ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Nói đến sân tâm thì nó chính là tập tánh từ túc nghiệp. Nay đã biết sân là tổn hại vô ích thì đối với mọi chuyện trước mắt, hãy nên dùng tâm lượng biển rộng trời cao để dung nạp, tập tánh rộng rãi sẽ chuyển biến được tập tánh hẹp hòi trong đời trước. Nếu chẳng ra sức đối trị thì thói sân càng tăng, cái hại chẳng cạn. Đối với việc niệm Phật, phải án theo tinh thần, khí lực của chính mình để chọn lựa niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, hay niệm thầm, hoặc kim cang niệm (tức là niệm có tiếng, nhưng người khác không nghe thấy được. Những người trì chú gọi đó là kim cang niệm), sao lại niệm quá mạnh mẽ đến nỗi thành bệnh? Cái tâm quá mạnh mẽ ấy cũng là vì cái bệnh muốn cho lẹ. Nay đã chẳng thể niệm ra tiếng, nhưng chẳng lẽ trong tâm cũng không niệm thầm được hay sao, cớ gì chỉ hạn định trong Thập Niệm? Huống chi người bệnh nằm trên giường, trong tâm trống rỗng như bị rửa sạch, trọn chẳng có niệm gì. Nếu nghĩ đến chuyện khác sao bằng niệm danh hiệu Phật chẳng tốt hơn ư? Nên đem những sự vụ quan trọng, cần gấp giao cho người nhà, luôn nghĩ mình sắp chết, nghĩ sắp đọa địa ngục, trong tâm chẳng để ý đến chuyện gì. Dùng cái tâm thanh tịnh ấy nghĩ tưởng hình tượng Phật, và thầm niệm danh hiệu Phật, cũng như hình tượng và danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu làm được như vậy, chắc chắn nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, tật bệnh khỏi hẳn, thân tâm khỏe mạnh. Bệnh của các hạ vốn do túc nghiệp, do niệm Phật quá mạnh mẽ làm duyên nên bệnh mới phát hiện, chứ không phải chỉ hoàn toàn do vì niệm Phật quá mạnh mẽ mà có. Nếu không niệm Phật, cũng sẽ do nhân duyên khác mà bị bệnh. Trong đời, người không niệm Phật rất nhiều, nhưng nào có ai không bị bệnh, sống lâu, khỏe mạnh mãi mãi ư? Hiểu rõ điều này thì chính mình không lầm lạc, cho là “niệm Phật sanh bệnh, chỉ tổn hại, vô ích!” Quang và các hạ chưa từng gặp mặt, nhưng vì các hạ tính kế, thật chẳng khác nào cha mẹ, anh em của chính mình vậy! Do vì đức Phật vốn từ bi, muốn cho hết thảy những ai hữu duyên đều cùng được vãng sanh ngay trong đời này. Nếu chưa hiểu rành pháp môn Niệm Phật thì mỗi ngày hãy xem qua vài thiên Văn Sao để tìm sự hướng dẫn cho bước tiền đồ, mới khỏi phí một phen qua lại, bàn bạc, giãi bày vậy! Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba