Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 28: [THƯ 28]: Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ hai)

Sách Di Đà Trung Luận, dù kinh hay luận đều có công với Tịnh nghiệp hành nhân, mà cũng là đầu mối để người đời sau bài bác cổ nhân xằng bậy; lỗi ấy thật chẳng phải cạn cợt! Như sách ấy viết: Hãy nên chọn lấy pháp bế quan chuyên tu, hoặc kể từ khi ngài Khuông Lô sáng lập Liên Tông đến nay, không ai hiểu nghĩa lý kinh, tự chứng tam-muội, chỉ một mình Tỉnh Nhất đại sư. Đấy là lời bàn luận thiên kiến, hạn hẹp, khinh miệt cổ đức thậm tệ, mở ra đầu mối ngã mạn, mưu toan ngang hàng với bậc thông triết, há chẳng phải là vì báng Pháp, báng Tăng nên mới lập ra thuyết ấy, thật ra là muốn phô mình tự được chân truyền của bậc thánh sư, đúng là công thần bậc nhất của Tịnh tông mà thôi. Còn như tác giả chỉ trích các vị Tử Các, Vân Thê, Ngẫu Ích v.v… càng lộ rõ sự ít thấy ít nghe, chẳng thông đạt các pháp môn Quyền - Thật của Như Lai, muốn lấy căn cơ của mỗi một mình ông ta làm chuẩn!

Như cổ đức nói: “Một mắt lưới bắt được chim, chẳng thể nói mắt lưới ấy chính là toàn thể cái lưới. Một người có công trị quốc, chẳng thể coi một người là cả đất nước”. Ông Vương Canh Tâm quyết muốn coi một mắt lưới là cái lưới, coi một người là đất nước, nên lập ra luận ấy, khá là kiêu căng. Vẫn là tuổi trẻ bụng rỗng tâm cao, nhưng chớ nên giữ thái độ ngông cuồng ấy suốt đời. [Ông ta] khoe mình bế quan hai kỳ, cũng có sở chứng, thật khó tin tưởng! Vì sao nói thế? Người chứng tam-muội chẳng lập ra nghị luận biện bác như thế, chỉ tâm bình khí hòa, chỉ đề cao Lý. Nếu cuốn luận của ông ta có nhiều chỗ hợm mình chê người, ấy chính là lời lẽ của kẻ biện bác: “kiên bạch đồng dị”[35], không phải là bộ luận khế lý, khế cơ quyết định! Dẫu có công đi nữa, tôi chẳng dám hướng về người khác tán thán, bảo họ thọ trì, lưu thông.

Lưu thông Phật pháp thật chẳng phải chuyện dễ; phiên dịch kinh luận chẳng phải là chuyện chơi. Do vậy, trong dịch trường phải có vị chủ dịch, vị dịch ngữ, vị chứng nghĩa, nhuận văn, nào dám tùy tiện tự tâm cắt xén, truyền bá kinh Phật! Bản kinh Đại Di Đà[36] của ông Vương Long Thư từ triều Tống đến cuối đời Minh được nhiều người thọ trì; do ngài Vân Thê chê có những chỗ không hợp lý thích đáng nên từ đó về sau dần dần ẩn mất. Ông Ngụy Thừa Quán học thức không bằng Vương Long Thư, tự cho mình hơn hẳn Long Thư, noi theo dấu vết của người khác mà ra công nên dễ đắc lực, phải đâu Thừa Quán vượt trội Long Thư? Tổ Liên Trì còn không lưu thông bản của họ Vương, bọn ta dám đâu lưu truyền bản của họ Ngụy, bởi lẽ sẽ tạo đầu mối cho hậu nhân lầm lạc sửa đổi kinh Phật và tạo thành nạn bài xích Phật, chê: “Kinh Phật toàn do người đời sau biên soạn, chứ chẳng phải từ ban đầu kinh quả thật được dịch từ nước Phật ra!”

Nhưng nếu bậc chân tu thượng sĩ xem đến kinh[37] ấy, luận ấy ắt có lợi ích lớn, chỉ chọn lấy những gì ích lợi mà chẳng bị nhiễm những điều tệ. Nếu kẻ hạ căn xem đến, chẳng được ích lợi gì, trước hết còn bị tổn hại, bắt chước thói tệ sửa kinh, chê cổ đức, chẳng học đòi hạnh thẳng chóng, chuyên tinh. Quán sát căn cơ mà dạy cho thích hợp, đối chứng bệnh mà phát thuốc. Dạy chẳng khế hợp căn cơ, cho thuốc chẳng đúng bệnh vậy! Dám vì một hai điều chấp nhận được bèn cho lưu thông rộng khắp hầu tạo tội khiên cho kẻ hạ căn ư? Bộ Thích Quần Nghi Luận, Quang tôi trước kia chưa từng thỉnh được, cũng đã từng được xem qua một lần. Do mục lực chẳng đủ, đành chịu lỗi chẳng thể đọc nhiều lượt.

Nếu luận về sách phù hợp căn cơ hay nhất thì nên lấy Tịnh Độ Thập Yếu làm đầu, sách Di Đà Yếu Giải là lời chú giải tinh diệu nhất của ngài Ngẫu Ích, trong những bản chú giải kể từ khi đức Phật nói ra kinh này đến nay, nên tôn sách này là bậc nhất. Dẫu cho cổ Phật tái xuất trong đời, hiện tướng lưỡi rộng dài, chú giải lại kinh này, cũng chẳng thể hay hơn được nữa! Huống hồ kẻ hậu sinh nghe hiểu nông cạn, lại toan chê trách, mong trỗi vượt hơn ư? Đem lửa đom đóm sánh với mặt trời, thật chẳng biết lượng sức! Tiếc cho họ Vương sao lại khổ sở như thế! Chú Am hỏi đến sách nào đều đọc được, đấy chính là Tha Tâm Thông! Tôi muốn trình bày rõ ý chỉ ấy nhưng cần phải tu bổ [lầu] Tàng Kinh nên không rảnh, đành đợi khi khác.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây