Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 134: [THƯ 134]: Trả lời thư cư sĩ Mã Khế Tây (thư thứ hai)

Trong phần giải quyết mối nghi về Quyền, Thật, Tiệm, Đốn của sách Tây Phương Lộ (con đường Tây Phương), trước hết phải giảng rõ bốn chữ Quyền, Thật, Tiệm, Đốn; rồi mới luận đến niệm Phật, tham Thiền là Quyền, hay Thật, là Tiệm hay Đốn thì mới trọn chẳng bị nghi ngờ nghĩa lý! “Quyền” có nghĩa là Như Lai thuận theo căn cơ của chúng sanh, bày ra phương tiện khéo léo. “Thật” có nghĩa là Phật án theo những nghĩa chính tâm Ngài đã chứng mà nói. “Đốn” là chẳng cần theo thứ tự, thẳng tắt, mau chóng, hễ vượt khỏi liền chứng nhập ngay. “Tiệm” nghĩa là dần dần tu cao lên, chứng nhập theo thứ tự, cần phải tốn nhiều đời nhiều kiếp mới có thể đích thân chứng được Thật Tướng.

Những kẻ tham Thiền nói pháp Tham Thiền chính là pháp “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật; do vậy, Thiền là Thật, là Đốn”; nhưng chẳng biết Tham Thiền dù có đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mới chỉ là thấy được vị Phật Lý Tánh sẵn có trong tự tâm. Nếu là căn tánh đại Bồ Tát thì hễ ngộ bèn chứng, tự có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát khỏi tam giới. Từ đấy, thượng cầu, hạ hóa, dùng đó làm nền tảng để trang nghiêm cả phước lẫn huệ. Loại căn tánh này nếu luận trong số những người đại triệt đại ngộ thì cũng phải cả trăm ngàn người mới có được một hai! Nếu căn khí kém hơn, dù có thể diệu ngộ, nhưng Kiến Tư phiền não chưa thể đoạn trừ thì vẫn ở trong tam giới chịu sống, chịu chết. Đã bị sống - chết thì từ ngộ thành mê sẽ nhiều, từ ngộ vào ngộ hiếm lắm! Do vậy, tuy pháp này là Thật, là Đốn, nhưng nếu không đúng người cũng sẽ chẳng được hưởng lợi ích thật sự nơi Thật, nơi Đốn, vẫn trở thành pháp Quyền Tiệm mà thôi! Vì cớ sao? Do cậy vào tự lực! Nếu tự lực mười phần đầy đủ thì còn may mắn nào hơn! Hễ kém khuyết một chút sẽ chỉ ngộ được Lý Tánh, chẳng thể đích thân chứng được Lý Tánh. Ngày nay, kẻ đại triệt đại ngộ còn khó kiếm được, huống gì người chứng được điều họ đã ngộ!

Một pháp niệm Phật thông trên thấu dưới, vừa là Quyền vừa là Thật, vừa Tiệm vừa Đốn, chẳng thể phê phán bằng giáo lý thông thường. Trên đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chủng tánh A Tỳ đều nên tu tập (Đây gọi là “thông trên thấu dưới” vậy!) Như Lai vì chúng sanh thuyết pháp, chỉ muốn cho hết thảy chúng sanh liễu sanh thoát tử. Các pháp môn khác bậc thượng căn có thể giải quyết ngay trong một đời này, kẻ hạ căn bao kiếp vẫn khó thành được! Chỉ có mình pháp này, bất luận căn tánh nào, đều vãng sanh Tây Phương, liễu được sanh tử ngay trong đời này. Thẳng chóng như thế đó, há gọi là Tiệm được ư? Tuy có căn cơ nhưng chẳng phải là loại căn cơ như trong những pháp viên đốn thông thường nên có vẻ giống như Tiệm. Nhưng oai lực của pháp môn này nằm ở chỗ thệ nguyện của Như Lai khiến cho những căn tánh hèn kém mau được đại lợi ích. Lợi ích ấy hoàn toàn do cậy vào Phật từ lực.

Phàm những kẻ giảng Thiền, nếu chưa nghiên cứu Tịnh Tông, không ai chẳng miệt thị Tịnh Độ là thiển cận. Nếu nghiên cứu Tịnh Tông sâu xa, ắt sẽ tận tâm kiệt lực hoằng dương, há còn chấp trước vào những biện luận sai lầm Quyền, Thật, Tiệm, Đốn để tự lầm, lầm người nữa ư? Niệm Phật phải khéo phát tâm, tâm là chủ của sự tu trì. Nếu hợp với Tứ Hoằng Thệ Nguyện thì niệm một câu Phật hiệu, làm một chuyện lành, công đức vô lượng, vô biên. Huống chi ba nghiệp thân - khẩu - ý luôn chú trọng lấy niệm Phật để lợi sanh! Nếu tâm chỉ cầu tự lợi, chẳng muốn lợi người, tuy làm nhiều việc, nhưng đạt được công đức rất ít; huống chi lại đèo thêm ý niệm khuynh loát người, hại người, cũng như cái tâm khoác lác, tự kiêu thì cái tâm niệm Phật, điều thiện đã làm ấy cũng chẳng phải hoàn toàn là không có công đức gì, nhưng thật ra trong trăm ngàn vạn ức phần chỉ đạt được một phần, hay nửa phần, nhưng cái lỗi ác niệm cũng chẳng nhỏ nhoi đâu! Vì vậy, người tu hành đều phải khéo phát tâm, chứ không riêng gì người niệm Phật!

Nếu ước theo Thật Nghĩa rốt ráo để nạn (“nạn” nghĩa là cật vấn) chuyện “lấy - bỏ” thì tức là chẳng biết “rốt ráo không lấy không bỏ” chính là chuyện sau khi đã thành Phật. Nếu chưa thành Phật thì trong khi ấy, đoạn Hoặc chứng Chân đều thuộc về lấy - bỏ. Đã chấp nhận đoạn Hoặc chứng Chân là lấy - bỏ thì sao không chấp nhận chuyện lấy - bỏ trong việc bỏ Đông, lấy Tây, lìa cấu lấy tịnh? Nếu trong pháp Tham Thiền, lấy - bỏ đều sai, thì trong pháp Niệm Phật lấy - bỏ lại đều là đúng. Bởi một đằng chuyên suy xét Tự Tâm, một đằng kiêm nhờ Phật lực. Những người chẳng xét đến duyên do của pháp môn, lầm lẫn dùng pháp Tham Thiền để phá pháp Niệm Phật, tức là dùng sai ý nghĩa. Chuyện không lấy - bỏ vốn là Đề Hồ, nhưng người muốn niệm Phật cũng chẳng lấy - bỏ thì lại thành độc dược! Mùa Hạ mặc áo mỏng, mùa Đông mặc áo cừu, khát uống, đói ăn, chẳng thể trái nghịch mà cũng chẳng thể cố chấp, chỉ chọn lấy những gì thích nghi sẽ có lợi ích không gì tệ hại! Chỉ mong ông dốc sức trọn hết luân thường, chuyên chí niệm Phật. Nếu còn sức thì đối với cha mẹ, anh em, vợ con, bằng hữu v.v… tùy phần tùy sức khuyên dạy, ngõ hầu họ đều cùng được lợi ích nơi Niệm Phật để khỏi uổng dịp gặp gỡ trong kiếp sống này!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây