Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 236: Tự - Quyển 3 - Phần 2 - 41. Lời tựa cho cuốn Vạn Niên Bạ am Viên Thông

Lời tựa cho cuốn Vạn Niên Bạ am Viên Thông
(viết thay Vĩnh Ngộ hòa thượng)

Thật Tế lý địa chẳng nhiễm mảy trần, chuyện trong cửa Phật chẳng bỏ một pháp. Xưa đức Thế Tôn dùng ngũ thời bát giáo để ứng khắp mọi căn cơ. Tùy theo căn khí đều làm cho được lợi ích. Trong bốn thời trước, nói đủ mọi pháp môn lục độ vạn hạnh. Nhiếp tiểu thì chẳng bỏ sót điều thiện nhỏ nhặt, ứng đại thì bao trọn pháp giới. Đến thời Pháp Hoa bèn khai Quyền hiển Thật, hội tam quy nhất, thọ ký thành Phật cho khắp tất cả, diễn bày bản hoài lớn lao của Phật. Thuyết giả cho rằng kinh Pháp Hoa chính là lời bàn luận cùng cực rốt ráo của đức Như Lai, thuyết minh trọn vẹn xuyên suốt nguyên do của cả một đời giáo hóa. Như cuốn sổ cái ghi chép toàn bộ gia nghiệp, như thiên tử có chín cái đỉnh [1][48] vậy. Cuốn Vạn Niên Bạ đây cũng là cuốn sổ cái của Viên Thông thường trụ.

Xét từ sư tổ của tôi là Phổ Tín lão hòa thượng muốn nhiếp tâm thiền tịch

nên vào năm Đồng Trị thứ ba, tức năm Giáp Tý (1864), lập ra ba gian thảo am ngoài Tây Thiên Môn, cạnh tảng đá Bất Nhị, đặt tên là Viên Thông, chỉ đủ để che mưa nắng hòng yên thân tâm mà thôi. Lão nhân nhập tu Thiền Quán, nhìn ra biển thẳm, vui lòng thích chí, lấy pháp làm vui, thoạt đầu chưa nghĩ đến chuyện dựng tinh xá. Theo Sơn Chí, Viên Thông Am ở ngoài Tây Thiên Môn, vào năm Vạn Lịch thứ năm (1577), vị Tăng tên Viên Hiến dựng am ở trong hang, nhiều năm sau bị bỏ phế. Xưa ở trong hang, nay trên đỉnh núi; tên tuy giống nhau, nhưng nền hơi khác. Về sau, dời khỏi hang đưa thẳng lên núi Đại Niết Bàn, có phải là điềm báo trước của bậc thường quán biển Đại Tịch Diệt hay chăng? Năm năm sau, đúng năm Mậu Thìn (1868), thầy tôi là Sơn Tịnh lão nhân thâu nhận tôi và sư huynh Vĩnh Khánh. May được Đại Sĩ thầm gia hộ, hai ba năm sau, hương đèn đông đảo dần, đàn-việt thí chủ nhiều người kéo đến, liền mở rộng nền chùa, đổi tên là Thiền Am. Đến mùa Xuân năm sau, tiên sư thị hiện viên tịch.

Tôi tuân mạng lệnh từ ái của sư tổ, tận lực đảm nhiệm hoàn thành việc chùa, Khánh huynh (tức sư Vĩnh Khánh) chuyên tu Tịnh nghiệp; trải chín lượt nóng lạnh, ba phen đóng cửa Thiền để giúp đỡ. Đến năm Quý Dậu (1873) đời Đồng Trị, sư tổ về Tây. Tuy thế cục chưa được rộng rãi, lớn lao như hiện thời, nhưng đã có vẻ khả quan. Từ đấy về sau, người thế độ càng đông, nhang đèn càng thạnh. Lại thêm, con cháu tên X… kế tiếp đảm nhiệm chuyện ấy, lại càng chẳng tiếc tâm lực, lo liệu tu tạo. Nền chùa chỗ cao bèn khoét xuống, chỗ thấp bèn đắp thêm, khiến cho cuộc đất được bằng phẳng, con người có chỗ sử dụng mới thôi. Điện đường, nhà cửa hễ cần phải dựng bèn dựng, cần sửa liền sửa. Nhỏ hẹp, xấu xí thì mở rộng, sửa sang tráng lệ, thảy đều rực rỡ như mới, thành tựu quang cảnh đẹp đẽ. Lớn như tượng Phật, kinh điển, hạng trung như pháp khí trang nghiêm và đủ loại đồ vật, ngay cả thứ nhỏ nhặt như chiếc thìa, chiếc đũa, phàm những gì nên dùng vào Phật sự, những thứ cần dùng thường ngày không thứ gì chẳng có đủ. Điền sản tuy không được mấy, nhưng cũng đủ ăn cho một quý (ba tháng). So với kẻ không đất cắm dùi, vẫn khá hơn một chút!

Ôi! Tôi đã già rồi! Tháng ngày không còn mấy, muốn cho hậu nhân có cái kế thừa, vâng giữ, chẳng dám vứt bỏ bừa bãi, gượng bắt chước tiền nhân quang hiển, hoằng dương pháp đạo. Nay đem tất cả những đồ vật thường trụ lớn - nhỏ chia ra từng loại, nhất nhất chép vào sổ để lưu lại lâu xa. Am này chẳng phải do trời tạo đất dựng, mà là do tâm huyết của tôi, Khánh huynh và mười phương đàn-việt tạo thành; cháu con cũng dự phần góp sức, há phải đâu cũng uổng công tạo dựng ư? Ấy là vì muốn thành Phật quả thì phải viên mãn vạn đức; muốn chuyển pháp luân phải nhờ vào các duyên. Nay may được các duyên tạm đủ, phải nên thường chuyển pháp luân, tu trọn vạn hạnh ngõ hầu vạn đức viên thành.

Con cháu đông đảo an trụ trong am, không phải lo đói lạnh khốn khổ, có niềm vui tiêu dao nhàn hạ, há chẳng đau đáu nghĩ đến đại sự sanh tử, vô thường nhanh chóng, hiểu lòng thành khẩn của đàn-việt, nghĩ đến công tạo dựng gian nan, phát Bồ Đề tâm, dốc sức tu tịnh hạnh, ngõ hầu báo đáp tứ ân trong muôn một ư? Phàm thấy một cây kim, một nhánh cỏ trong am đều nói: “Những thứ này đều được sắm sửa để chúng ta tiếp nối huệ mạng Phật, tự lợi, lợi tha vậy!”, quý như thịt trên thân mình, giữ gìn như tròng mắt, khăng khắng tu trì suốt cả ngày còn chẳng đủ. Làm được như thế thì chẳng thẹn là đệ tử Như Lai, là con cháu của Đại Sĩ, được người kính, thần che chở, hiện tại phước huệ đều thạnh, tương lai có phần thành Phật. Nếu không, dưới lớp ca-sa, đánh mất thân người, tam đồ chịu báo trăm ngàn kiếp, chẳng biết lúc nào ngoi đầu ra được, còn nói gì nữa đây!
 

***

[1] Từ thời nhà Châu, hoàng đế cho đúc chín cái đỉnh lớn bằng đồng đặt ở kinh đô, tượng trưng cho chín châu lớn của Trung Hoa thời cổ. Chín châu tùy theo triều đại mà được phân định khác nhau. Chẳng hạn như vào đời nhà Hạ, chín châu là Cổn, Ký, Thanh, Từ, Dự, Kinh, Dương, Ung và Lương. Đời nhà Thương thì chín châu là Ký, Dự, Từ, Ung, Kinh, Dương, U, Cổn và Doanh. Đời Châu lại chia chín châu như sau: Dương, Kinh, Dự, Thanh, Cổn, Ung, U, Ký và Tịnh. Nói chung, chín châu này tượng trưng cho toàn bộ

lãnh thổ Trung Hoa.

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây