ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Phóng sanh là lấy việc đề xướng kiêng giết, bảo vệ sanh mạng làm gốc. Phàm những ai nhập hội đều nên ăn chay thì mới có thể đem lợi ích của việc ăn chay bảo cùng hết thảy mọi người. Dẫu không thể làm cho ai nấy đều thuận theo, nhưng do các vị trong quý hội đều là bậc quân tử đức dày, thật hành ăn chay, nên người ta cũng tự nhiên ngầm bị cảm hóa mà thay đổi, đều không còn sát sanh, không còn ăn thịt nữa. Nếu cứ ăn thịt như cũ thì công đức phóng sanh vẫn chẳng thể nghĩ bàn, nhưng vẫn tự mâu thuẫn với hạnh mình đang làm, vẫn là chẳng y theo đạo từ bi, trung hậu, khoan thứ để thực hành vậy; huống hồ là muốn cho những ai thấy nghe sẽ ngầm được cảm hóa, thay đổi ư? Quang chẳng có đạo đức, tài lực gì, chẳng thể giúp gì cho nghĩa cử tốt lành của quý hội được, kính dâng tấm ngu thành để bố thí. Các vị cư sĩ ở Thượng Hải lập ra Thường Trai Hội (hội thường ăn chay). Phàm ai gia nhập hội, bất luận quan, hôn, tang, tế đều chẳng ăn mặn. Năm ngoái, cư sĩ Quan Quýnh Chi yêu cầu Quang viết một bài tựa. Xem bài ấy sẽ biết được đại khái. Muốn biết tường tận thì nên gởi thư cho cư sĩ Quan Quýnh Chi ở đường Bạch Khắc, phố Hoài An, Thượng Hải. Họ có chương trình, hãy xin họ gởi cho một bản. Trong bộ Văn Sao của Quang, những văn tự khuyên người kiêng giết cũng có hơn mười thiên; tuy văn chương vụng về, chất phác, chẳng đáng lọt mắt người tao nhã, nhưng ý nghĩa cố nhiên có những chỗ chấp nhận được. Nếu chẳng chê là ô uế đáng vứt bỏ thì cũng đáng làm trò cười “đem hạt bụi vun vào hòn núi” vậy. Thêm nữa, quý hội đề xướng học Phật, lại suy tôn tiên sinh Tấn Tô chẳng tiếc sức. Đã rộng thí Đạo Vị Lục, lại còn giới thiệu người muốn học đạo, cầu ông ta truyền thọ chân kinh diệu quyết hòng đồng lên được bờ Giác. Tâm chí ấy có thể nói là thành khẩn, chân thực nỗ lực mong làm lợi người khác, nhưng tiếc là chưa biết nguyên do Phật pháp nên mới coi pháp trường sanh luyện đan vận khí là Phật pháp! Nếu nói: “Phàm những ai muốn cầu trường sinh và phép vệ sinh bèn giới thiệu cho họ sách ấy” thì cố nhiên không trở ngại gì. Bởi cái lợi lớn của pháp luyện đan là có thể kéo dài tuổi thọ, sống lâu, còn cái lợi nhỏ là có thể bảo dưỡng sắc thân; quả thật là pháp có ích cho con người. Nếu mù mờ gọi pháp ấy là Đạo, rồi xui khiến đệ tử Phật cầu cho được chân quyết (bí quyết chân thật) thì Danh và Thực mâu thuẫn lớn! Vì sao? Phật pháp có đầy đủ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng sót mảy may điều thiện nào; chỉ có mỗi một pháp luyện đan tuyệt nhiên chẳng nhắc tới, lại còn cấm thật ngặt. Là vì trong bước đầu nhập đạo, Phật dạy con người tu Tứ Niệm Xứ Quán: Một là quán thân bất tịnh, hai là quán thọ là khổ, ba là quán tâm vô thường, bốn là quán pháp vô ngã. Muốn thấy thấu suốt cái thân tâm huyễn vọng này ngõ hầu ngộ chứng chân tâm diệu tánh sẵn có. Luyện đan chỉ chăm chú bảo dưỡng sắc thân, chẳng hợp với tông chỉ của Phật. Nhưng ai tu pháp nấy, tùy mỗi người tự đạt được lợi ích, nên hai bên chẳng trở ngại lẫn nhau. Xem sách Đạo Vị Lục do tiên sinh Tấn Tô viết, đến phần khẩu quyết luyện Hỏa Hầucho rằng: “Đó là đạo liễu tánh mạng của Phật môn, gộp Tam Giáo đồng quy, thường hằng vạn cổ bất tuyệt. Lìa khỏi đạo này chính là ngoại đạo. Ra khỏi môn này bèn thành bàng môn. Đạo mạch Tiên Thiên đời đời nhất quán truyền thừa, từ lúc Đạt Ma Sơ Tổ từ trời Tây sang Đông, cho đến Bạch Mã Thất Tổ, y bát truyền trong nhà lửa”v.v… Đấy chính là mượn danh nghĩa Phật giáo để truyền pháp luyện đan, đâm ra hủy báng Phật pháp. Tháng trước, ông ta đã gởi cho tôi hai bản. Quang thấy ông ta tự phụ quá sâu, lẽ đâu chịu nghe theo Quang là kẻ bất tài ư? Nên để đó chẳng bàn đến. Nay thấy quý hội đề xướng Phật học, mà vẫn không biết ông ta không phải là học Phật, cho nên không thể không dốc hết lòng ngu thành của tôi để thưa trình. Nếu cho Quang là đa sự, cho là Quang thấy biết lầm lạc, chưa nghe đại đạo thì cũng xin cứ tùy ý. Chim cú giữ xác chuột rữa, phượng hoàng quyết chẳng thể bảo nó đừng ăn. Nay gởi đến một gói Văn Sao tổng cộng ba bộ, mong mọi người trong quý hội hãy đọc, và gởi cho cư sĩ Châu Tử Tú xem. Nếu cho là đúng thì cũng chưa từng bao giờ không phải là điều may mắn cho quý hội, nếu cho là sai thì cũng mặc tình bịt vò thay củi[9]. Từ đấy gia công dụng hạnh khuếch trương đạo luyện đan vận khí của tiên sinh Tấn Tô, khiến cho người trong thiên hạ cùng được trường sanh cũng tốt, nhưng nếu gọi đó là Phật pháp thì tuy chẳng báng Phật pháp, cũng vẫn mắc lỗi hủy báng Phật pháp. Tôi trộm cho rằng quý hội chưa phân biệt được chánh - tà nên mới thành ra như thế. Đã coi Quang là người trong pháp môn, nếu Quang cứ đối đãi với quý hội như ông Tấn Tô thì Quang đã phụ lòng quý hội, cho nên mới phải một phen đôi co như thế. Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba