] Kinh ở đây chỉ bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của ông Ngụy Thừa Quán được ông Vương Canh Tâm nhuận sắc, phân đoạn. Di Đà Trung Luận là bộ luận nhằm giải thích kinh A Di Đà do Vương Canh Tâm soạn.

[38] Khai Quyền hiển Thật, khai Tích hiển Bổn: Chỉ rõ pháp nào là Quyền (tạm thời, phương tiện), pháp nào là Thật, tức pháp Nhất Thừa. Tích là những gì do Pháp Thân hóa hiện nhằm thích ứng căn cơ, Bổn là Pháp Thân. Bổn còn có nghĩa là địa vị thật sự chứng đắc của một vị Pháp Thân đại sĩ, còn Tích là những gì các Ngài thị hiện nhằm giáo hóa chúng sanh.

[39] Tông Thiên Thai chia toàn bộ kinh điển nhà Phật thành năm bộ phận lớn (ngũ thời) là Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, và Pháp Hoa - Niết Bàn.

[40] Hiếu giáo: Hiếu dưỡng mẹ, dạy dỗ con.

[41] Chỉ nhà in kinh Kim Lăng Khắc Kinh Xứ ở Nam Kinh.

[42] Ý Tổ nói: Trong những phần Ngài đính chánh, đa phần là sửa những chỗ sai thành đúng, còn những chỗ Ngài do hiểu sai nên sửa đúng thành sai, hoặc sửa từ cái sai này sang cái sai khác thì ít.

[43] Theo sách Di Đà Trung Luận, sư Chú Am người xứ Cam Tuyền, Giang Nam, lúc nhỏ tính tình thô lỗ, vô lại, không giữ giới luật, thường sống tại Dương Châu thiền tự, hay cà khịa với vị sư giữ chức Phạn Đầu, chửi bới tục tằn, vô lễ. Trụ Trì quở trách. Về sau, Sư hối cải, bế quan ba năm, chuyên trì chú Đại Bi. Lúc xuất quan, phong cách thay đổi hẳn, khiêm nhường nhũn nhặn, ai trông thấy cũng phải lấy làm lạ, kính ngưỡng. Bất cứ sách vở thế gian, kinh điển nhà Phật nào, ngay cả những thứ tiểu thuyết nhảm nhí chẳng cần đem sách lại, hễ hỏi đến Sư bèn đọc ra thông suốt.

[44] Pháp sư Hội Tánh nói: Khi in Ấn Quang Văn Sao, tên ông này bị ghi sai, đúng ra phải là Thản Cư.

[45] Nguyên văn là Tập, các tác phẩm cổ điển của Trung Hoa được chia thành bốn loại lớn: Kinh, Sử, Tử, Tập. Tập chính là các tác phẩm, thi tập của những văn nhân, thi sĩ nổi tiếng.

[46] Từ Vân Sám Chủ: tức ngài Tuân Thức (964-1032), cao tăng đời Tống, người huyện Lâm Hải, Thai Châu (nay thuộc tỉnh Chiết Giang), họ Diệp, tự Tri Bạch. Xuất gia năm 18 tuổi với ngài Nghĩa Toàn của tông Thiên Thai, 20 tuổi thọ Cụ Túc Giới. Lúc đầu, Ngài chuyên học Luật, từng đốt một ngón tay trước tượng Phổ Hiền Bồ Tát để cúng dường, thề hoằng dương giáo pháp Thiên Thai. Ngài lãnh hội sâu xa giáo nghĩa Thiên Thai từ ngài Nghĩa Thông chùa Bảo Vân. Ngài giảng rất nhiều kinh, như Pháp Hoa, Duy Ma, Niết Bàn, từng nhóm tăng chúng chuyên tu Tịnh nghiệp. Ngài chuyên giảng kinh, tu sám ở vùng Hàng Châu, Tô Châu, học chúng rất đông hơn ngàn người. Đời Tống Chân Tông, năm Càn Hưng nguyên niên (1022), ngài được vua ban hiệu là Từ Vân. Dưới ảnh hưởng của Ngài, giáo điển của Thiên Thai Tông đã được đưa vào Đại Tạng Kinh thời Tống. Hầu như đối với kinh nào Ngài cũng soạn sám nghi nên được xưng tụng là Bách Bổn Sám Chủ, hoặc Từ Vân Sám Chủ, Từ Vân Tôn Giả, Linh Ứng Tôn Giả, Thiên Trúc Tôn Giả (vì cuối đời Ngài trụ tại chùa Thiên Trúc). Tác phẩm Tịnh Độ Sám Nghi của Ngài được đặc biệt lưu truyền rộng rãi. Ngài mất năm Đạo Nguyên nguyên niên (1032) đời Tống Nhân Tông, thọ 67 tuổi.

[47] Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh nói: “Lớn tiếng niệm Phật, tụng kinh, có mười thứ công đức: Trừ được buồn ngủ, thiên ma kinh sợ, tiếng vang khắp mười phương, tam đồ dứt khổ, tiếng bên ngoài chẳng lọt vào, tâm chẳng tán loạn, dũng mãnh tinh tấn, chư Phật hoan hỷ, tam-muội hiện tiền, vãng sanh Tịnh Độ”.

Kinh Lễ Phật Công Đức Nghiệp Báo Sai Biệt nói: “Lễ Phật một lạy thì từ đầu gối xuống đến Kim Cang Tế, mỗi một hạt bụi là một ngôi Chuyển Luân Vương, được 10 thứ công đức: được diệu sắc thân, nói ra người khác tin tưởng, ở trong chúng không sợ hãi, được Phật hộ niệm, có đại oai nghi, mọi người thân cận, chư thiên kính yêu, có đại phước đức, mạng chung vãng sanh, mau chứng Niết Bàn”.

[48] Sách Luận Ngữ Kim Giải giảng câu này có nghĩa là: Người quân tử nhằm bồi dưỡng học vấn của chính mình nên nỗ lực học tập.

[49] Tức cư sĩ Từ Úy Như, người in Ấn Quang Văn Sao lần đầu.

[50] Âu là Âu Dương Tu (1007-1072) là một văn gia kiêm sử gia thời Tống. Ông này đã viết Bản Luận gồm ba thiên cực lực bài xích tư tưởng Phật giáo. Lúc biên soạn Tân Đường Thư và Tân Ngũ Đại Sử, ông ta còn cắt bỏ hơn 200 bài ký sự về Phật giáo. Sau này, về già, ông lại trở thành tín đồ Phật Giáo. Còn họ Hàn chính là Hàn Dũ (768-824), hiệu là Xương Lê, văn nhân thời Đường, cực lực báng Phật, đòi đốt kinh Phật, dẹp chùa, đuổi Tăng về làm dân.

[51] Lỵ mỵ võng lượng: Lỵ mỵ (Lỵ đúng ra phải đọc là Si) là loài quỷ trong núi sâu, võng lượng là loài quỷ trong rừng. Nói chung, lỵ mỵ võng lượng là các loài quỷ quái do sơn thần, thủy tinh biến hiện hại người.

[52] Dịch là một loại cờ vây. Mạnh Tử nói Dịch Thu là một người thời cổ do giỏi đánh cờ vây mà mang tên là Dịch Thu. Trong sách Mạnh Tử, thiên Cáo Tử, có chép: “Phàm phu học nghề đánh cờ vây là nghề mọn, chẳng chuyên tâm dốc chí sẽ không học được. Dịch Thu là người giỏi cờ vây nhất nước. Nếu Dịch Thu dạy hai người, một người chuyên tâm dốc chí, chỉ lắng nghe Dịch Thu; người kia tuy nghe Dịch Thu nói nhưng lại nghĩ có con chim hồng hộc bay tới, mình sẽ giương cung bắn. Tuy là cùng học, kết quả lại chẳng giống nhau!”

[53] Nhị Không: Ngã Không và Pháp Không.

[54] Hiền khế: tiếng gọi tỏ vẻ trân trọng bạn hữu.

[55] Phục đoạn: Khuất phục, đè nén chứ chưa đoạn trừ cội rễ.

[56] Bàng cư sĩ tên là Bàng Uẩn, tự Đạo Huyền, người xứ Hành Dương, học Nho, từ nhỏ đã ngộ trần lao, chí cầu xuất thế. Năm đầu niên hiệu Trinh Nguyên (785) đời Đường, tham yết sư Thạch Đầu, hỏi: “Chẳng cùng vạn pháp làm bạn thì là ai?” Thạch Đầu lấy tay che miệng. Đột nhiên Bàng Uẩn hơi tỉnh ngộ, sau tham yết Mã Tổ, hỏi lại câu trên đây. Mã Tổ đáp: “Đợi khi nào ông một hơi uống cạn nước Tây Giang sẽ bảo cho ông biết”,ngay khi đó bèn đốn ngộ huyền chỉ. Khi cư sĩ sắp nhập diệt, bảo với con gái là Linh Chiếu: “Huyễn hóa không thật, tùy ngươi duyên theo. Hãy ra ngoài xem mặt trời, khi nào đúng Ngọ bảo cha!” Linh Chiếu ra khỏi cửa, trở vào bảo: “Mặt trời đứng bóng rồi lại chênh, hãy ra xem thử!” Cư sĩ ra cửa xem, Linh Chiếu bèn lên tòa của cha, chắp tay qua đời. Cư sĩ cười: “Con ta lanh lẹ quá!” Bèn dời ngày chết lại bảy hôm. Người đứng đầu vùng ấy là Vu Công Đốn đến hỏi thăm, cư sĩ nói: “Chỉ nguyện không vô sở hữu, chớ đừng mọi thứ đều thật, chẳng phải không! Khéo trụ trong thế gian, đều như bóng, như tiếng vang”. Nói xong, tựa đầu vào gối ông Vu, qua đời.

[57] Phóng thí: tức trung tiện (break the wind, passing gas)

[58] Theo Tử Bách Lão Nhân Tập, quyển 22, vị Tăng này chính là Nhất Am thiền sư sống vào thời Gia Tĩnh (1522-1566) nhà Minh.

[59] Trong Mật Tạng, có nói những bài chú nếu gió thổi qua người trì tụng chạm vào người khác, người khác cũng được lợi ích. Như chú Đại Tỳ Lô Giá Na Quán Đảnh, tụng vào cát đem rải lên xương người chết, người chết cũng được giải thoát.

[60] Ở đây Pháp Số chỉ những sách chuyên giải nghĩa những thuật ngữ Phật giáo như Tam Quy, Ngũ Giới, Tâm Vương, Tâm Sở, Ngũ Trụ, Tứ Đảo v.v…

[61] Hai vị ở đây là Liên Trì và U Khê đại sư (tác giả Di Đà Viên Trung Sao)

[62] Gọi là thô trì vì chỉ mới giữ được giới tướng trên mặt sự tướng, chưa lãnh hội được giới thể.

[63] Ý nói nghe tin đồn rồi tin tưởng như chính mắt mình thấy.

[64] Tân La (Silla) một vương quốc cổ ở Đại Hàn. Cùng với Cao Câu Ly (Koguryo) và Bách Tế (Pakje) hợp thành thế chân vạc, sử Triều Tiên gọi là Tam Quốc thời đại.

[65] Lawo hoặc Lavo là một vương quốc cổ của người Mon-Khmer, nay thuộc tỉnh Lobpuri của Thái Lan (thành phố Lobpuri có tên xưa là Lavo). Sau khi vương quốc Ayuthaya thành lập, Lavo trở thành kinh đô thứ hai. Siam được phiên âm sang tiếng Hán là Tiêm, nhưng ta thường đọc là Xiêm.

[66] Tích là tích trượng, cây gậy có những vòng sắt để vị Tăng cầm đi đường hoặc khất thực. Trụ tích là ở lại một nơi nào đó tu hành.

[67] Thiên Thai là ngài Trí Giả, Tây Hà là ngài Đạo Xước, Trường An là ngài Thiện Đạo.

[68] Nguyên văn: “Tiêu ư đỉnh cách”. Theo Vương Đồng Ức, “đỉnh cách” là cách viết ghi chú sao cho chữ đầu của mỗi hàng ghi chú nằm đúng ngay bên trái dòng ấy.

[69] Đế Nhàn (1858-1932), danh tăng tông Thiên Thai sống vào cuối đời Thanh cho đến đầu thời Dân Quốc, người Hoàng Nham, Chiết Giang, họ Châu, tên Cổ Hư, hiệu Trác Tam. Thuở bé thấy sa-môn liền vui mừng, lúc trẻ học Y, năm hai mươi tuổi từng nhiều lần thí thuốc cho người nghèo ở Hồ Ấp. Về sau, vợ chết, con mất, bèn bỏ vào núi Bạch Vân, xuất gia với ngài Thành Đạo. Năm 24 tuổi, thọ Cụ Túc Giới ở chùa Quốc Thanh, núi Thiên Thai. Lần lượt học Pháp Hoa, Lăng Nghiêm với các vị Mẫn Hy, Hiểu Nhu, Đại Hải v.v… Năm Quang Tự 12 (1886), được ngài Tích Thụy Dung Tổ truyền pháp, kế thừa tông phong Thiên Thai đời thứ bốn mươi ba. Trước sau ngài bế quan ba lần chuyên tu Thiền Quán. Ngài từng làm trụ trì các chùa Đầu Đà ở Vĩnh Gia, chùa Giới Châu ở Thiệu Hưng, chùa Long Hoa ở Thượng Hải, chùa Quán Tông ở Cẩn Huyện. Ngài giảng kinh thuyết pháp hơn 40 năm. Năm Tuyên Thống thứ 2 (1910), lập Phật Giáo Sư Phạm Học Hiệu ở Nam Kinh, kiêm nhiệm vai trò hiệu trưởng. Năm 1919, lập Quán Tông Học Xá tại chùa Quán Tông. Các vị Thường Tỉnh, Nhân Sơn, Hiển Ấm, Đàm Hư, Giới Trần, Trì Tùng, Diệu Chân, Tưởng Duy Kiều, Hoàng Thiếu Hy là những học trò nổi tiếng của Sư. Ngài nhập diệt tháng 7 năm 1932. Trước thuật nổi tiếng nhất là các bộ Viên Giác Kinh Giảng Nghĩa, Kim Cang Kinh Tân Sớ, Chung Thủy Tâm Yếu Giải, Quán Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa… được gom thành bộ Đế Nhàn Đại Sư Di Tập.

[70] Bảo Vương Tùy Tức do ngài Phi Tích đời Đường chế ra. Trong Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, quyển trung, ngài dạy như sau: “Người trên đời đa phần dùng bảo ngọc, thủy tinh, hạt Kim Cang, hạt Bồ Đề, hạt Mộc Hoạn để làm xâu chuỗi, còn ta dùng hơi thở ra vào để làm xâu chuỗi. Xưng danh hiệu theo hơi thở thì chắc chắn lắm, nào sợ thở ra không hít vào được bèn thuộc đời sau! Ta đi - đứng - nằm - ngồi thường dùng xâu chuỗi này, dẫu cho mê mệt cũng ôm Phật mà ngủ, thức lại niệm tiếp. Ắt trong mộng thấy được đức Phật!”

[71] Bộ sách này do ngài Ưu Đàm Phổ Độ chùa Đông Lâm, Lô Sơn (sống vào đời Nguyên) soạn, gồm 10 quyển. Còn có những tên gọi khác như Lô Sơn Ưu Đàm Bảo Giáo, Lô Sơn Liên Tông Bảo Giáo Niệm Phật Chánh Nhân, hoặc Niệm Phật Bảo Giám. Ngài Ưu Đàm coi mình là người nối tiếp chí hướng của sơ tổ Huệ Viễn, xiển dương giáo nghĩa của ngài Từ Chiếu Từ Nguyên thời Nam Tống. Sách gồm những trích lục trọng yếu về pháp Niệm Phật Tam Muội, sử truyện của Tịnh Tông. Ngài soạn tập sách này nhằm thuyết minh cặn kẽ giáo nghĩa Tịnh Độ được xiển dương bởi ngài Huệ Viễn và Tử Nguyên nhằm bài trừ những tà thuyết, kiến giải sai lầm của những người tự xưng là Tịnh Độ thời ấy. Nội dung chia thành các mục Niệm Phật Chánh Nhân, Niệm Phật Chánh Giáo, Niệm Phật Chánh Tông, Niệm Phật Chánh Phái, Niệm Phật Chánh Tín, Niệm Phật Chánh Hạnh, Niệm Phật Chánh Nguyện, Niệm Phật Vãng Sanh Chánh Quyết, Niệm Phật Chánh Báo, Niệm Phật Chánh Luận. Mỗi quyển gồm có phần tổng thuyết, rồi đến những đoạn kinh luận trọng yếu, hành trạng của cổ đức, giáo ngữ v.v…

[72] Ngũ Đình Tâm Quán: năm pháp quán để dứt phiền não, mê hoặc gồm Bất Tịnh Quán (quán tưởng thân thể mình và người khác dơ bẩn để dứt tham ái), Từ Bi Quán (quán tưởng lòng từ bi để đối trị sân hận), Duyên Khởi Quán (quán tưởng 12 nhân duyên thuận và nghịch để đối trị ngu si), Giới Phân Biệt Quán (quán tưởng các pháp của 18 giới đều do đất, nước, gió, lửa, không và thức hòa hợp để đối trị Ngã Chấp), và Sổ Tức Quán (đếm hơi thở để đối trị tâm tán loạn và khiến cho tâm dừng lặng nơi một cảnh)

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây