Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 29: [THƯ 29]: Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ ba)

[Để hiểu] kinh A Di Đà nên dựa theo sách Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích, những lời giải thích trong sách Di Đà Trung Luận phần nhiều là ý kiến tùy tiện của chính tác giả, trái nghịch ý chỉ kinh, không thể tin cậy được! Phật vì chúng sanh trong chín pháp giới thuyết pháp, há có nên vì trí lực của mình chẳng thấu tới bèn đoan quyết chẳng có lý ấy hay chăng? Lời giải thích về đoạn kinh “từ một ngày đến bảy ngày” chứng tỏ tác giả đã đem chính mình so lường chín pháp giới. Nếu nói như vậy, không riêng gì bộ kinh Di Đà chẳng thể thống nhiếp mọi căn cơ, mà ngay cả toàn bộ những đàm luận nhiệm mầu viên đốn trong giáo điển cả một đời đức Phật cũng sẽ do trí của chính mình không hiểu thấu mà trở thành vọng ngữ! Báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, tội chẳng thể dung! Dẫu sách ấy cũng có chỗ cảnh tỉnh, khải phát hạng hạ căn, nhưng làm tổn hại đại thể. Do vậy, Quang tôi chẳng dám khuyên người khác thọ trì.

Pháp môn Tịnh Độ khác nào biển cả; sông to, rạch lớn đều đổ vào biển. Chén nước, giọt nước cũng đổ vào. Bậc chứng ngang với chư Phật còn cầu vãng sanh; kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác cũng dự vào phẩm cuối. Há có nên đem chuyện đắc nhất tâm và tam-muội để cự tuyệt người chưa đắc? Chỉ nên học theo như trên, hòng được như vậy, tự mình quyết chí cầu sanh, hãy chỉ nên mong mỏi được như thế. Nếu nói không nhất tâm và đắc tam-muội quyết định chẳng được vãng sanh thì chính là tự lập luận thuyết, chẳng nương theo lời Phật nói. Ba kinh Tịnh Độ lưu thông từ cổ cùng với phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện là bốn kinh, há nên nói là chẳng đáng tôn làm khuôn phép ư?

Nay người tu Tịnh nghiệp, đa số chẳng biết tông chỉ, chỉ dựa theo sự tướng. Nói dễ dãi thì cũng có thể gọi là hành nhân Tịnh tông. Nhưng nếu nói nghiêm khắc, thật ra trong trăm người có đến chín mươi lăm người đều thuộc loại “không Thiền, không Tịnh Độ”.Há có thể lấy những người như vậy làm chuẩn được sao? Do Tiểu Bổn (kinh A Di Đà) văn giản dị, nghĩa phong phú, nên được dùng làm kinh nhật tụng, còn những kinh kia thì tùy mỗi người thọ trì khác biệt. Những gì được nói trong sách Di Đà Trung Luận, cố nhiên có nhiều điều hữu ích, nhưng những điều gây trở ngại lại cũng chẳng ít. Nếu không có mắt trí huệ chọn lựa pháp, chỉ e chẳng được lợi ích gì, lại còn bị tổn hại hết cả, như những lời sách ấy giải thích về một ngày đến bảy ngày, thập niệm chẳng độ v.v…

Thọ trì đọc tụng từ đầu đến cuối là Chánh Hạnh của nhà Phật; dẫu là kẻ chuyên chú tham cứu trong Thiền Tông cũng phải thọ trì như thế, như các vị Dược Sơn, Ngưỡng Sơn, Vĩnh Minh, Thủ Sơn, Thê Hiền Thực, Dục Vương Vi v.v… Chỉ khăng khăng đề cao hướng thượng thì tợ hồ có bài bác việc thọ trì, chẳng biết đề cao hướng thượng thì khắp thế gian, pháp gì, chuyện gì cũng đều quy về bổn phận. Còn những kẻ chưa đắc môn ấy, chỉ hiểu nghĩa lý trên mặt văn tự rồi từ đó tham Thiền, đa phần miệt thị kinh giáo. Bọn họ tuy tự xưng là Thiền nhân, nhưng thật ra là tội nhân của pháp môn, là nghịch tử của Như Lai, sao đáng nói đến? Khuyên nên thọ trì đọc tụng thì các kinh không kinh nào chẳng dạy như thế, há nào phải chỉ mình Kim Cang hạnh nguyện?

Kinh Hoa Nghiêm vua trong Tam Tạng, cuối cùng quy trọng nguyện vương, nhưng coi trọng Hoa Nghiêm chẳng được coi thường các kinh khác vì các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể của kinh. Kinh Hoa Nghiêm lớn lao vì là đại pháp vượt ngoài pháp giới bàn thẳng vào chuyện xứng tánh, chẳng gồm Nhị Thừa. Pháp Hoa hay khéo ở chỗ gom ba thừa về Nhất Thừa, khai Quyền hiển Thật, khai Tích hiển Bổn[38]. Vì thế tông Thiên Thai bảo kinh Pháp Hoa “thuần viên độc diệu”, bởi lẽ Hoa Nghiêm vẫn còn nói kiêm về Quyền Giáo (tức là kinh Hoa Nghiêm còn nói đến những địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Những địa vị ấy thuộc về Quyền Giáo). Nhưng đối với kinh Pháp Hoa, Phật khen ngợi Pháp Hoa là vua trong các kinh; với Hoa Nghiêm cũng thế. Sau này, những người hoằng truyền kinh trong thế gian quyết định trong năm bộ phận lớn[39], chia ra kinh này cao, kinh kia thấp, chẳng phải là kinh nào cũng riêng được khen ngợi ư? Người tu Thiền ca ngợi Thiền Tông, người tu Tịnh Độ ca ngợi Tịnh Độ. Nếu không như thế sẽ chẳng thể khiến cho con người sanh chánh tín, phát khởi lòng ngưỡng mộ. Phải khéo hiểu ý nghĩa, chớ để văn từ hại ý. Mạnh Tử ca ngợi Khổng Tử là vị thánh chưa từng có trong trăm họ, nhưng Khổng Tử thấy vua Nghiêu trong canh, thấy vua Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng, lòng bắt chước, ngưỡng mộ ba vị thánh ấy sao mà chí thành đến mức cùng cực như thế!

Người niệm Phật chỉ cần chân thật, khẩn thiết niệm Phật sẽ tự có thể cậy vào Phật từ lực, tránh khỏi đao binh, nước, lửa. Nếu có gặp thì là do túc nghiệp kéo lôi cũng như vì được chuyển tội nặng trong địa ngục thành báo nhẹ trong đời này nên mới gặp phải những nạn ấy. Nhưng do thường ngày có lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết, chắc chắn lúc ấy sẽ được Phật tiếp dẫn. Nếu đã chứng tam-muội trong hiện tại, cố nhiên đã dự vào dòng Thánh, tự thân như huyễn, đao binh, nước, lửa đều chẳng gây trở ngại được. Dẫu hiện thời gặp nạn, thật ra không khổ, trong thế giới mênh mông được mấy ai như thế?

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm nghĩa lý rộng mênh mông, văn tự vi diệu, tụng phẩm này sẽ khiến cho những chấp trước “ta, người, chúng sanh” của người tụng trở nên không còn nữa; thiện căn vãng sanh Tịnh Độ ngày càng tăng trưởng. Lẽ ra phải nên tự hành, dạy người, nhưng chớ nên vì không trì kinh này, tu ngay Tịnh Độ, [mà cho rằng người như vậy] cũng thuộc hạng bạc phước, kém cỏi. Các vị Liên Trì, Ngẫu Ích cũng đều cực lực hoằng dương kinh này, trong Di Đà Yếu Giải có câu: “Trong giáo pháp suốt cả một đời của Như Lai, chỉ có mình kinh Hoa Nghiêm luận về sự viên mãn ngay trong một đời, nhưng cái nhân để được viên mãn trong một đời thì đến cuối cùng Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười nguyện vương dẫn về Cực Lạc, khuyến khích Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng. Ôi! Bẩm tánh của kinh Hoa Nghiêm đã được đặt trọn trong kinh này, nhưng thiên hạ xưa nay tin ít ngờ nhiều, viết càng lắm, nghĩa càng hao, tôi chỉ còn có cách mổ tim vẩy máu mà thôi”.

Do vậy, ngài Vô Ẩn nói kinh Hoa Nghiêm chính là quảng bổn (bản kinh giảng chi tiết) của kinh Di Đà, Di Đà chính là lược bổn của Hoa Nghiêm. Ngẫm lời hai vị đại sư liền biết: Nếu xem kinh mà không có con mắt viên dung sẽ cô phụ Phật ân nhiều lắm! Những gì Bất Huệ vụng về viết ra, tuy nghĩa lý có chỗ đáng dùng được, thật chẳng đáng coi là tác phẩm kiệt xuất thiên cổ, chẳng phải là thứ văn chương thường được khen ngợi cả một đời, chớ nên đem phàm xen lộn thánh, xem miếng gỗ một tấc trội hơn lầu cao!

Trong thư trước, ông nói sẽ qua Dương Châu, xin cứ tùy hỷ, tôi chưa từng đến đó. Lại nghĩ ông trên có mẹ già, trong nhà vợ yếu con thơ, lẽ ra nên tu trì tại gia, chớ nên rong ruổi bên ngoài. Chủ nhân có mặt ắt những chuyện bất ngờ bên ngoài tự nhiên chẳng khởi. Nếu ra ngoài lâu ngày không về, chẳng những hiếu giáo[40] bị khuyết, chỉ e tiểu nhân thừa dịp, trộm, cướp, nước, lửa đều nên đề phòng. Chẳng những không nên đi Dương Châu, ngay cả Phổ Đà cũng không nên tới. Nếu muốn chuyện trò, giãi bày, đã có bưu cục thay mình thông báo. Đôi bên đã thấu tình nhau, tốn kém quả thật chẳng mấy, sao không tính cho đôi bề vẹn lẽ vậy? Mong từ đây về sau đừng đánh điện tín, nếu có chuyện gì cần trình bày, hãy đợi ba tháng rưỡi sau hãy gởi.

Đi qua Dương Châu nói chung là bốn tháng rưỡi, nếu lại quyết định muốn lên núi [Phổ Đà] thì cũng nên tới vào ba tháng rưỡi sau. Nay đang nhằm lúc mọi người lên núi dâng hương, không biết khách dâng hương quá nhiều, mọi chuyện khó lòng đúng pháp. Gần đây đường tàu đã mở, từ tháng Giêng đến tháng Tám đều có người đến. Lúc rảnh thì mọi chuyện đều đúng thứ tự, lúc bận bịu thì mọi việc đều trở thành láo nháo hết. Người chân tâm lễ yết Đại Sĩ không thể không biết. Phật đạo không sâu, không cao, không cạn, không lớn, phải vừa sâu vừa cạn mới gọi là thường trụ. Ngôn từ chẳng diễn đạt được ý, nên nói là vừa cạn, vừa sâu, vừa nhỏ, vừa lớn, pháp nào cũng viên thông nên gọi là Thường Trụ.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây