ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Nghe ông mắc bệnh, mong có ngày được lành bệnh. Người chẳng hiểu lý trong thế gian, mỗi khi mắc bệnh nếu không oán trời trách người cũng bèn cầu thần vái quỷ, uổng công tăng thêm nghiệp chướng, chỉ tổn hại vô ích! Các hạ hoàn toàn tu Tịnh nghiệp, vợ ông lo chăm sóc mọi chuyện trong nhà. Vợ hiền, con hiếu, trong tâm trọn chẳng phải lo âu gì, hãy nên đem hết thảy gia sự và sắc thân của chính mình toàn thân buông trọn xuống. Dùng cái tâm chẳng nhiễm mảy trần để trì thánh hiệu vạn đức hồng danh, coi mình như đã chết, ngoại trừ niệm Phật cầu tiếp dẫn ra, chẳng khởi một tạp niệm nào. Làm được như thế thì quyết định vãng sanh Tây Phương, siêu phàm nhập thánh. Tuổi thọ chưa hết thì quyết định nghiệp tiêu, bệnh lành, huệ rạng, phước cao. Nếu không thể niệm như thế, cứ si dại cầu chóng được lành bệnh thì chẳng những không thể chóng lành, trái lại bệnh còn nặng thêm! Nếu mạng đã hết, chắc chắn phải trôi nổi theo nghiệp, vĩnh viễn không có lúc thoát khỏi cõi khổ Sa Bà này. Mong hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm! Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Quyển thứ hai (Phần 3 hết) [1] Bạch Hào (ūrna laksana): Còn gọi là hào tướng, mi gian bạch hào tướng, bạch hào trang nghiêm tướng, mi gian bạch hào nhuyễn bạch đâu-la-miên tướng. Đây là một trong 32 tướng hảo của đức Như Lai. Tức là khoảng giữa hai mày Phật có một sợi lông mềm mại, trắng, sạch, cuộn tròn, kéo ra dài đến một Tầm (có kinh nói lúc sơ sanh dài năm thước Tàu, lúc thành đạo dài một trượng sáu), buông tay ra liền uyển chuyển xoay về phía hữu, trông như một con ốc trắng, bên trong rỗng, lóng lánh như ống lưu ly. Bạch Hào trông xa như một viên minh châu giữa trán, tỏa quang minh chói ngời, quang minh ấy gọi là “bạch hào quang”. Chúng sanh được quang minh ấy chạm vào bèn tiêu trừ túc nghiệp, thân tâm yên vui. Tướng này do trong lúc tu nhân, Như Lai luôn tán dương tùy hỷ những người tu tập Giới - Định - Huệ. Theo kinh Quán Phật Tam Muội Hải, tướng Bạch Hào là tướng thù thắng nhất trong vô lượng tướng của Như Lai (theo kinh này, ba mươi hai tướng đại nhân chỉ là ba mươi hai tướng tiêu biểu, dễ thấy nhất trong vô lượng tướng của Như Lai). [2] Tứ Thiếp Sớ chính là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ của ngài Thiện Đạo trước tác. Do tác phẩm này được chia thành bốn quyển nên còn gọi là Tứ Thiếp Sớ. [3] Theo Ma Ha Chỉ Quán, quyển 2, Tùy Tự Ý tam-muội là một trong bốn loại tam-muội của tông Thiên Thai, còn gọi là “phi hành phi tọa tam-muội”.Gọi là Tùy Tự Ý với ngụ ý: Hễ khởi ý liền tu tập Thiền Định, chẳng hạn cuộc là đi, đứng, hay nằm, ngồi. