ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Hôm qua nhận được thư, phô trọn nỗi lòng. Tuy chưa gặp mặt đã thấu lòng nhau. Quang chỉ là một ông Tăng dở tệ, chẳng có một mảy gì tốt đẹp, chẳng qua những gì tôi nói ra chỉ là dựa trên bổn phận của chính mình, chẳng dám nói chuyện lớn lao vượt quá sức mình, lừa mình, bịp người. Cư sĩ Úy Như do thấy ý kiến của tôi phù hợp với mình bèn đem [những thư từ của tôi] nhiều lần in ra lưu truyền đến nỗi mùi [thức ăn] thừa cặn chua hôi nhức tai gai mắt khắp mọi người. Không ngờ các hạ chẳng cho đó là chua hôi đáng vứt bỏ, lại còn đề cao, khôn ngăn người ta thẹn thùng không biết ẩn vào đâu! Qua một lá thư này, biết được đức và lỗi của các hạ, chẳng nề hà Quang vô tri, cứ xin Quang nói cho một vài điều đại lược. Chán ghét nhà Nho mượn kinh truyện thánh hiền để dối đời trộm danh, chán kẻ học Phật mượn cớ phổ độ chúng sanh để lừa gạt tiền tài. Ông mang ý chí mạnh mẽ chẳng ngơi ấy, ắt có thể chánh tâm thành ý, trở thành bậc chân Nho, đoạn Hoặc chứng chân, thành người học Phật thật sự. Cái tâm chán ghét càng khẩn thiết thì cái tâm tu hành càng đắc lực. Cái tâm tu hành càng đắc lực thì lợi ích chứng đắc càng lớn lao. Cái đức ấy quả thật có thể kế tục người xưa, mở đường cho hàng hậu lai. Nếu chỉ biết chán nhưng không chịu theo đuổi thì chỉ thành chí khí, tiết tháo của một kẻ ngay thẳng yếm thế ghét đời. Có thể nói là chẳng khéo dùng lòng ghét, đức trở thành lỗi vậy! Dường như các hạ một dạ ôm lòng chán ghét, nay hãy chuyển mình nơi lòng chán ghét ấy, hoàn toàn biến khuyết điểm thành đức thì với tâm pháp của Nho và Phật ắt sẽ nhân đó tự đạt được. Dám vì các hạ tính sẵn: Muốn làm một Phật tử chân thật, trước hết phải thành một nhà Nho chân thật đã! Nếu chẳng đôn đốc, tu dưỡng nơi chánh tâm thành ý, khắc kỷ, giữ lễ, trọng lòng kính, giữ lòng thành, hiếu thuận [với cha mẹ], yêu thương anh em, bè bạn, cung kính v.v… thì căn cơ chẳng vững, làm sao học Phật cho được! Tuyển trung thần từ nơi hiếu tử, lẽ nào kẻ hành vi trái nghịch Nho đạo lại có thể gánh vác gia nghiệp của Như Lai, trên tiếp nối huệ mạng, dưới hóa độ chúng sanh ư? Phật pháp không gì to lớn chẳng bao hàm, không gì nhỏ nhặt chẳng nêu lên. Thế gian, xuất thế gian không pháp nào chẳng thuộc phạm vi Phật pháp. Những kẻ nông nổi trong đời thường cho xuất gia làm Tăng là trái luân lý, đã chẳng suy nghĩ đến nơi đến chốn, trái lại còn hủy báng thêm, như kẻ mắc nghẹn bèn bỏ ăn, tự mất tánh mạng, thật đáng thương xót! Nếu có thể mở rộng tầm mắt, mới hay Phật pháp lưu truyền khắp trong nước, ngoài nước, hai ngàn năm qua, đạo pháp thạnh hành, được không biết bao nhiêu vua thánh tôi hiền, bậc kiệt sĩ vĩ nhân hộ trì truyền bá, cố nhiên trong ấy phải có cái đạo chân thật mà phàm tình chẳng thể suy lường được! Dẫu có một hai nhà Nho nông cạn chê trách, hoặc vua bạo ác hủy diệt, rốt cuộc một tay không bịt nổi mặt trời, ngửa mặt nhổ lên trời càng lộ rõ cái lỗi thấy nghe kém ít, làm càn, làm bậy của chính họ, chứ rốt cuộc có tổn hại gì đến Phật đâu! Lại có kẻ bề ngoài ra vẻ chê trách, bác bỏ, nhưng bên trong lại thật sự tu chứng. Từ đời Tống trở đi, phàm những tay cự phách trong làng Nho không ai chẳng vậy. Như Quang nói: “Thành ý chánh tâm do vậy bị khiếm khuyết” quả thật là lời bàn luận quyết định vậy! Các hạ túc căn sâu dầy, nên từ trong lòng chán lại mong cầu được cái chân thật, chẳng nề hà cầu tìm cho được lối vào nơi Quang là hạng không ra gì. Nhưng cái học của Quang khác nào con muỗi uống nước biển cả, chỉ biết no bụng, chẳng suy lường nổi sự sâu rộng của biển. Nếu muốn làm bậc đại thông gia, phải từ đường lối chung học Phật mà luận. Khởi Tín Luận, Lăng Nghiêm kinh là thiết yếu nhất, nên chuyên chú dụng công nơi chúng để làm cái gốc tự lợi, lợi người, thượng cầu, hạ hóa. Nhưng đạo lý rộng sâu, chỉ hoàn toàn thông suốt đã chẳng dễ gì, huống gì là do thông suốt bèn tự chứng! Những kinh luận Đại Thừa khác đều nên nghiên cứu, nhưng pháp môn vô lượng, ắt phải lấy hai pháp Thiền và Tịnh làm gốc. Như thế thì tự mình có thể hoằng dương pháp hóa, dẫn dắt lợi lạc chúng sanh. Nếu không phải là bậc thiên tư cao tột, thật khó thể đạt được lợi ích lớn lao! Nếu muốn tùy phận, tùy sức tu trì, liễu sanh tử ngay trong đời này thì nên chuyên chú vào một môn Tịnh Độ. Dùng lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận công phu sâu hay cạn, không ai lúc lâm chung không được toại nguyện. Pháp này chính là do Như Lai vì chúng sanh đời Mạt không đủ sức đoạn Hoặc, chẳng thể liễu sanh tử bèn đặc biệt lập ra một pháp quyết định liễu thoát vậy! Nếu Phật chẳng mở ra pháp này thì kẻ không sức đoạn Hoặc đều chẳng có hy vọng gì liễu thoát sanh tử! May mắn sao gặp được pháp này, dẫu không phải là kẻ căn cơ lớn lao tự đoạn được Hoặc vẫn đới nghiệp vãng sanh mau thoát sanh tử, nào còn thiếu sót, tiếc nuối gì? Một pháp này thống nhiếp hết thảy, người tự đoạn được Hoặc, tự liễu sanh tử, còn nên hồi tâm hướng về mới mau chứng được địa vị Phật. Chớ bảo pháp này là pháp thiển cận dành cho hạng ngu phu, ngu phụ tu tập, sẽ tự đánh mất lợi ích. Hãy nên xem trong bộ Văn Sao của Quang cũng có trình bày đại lược một hai điều, nay không nhắc lại nữa. Muốn niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì phải biết nhân hiểu quả, những gì thân làm, những gì tâm nghĩ phải hợp với Phật. Nếu trái nghịch Phật, dù có niệm Phật cũng khó vãng sanh! Đó là vì đạo cảm ứng chẳng tương giao! Nếu có thể sanh lòng hổ thẹn, sợ hãi lớn lao, sửa lỗi như trừ ghẻ độc, lập chí như giữ bạch ngọc thì vạn người không sót một ai, ai nấy đều được vãng sanh. Ý này trong bộ Văn Sao của Quang và các sách Tịnh Độ đều đã trình bày cặn kẽ nên chẳng cần phải nhiều lời. Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3