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã gọi cách tu này là Giác Ý tam-muội, ngài Nam Nhạc Huệ Tư gọi là Tùy Tự Ý tam-muội, với thâm ý: Trong hết thảy thời, hết thảy sự, tùy ý dụng quán, hễ niệm khởi bèn giác, hễ ý khởi bèn tu tam-muội. [4] Bế quan suốt đời không ra khỏi nơi ấy nữa thì gọi là tử quan. [5] Núi Thiên Mục ở huyện Lâm An, tỉnh Chiết Giang, tiếp giáp ranh giới tỉnh An Huy. Tên cổ là núi Phù Ngọc. Chia làm hai ngọn: Đông Thiên Mục dài đến 290 km, cao 1.520 m, gồm các ngọn Đại Sơn, Tướng Quân, Bảo Châu v.v... Tây Thiên Mục lấn sang địa phận huyện Tiềm dài 216 km, cao 1.547 m. Ngọn núi này từ cổ đã nổi tiếng vì các đạo tràng đạo Phật, đạo Lão. Ngài Trung Phong Minh Bổn cũng từng tu ở núi này. [6] Nho giáo có câu: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, oai vũ bất năng khuất”(Phú quý chẳng phóng đãng, nghèo khó chẳng đổi dời, oai vũ chẳng khuất phục) [7] Bổn Giác là giác tánh sẵn có. Theo giáo nghĩa Thiên Thai, thông qua tu tập, từ từ nhận biết, khơi mở được tâm nguyên sẵn có, đó gọi là Thỉ Giác. Còn bản tánh sẵn có thường hằng không hề bị nhiễm ô bởi phiền não, trần cảnh, thì gọi là Bổn Giác. Thành Phật Đạo chính là từ Thỉ Giác ngộ được Bổn Giác, Bổn Giác và Thỉ Giác hợp nhất. [8] Tử Bách đại sư (1543-1603): Húy là Chân Khả, pháp tự Đạt Quan, hiệu là Tử Bách Lão Nhân, là người ở Ngô Giang, sống vào thời Minh. Sư tánh tình mạnh mẽ, quyết đoán, thân thể khôi vĩ, thuở nhỏ thích đi đó đây làm việc nghĩa hiệp. Năm mười bảy tuổi, xin xuống tóc với ngài Minh Giác ở núi Hổ Khâu, thường đóng cửa đọc sách, trọn chẳng ra ngoài phạm vi nơi ấy suốt cả nửa năm. Hễ thấy người xuất gia uống rượu, ăn mặn, Sư quở: “Người xuất gia như vậy đáng giết đi!” Sau khi thọ Cụ Túc Giới, Sư bế quan suốt ba năm tại chùa Cảnh Đức ở Vũ Đường. Hạn kỳ mãn, bèn tham học các nơi. Nghe tụng bài kệ của Trương Chuyết: “Đoạn trừ vọng tưởng càng thêm bệnh, hướng đến Chân Như cũng chỉ tà”càng ôm mối nghi tình lớn. Một ngày nọ thọ trai xong, đang uống nước bỗng đại ngộ, nói: “Nếu ta thuộc tông Lâm Tế, ở dưới tòa ngài Đức Sơn, vỗ một cái liền tỉnh”. Ngài lên kinh đô, y chỉ với Biến Dung đại lão suốt chín năm. Cùng với Hám Sơn Đại Sư, ngài Tử Bách san nhuận tu bổ bộ Đại Minh Truyền Đăng Lục. Năm Vạn Lịch 28 (1600), triều đình đặt ra thuế má nặng nề, quan lại thừa cơ bòn rút dân chúng tàn tệ, Sư phẫn nộ, lên kinh đô kháng nghị. Sẵn có vụ án yêu thư yêu ngôn phát sinh, bọn tham quan vu cáo Sư chủ xướng nên Sư bị hạ ngục. Đến năm 1603, dẫu không bằng chứng, Sư vẫn bị kết tội tử hình. Nghe kết án, Sư thản nhiên nói: “Đời đã đến thế, ở lâu nơi đời làm gì?” Sư tắm gội, đọc kệ, dặn dò thị giả rồi ngồi ngay ngắn qua đời, thọ sáu mươi mốt tuổi. Sư để lại các tác phẩm: Bát Nhã Tâm Kinh Thuyết, Bát Nhã Tâm Kinh Yếu Luận, Bát Nhã Tâm Kinh Lược Đàm, Tử Bách Lão Nhân Tập (15 quyển), Tử Bách Lão Nhân Biệt Tập (4 quyển). [9] Nguyên văn: “Phú phẫu đại tân” (bịt vò, thay củi). Lấy tích từ chuyện Dương Hùng đời Hán soạn sách Thái Huyền chú giải kinh Dịch muốn lưu danh hậu thế. Lưu Hâm đọc xong quở: “Học giả trong thiên hạ còn không hiểu kinh Dịch, sao ông dám diễn giải Thái Huyền? Chỉ sợ người đời sau đem sách này để bịt vò tương mà thôi”.Do đó, có thành ngữ “phú phẫu đại tân” (bịt vò thay củi) với ngụ ý văn chương không đáng trọng, chỉ đáng dùng giấy ấy để bịt miệng vò tương hay đốt thay củi mà thôi! [10] Nguyên văn Quải Đáp, còn gọi là Quải Đơn, Quải Tích, Quải Bát, nghĩa là một vị Tăng du phương hành cước, ôm y bát, hành lý vào ở nhờ trong Tăng Đường một tự viện nào đó. Nếu vị trụ trì đồng ý cho vị du Tăng ấy nhập chúng ở lại thì gọi là “hứa quải đáp”. Ở đây, Tổ dùng chữ này với ý nghĩa mình chỉ là sống nhờ ở đậu nơi Phổ Đà. [11] Như Như Trí là Chân Như Diệu Trí, vốn sẵn thanh tịnh, không bị vô minh che lấp, không bị phiền não nhiễm ô, chiếu trọn các pháp, bình đẳng bất nhị. Chứng được Như Như Trí thì gọi là Như Như Phật [12] Tam mật là thân mật, khẩu mật, tâm mật. [13] Đây là truyền thuyết nói về sự biến thái từ ấu trùng thành tò vò. Ở đây, Tổ chỉ mượn truyền thuyết của dân gian Trung Quốc để nói cho dễ hiểu tác dụng của chú ngữ. [14] Địa Thượng Bồ Tát: Từ địa vị Sơ Địa trong trở lên. [15] Huệ Vĩnh (332-414), cao tăng đời Tấn, người xứ Hà Nội, họ Phan, xuất gia năm 20 tuổi, thờ ngài Trúc Đàm Hiện làm thầy, sau theo ngài Huệ Viễn qua học với ngài Đạo An. Khi ngài biệt cư ở Đông Lâm tại một chòi tranh trên đỉnh núi để tu tập, thất ngài ở thường tỏa mùi thơm lạ, nên người đời gọi là Hương Cốc. Có một con hổ quẩn quanh gần đấy, hễ ai đến, Ngài xua hổ chạy lên đỉnh núi. Người đi rồi, hổ lại về nằm phục bên lều. Ngài thông thạo kinh điển, khéo thuyết giảng, khi nói thường hay mỉm cười. Suốt đời cơm rau, áo vải thô, siêng năng tu hành không mệt mỏi. Năm Nghĩa Hy thứ mười Sư bị bệnh nhưng vẫn trì giới tinh chuyên. Lâm chung, tự đắp y, chắp tay, bảo đại chúng: “Phật đến rồi!” Nói xong, an tường qua đời, thọ 83 tuổi. Tăng tục ở trên núi ấy đều ngửi thấy mùi hương lạ, bảy ngày sau mới tan. Đường Huyền Tông truy tặng vua thụy hiệu Giác Tịch Đại Sư. [16] Ngài Thích Đạo An sống nhằm thời Đông Tấn, là một trong những vị đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển Phật giáo thời sơ kỳ ở Trung Quốc. Sư người huyện Thường Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Họ Vệ, sanh nhằm năm Vĩnh Gia thứ sáu nhà Đông Tấn (312), có thuyết nói là năm Kiến Hưng thứ hai (314). Ngài cực thông minh, mẫn tiệp, nối pháp của đại sư Phật Đồ Trừng. Sau phương Bắc Trung Hoa đại loạn, thầy trò hai vị phải lưu lạc khắp các nơi, giảng pháp, giáo hóa suốt 15 năm trong vùng Hồ Bắc, Tương Dương. Sau Phù Kiên nhà Tiền Tần, nghe danh đại sư, đem binh công hãm Tương Dương, đón ngài Đạo An về Trường An, cho sống ở chùa Ngũ Trùng, dùng lễ đãi Ngài như thầy. Ngài khuyên Phù Kiên nên thỉnh pháp sư Cưu Ma La Thập sang Tần. Chính ngài Đạo An đã khởi xướng việc đặt pháp danh và dùng chữ Thích trước tên họ Tăng chúng, với ngụ ý: Tăng chúng là con cháu nối tiếp pháp của Phật Thích Ca. Ngài chế định tăng y, nghi thức, oai nghi, quy củ của Tăng chúng cho nhất quán. Ngài còn chỉnh lý kinh luận Hán dịch, biên tập Tổng Lý Chúng Kinh Mục Lục (một loại thư mục kinh điển đầu tiên của Trung Hoa). Thư mục này nay không còn, nhưng bản Xuất Tam Ký Tập được biên soạn dựa trên thư mục này. Chính ngài Đạo An cũng là người đầu tiên đề xướng phân chia kinh Phật thành ba phần Tự Phần, Chánh Tông và Lưu Thông Phần để chú giải. Ngài tinh thông nhiều giáo thuyết Đại Tiểu Thừa, đặc biệt là Tánh tông. Chính sơ tổ Tịnh Tông là ngài Huệ Viễn nghe đại sư Đạo An giảng kinh Bát Nhã bèn cảm thán: “Chín phái Nho - Đạo đều là tấm cám”,rồi bèn xuất gia, hầu dưới tòa. Ngài tịch năm Thái Hòa thứ 10 (385). [17] Thông thường, “long tượng” vốn để chỉ con voi mạnh mẽ nhất trong loài voi, nên thường được dùng để ví cho hàng Bồ Tát có năng lực oai mãnh. Ngài Cát Tạng cho rằng con vật nào giỏi nhất, tốt nhất thì dùng chữ Long để biểu thị, như ngựa quý sẽ gọi là “long mã”. Kinh Đại Bát Niết Bàn gọi hàng Bồ Tát đã đoạn trừ các kết lậu Hoặc là Đại Long Tượng Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm lại nói “long tượng” để ví cho hàng Bồ Tát oai nghi tốt đẹp khôn sánh. Có thuyết nói “long tượng” là rồng và voi, hai loài có thế lực mạnh mẽ nhất trên cạn lẫn dưới nước, nên đời sau thường gọi người có sức Thiền Định mạnh mẽ tối thắng là bậc “long tượng”. [18] Tức quán Chân Đế, Tục Đế và Đệ Nhất Nghĩa Đế. [19] Tử Tâm Tân Thiền Sư chính là ngài Ngộ Tân (1044-1115), cao Tăng đời Tống, thuộc pháp hệ Hoàng Long trong tông Lâm Tế, đệ tử của ngài Hoàng Long Tổ Tâm, không rõ hành trạng. Ngài dốc lòng chuyên tu Tịnh Độ, tự xưng là Tử Tâm Tẩu (ông già lòng đã chết), còn lưu lại ngữ lục là Tử Tâm Ngộ Tân Thiền Sư Ngữ Lục, được xếp trong quyển 12 của Vạn Tục Tạng. [20] Ngài Chân Hiết, húy Thanh Liễu (1089-1151) là một vị cao tăng thuộc tông Tào Động, nối pháp ngài Đan Hà Tử Thuần, người An Xương (tỉnh Tứ Xuyên), họ Ung. Xuất gia năm 11 tuổi với ngài Thanh Tuấn chùa Thánh Quả, thoạt đầu học Pháp Hoa. Ngài từng tham học khắp Nga Mi, Ngũ Đài. Sau đến Đặng Châu (Hà Nam), lên núi Đan Hà tham yết ngài Tử Thuần bèn khai ngộ, được phó chúc nối pháp mạch của Ngài. Ngài thọ 63 tuổi, pháp lạp 45 năm. Trước tác gồm Tín Tâm Minh Niêm Cổ, Nhất Chưởng Lục v.v… [21] Ngài Tỉnh Thường (959-1020) là vị Tổ thứ bảy của tông Tịnh Độ, sống vào đời Tống, người huyện Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang, họ Nhan. Ngài xuất gia từ năm bảy tuổi, thọ Cụ Túc Giới năm 17 tuổi. Sau trụ trì chùa Chiêu Khánh ở Tây Hồ, Hàng Châu. Ngài hâm mộ di phong của tổ Lô Sơn Huệ Viễn, nên lập Bạch Liên Xã ở Tây Hồ, sau đổi thành Tịnh Hạnh Xã, lấy ý từ phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Tể tướng Vương Đán làm xã chủ. Ngài tịch năm 62 tuổi, nhục thân được táng ở núi Linh Ẩn gần phần mộ của Ô Khoa thiền sư, đời gọi Ngài là Tiền Đường Bạch Liên Xã Chủ, được phong hiệu là Chiêu Khánh Viên Tịnh Pháp Sư. Do ông Vương Đán có tước phong là Văn Chánh Công nên tổ Ấn Quang gọi là Vương Văn Chánh Công Đán. [22] Phạm Thiên Tư Tề (1686-1734), tức tổ Thật Hiền, Tổ mười một của tông Tịnh Độ, người xứ Thường Thục, Giang Tô, Ngài có pháp tự là Tư Tề, pháp hiệu là Tỉnh Am, thuộc gia đình đời đời học Nho. Xuất gia năm 15 tuổi, kinh điển đọc qua không bao giờ quên. Năm 24 tuổi thọ Cụ Túc Giới, nghiêm trì giới luật, chẳng lìa y bát, ngày chỉ ăn một bữa, không hề đặt mình xuống giường. Sau ngài tham yết sư Thiệu Đàm, nghe giảng Duy Thức, Lăng Nghiêm, Ma Ha Chỉ Quán, thông đạt giáo nghĩa Thiên Thai, Pháp Tướng v.v… nối tiếp pháp của ngài Thiệu Đàm thuộc Thiên Thai Chánh Tông, pháp phái Linh Phong. Ngài yểm quan ba năm tại núi Chân Tịch, đọc hết Đại Tạng, sáng chiều trì danh hiệu Phật. Sau ứng lời thỉnh của mười phương tùng lâm, giảng kinh hơn mười năm, tăng tục vùng Giang Tây quy y đông đảo. Tuổi già, ngài cự tuyệt mọi duyên, kết liên xã, chuyên tu Tịnh nghiệp, người đời xưng tụng là Vĩnh Minh Tái Lai. Năm Ung Chánh 11 (1733), Sư báo trước ngày mất, suốt ngày đêm niệm Phật đến hơn 10 vạn tiếng, đến tháng Tư năm sau bèn thị tịch, thọ 49 tuổi. Ngài còn để lại 108 bài thơ Tịnh Độ, Tây Phương Phát Nguyện Văn Chú, Tục Vãng Sanh Truyện, Niết Bàn Sám, nhưng bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Ngài nổi tiếng hơn cả và được đặc biệt coi trọng trong mọi tông phái. [23] Tân truyền: tức là nói gọn của thành ngữ “tân tận hỏa truyền” (củi hết nhưng lửa còn) ngụ ý đạo được truyền thừa từ thầy sang trò. [24] Tức nạn Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864). Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh là hai lãnh tụ của đám loạn tặc này đã đốt phá rất nhiều chùa miếu ở Hoa Nam trong nỗ lực cải đạo Trung Hoa theo tà giáo của họ. [25] Trong Kinh Dịch Phổ Thông (nxb Văn Hóa Thông Tin, tháng 07, 1997), nơi trang 383, tác giả Bùi Hạnh Cẩn dịch: “Nước chằm chan chứa, giao lưu, vui mừng. Quân tử cần vui cùng bè bạn, giảng giải đạo lý, trao đổi học thuật”. [26] Bằng 朋 (bạn) gồm hai chữ Nguyệt (mặt trăng) ghép lại. [27] Xã hữu: Người dự vào liên xã. [28] Khai Sĩ là một danh xưng khác của Bồ Tát. [29] Hiếu kính cha mẹ, hòa thuận, thương yêu anh em. [30] Đảnh thánh, nhãn sanh thiên: Đây là một bài kệ thời cổ luận về sự vãng sanh, nguyên văn như sau: Đảnh thánh, nhãn thiên sanh Nhân tâm, ngạ quỷ phúc Súc sanh tất cái ly, Địa ngục cước phản xuất Ý nói: Khi người chết tắt hơi, toàn thân đã lạnh, chỉ còn đảnh đầu nóng thì ắt đã siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nếu mắt cùng trán còn nóng thì sanh trong thiên đạo. Chỗ ngực còn ấm thì sanh nhân đạo. Riêng bụng còn nóng thì sanh ngạ quỷ. Riêng đầu gối còn nóng thì sanh làm súc sanh. Riêng bàn chân còn nóng thì sanh địa ngục. [31] Kinh Đại Bảo Tích (Mahā-Ratnakūta-Sūtra) gồm 120 quyển, thật ra là bộ tổng tập các kinh liên quan đến những phương pháp tu hành, thọ ký, thành Phật của các Bồ Tát. Bảo Tích có nghĩa là tích tập pháp bảo. Do pháp Đại Thừa sâu mầu nên gọi là Bảo, tích tập vô lượng pháp môn nên gọi là Tích. Toàn kinh chia thành 49 hội. Trong số ấy, những bản dịch kinh cùng nội dung nhưng khác tên của các nhà dịch kinh trong thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy, Đường gồm hơn 28 hội, gọi là phần Cựu Dịch. Ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch mới hai mươi sáu hội nữa, gọi là bản Tân Dịch. Bản kinh Bảo Tích hiện thời là tổng hợp của hai phần này. Như vậy, mỗi một pháp hội là một bộ kinh. Bản kinh này đã được tập thành tại Ấn Độ, khi ngài Huyền Trang về lại Trung Hoa có mang theo Phạn bản. Theo Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện, quyển 10, sau khi dịch xong bộ Đại Bát Nhã 600 quyển, pháp sư Huyền Trang thuận theo lời cầu thỉnh của chư sơn cao đức, dịch kinh này, nhưng tinh lực đã tận, nên chỉ dịch vài trang rồi ngưng. Bản kinh này đã được hòa thượng Trí Tịnh chuyển dịch sang Việt Văn. [32] Theo Tứ Thư Bạch Thoại Dị Giải, câu này có nghĩa là “dùng ý kiến ức đoán của chính mình suy lường nên bị trở ngại, vướng mắc”. [33] Giang Thận Tu là người huyện Hấp, tỉnh An Huy, thích nghiên cứu, rất tinh thông thuật bói toán. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Châu Dịch Thích Nghĩa gồm mười sáu quyển, vẫn còn được phổ biến mãi đến tận ngày nay. Ông đề ra những kiến giải đặc biệt, tân kỳ và tinh xác về thuật Dịch Học, nhất là Hà Đồ và Lạc Thư. Ông còn nghiên cứu rộng rãi nhiều học thuật, triết học đương thời, nên được coi là bậc đại học giả cuối đời Thanh. [34] Quẻ Thuần Càn gồm sáu hào Dương (tức sáu vạch liền), mỗi vạch đều được giảng bằng chữ Long, từ hào thứ nhất (sơ cửu) là Tiềm Long Vật Dụng, hào thứ hai là Hiện (Kiến) Long Tại Điền, cho đến hào thứ sáu (thượng cửu) là Kháng Long Hữu Hối. [35] Chiên Đàn (gośīrṣa-candana): Thường được gọi đủ là Ngưu Đầu Chiên Đàn, hay Ngưu Đàn Hương là một loại gỗ trầm hương (sandalwood), tương truyền lấy từ rặng núi Ngưu Đầu. Người Ấn Độ tin rằng bôi loại hương này lên thân sẽ ngăn được lửa, trị lành vết thương. Có nhiều loại chiên đàn, kinh Pháp Hoa nói có loại Hải Ngạn Chiên Đàn, một Thù của loại hương này giá trị bằng cả tam thiên đại thiên thế giới. [36] Giang Vị Nông (1873-1938), người xứ Ninh Ba, tỉnh Giang Tô, sống ở Hồ Bắc. Ông tên thật là Trung Nghiệp, tên tự là Vị Nông, pháp danh Diệu Hy. Từ nhỏ đã theo cha trì tụng kinh Kim Cang. Tuổi trung niên vợ mất, ngộ thế sự vô thường. Năm 1918, lễ ngài Vi Quân thiền sư làm thầy, thọ Bồ Tát Giới. Cuốn sách Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của ông được đánh giá rất cao, lưu truyền hết sức rộng rãi. [37] Do các đàn cầu cơ thường dùng cơ bút có hình cái giỏ, đầu giỏ có một cái mỏ nhọn, đôi khi khắc hình chim loan. Khi cầu cơ, hai người hầu cơ (thường gọi là đồng tử hay thanh đồng) nâng hai bên thành giỏ, hướng mũi chim loan xuống mâm cát hay mâm gạo viết thành chữ, nên thường gọi là “phù cơ” hay “phù (phò) loan”. [38] Giác Thế Kinh chính là Quan Thánh Đế Quân Giác Thế Chân Kinh (tương truyền do Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Công giáng cơ) có nội dung khuyến thiện, nêu lẽ nhân quả nên cũng rất được Phật môn Trung Hoa coi trọng. [39] Tháp Lôi Phong ở Tây Hồ thuộc huyện Hàng, tỉnh Chiết Giang, là thắng cảnh bậc nhất ở Tây Hồ. Tháp do bà vương phi họ Hoàng của vua nước Ngô Việt thời Ngũ Đại xây dựng để cất giữ mớ tóc xoắn ốc của đức Phật. Ngô Việt Vương Tiền Thục từng sai chép tám vạn bổn ngàn bản kinh cất trong tháp này. Tháp có tám cạnh, mỗi chiều rộng 18 bộ, trang hoàng rực rỡ. Thời Nguyên - Minh, tháp chỉ lại chỉ còn năm tầng, còn lại tám cửa. Do nền tháp bằng đá đỏ, trên xây bằng gạch hồng, lợp ngói vàng, trông rất rực rỡ trong nắng chiều. Năm Dân Quốc 14 (1925) đột nhiên sụp đổ, mới phát hiện gạch xây tháp toàn là khắc kinh Bảo Khiếp Ấn vào thời Ngũ Đại, nét chữ khắc rất tinh vi nên rất được giới yêu văn chương trân quý, tranh nhau sưu tập. [40] Thời xưa gọi tàu chạy bằng hơi nước, có bánh xe để đẩy nước ở phía sau tàu là “đại hỏa luân thuyền”. Nam Mô A Di Đà Phật! Ý kiến bạn đọc
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba